Những tín hiệu tích cực từ thương vụ sáp nhập PG Bank vào HDBank

Dự kiến thương vụ sáp nhập PG Bank vào HDBank hoàn thành vào tháng 8, nhưng đến thời điểm này, giới thạo tin cho hay vẫn chưa có tín hiệu mới nào về kết quả của thương vụ. Tuy nhiên, những tin tức từ vụ sáp nhập đã đem lại nhưng tín hiệu tích cực cho HDBank (HDB).

Hiện tại, các ngân hàng rất quan tâm đến room tín dụng do Ngân hàng Nhà nước giao. Trong 6 tháng đầu năm 2018, tăng trưởng tín dụng tăng 6,9% so với cuối năm 2017, tăng trưởng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, nửa đầu năm, các ngân hàng đã đẩy mạnh dư nợ, khiến tăng trưởng tín dụng ở mức cao, do đó nếu Ngân hàng Nhà nước không nới “room” tín dụng sẽ khiến các ngân hàng khó xoay sở.

Trong đại hội đồng cổ đông của 2 ngân hàng HDBank và PG Bank diễn ra hồi tháng 4/2018 đã thông qua việc sáp nhập PG Bank vào HDBank. Thoạt nhìn, thương vụ này đã làm giới tài chính ngân hàng bất ngờ với nhiều đoán định về tương lai của PG Bank cũng như HDBank và câu hỏi đặt ra là ngân hàng nào sẽ được lợi trong thương vụ này?

Ngày 2/8/2018, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Chỉ thị số 04/CT-NHNN trong đó sẽ không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (trừ trường hợp đặc biệt là ngân hàng tham gia tái cơ cấu, TCTD yếu kém).

Theo BCTC quý 2 năm 2018, dư nợ cho vay của HD Bank đạt 118,9 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng tín dụng là 15,1% so với đầu năm 2017. Như vậy, nếu trường hợp HDBank sáp nhập PG Bank thành công, theo chỉ thị 04/CT-NHNN, “room” tín dụng của HDbank sẽ được nới rộng do PG Bank chưa dùng tới “room” tăng trưởng tín dụng. Đây là lợi ích đầu tiên mà HDBank có được.

Ngoài ra, nếu thương vụ này thành công, HDBank sẽ tận dụng được lợi thế từ PG Bank với hệ sinh thái khách hàng đến từ Petrolimex với hơn 16 chi nhánh và 63 phòng giao dịch ở 3 miền bắc, trung, nam. Điều này giúp HD Bank mở rộng mạng lưới lên tới 365 phòng giao dịch, chi nhánh, lọt vào top 5 ngân hàng có quy mô lớn trong khối ngân hàng tư nhân.

Về cơ cấu tài chính, sau sáp nhập, vốn điều lệ của HDBank là 15,3 nghìn tỷ đồng, tổng tài sản đạt 267,2 nghìn tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng đạt 170,6 nghìn tỷ đồng, tổng huy động đạt 245 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 4,7 nghìn tỷ đồng.

Thương vụ HDBank sáp nhập PG Bank đang đợi phê duyệt kế hoạch sáp nhập từ Ngân hàng Nhà nước. Dự kiến, nếu được thông qua, thương vụ này sẽ kết thúc vào quý IV/2018.

Tính đến quý 2/2018, tổng tài sản của HDB đạt 191,2 nghìn tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt 118,9 nghìn tỷ đồng, huy động vốn đạt 126,7 nghìn tỷ đồng, thu nhập lãi ròng đạt 3,7 nghìn tỷ đồng trong đó lợi nhuận sau thuế đạt 1,6 nghìn tỷ đồng.

Giá cổ phiếu HDB sau nhịp giảm mạnh từ tháng 4/2018 ở mốc 49.000 đồng/ cổ phiếu xuống mốc 32.000 đồng/ cổ phiếu trong 3 tháng. Giá cổ phiếu HDB đã tạo đáy và bật tăng trở lại, chấm dứt xu hướng giảm điểm, hình thành xu hướng tăng giá mới, hiện ở mốc 38.150 đồng/ cổ phiếu.

Hiện tại, giá cổ phiếu HDB đang giao dịch với mức P/E là 11,56 lần, thấp hơn trung bình ngành ngân hàng và toàn thị trường. Định giá cổ phiếu của HDB khá thấp so với giá trị và so với toàn thị trường khi xu hướng tăng điểm của thị trường đang được nhóm ngân hàng dẫn dắt.

THÀNH LONG

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/nhung-tin-hieu-tich-cuc-tu-thuong-vu-sap-nhap-pg-bank-vao-hdbank-11547.html