Những tiêu cực trong công tác cán bộ đã được tiên liệu

Theo Nhà báo Nhị Lê, chỉ cần những người làm công tác cán bộ, người được quyền chọn người của bộ máy có đủ 8 chữ: Trung thực, dũng cảm, trách nhiệm, trong sạch.

Sau Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị và bài viết chỉ đạo mang tầm chiến lược của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đặc biệt mới đây nhất là Kết luận của Ban Bí thư, nhằm chấn chỉnh công tác nhân sự trước thềm Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng, Nhà báo, TS. Nhị Lê – Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho biết, quan sát mỗi nhiệm kỳ đại hội của Đảng kể từ Đại hội I đến nay, ông nhận thấy chưa có khóa nào như khóa này, trước ngày Đại hội Đảng bộ các cấp dự kiến diễn ra vào cuối quý I/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo toàn Đảng từ rất sớm, hết sức cụ thể, chặt chẽ, thể hiện tầm nhìn, sự quyết đoán và hết sức thận trọng, để chuẩn bị thật tốt về mặt nhân sự cho Đại hội XIII, trực tiếp là Đại hội Đảng bộ các cấp.

PV: Ông có thể phân tích sâu hơn về ý nghĩa những chỉ đạo của Đảng ta, của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về công tác cán bộ?

Nhà báo Nhị Lê: Để chuẩn bị cho Đại hội XIII, Đảng ta đã làm tất cả những việc cần phải làm về công tác cán bộ. Chưa một khóa nào như khóa này, những công việc của khóa XII để chuẩn bị cho nhiệm kỳ XIII đã được Đảng nhìn xa, chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản và được triển khai từ rất sớm.

Từ Hội nghị Trung ương 6, đặc biệt tại Hội nghị Trung ương 9, một danh sách quy hoạch cán bộ với tầm nhìn rất rộng, được cân nhắc kỹ lưỡng và kỳ vọng sẽ lựa chọn được những nhân tố mới ngang tầm dẫn dắt công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ. Trước hết từ Ban Chấp hành Trung ương với hơn 200 cán bộ được giới thiệu theo quy trình chặt chẽ và được sàng lọc liên tục với phương châm quy hoạch động và mở.

Kết luận của Ban Bí thư ban hành ngày 15/8/2019 vừa qua một lần nữa khắc sâu những công việc toàn Đảng đã, đang và tiếp tục làm và phải làm thật tốt. Đó là một trọng sự, việc lựa chọn các nhân tố để cơ cấu vào Ban Chấp hành Đảng bộ các cấp được Ban Bí thư chỉ đạo sát sao, cụ thể, chặt chẽ và đầy tinh thần dân chủ.

Có thể hy vọng, Đảng đã mở rộng các cánh cửa để đón các nhân tố mới trong Đảng một cách đa dạng và dân chủ, sẽ lựa chọn và cấu tạo nên một Ban Chấp hành Đảng bộ thực sự xứng đáng với trọng trách và sự tin cậy mà đại hội các cấp giao cho họ.

Bên cạnh đó, tính kế thừa được bảo đảm một cách chủ động và liên tục, thể hiện ở 3 độ tuổi, đặc biệt coi trọng những nhân tố mới ở những lĩnh vực then chốt trong nền kinh tế xã hội; đặc biệt coi trọng cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số, cán bộ khoa học kỹ thuật… để thực sự vừa bảo đảm tính cơ cấu, vừa bảo đảm tính toàn diện, đặc biệt đảm bảo chất lượng của các cấp ủy.

Chúng ta phải chuẩn bị cho công tác cán bộ trước một thời gian dài như thế nhằm khắc phục tình trạng ở nhiều nhiệm kỳ nay, đó là tình trạng trước thềm đại hội “đốt đuốc” đi tìm cán bộ; để khắc chế tất cả những biểu hiện trong công tác cán bộ mà nhiều nhiệm kỳ phải giải quyết, đó là tệ nạn chạy chức chạy quyền, dễ người dễ ta, thậm chí buông trôi, phó mặc ở một số người giữ trọng trách… Nhưng điều đáng lưu ý nhất ở việc chuẩn bị cho đại hội các cấp lần này là, tình trạng nín thở qua đại hội, nhiều người không dám làm gì để thủ thế giữ mình, nhưng thực chất là né tránh, không va chạm, thậm chí cả thói cơ hội… Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã từng nhắc nhở về tình trạng này và cách đây gần một tháng, tiếp tục cảnh báo tại Kỳ họp thứ 16 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Theo tôi hiểu, Ban Bí thư ra kết luận cũng là nhằm khắc chế, đẩy lùi tình trạng đó.

Đặc biệt, tình trạng kéo bè kéo cánh, những cuộc bổ nhiệm thần tốc, những cuộc hoàng hôn nhiệm kỳ… cũng đã được tiên liệu và có kế sách ngăn chặn cụ thể.

Kỳ vọng rằng, từ những quyết sách chính trị về mặt đường lối của Đảng sẽ lựa chọn được đội ngũ tương dung với việc tổ chức thực hiện đường lối chính trị một cách xứng đáng. Có như vậy, sức mạnh lãnh đạo, uy tín lãnh đạo, đặc biệt hiệu quả lãnh đạo của tất cả các đảng bộ trong toàn Đảng, trực tiếp đứng đầu là Ban Chấp hành Trung ương, sẽ hoàn thành trọng trách của mình, như mong muốn.

PV: Sau hàng loạt vụ việc cán bộ trẻ thuộc diện “con ông cháu cha”, được kỳ vọng là những “hạt giống đỏ” của đất nước, bị xử lý kỷ luật, sự nghiệp “giữa đường đứt gánh”, vậy có nên tiếp tục kỳ vọng vào những “hạt giống” đó?

Nhà báo Nhị Lê: Vấn đề này trong lịch sử nước nhà không hiếm, tam đại đồng triều: ông, cha và con cùng làm quan trong triều, điều đó tôi cho là bình thường. Nhìn ra các nước cũng như vậy, Bush cha, Bush con đều làm Tổng thống nước Mỹ. Hiện tại, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh là con trai của Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch...

Nhìn trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp của Đảng hiện nay không thiếu. Điều đó cho thấy, vấn đề là cơ chế tuyển chọn, tất cả các đảng viên trong Đảng, tất cả các công dân Việt Nam dù xuất thân như thế nào đều phải được lựa chọn một cách dân chủ và bình đẳng. Nhưng rất tiếc, thời gian vừa qua, chúng ta ở nhiều nơi không làm được việc đó, thậm chí có nơi bị phá vỡ thế chiến lược bố trí cán bộ, vì những lối đi khuất tất, vì con ông cháu cha, cả họ làm quan, đang râm ran khắp từ Nam chí Bắc, dường như nằm ngoài vòng kiểm soát. Một dòng tộc mà có đến 40 người được người cùng họ đang giữ trọng trách về công tác cán bộ chọn vào bộ máy lãnh đạo của một tỉnh thì còn gì để nói về cơ hội và chỗ đứng cho những người tài giỏi khác, cho dù người ta có bào chữa điều đó với đủ thứ quy trình phong phú, chặt chẽ tới mấy! Lỗ hổng về cơ chế lựa chọn đang bị “phơi nhiễm” ở chính chỗ này!

PV: Vậy theo ông, để lựa chọn được những cán bộ đáp ứng yêu cầu của Đảng, của nhân dân, đâu là yếu tố quyết định?

Nhà báo Nhị Lê: Thứ nhất, vấn đề quy trình lựa chọn cán bộ gồm 5 bước phải được thực thi một cách nghiêm túc để cho tất cả mọi người đều bình đẳng trước cơ hội, đóng góp cho Đảng, cho quốc gia dân tộc.

Thứ hai, những người lựa chọn, tức là những người làm công tác cán bộ, người được quyền chọn người của bộ máy, trực tiếp là người chịu trách nhiệm chọn người vào cấp ủy phải được lựa chọn một cách xứng đáng. Tôi đã nhiều lần nói, chỉ mong ở họ có 8 chữ: Trung thực, dũng cảm, trách nhiệm và trong sạch.

Nếu không trung thực thì sẽ chỉ chọn được những con người giả dối. Nếu không dũng cảm thì nguy cơ bỏ sót nhân tài nhìn tiểu tiết không thấy đại cục, đặc biệt không dám can gián những lệch lạc, thậm chí không khắc chế những sai lầm trong công tác cán bộ thì không thể nói đến chuyện kiến tạo một bộ máy tốt, trực tiếp lựa chọn được những người tốt để đáp ứng nhiệm vụ.

Người có quyền lựa chọn phải có trách nhiệm, bởi khi không rõ trọng trách thì kiểm soát thế nào. Cuối cùng là phải trong sạch, nếu để sa vào vòng “nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ” tăm tối, thì chỉ chọn được những con người nhơ nhuốc mà thôi.

Thứ ba, hãy hỏi ý kiến nhân dân. Đốt đuốc đi tìm cán bộ, một đôi mắt không thể bằng một nghìn đôi mắt của nhân dân. Cán bộ là để phụng sự nhân dân, cho nên các cấp có thẩm quyền hãy dành sự ưu ái đặc biệt cho nhân dân.

Quan sát ở nhiều nơi có thể thấy cơ quan không biết gì hoặc biết rất chiếu lệ, giấy tờ hình thức về cán bộ của mình ở cơ sở, nơi cư trú. Thế cho nên mới có hiện tượng nhiều cán bộ vi phạm pháp luật bị bắt tại khu dân cư, nhân dân còn biết trước cả cơ quan quản lý cán bộ.

Cuối cùng phải lấy công việc để thử, bản lĩnh, trí tuệ, tầm nhìn, đức độ đều ở đó cả. Người ta có thể giấu mình được một thời chứ không thể giấu được muôn thời; có thể giấu được một người chứ không thể giấu được nhiều người, muôn người.

PV: Ông đã từng nhiều lần đề cập đến vấn đề tiến cử người tài cho đất nước?

Nhà báo Nhị Lê: Đúng, tôi cho đó là con đường rất tốt, cơ hội cho tất cả mọi người đóng góp sức mình vào công việc của đất nước. Đó cũng là cơ hội bình đẳng cho mọi đảng viên của Đảng tự nguyện ra đảm trách công việc của Đảng, mọi công dân tự giác ra gánh vác công việc của quốc gia. Và, trách nhiệm và liêm sỉ là ở chỗ này!

Tuy nhiên, cần ràng buộc trách nhiệm của cả người được tiến cử, người tiến cử và cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận tiến cử. Nếu người tiến cử sai thì chịu hình thức kỷ luật, thậm chí trước pháp luật, phải nặng hơn người được tiến cử. Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận tiến cử mà tiếp nhận sai thì nặng gấp 3 lần người tiến cử. Đây chính là ý tưởng mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng muốn đề cập tới, đó là nhốt quyền lực vào lồng cơ chế.

Nhưng, theo tôi, đây vẫn đang là một “khoảng trống” hiện nay. Ngày xưa, người tiến cử mang toàn bộ tính mạng, tài sản, vợ con, quan lộc để “đặt cược” cho việc giới thiệu một con người. Chính vì chúng ta chưa rõ ràng về trách nhiệm, tức là có thể nói, quyền lực chưa được kiểm soát, nên khi công việc đổ bể, cán bộ thất bại và thất bại trong công tác cán bộ thì không có ai chịu trách nhiệm, chỉ có Đảng chịu hậu họa, nhân dân gánh chịu thuế nộp.

Tiến cử cán bộ được làm tốt sẽ là một kênh rộng mở để từ đó, nhân tài ra ứng cử, thậm chí tự tiến cử mình, chứ không cần đến người tiến cử. Ba chính phủ đầu tiên do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, từ Chính phủ cách mạng lâm thời khi chúng ta vừa giành chính quyền vào năm 1945 đến Chính phủ liên hiệp, và sau đó là Chính phủ kháng chiến, các thành viên đều do tiến cử, cử chọn, ứng cử cả.

Cho nên dù người được tiến cử hay người tiến cử, tất cả đặt sinh mệnh của quốc gia lên làm đầu, đặt uy tín của Đảng lên tối thượng, nhất là đặt trên nền móng của trách nhiệm và của liêm sỉ cá nhân, chắc chắn sẽ vượt qua được tất cả các rào cản.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Bài: Hà Thanh | Ảnh-Clip: Ngọc Khánh
Thiết kế: Quang Huy | Kỹ thuật: Tuấn Linh

Nguồn VOV: https://vov.vn/e-magazine/nhung-tieu-cuc-trong-cong-tac-can-bo-da-duoc-tien-lieu-949572.vov