Tín hiệu tích cực từ 12 dự án yếu kém của Bộ Công Thương

Sau hơn 1 năm triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phương án xử lý 12 dự án của Bộ Công Thương, hiện cả 12 dự án đều đã chuyển biến tích cực. Theo đó, trong 6 nhà máy thua lỗ, thời điểm này 2 nhà máy có lãi.

Thông tin trên được đưa ra tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương tổ chức chiều ngày 17/10.

Dự án thua lỗ của Bộ Công Thương đã tiến triển tích cực

Trả lời câu hỏi của PV về tiến độ xử lý 12 dự án kém hiệu quả của ngành Công Thương, ông Dương Duy Hưng - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho biết, trong 12 dự án này, có rất nhiều vấn đề khó khăn vướng mắc, bởi vì có dự án này kéo dài hơn chục năm.

Theo ông Hưng, có nhiều khó khăn trong việc xử lý các dự án, đặc biệt là vấn đề liên quan tới việc xử lý các tranh chấp tại các hợp đồng EPC. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc sát sao của Chính phủ, các Bộ, ngành, 12 dự án yếu kém từng bước được cải thiện, bên cạnh đó, còn xử lý được các vấn đề liên quan đến môi trường, an sinh xã hội... tạo tiền đề để xử lý hiệu quả các vấn đề còn tồn đọng, yếu kém.

Dẫn chững về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho hay, sau hơn 1 năm triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phương án xử lý 12 dự án, đến nay các dự án này đều có chuyển biến tích cực. Theo đó, 6 nhà máy thua lỗ, thời điểm này có 2 nhà máy đã có lãi. Cụ thể, 8 tháng đầu năm 2018, Công ty CP DAP - Vinachem Hải Phòng lãi 147,68 tỷ đồng, Nhà máy Thép Việt Trung lãi 527,2 tỷ đồng.

4 dự án còn lại có sản xuất nhưng lỗ, hiện đều có phương án tiết giảm sản xuất, tiết giảm chi phí, tổ chức sản xuất kinh doanh có hiệu quả hơn.

PVTex là một trong những dự án thua lỗ của Bộ Công Thương

Với nhóm 3 nhà máy dừng sản xuất, ông Hưng cũng cho biết, nhà máy PVTex Đình Vũ đã vận hành từ tháng 4/2018. Nhà máy Nhiên liệu sinh học Miền Trung sẽ khởi động trở lại khi thị trường thuận lợi. Nhà máy Bộ giấy Phương Nam cũng đang có phương án triển khai về mặt lâu dài.

"Sau 2 năm như vậy những chỉ số tổng dư nợ đều giảm theo thời gian, cụ thể là giảm 124 tỷ đồng so với ngày 31/1/2018," ông Dương Duy Hưng nói thêm.

Cũng theo ông Hưng, việc xử lý các dự án này đã bảo đảm nguyên tắc của Bộ Chính trị cũng như Chính phủ, Ban chỉ đạo đề ra là không sử dụng vốn Nhà nước bơm vào các dự án, bảo đảm dự án vận hành theo nguyên tắc thị trường, giảm nợ, thu hồi vốn cho ngân sách Nhà nước. Bộ Công Thương cũng đảm bảo đến năm 2020 có thể xử lý dứt điểm các dự án này.

Liên quan đến Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, ông Trần Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than thông tin cho biết, nhà máy đã được vận hành chạy thử tháng 5/2018 và có đầu mối ký hợp đồng cung cấp xăng dầu.

Để bán sản phẩm, Nghi Sơn đã có phương án giải phóng hàng của kho xăng dầu sản xuất bằng hình thức giảm giá sản phẩm. Trên cơ sở đó, tháng 7 và tháng 8, toàn bộ xăng dầu ở Nghi Sơn đã đầy kho.

Tăng trưởng xuất khẩu đạt tốt, quy mô xuất khẩu tăng mạnh

Cũng tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã đưa ra những đánh giá chung những kết quả ngành Công Thương đạt được trong sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 9 tháng đầu năm.

Theo đó, tăng trưởng xuất khẩu đạt 15,4% so với cùng kỳ, tương đương mức tăng tuyệt đối là 23,9 tỷ USD. Tính đến hết quý III, tăng trưởng xuất khẩu đã vượt xa mục tiêu kế hoạch đề ra (tăng trưởng 10%.

Đóng góp lớn vào mức tăng trưởng xuất khẩu là 3 nhóm hàng điện thoại các loại; máy tính và linh kiện và nhóm các sản phẩm dệt may. Tính chung cả ba nhóm hàng này đã tăng khoảng 11,54 tỷ USD so với cùng kỳ, đóng góp gần 50% vào tổng mức tăng 23,9 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu.

Bên cạnh đó, quy mô xuất khẩu tiếp tục được mở rộng. Cụ thể, tính đến hết tháng 9 năm 2018, đã có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (trong đó có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD). Những mặt hàng dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu tiếp tục là điện thoại các loại và linh kiện (36,13 tỷ USD), hàng dệt, may (22,56 tỷ USD), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (21,65 tỷ USD), máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (12,1 tỷ USD), giày dép các loại (11,77 tỷ USD).

Kim ngạch nhập khẩu 9 tháng năm 2018 ước đạt 173,52 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 69,34 tỷ USD, tăng 11,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 104,18 tỷ USD, tăng 11,9%.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, nếu như những năm trước đây, xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI luôn đạt mức tăng trưởng cao hơn so với khối doanh nghiệp trong nước thì thời gian gần đây, tốc độ tăng trưởng của khối trong nước đã cao hơn khối FDI.

Trong 9 tháng đầu năm 2018, khối doanh nghiệp này xuất khẩu khoảng 51,08 tỷ USD, tăng 17,5%, cao hơn mức tăng trưởng xuất khẩu chung. Số liệu xuất khẩu những năm gần đây cho thấy những kết quả tích cực trong mức tăng trưởng của khối doanh nghiệp này: Năm 2015 xuất khẩu giảm 2,6%; năm 2016 xuất khẩu chỉ tăng 5,5%, năm 2017 xuất khẩu tăng 17,7%.

Hàng hóa Việt Nam đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới. Cả năm 2017, trong hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ có quan hệ thương mại với Việt Nam, có 28 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó 5 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 5 tỷ USD, 4 thị trường trên 10 tỷ USD (Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc).

Yến Nhi

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/kinh-te/201810/tin-hieu-tich-cuc-tu-12-du-an-yeu-kem-cua-bo-cong-thuong-616960/