Những tình tiết mới công bố về 'bác sĩ tử thần' Josef Mengele

Josef Mengele là bác sĩ quân y trong quân đội Đức Quốc xã, nhưng được biết tới với cái tên 'bác sĩ tử thần' vì những thí nghiệm vô nhân đạo trên các tù nhân tại trại tập trung Auschwitz trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Sau chiến tranh, Mengele tìm cách đào tẩu tới Nam Mỹ và cuối cùng chết đuối do đột quỵ tại bãi biển Bertioga và được chôn cất dưới tên giả Wolfgang Gerhard.

Rolf Mengele là con trai của “bác sĩ tử thần” Josef Mengele, nói rằng bản thân ghê tởm với những gì mà cha ông đã làm trong quá khứ, và khẳng định ông biết về cái chết của cha mình từ năm 1979. Dưới đây là những tâm sự giấu kín của Rolf Mengele mà mãi gần đây mới được vài tờ báo đăng tải.

Giữ im lặng một thời gian dài

Rolf phân trần rằng ông sợ mình nói sự thật sẽ khiến gia đình phải đối mặt với những thứ không hay: dư luận, báo giới, truyền hình. Ông không muốn vạch trần những người từng giúp đỡ cha mình. Rolf nói: “Quý vị phải hiểu là tôi không hề ủng hộ cha mình, song tôi cũng không muốn tiết lộ về ông”.

Rolf Mengele và cha ruột, “bác sĩ tử thần” Josef Mengele.

Rolf Mengele và cha ruột, “bác sĩ tử thần” Josef Mengele.

Ngày nay (năm 2022) Rolf Mengele, 78 tuổi, là luật sư, có đầy đủ các giấy tờ về cha mình: những cuốn sổ tay được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, chúng chứa đựng những câu chuyện do chính Josef viết về những đứa trẻ mà ông đã làm thí nghiệm. Rolf có những bức ảnh chụp cha mình chèo thuyền chở con trai qua ao nước. Còn có những hình ảnh ghê rợn về các xác chết cháy khét lẹt treo trên hàng rào điện ở trại Auschwitz. Hàng đống xác, những núi giầy. Trong đó có những đôi giày nhỏ, nhỏ xíu. Nhiều đôi giầy trong đó thuộc về các nạn nhân của Josef Mengele.

Rolf kể rằng ông đã nhìn và nói chuyện với cha mình lần đầu tiên vào năm 1956, nói chuyện lần thứ 2 và cuối cùng trong năm 1977. Đó là người có vẻ ngoài trầm lắng và thân thiện. Trên chiếc bàn trong ngôi nhà của Rolf có những quyển sách và ảnh chụp của Josef Mengele. Cái vẻ trầm lắng đó khác với kẻ đã ung dung dùng vật sắc để xuyên thủng nhãn cầu của các nạn nhân hoặc bắn chúng để nghiên cứu tử thi phản ứng ra sao đối với các thí nghiệm.

Theo lời kể của Rolf thì Josef Mengele qua đời lặng lẽ. Ông ta bị đuối nước lúc tắm biển. Một câu hỏi đeo đẳng: Làm thế nào Josef Mengele trốn thoát khỏi các thợ săn mình suốt 35 năm? Câu trả lời là hai cha con họ đã thường xuyên liên lạc với nhau thông qua những bức tranh với nhiều chữ cái. Rolf kể rằng gia đình ông luôn biết Josef Mengele là ai.

Rolf Mengele nhìn thấy cha lần đầu tiên ở Thụy Sỹ vào khoảng tháng 3-1956. Trong lúc ngụ tại khách sạn trên núi để chơi trượt tuyết, Josef Mengele đã lấy bí danh là Helmut Gregor. Khi đó Rolf tròn 12 tuổi và ông được giới thiệu quý ông thân thiện là “ông chú” trong gia đình. Năm tròn 15 tuổi, Rolf té ngửa khi hay biết rằng “ông chú” không ai khác chính là bố mình. Hai cha con thường xuyên thư từ qua lại. Thư từ người cha thường đầy ắp lời căn dặn, nhắc nhở; thư của người con thường rất ngây ngô và chân thật.

Lần đầu gặp cha ở Brazil

Khi Rolf học luật, người cha càng nghiêm khắc hơn, người con đặt những câu hỏi về quá khứ của cha, về động cơ để thực hiện những việc làm tồi tệ. Và dần hình thành sự tranh cãi gay gắt. Rolf kể: “Năm 1977, tôi đã chán ngấy thư từ và muốn đối mặt với cha mình”. Khoảng tháng 5 năm đó, Rolf dùng hộ chiếu có tên Rolf Mengele và bay máy bay của hãng VARIG đến Rio de Janeiro, từ đó đến Sao Paulo.

Rolf nhớ duy nhất một địa chỉ trong đầu: Rua Missuri 7. Wolfram Bossert (người giám hộ cho Josef Mengele những năm tháng sống ẩn dật ở Brazil) chở Rolf đến Cairas, một khu dân cư nghèo khổ ở phía Bắc Rio. Rolf nhớ lại: “Ngôi nhà của bố tôi thật sự nhìn không khác một túp lều. Tôi mệt thở không ra hơi. Tôi thấy ông run lên vì phấn khích. Có những giọt lệ trong mắt ông”.

Khác với người đàn ông trong các bức ảnh thường trẻ trung, kiêu hãnh và tự tin, người đứng trước mặt tôi năm 1977 “là một sinh vật lấm lét”. Trong suốt 17 ngày Rolf ở với Josef Mengele, người con chứng kiến nỗi sợ của cha, chứng trầm cảm cùng xu hướng tự tử. Josef Mengele nói bằng tiếng Latinh và Hy Lạp, suốt ngày kể nhiều câu chuyện về cuộc đời mình, về những người bạn, những người đã giúp ông ta đào tẩu.

Josef Mengele trong “trại tử thần” Auschwitz.

Di chúc của Josef Mengele

Rolf Mengele trở về nhà và không gặp lại cha nữa. Năm 1979, ông nhận được tin cha đã chết trong tuần đầu tiên của tháng 3. Rolf nhớ lại: “Khi tôi đọc lá thư, ông ấy (Josef) đã mất được 4 tuần”. Lá thư kèm theo giấy báo tử được đánh máy, khoảng 140 dòng chữ. Những bản sao của lá thư được gửi hết cho các thành viên của gia tộc Mengele.

Lá thư không đề ngày tháng, trong lá thư là lời hứa hẹn sẽ kể chi tiết về cái ngày cuối cùng làm thế nào mà Josef Mengele mất mạng. Đó là lời miêu tả của Wolfram Bossert: “Trong lúc đi bơi ngoài biển, ông ấy (Josef Mengele) bất thình lình bị đột quỵ, rõ ràng là liệt một bên cơ thể khiến ông chỉ bơi bằng tay còn lại”.

Khi được hỏi cảm giác ra sao khi nhận được bức thư, Rolf ngập ngừng đáp: “Nhẹ nhõm”. Rolf không muốn cha mình bị cho là “kẻ sát nhân” hoặc “tội phạm”. Nhưng, việc là con đẻ của “bác sĩ tử thần” khiến ông cảm thấy đau khổ. Sau cái chết của Josef Mengele, Rolf đã bay đến Nam Mỹ để mang về rất nhiều tài liệu và hồ sơ làm hé lộ ánh sáng về 35 năm cuối đời của “bác sĩ tử thần”. Khi Josef rời trại Auschwitz, Rolf mới 9 tháng tuổi, đó là tháng Giêng năm 1945. Josef là một trong những người cuối cùng rời đi.

Nhật ký của Josef viết: "Cuối chiến tranh, đơn vị của tôi ở Tiệp Khắc, một đơn vị y tế”. Vào đêm lệnh ngừng bắn được loan báo, Josef đi về hướng Tây, gần thị trấn lớn đầu tiên, Nuremberg, Josef trở thành tù nhân của Mỹ. Sau cùng Josef giải ngũ tại Khu vực Mỹ với cái tên mới là Fritz Hollmann. Lúc đó, cái tên Josef Mengele không có trong bất kỳ danh sách truy nã nào, bản thân đại úy Josef Mengele không xăm nhóm máu lên cánh tay mình như các thành viên SS khác.

Năm 1940, khi gia nhập SS-Group Viking, Josef Mengele khước từ thủ tục xăm nhóm máu lên tay mình. Gia tộc Mengele rất giàu có, họ có nhà máy sản xuất máy móc nông trại, đã biến thành nơi sản xuất vũ khí trong suốt chiến tranh… đổi lại cánh nông dân sẽ trả thịt lợn xông khói, trứng, thịt và bơ.

Công ty Karl Mengele và những người con trai đã được sáng lập từ cách đó 110 năm bởi Karl Mengele, ngày nay nó là nơi sản xuất ô tô chở hàng lớn nhất châu Âu tuyển dụng tới 1.600 lao động trong một thành phố có 14.000 dân. Năm 1949, Josef Mengele đã từ chối phần thừa kế hợp pháp này bởi lý do nếu Josef bị kết tội, các nạn nhân có thể đòi hỏi công ty bồi thường. Năm 1984, công ty này có tài sản 90 triệu USD.

Mùa hè năm 1945, một chiếc xe quân cảnh dừng trước nông trang Schimpfle ở Auenried nơi vợ và con trai của Josef Mengele đang trú ẩn. Hai người Mỹ hỏi Josef ở đâu, bà Irene trả lời không biết. Lúc đó, Josef đang trốn trong cánh rừng ở Bavaria. Rolf kể rằng một tay buôn ma túy từng phục vụ trong lực lượng SS đã che chở cho Josef. Rolf biết tên người này nhưng từ chối công khai. Rolf không biết làm cách nào cha mình lại có thể đến chỗ nương náu thứ hai.

Josef Mengele làm sai lệch tên trong hồ sơ của mình. Rolf nghe mẹ kể về một khu vực nghi là nơi cha đang lẩn trốn ở miền Nam Rosenheim. Rolf nhớ nơi đó có nông trang Lechner. Người chủ nông trang này đã chết, bà vợ ông ta đã 75 tuổi kể về Fritz Hollmann một cách sống động. Josef ở chung phòng tại tầng một với người em trai của chủ trang trại là Alois. Bà Maria Fisher (vợ chủ trang trại) nhớ rằng Josef (Fritz) là một người thân thiện, siêng năng, và đọc rất nhiều.

Rolf Mengele không biết người lạ là cha của mình. Mẹ ông (bà Irene) và cha gặp nhau lén lút suốt 4 năm. Người mẹ nói với Rolf rằng bà chán cuộc sống này, bà ước có một cuộc sống trật tự, văn minh, chứ không phải kiểu trao đổi âu yếm trong vội vàng và hời hợt. Cuối cùng mẹ ông muốn thoát khỏi mối quan hệ này không phải vì bà ghét công việc của chồng, mà thực ra bà cũng có biết gì đâu. Bà cứ tưởng chồng mình đang điều trị các bệnh nhân dính đậu mùa và sốt thương hàn ở trại Auschwitz. Bà Irene có mục đích sống duy nhất là có đủ sữa và bơ để nuôi con.

Năm 1949, vận may đã mỉm cười với bà Irene, Josef Mengele nói với vợ rằng mình muốn bỏ nước Đức để đến Nam Mỹ, đến một quốc gia nơi “những người bị đàn áp không những được chào đón mà còn được tôn trọng”. Theo Rolf thì mẹ ông không muốn đi theo giấc mơ của người cha vào một nơi không chắc chắn, bà quyết định ly hôn.

Trại tập trung Auschwitz-Birkenau ở Ba Lan.

Cuối đời ở Nam Mỹ

Năm 1949, năm Josef Mengele trốn qua Nam Mỹ, 1.523 người đã bị các tòa án Đức tuyên bố là tội phạm Đức Quốc xã. Giữa năm 1949, 12 phiên tòa lớn đã được tổ chức bởi Tòa quân sự Mỹ ở Nuremberg. 23 kẻ bị buộc tội tham gia chương trình “thử nghiệm bác sĩ” hoặc nói nôm na là thực hiện những thí nghiệm đe dọa mạng sống người khác tại các trại tập trung. Sau 12 phiên xét xử chỉ có 12 trong số 24 kẻ bị tuyên án tử hình.

Suốt một thời gian dài, Rolf không nhìn thấy “ông chú”. Những lá thư đến từ Argentina, ông bóc tem trên các lá thư để sưu tập. Năm 1954, cha mẹ ly hôn nhưng Rolf không hề hay biết. Rồi Rolf nhận được một bức ảnh của “người chú”: ông ta trông khá bảnh, cười tươi, đứng trước xe hơi Borgward-Isabella bóng lộn. Rồi Rolf dọn đến sống ở Freiburg với mẹ khi bà đi bước nữa. Tên bà bây giờ là Hackjos.

Tháng 3-1956, khi đó Rolf 12 tuổi, được chở tới khu nghỉ mát trượt tuyết ở Engelberg (Thụy Sỹ). Tại đó Rolf gặp “ông chú Fritz”. Rolf không hay biết “chú Fritz” đã đăng ký phòng ở khách sạn Engel ở Engelberg với cái tên Helmut Gregor. Ông cũng mù tịt rằng họ hàng mình đã chuẩn bị cuộc gặp mặt giữa bà Martha Mengele (người vợ góa của người em trai của Josef) và Josef Mengele. Hai năm sau đó, họ kết hôn ở Montevideo (Uruguay). Gia đình Mengele tin rằng ở Nam Mỹ rất có thể Josef đã tiếp tục nghiên cứu các thí nghiệm của mình khi có những công trình chưa hoàn thiện.

Nguyễn Thanh Hải (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/nhung-tinh-tiet-moi-cong-bo-ve-bac-si-tu-than-josef-mengele-i663592/