Những tiết học không vách ngăn

Những tiếng reo lên đầy ngạc nhiên và thú vị khi nhóm học sinh Trường THPT Tôn Thất Tùng (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) tự tay làm ra những sản phẩm gốm từ bàn xoay thủ công ngay trong xưởng gốm của nhà trường.

Giờ học Ngữ văn trong sân trường của HS Trường THPT Ngũ Hành Sơn.

Giờ học Ngữ văn trong sân trường của HS Trường THPT Ngũ Hành Sơn.

Những khái niệm mặt tròn xoay, nguyên hàm và tích phân trong chương trình Toán lớp 12 nhờ vậy trở nên đơn giản, gần gũi và dễ hiểu hơn.

Cơ hội để học sinh phát triển năng lực bản thân

Khoảng 3 năm trở lại đây, các trường học ở Đà Nẵng đã chú trọng phát triển các chương trình lớp học không vách ngăn, kết nối với các đơn vị sản xuất, bảo tàng, trung tâm khoa học thực nghiệm… để tạo không khí học tập năng động cho học sinh (HS).

Ở góc sân của Trường THPT Tôn Thất Tùng, từ 2 năm nay có một “xưởng gốm mi-ni” với hai bàn xoay được HS rất thích thú và hưởng ứng nhiệt tình. Đây là cơ hội giúp HS khối 12 tìm hiểu sâu hơn khái niệm mặt tròn xoay, một nội dung quan trọng trong chương trình Toán 12.

Đây là cơ hội giúp các em khối 12 trải nghiệm thực tế theo đúng phương châm học đi đôi với hành, tìm hiểu sâu hơn những khái niệm trong nội dung quan trọng của chương trình Hình học 12 và Giải tích 12 - Chương III: Nguyên hàm và tích phân cũng như rèn luyện kỹ năng thực hành.

Từ những vật liệu đơn giản, dễ tìm kiếm, bằng niềm đam mê và sự thôi thúc sáng tạo, thầy Phan Thanh Thuận - Tổ trưởng tổ Toán, Trường THPT Tôn Thất Tùng đã góp phần tạo nên những tiết học trực quan sinh động, hướng đến mục tiêu giáo dục theo định hướng phát triển năng lực cho học sinh và dạy học tích hợp liên môn… Hay khi quan sát quy trình sản xuất lụa ở Làng Lụa - Hội An, các em được biết về một loại vật liệu polime thiên nhiên trong thực tế cuộc sống, chứ không chỉ là những bài học lý thuyết trong trang sách.

Thông qua các hoạt động trải nghiệm - sáng tạo của một số môn học như Địa lý, Lịch sử… một số trường THPT ở Đà Nẵng như Tôn Thất Tùng, Nguyễn Hiền, Trần Phú… cũng kết hợp luôn cả công tác hướng nghiệp sớm.

HS từ chỗ có những trải nghiệm trong áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng rau sạch như sử dụng phân bón làm từ hữu cơ, cải tạo đất… sẽ có cái nhìn khác về nghề kỹ sư nông nghiệp, hóa môi trường… Các em cũng hình dung được nghề nông không như hình ảnh ‘chân lấm tay bùn’ mà còn nhiều ‘phân khúc’ cần những lao động có kiến thức chuyên môn để đáp ứng yêu cầu về một nền nông nghiệp sạch.

Cô Nguyễn Thị Minh Huệ, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền chia sẻ

Như qua giờ học trải nghiệm tại trang trại trồng rau hữu cơ, HS mới biết được công việc trên đồng ruộng của người nông dân không hề giống như các em hình dung, biết thế nào là nông nghiệp sạch cũng như nhu cầu về các sản phẩm rau sạch là rất lớn. Giờ học ngoại khóa khám phá Sơn Trà, tìm hiểu về đa dạng sinh học, trải nghiệm học làm gốm… các thầy cô giáo cũng lồng ghép một cách khéo léo để giới thiệu về một số ngành nghề là thế mạnh của địa phương cho HS.

Một số em sau khi trải nghiệm mới “vỡ” ra rằng, nếu chỉ “thích” hay am hiểu về máy tính thôi thì chưa đủ để theo học CNTT mà còn phải cần thêm tính kỷ luật, tư duy logic… Hay để trở thành một hướng dẫn viên du lịch thì ngoài khả năng diễn đạt còn phải có cả kiến thức lịch sử, địa lý…

Tiết học ngoài trời không phải là hoạt động ngoại khóa

Tiết học “Văn bản quảng cáo và nghệ thuật chiêu dụ”, cô trò lớp 10A1 Trường THPT Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) di chuyển ra bãi cỏ trong sân trường… để học. HS có thể tự do lựa chọn để ngồi học theo nhóm mình thích. GV bắt đầu tiết dạy bằng cách đưa ra một số logo biểu tượng của một số dịch vụ như mạng viễn thông, bảo hiểm… cùng với nền nhạc đi kèm để HS nhận biết.

Để HS hiểu sâu hơn về bài học cũng như những ứng dụng trong thực tế, cô Ngô Thị Nhụy đưa 4 sản phẩm cho 4 nhóm để các em vẽ hình, viết lời quảng cáo giới thiệu. Lớp học trở nên sôi nổi hơn khi các nhóm lần lượt trình bày quảng cáo về sản phẩm của mình. Nhiều nhóm ngoài những thông tin cần thiết để giới thiệu về sản phẩm còn lồng ghép thêm thơ tự sáng tác để thu hút sự quan tâm đối với sản phẩm.

Những tiết học không vách ngăn, lớp học ngoài thiên nhiên đã được Trường THPT Ngũ Hành Sơn áp dụng đối với những bài học phù hợp trong chương trình Ngữ văn, chẳng hạn như bài Phỏng vấn và trả lời phỏng vấn (lớp 11); Văn bản quảng cáo và nghệ thuật chiêu dụ, Văn thuyết minh (lớp 10); Phát biểu theo chủ đề; Phát biểu tự do (lớp 12)…

Việc áp dụng dạy học ngoài trời ở trường thời gian qua đã tạo được sự hấp dẫn cho HS, các tiết học trở nên sinh động hơn, HS hiểu bài nhanh hơn, sâu hơn. Việc thay đổi không gian lớp học đã thực sự mang lại hiệu quả qua chia sẻ của em Triều Châu: “Em học lớp chọn Toán, trước đây em không hề thích môn Văn, nhưng từ khi được tham gia học tiết học văn ngoài trời em cảm thấy vui hơn, hấp dẫn hơn, tiếp thu bài dễ hơn. Mỗi lần tổ chức học ngoài trời thường kéo dài 90 phút nhưng em cảm giác 2 tiết học trôi qua quá nhanh”.

Cùng với các tiết học ngoài trời, tổ Ngữ văn của Trường THTP Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) còn phối hợp với các tổ Sử, Địa cho HS tham quan danh thắng Ngũ Hành Sơn, di tích cách mạng K20, bảo tàng Hoàng Sa. Sau các buổi tham quan ấy, học sinh có thêm tư liệu viết văn thuyết minh, văn nghị luận xã hội về truyền thống quê hương, hướng về biển đảo...

Tuy nhiên, như nhận xét của cô Nguyễn Thị Thu Thủy - Tổ trưởng tổ Ngữ văn, để tổ chức tốt những tiết học ngoài trời, cần phải nghiên cứu kỹ chương trình môn học, chuẩn bị kỹ năng kiến thức để lập ra kế hoạch dạy học ngoài trời phù hợp với tình hình của nhà trường và bộ môn.

GV phải bám sát mục tiêu tiết học, xác định được mục tiêu của hoạt động trải nghiệm ngoài lớp học là gì để tránh tình trạng dạy học ngoài trời chỉ đơn giản là hoạt động tham quan ngoại khóa. Phải có phương pháp quản lý lớp tốt, chuẩn bị tiết học chu đáo. Việc phối hợp giữa các tổ bộ môn là cần thiết để giảm số lần di chuyển, tuy nhiên không nên dàn trải….

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/nhung-tiet-hoc-khong-vach-ngan-4060455-b.html