Những tín hiệu tích cực trong giải quyết xung đột Israel-Palestine

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ ủng hộ một giải pháp hai nhà nước theo một thỏa thuận chung giữa Palestine và Israel.

Tổng thư ký Liên đoàn Arab Ahmed Aboul Gheit hy vọng trung gian Mỹ sớm khởi động một tiến trình hòa bình nghiêm túc giữa người Palestine và người Israel nhằm giải quyết xung đột theo một giải pháp toàn diện và cuối cùng.

Tổng thư ký Liên đoàn Arab kêu gọi chính quyền Mỹ khởi động tiến trình hòa bình giữa Palestine và Israel nhằm giải quyết xung đột theo một giải pháp toàn diện và cuối cùng. Ảnh: Masrawy

Tổng thư ký Liên đoàn Arab kêu gọi chính quyền Mỹ khởi động tiến trình hòa bình giữa Palestine và Israel nhằm giải quyết xung đột theo một giải pháp toàn diện và cuối cùng. Ảnh: Masrawy

Ông Aboul Gheit mong muốn chính quyền mới của Mỹ sửa đổi các biện pháp và chính sách không hữu ích để giải quyết hiệu quả cuộc xung Israel-Palestine đồng thời cho rằng việc Israel chiếm đóng các lãnh thổ của người Palestine vẫn là cuộc xung đột dài nhất và phức tạp nhất, là vấn đề ảnh hưởng nhiều nhất đến các vấn đề của Trung Đông trong cùng thời gian.

Liên đoàn Arab nhấn mạnh rằng cộng đồng quốc tế vẫn coi giải pháp hai nhà nước là công thức duy nhất để chấm dứt xung đột giữa Palestine và Israel, mong muốn các cuộc đàm phán trực tiếp nghiêm túc sẽ sớm bắt đầu dưới sự bảo trợ của quốc tế và Arab trong bầu không khí tích cực.

Trong diễn biến liên quan, chính quyền của Tổng thống Joe Biden ngày 26/1 tuyên bố ủng hộ giải pháp hai nhà nước theo một thỏa thuận chung và chấm dứt xung đột giữa Israel-Palestine. Ông Joe Biden đã chỉ đạo chính quyền nối lại các kênh liên lạc đáng tin cậy với Palestine và Israel và nhấn mạnh rằng các nỗ lực ngoại giao sẽ bao gồm việc khôi phục mối quan hệ với giới lãnh đạo và người dân Palestine, khôi phục viện trợ nhân đạo cho Palestine.

Chính quyền mới của Mỹ cho rằng hòa bình không thể áp đặt cho người Israel hoặc người Palestine và sự hỗ trợ ngoại giao của Mỹ sẽ bắt đầu dựa trên tham vấn tích cực của cả hai bên và thành công cuối cùng cần có sự đồng ý tích cực của cả hai bên. Mỹ cũng sẽ thúc giục chính phủ Israel và chính quyền Palestine tránh các bước đơn phương khiến giải pháp hai nhà nước trở nên khó khăn hơn, như sáp nhập đất đai, các hoạt động định cư, kích động bạo lực.

Trên bình diện quốc tế, Nga cũng đã đề xuất tổ chức một hội nghị quốc tế về xung đột Israel-Palestine ở cấp bộ trưởng trong đó Nga, Mỹ, Liên hợp quốc và Liên minh châu Âu sẽ tham gia với tư cách là thành viên của Bộ tứ về hòa giải ở Trung Đông và bốn nước Arab gồm Ai Cập, Jordan, UAE và Bahrain. Nga hy vọng cuộc gặp này có thể mở ra các cuộc đối thoại, đồng thời cũng sẵn sàng tổ chức tại Moscow một cuộc gặp ở cấp cao nhất giữa Israel và Palestine.

Dư luận quốc tế cũng kêu gọi Israel và Palestine thực hiện các bước cụ thể để khôi phục lòng tin, nối lại các cuộc đàm phán./.

Ngọc Thạch/VOV-Cairo

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/nhung-tin-hieu-tich-cuc-trong-giai-quyet-xung-dot-israel-palestine-833460.vov