Những tình nguyện viên JICA chung tay nối nhịp cầu hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản

Những tình nguyện viên Nhật Bản của tổ chức JICA như: Obikane Yasuo, Ito Mai, Shuto Mika và Nagase Ippei đã vượt qua những trở ngại về ngôn ngữ, văn hóa và lối sống, họ đã nỗ lực chung tay vun đắp tình hữu nghị hai nước Nhật - Việt bằng những công việc thiết thực và ý nghĩa tại Đà Nẵng và Huế.

Sứ giả hữu nghị Nhật - Việt

Vượt qua nhiều ứng cử viên, năm 2018 Obikane Yasuo, Ito Mai, Shuto Mika và năm 2019 là Nagase Ippei đã đến Huế và Đà Nẵng tham gia công tác tình nguyện với nhiệm kì 2 năm thông qua Chương trình phái cử tình nguyện viên của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (Japan International Cooperation Agency, viết tắt là JICA).

Tại Đà Nẵng, Shuto Mika làm giáo viên dạy tiếng Nhật ở trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng, còn Ito Mai chăm sóc và dạy dỗ các bé khuyết tật ở một trung tâm nhân đạo của thành phố. Ở Huế, Obikane Yasuo hướng dẫn sinh viên trường Cao đẳng Công nghiệp Huế kĩ thuật chế tạo máy bay không người lái (UAV), trong khi đó Nagase Ippei làm công tác vật lí trị liệu ở Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế.

Cả Obikane Yasuo, Ito Mai, Shuto Mika và Nagase Ippei đều lần đầu đến sống và làm việc tại Việt Nam nên những ngày đầu họ đã gặp không ít khó khăn trong công việc do sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa và cả lối sống. Thế nhưng, bằng tình cảm, sự chân thành và cả trách nhiệm của mình, họ đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ tình nguyện viên đáng trân quý, cũng như góp phần vào việc vun đắp tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản.

Shuto Mika - yêu Việt Nam từ áo dài, cây đàn bầu...

Shuto Mika là một tình nguyện viên cao cấp, những ngày ở Đà Nẵng, ngoài việc dạy tiếng Nhật, cô cũng dành nhiều thời gian tìm hiểu văn hóa của người Việt, và cuộc sống ở đây đã đem lại cho cô nhiều trải nghiệm thú vị. Shuto Mika tâm sự rằng, cô yêu áo dài Việt Nam, rất ấn tượng và muốn học theo cách sống lạc quan của người Việt, bởi tuy còn nhiều khó khăn nhưng mọi người ai cũng lạc quan, vui vẻ để hướng về phía trước.

Cô Shuto Mika rất yêu văn hóa truyền thống của Việt Nam. Cô luôn mặc trang phục áo dài mỗi khi lên lớp. Ngoài ra, cô Mika còn học chơi đàn bầu để tìm hiểu về văn hóa của người Việt.

Hoạt động học nhóm hào hứng giữa cô Shuto Mika và các bạn sinh viên (Ảnh: Baoanhvietnam)

Hoạt động học nhóm hào hứng giữa cô Shuto Mika và các bạn sinh viên (Ảnh: Baoanhvietnam)

Nagase Ippei: tiếng Việt quả thật rất khó

Tình nguyện viên Nagase Ippei điều trị phục hồi chức năng khớp gối cho một nữ bệnh nhân ở Huế (Ảnh: Baoanhvietnam)

Tiếng Việt thực sự là một trở ngại lớn đối với Nagase Ippei. Ngôn ngữ mới này khiến cho anh cảm thấy khó khăn trong giao tiếp và công việc. Rồi chính sự ấm áp, gần gũi và thân thiện của các đồng nghiệp người Việt ở Huế đã giúp anh vượt qua tất cả. Nhờ đó, anh đã yên tâm, hết lòng đem kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được trong những năm làm Trưởng nhóm kĩ thuật viên vật lí trị liệu ở Bệnh viện Đại học Y khoa Fujita Nhật Bản điều trị cho bệnh nhân, cũng như giúp nâng cao thêm trình độ chuyên môn cho các kĩ thuật viên ở Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế.

TS. Obikane Yasuo: đồ ăn Việt Nam món nào cũng ngon, nhất là rau củ

TS Obikane Yasuo, chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực kĩ thuật cơ khíbvà hàng không vũ trụ, hiện đang làm việc tại trường Cao đẳng Công nghiệp Huế (Ảnh: Baoanhvietnam)

TS. Obikane Yasuo cũng là tình nguyện viên cao cấp. Ông là chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực kĩ thuật hàng không vũ trụ và đã từng kinh qua công tác tình nguyện viên ở nhiều nước trên thế giới. Obikane Yasuo tính tình giản dị, dễ gần, ông chọn Huế làm điểm đến cho nhiệm kì công tác mới của mình với mong muốn rất thực tế đó là góp sức giúp Việt Nam phát triển và phồn vinh hơn. Vì thế ông nhiệt tình đem kiến thức của mình truyền thụ cho các bạn trẻ với hi vọng một ngày nào đó không xa họ có thể làm chủ được một trong những lĩnh vực công nghệ hàng đầu của thế giới đó là sản xuất UAV. Sống ở Huế, Obikane Yasuo đã có những chia sẻ đầy thú vị: “Tiếng Việt quá khó, còn thức ăn thì món nào cũng ngon, nhất là rau củ”.

Ito Mai: 20 năm trong lĩnh vực chăm sóc, hỗ trợ cho người khuyết tật thể chất và khuyết tật trí tuệ.

Tình nguyện viên Ito Mai hướng dẫn các bé cách làm đồ ăn (Ảnh: Baoanhvietnam)

So với ba người đồng hương của mình, Ito Mai nói tiếng Việt khá hơn nên cũng thuận lợi hơn trong việc chăm sóc và dạy dỗ các cháu nhỏ bị khuyết tật trí tuệ ở Cơ sở giáo dục hòa nhập Ước mơ xanh Đà Nẵng. Công việc tuy khá vất vả nhưng Ito Mai nhân hậu, chịu thương chịu khó, chẳng nề hà gì nên lũ trẻ đứa nào cũng quý mến cô. Và chính tình yêu của lũ trẻ đã truyền cảm hứng để Ito Mai tận tâm gắn bó với công việc, với Đà Nẵng, nơi cô đã đặt trọn tình yêu ngay từ ngày đầu đặt chân đến.

Chương trình phái cử tình nguyện viên của JICA bắt đầu được triển khai ở Việt Nam vào năm 1995. Cho đến nay đã có khoảng hơn 600 tình nguyện viên được cử đến làm việc ở khắp các tỉnh thành trên cả nước. Hiện có khoảng hơn 40 tình nguyện viên của JICA đang triển khai hoạt động trên các lĩnh vực như: giảng dạy tiếng Nhật, y tế, thể thao, giáo dục, du lịch, phúc lợi xã hội, nông lâm thủy sản, công nghiệp phụ trợ, phát triển địa phương… góp phần vào sự phát triển đời sống, con người và giải quyết các vấn đề xã hội ở Việt Nam, đồng thời cũng là cầu nối vun đắp tình hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản.

Vnanet

Anh Vũ (TH)

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/nhung-tinh-nguyen-vien-jica-chung-tay-noi-nhip-cau-huu-nghi-viet-nam-nhat-ban-112370.html