Những tình huống hài hước của học sinh lớp 1 khi học online

Nhiều giáo viên trẻ khi dạy online cho học sinh lớp 1 gặp những tình huống khó xử. Thấu hiểu trẻ, những giáo viên này đều có cách ứng xử phù hợp nhất.

Khi học online, giáo viên gặp nhiều khó khăn vì học sinh lớp 1 hiếu động, chưa tập trung ngồi trước máy tính trong thời gian cố định. Tuy nhiên, sau thời gian làm quen, những bài học online mang nhiều kỷ niệm thú vị tới cô và trò trường Marie Curie, Hà Nội.

Trẻ khóc, cười khi học trực tuyến

Cô giáo Phương Anh (26 tuổi, giáo viên lớp 1M4 kể chuyện khi học online, nhiều học sinh nhớ cô giáo và bạn bè nên òa ra khóc ngay trong lớp.

Học sinh lớp 1 được học online một giờ đồng hồ mỗi ngày nên tỏ ra rất hào hứng. Có học sinh ăn cơm sớm, ngồi trước bàn học 30 phút để trò chuyện cùng cô giáo. Thời gian sau buổi học cũng kéo dài hơn bởi những câu chuyện thú vị hàng ngày được các bạn chia sẻ.

 Học sinh lớp 1 tham gia học online. Ảnh: K.N.

Học sinh lớp 1 tham gia học online. Ảnh: K.N.

Lan Anh (23 tuổi, giáo viên lớp 1) cảm nhận rõ sự vui mừng khi trẻ được gặp cô và các bạn dù chỉ qua màn hình máy tính. Cô giáo chia sẻ học trò lớp 1 rất nhạy cảm, dễ xúc động.

Cô Lan Anh không ít lần gặp tình huống học sinh khóc vì không được giáo viên gọi trả lời. Điều này xuất phát từ nguyên nhân phần mềm giảng dạy online còn hạn chế, không cho phép giáo viên nhìn toàn bộ các thành viên trong lớp.

Một kỷ niệm hài hước cũng khiến cô giáo Lan Anh nhớ, học trò giơ tay xin phép đi vệ sinh nhưng quên không bật mic. Em ngồi đợi cô đồng ý mới dám rời khỏi chỗ ngồi.

Cô Nguyễn Lương (23 tuổi, giáo viên lớp 1) mỉm cười nhớ lại hình ảnh đáng yêu, khi học sinh luôn giữ thói quen giơ tay phát biểu, có động tác ăn mừng mỗi lần được cô khen.

“Kỷ niệm khiến mình nhớ mãi, học trò không biết câu trả lời nên đành cầu cứu bố mẹ nhưng không tắt mic. Cô và cả lớp đều nghe thấy, tất cả đều bật cười”, cô Lương nói.

Thời gian này học trò lớp 1 đã biết đọc, viết thành thạo hơn vì thế có thể nhắn cho bạn bè cũng lớp những dòng ngộ ngĩnh như: “Tớ chào cậu, Tớ chào cô và chào các bạn” hay hỏi bạn những phép tính… Điều này khiến các giáo viên rất vui vì các con đã biết vận dụng bài học để trao đổi thông tin online cùng nhau.

Cô Bích Ngọc, giáo viên chủ nhiệm lớp 1P2 nhớ lại ngày đầu dạy trực tuyến cũng là lần đầu cô “ra mắt” đầy đủ các thành viên trong gia đình học sinh. Bố mẹ, ông bà của trẻ đều ngồi trước màn hình quan sát lớp học, và nhận xét: “Cô giáo lớp con trông hiền nhỉ?”. Cảm xúc của giáo viên trong những giờ học online đầu tiên rất hồi hộp.

Cô Ngọc kể, có lần học sinh giơ tay nhưng chưa được gọi trả lời, phụ huynh ngồi cạnh sốt ruột thay con nên bật mic gọi cô: “Con giơ tay mãi mà chưa được gọi, cô ơi”.

Cô Bích Ngọc - giáo viên lớp 1 hồi hộp trong những ngày đầu dạy online. Ảnh: NVCC.

Trở ngại, khó khăn

Những buổi đầu học online, học sinh chưa quen với thao tác bật, tắt mic vì vậy khi cô gọi các em trả lời còn nhiều lúng túng.

Những buổi học sau, cô trò thường online sớm để có thời gian kiểm danh và kiểm tra thiết bị âm thanh. Hiện tại, học sinh đã làm quen và sử dụng thành thạo phần mềm online, cũng là khi các con quay trở lại trường học. Các giáo viên cho rằng phương án học trực tuyến nên được tiếp tục triển khai khi cần thiết, hay để bổ sung kiến thức.

Cô Lan Anh chia sẻ học online khó kiểm soát hoạt động của các con. Ví dụ, với học sinh lớp 1, ở dạng bài nghe - viết, cô giáo không kiểm soát được các con đang nghe - viết hay đang nhìn - viết. Vì vậy, việc học trực tuyến với học sinh lớp 1 chỉ đạt hiệu quả tốt khi có sự phối hợp của gia đình, hỗ trợ con trong rèn chữ, trình bày, gửi bài tập hàng ngày cho giáo viên chấm, chữa.

Ngoài ra, học sinh tham gia học với thời gian một tiếng mỗi ngày nhưng vẫn phải đảm bảo kiến thức giống một ngày trên lớp, việc tiếp thu kiến thức sẽ không được khắc sâu. Trong khi đó, học sinh tiếp xúc với màn hình máy tính nhiều cũng có thể gây hại mắt.

Để khắc phục những khó khăn, giúp học trò hứng thú, giáo viên đã nghĩ ra nhiều phương pháp như thường xuyên thay đổi nội dung, hình thức dạy học, thiết kế bài giảng bằng nhiều hình ảnh sinh động.

Cô Lan Anh đưa ra hình thức chơi mà học. Khi thực hiện đủ bài tập, học bài tập trung, trả lời đúng, học sinh sẽ được thưởng phiếu khen. Khi đủ phiếu khen, các bạn sẽ được tham gia "phiên chợ đổi quà" vào cuối tháng. Vào cuối tuần, giáo viên cũng tổ chức nhiều tiết sinh hoạt theo chủ đề như: Một ngày ở nhà của tớ, Quyển sách em yêu, Thời thơ ấu...

Các giáo viên cho rằng, hình thức học online là phương pháp thay thế tạm thời việc học truyền thống. Học trực tuyến là cơ hội để cô trò được trò chuyện, hiểu nhau nhiều hơn. Học sinh được bày tỏ, tương tác với các bạn khi không thể gặp mặt nhau.

Kim Ngân

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-tinh-huong-hai-huoc-cua-hoc-sinh-lop-1-khi-hoc-online-post1082933.html