Những tiền nhân trầm khuất: Doãn Uẩn, ông là ai?

Ông là người đã làm quan dưới 3 triều vua Nguyễn, người đã đánh đông dẹp bắc, đã dành cả cuộc đời chỉ để bảo vệ cho sự bình yên nơi biên ải của Việt Nam.

Những tiền nhân trầm khuất: Bạch Thái Bưởi, vị doanh nhân khí phách Việt

Và Doãn Uẩn, tên của ông thật xa lạ với hôm nay. “Có một người như thế?”, phải, đã từng có một người như thế đấy.

Ông tên thật là Doãn Ôn, sinh năm 1795, người huyện Thư Trì, tỉnh Thái Bình. Năm Minh Mạng thứ 9 (1828), trong đợt thi Hương ở Nam Định, ông đỗ cử nhân, lúc đầu bổ Hàn lâm viện điển bạ, rồi thự Bộ chủ sự, chuyển Viên ngoại lang.

Năm Minh Mạng thứ 14 thì được bổ nhiệm làm Án sát sứ ở Vĩnh Long. Bước ngoặt đến với ông đúng vào thời điểm này: Năm 1832, tổng trấn Gia Định là Lê Văn Duyệt qua đời, vua Minh Mạng vì nhiều hiềm khích trước đó với Lê Văn Duyệt đã có nhiều hành động o ép làm cho người dân Gia Định bất mãn, đỉnh điểm là cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi – con nuôi của Lê Văn Duyệt.

Quân của Lê Văn Khôi thế như chẻ tre, lấy thành Phiên An, tiến tới lấy luôn những tỉnh Nam Kỳ xung quanh. Tình thế khiến vua Minh Mạng phải triệu đại tướng hàng đầu của ông là Trương Minh Giảng cùng với các tướng Tống Phúc Lương, Nguyễn Xuân, Phan Văn Thúy, đưa quân triều đình vào dẹp loạn Lê Văn Khôi.

Lúc này tại Vĩnh Long, Doãn Uẩn là Án sát mới vào nhậm chức đã cùng Trương Phước Thùy đốc quân dân chống giữ. Nhưng tổng đốc Lê Phước Bảo cùng Bố chính Phạm Phước Thiệu lại bỏ thành chạy trước.

Doãn Uẩn biết liệu sức không chống nổi, phân tích tình hình, ông không muốn phí mạng quân dân vô ích, nên mới nghĩ cách lui về, thứ nhất là để tránh cái thế giặc đang mạnh, thứ hai là đợi quân triều đình vào khiến quân giặc phải chia lực chống đỡ, tâm lý bị núng thế.

Liền đó, bản thân ẩn nấp ở dân gian, bí mật tập hợp các tổng lý và quân dân, để thừa cơ mưu việc khôi phục, tiến hành phản công mà lấy lại Vĩnh Long.

Quả nhiên một thời gian ngắn sau, quân của Hoàng Văn Thông (giữ đồn Vĩnh Long) xảy ra nội loạn. Doãn Uẩn tự mình dẫn 300 quân tiến thẳng vào thành truy nã các đầu sỏ, lấy lại được thành.

Qua việc làm trên, Doãn Uẩn đã cho thấy mưu trí của một đại tướng biết nhu biết cương, khác hẳn cái dũng của kẻ thất phu “liều chết giữ thành”. Dẫu bị vua đánh giá thì đó chỉ là “công bù tội” nhưng đấy lại chính là bước ngoặt đầu tiên tạo nên con đường quan lộ quan trọng của Doãn Uẩn. Sau đó từ vị trí Án sát Vĩnh Long, ông được vua điều đi làm Án sát Thái Nguyên.

Lăng mộ Doãn Uẩn.

Theo Đại Nam thực lục chép lại, thì bấy giờ khu vực phía Bắc khá loạn, thổ phỉ xâm lấn quấy nhiễu Thái Nguyên, quân của Nguyễn Văn Cáo đóng ở Bắc Cạn, đánh nhau với giặc vài mươi hợp, vì binh ít, không địch nổi, bị chết tại trận. Doãn Uẩn đến đồn Bắc Cạn, phủ dụ dân ở vùng Bạch Thông, Cảm Hóa để đốc suất vận tải lương. Đến nơi, ông quan sát tình hình, vỗ yên dân chúng.

Cùng với Bố chính là Lê Trường Danh, ông gửi tấu chương về triều nói: “Nay toán giặc ở vùng Xuân Dương, Bắc Cạn đều đã tan vỡ rút lui. Duy có nhân dân Bạch Thông, Cảm Hóa phần nhiều ngờ sợ, hãy còn trốn tránh, tản mát chưa dám trở về. Vậy xin thân đi vỗ về, yên ủi, chỉ bảo, ngõ hầu mới sớm yên được”.

Đây là một việc làm mà chúng ta về sau sẽ còn gặp lại nhiều lần nữa. Đó như một bản sắc của con người Doãn Uẩn - một vị quan luôn được điều đi các “điểm nóng” ở vùng biên ải, thế nhưng lại luôn quan niệm “an dân” trước khi “đánh dân”.

Một triết lý xuyên suốt được ghi lại trong tấu chương như một bài học của tiền nhân để lại cho hậu thế: “Thiết tưởng sau khi khải hoàn, công việc vỗ về chế ngự tất phải được, mới có thể giữ được mười phần yên tĩnh lâu dài”.

Sau khi Thái Nguyên yên bình, ông được triệu về kinh giữ chức Hữu thị lang bộ Hình. Năm Minh Mạng thứ 17, thổ phỉ ở Thanh Hoa (nay là Thanh Hóa) quấy nhiễu, quan quân đánh dẹp mãi không được. Vua phong Doãn Uẩn làm phó sứ cùng với Nguyễn Đăng Giai, theo kinh lược sứ Trương Đăng Quế xuống Thanh Hóa để dẹp yên nội loạn.

Phó sứ Doãn Uẩn đến nơi, bên ngoài ra bảng yết thị chiêu an, bên trong thì đem quân đánh dẹp, hành động quyết liệt, tấn công gắt gao, giặc bị tan cả. Đặc biệt, khi tiến đến sách Quân Thiên, động Lâm Tự, thì thự lãnh binh Nghệ An là Nguyễn Cửu Đức đưa bọn giặc ra thú hơn 90 người.

Nhưng thay vì chém chết, Doãn Uẩn lại cho tha cả với lý do đây là những người bị giặc ép theo. Tiếp đến, ông treo bảng yết thị “chiêu an”. Vậy là Doãn Uẩn chỉ bằng việc tha cho 90 người đã “một mũi tên bắn trúng hai con nhạn”, vừa thể hiện được tâm đức của triều đình, thu phục lòng dân, khiến giặc không cần đánh mà tự tan.

Sâu xa cũng bởi ông là người gần dân, hiểu dân, hiểu rằng người nông dân khởi nghĩa cũng vì quá nghèo không có miếng ăn mà lại phải đi lao dịch mà thôi.

Từ Thái Nguyên, đến Thanh Hóa, bây giờ ông lại tiếp tục đi xuống Bình Định. Năm Minh Mạng thứ 20, Doãn Uẩn cùng với Hiệp biện đại học sĩ là Vũ Xuân Cẩn tới Bình Định thi hành cách quân điền. Đây là một việc khá tế nhị liên quan đến miếng cơm manh áo và quyền lợi của dân và binh. Bởi ruộng đất là một vấn đề nếu không làm cẩn thận, rất dễ xảy ra nổi loạn.

Nhưng bằng sự khéo léo trong cách khu xử lấy ruộng công, ruộng trại công mà cấp phát cho binh, dân, thì Vũ Xuân Cẩn và Doãn Uẩn đã khiến ai ai cũng đều được lợi. Đặc biệt, Vũ Xuân Cẩn cùng với Doãn Uẩn đều rất lo nghĩ cho dân nghèo, xứng đáng là tấm gương cho đời sau.

Theo đó, trong bản tấu với vua, Vũ Xuân Cẩn đã trình bày rõ: “Bình Định, người nghèo không có 1 thước, 1 tấc ruộng nào, nay nếu kiểm xét lấy ruộng của người giàu ra, chỉ để lại cho 1, 2 phần làm thế nghiệp, còn số thừa ra, lấy để cấp cho nhân dân, thì họ nghèo có chỗ trông nhờ, mà lợi của đất mới được đều vậy”.

Chính cái tâm với dân nghèo của quan đã giúp cho một việc tưởng như rất khó khăn bỗng đơn giản hẳn. Nhờ thế giúp cho việc quân điền ở Bình Định hoàn thành trót lọt.

Ở Khoa thi Hương năm Đinh Dậu, Minh Mạng năm thứ 18 (1837), Doãn Uẩn khi đó giữ chức Tả tham tri bộ Hình, đã được sung làm Chủ khảo trường Gia Định. Sau này, ông còn làm Chủ khảo trường Nghệ An. Đó đều là những công việc của một bậc văn võ song toàn.

Bởi lẽ bên cạnh công lao đánh dẹp, thì các tác phẩm văn học của Doãn Uẩn cũng rất nổi tiếng như cuốn Trấn Tây Kỷ Lược hay Tuy Tĩnh tử tạp ngôn, Ngoại Lãng Doãn tướng công niên biểu đều để lại giá trị cho đời về nguồn sử liệu khi miêu tả cuộc sống phương Nam, thiên nhiên cảnh sắc, và cũng là kho tàng Hán Nôm của dân tộc.

Còn tại kinh thành, quan lộ của ông trải dài từ Bộ Hộ, Bộ Hình, sang Bộ Lại. Ở địa phương, ông đánh đông dẹp bắc từ Thái Nguyên xuống An Giang. Nơi đâu ông cũng hoàn thành nhiệm vụ của mình. Ông là một bậc văn tướng toàn tài ở mọi lĩnh vực từ quân sự, dân sự, đến cả thơ văn, rất được người đương thời ngưỡng mộ.

Không những vậy, Doãn Uẩn còn là một vị quan thanh liêm, được kính trọng. Có một câu chuyện được chép lại trong Đại Nam thực lục, đệ nhị kỷ. Một chi tiết tuy rất đơn giản và hậu thế đọc lịch sử rất dễ bỏ qua, thế nhưng chính cái chi tiết thoáng qua đó lại toát lên khí độ bất phàm của Doãn Uẩn.

Chuyện là khi vua sai các quan văn từ Hiệp biện, Thượng thư đến Lang trung đều phải đề cử người tài mà mình biết rõ, để đỡ đần cùng với vua trong việc trị nước.

Trong các yêu cầu của văn bản có những câu như sau: “Nếu biết được đích xác quả có người tốt thì hãy đề cử; nếu không có người thì thôi, đừng lạm cử người xằng, để khỏi phải đình thần nghị xử”, “Nếu người nào trong lòng không tốt, nể nang là chỗ đi lại, đút lót, mưu việc riêng”.

Kết quả, sau mấy tháng trời các công văn đều để trống. Lý do vì không tin ai, và cũng vì sợ đề cử sai người lại phạm tội khi quân. Duy chỉ có một công văn là có tên, đấy là của Hiệp biện Đại học sĩ lĩnh Thượng thư bộ Hộ là Nguyễn Khoa Minh dâng sớ đề cử Doãn Uẩn, còn ngoài ra không có ai đề cử gì cả.

Rất ngắn thôi mà như gói trọn sự liêm khiết của một vị quan mẫu mực, và đủ để người dâng sớ đề cử ông không ngại với trời, không thẹn với vua trên.

(Còn nữa)

Dũng Phan

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/so-tay/nhung-tien-nhan-tram-khuat-doan-uan-ong-la-ai-517832/