Những tính toán của Nga khi thành lập đơn vị robot chiến đấu đầu tiên

Nga mới đây đã thành lập đơn vị robot chiến đấu hiện đại Uran-9 đầu tiên, đây là bước đi nhiều toan tính.

Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Nga, đơn vị robot chiến đấu đầu tiên của Nga với 5 robot chiến đấu Uran-9 làm nòng cốt đã bắt đầu được thành lập, tuy nhiên, thông tin về lực lượng này vẫn chưa rõ ràng.

Robot chiến đấu Uran-9 dài 5,12m, rộng 2,53m, cao 2,5m, tổng trọng lượng chiến đấu 12 tấn, là robot chiến đấu hạng nặng tiêu biểu nhất trong số nhiều robot chiến đấu mặt đất của quân đội Nga.

 Robot chiến đấu Uran-9 của Nga. Nguồn: people.com.cn.

Robot chiến đấu Uran-9 của Nga. Nguồn: people.com.cn.

Robot được trang bị các mô-đun cảm biến khác nhau bao gồm cảm biến laser, quang điện và cảm biến ảnh nhiệt. Nó có khả năng nhận dạng và theo dõi mục tiêu tự động.

Nó có thể phát hiện và theo dõi mục tiêu trong phạm vi 3.000 m và có thể cơ động ở chế độ điều khiển từ xa hoặc tự động. Tốc độ cơ động đường trường tối đa là 35 km/h và thời gian chiến đấu liên tục là 6 giờ.

Robot được trang bị 1 pháo 2A72 30mm, 4 bệ phóng tên lửa chống tăng có điều khiển 9M120 Ataka, hoặc 6 ống phóng hỏa tiễn nhiệt áp RPO Shmel 93mm và 1 súng máy PKT/PKTM.

Đồng thời, robot cũng có thể mang tên lửa đất đối không 9K38, tên lửa phòng không di động 9K333 và tên lửa chống tăng 9M133M tùy theo yêu cầu nhiệm vụ. Có thể nói, robot có thể tạo ra những đòn “chí mạng” nhằm vào các mục tiêu bọc thép, mục tiêu tầm thấp và lực lượng bộ binh.

Nhìn vào quá trình phát triển và ứng dụng vũ khí, trang bị thông minh của Quân đội Nga có thể thấy rằng, Nga đã bắt tay vào một con đường phát triển trang bị quân sự tích hợp trí tuệ nhân tạo khác hẳn với phương Tây.

Đặc biệt từ quá trình phát triển và ứng dụng của robot chiến đấu Uran-9, có thể thấy ba đặc điểm trong quá trình phát triển quân sự thông minh của Quân đội Nga.

Thứ nhất là, tập trung vào vận dụng thực chiến của công nghệ thông minh. So với việc phương Tây tìm kiếm các công nghệ thông minh tiên tiến, Quân đội Nga chú trọng nhiều hơn đến việc cải thiện khả năng tác chiến thực tế.

Ví dụ, robot chiến đấu Uran-9 đủ mạnh để đối đầu với một đội bộ binh bọc thép. Thiết giáp hạng nặng có thể đối phó với các cuộc tấn công từ vũ khí bộ binh nói chung và khung gầm bánh xích có thể thích ứng với địa hình phức tạp như đồi núi.

Đặc biệt trong thử nghiệm chiến đấu thực tế ở Syria, robot chiến đấu Uran-9 đã thể hiện khả năng tấn công, phòng thủ và cơ động ở mức độ cao, có thể đáp ứng nhu cầu chiến đấu thực tế của lực lượng bộ binh Nga trong các nhiệm vụ như chi viện hỏa lực, chế áp hỏa lực và xâm nhập chiến tuyến của đối phương. Nhìn chung, những kết quả mà robot chiến đấu Uran-9 đạt được là nhờ triết lý thiết kế đáp ứng nhu cầu chiến đấu thực tế.

Thứ hai là, nâng cao trình độ thông minh dựa trên ưu điểm của thiết bị cơ giới hóa. Quân đội Nga luôn có một lực lượng vũ trang được cơ giới hóa mạnh mẽ, nhưng khả năng thông minh hóa vẫn có một khoảng cách nhất định so với phương Tây.

Để nhanh chóng thu hẹp khoảng cách này, Quân đội Nga đã lựa chọn phương pháp đẩy phát triển trang bị quân sự thông minh theo hướng mô-đun hóa. Áo giáp, vũ khí và khung gầm của robot chiến đấu Uranus-9 là sản phẩm của thời đại cơ giới hóa, trong khi đó cảm biến, hệ thống điều khiển hỏa lực và thuật toán tự động là sản phẩm của thời đại thông minh.

Thông qua kết hợp hai phương pháp này, robot chiến đấu của Nga có thể nhanh chóng để thích nghi hơn với chiến trường trong tương lai. Dựa trên phương pháp kết hợp thiết bị truyền thống với công nghệ tiên tiến này, quân đội Nga đang phát triển các loại vũ khí và thiết bị thông minh hơn.

Thứ ba là, nhằm vào những thiếu sót của lực lượng thông thường để phát triển vũ khí và trang bị thông minh. Dưới sự ngăn chặn của phương Tây, Quân đội Nga khó có thể phát triển vũ khí và trang bị thông thường trên quy mô lớn và mở rộng sức mạnh quân sự của mình.

Trước sức ép quân sự ngày càng gay gắt của NATO, Nga cần bù đắp những thiếu sót của sức mạnh quân sự thông thường một cách phù hợp với yêu cầu kinh tế. Về sức mạnh quân sự, đơn vị robot chiến đấu Uran-9 mới được thành lập có thể nói là đáp ứng hoàn toàn yêu cầu này.

So với sự tham gia của một đội bộ binh bọc thép, chi phí quân sự và nguy cơ thương vong của đơn vị robot thấp hơn nhiều trên chiến trường, đây là một trong những lý do quan trọng khiến Quân đội Nga có kế hoạch tăng tỷ lệ vũ khí và trang bị không người lái trong quân đội đến năm 2025 là 30%.

Đức Trí (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/quan-su/nhung-tinh-toan-cua-nga-khi-thanh-lap-don-vi-robot-chien-dau-dau-tien-282418.html