Những thương binh 'Tàn nhưng không phế'

Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, họ đã hy sinh một phần thân thể cho độc lập, tự do của dân tộc. Đất nước hòa bình, những người lính Cụ Hồ lại kiên cường trên trận tuyến mới, tích cực tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, góp sức xây dựng quê hương. Họ chính là những thương binh 'tàn nhưng không phế' bình dị tỏa sáng giữa đời thường.

Đại diện lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trao giấy khen cho các thương binh tiêu biểu nhân kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ.

Trở về sau chiến tranh, bệnh binh Nguyễn Xuân Hưng (mất sức lao động 55%), xã Xuân Thiên (Thọ Xuân) luôn tâm niệm thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”, với ý chí nghị lực của Bộ đội Cụ Hồ, ông đã cố gắng vượt lên, không cam chịu đói nghèo, mở cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ, sau đó năm 2006 ông mở cửa hàng xăng dầu. Làm ăn có uy tín, ông thành lập Công ty TNHH Xăng dầu Hưng Thơm, thu nhập bình quân gần 400 triệu đồng/năm. Trong nhiều năm qua gia đình ông luôn hăng hái đi đầu trong các phong trào của địa phương phát động như: “Đền ơn đáp nghĩa”, ủng hộ người nghèo, giúp đỡ đồng bào thiên tai lũ lụt hàng trăm triệu đồng.

Nạn nhân chất độc hóa học, Nguyễn Hữu Tình, xã Kiên Thọ (Ngọc Lặc) cũng là một trong những tấm gương sáng để thế hệ con cháu noi theo. Sau khi phục viên về địa phương, ông trải qua nhiều chức vụ tại xã, từ khi nghỉ hưu cho đến nay là Phó Chủ tịch chuyên trách Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Ngọc Lặc. Về đời thường mặc dù sống tại huyện miền núi còn nhiều khó khăn nhưng bản thân ông và gia đình luôn đi đầu trong phong trào xóa đói, giảm nghèo. Chủ yếu sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, mỗi năm ông thu hoạch từ 100-120 tấn mía nguyên liệu, trừ chi phí thu về cho gia đình 45-50 triệu đồng, vườn đồi có 0,7 ha hàng năm thu nhập 15 triệu đồng, gia đình ông tạo công ăn việc làm cho từ 3 đến 5 lao động với thu nhập từ 4-5 triệu đồng/người/tháng.

Nỗi lo của diêm dân là đầu ra cho hạt muối, là việc sống còn của nghề muối. Hiểu được điều đó, thương binh 4/4 Lê Hữu Thông đã dốc sức xây kho, thu mua muối cho bà con để cái nghề truyền thống ở cửa biển Hòa Lộc (Hậu Lộc) được duy trì. Năm 2009, sau khi thôi chức chủ nhiệm HTX dịch vụ muối Hòa Lộc, thương binh Lê Hữu Thông đã đi vay mượn, bỏ ra hơn 200 triệu đồng đầu tư các kho chứa muối rồi tự thu mua muối, tìm đầu mối bán hàng. Chia sẻ những vất vả với bà con, ông cho biết: Những năm trước, khi thấy bà con làm ra hạt muối vất vả đến lúc bán lại ế ẩm, đầu ra bấp bênh nên tôi nghĩ đến việc thu mua muối cho bà con. Nghĩ thế rồi làm, tôi vận động gia đình dồn tiền, thiếu thì đi vay mượn thêm xây kho chứa. Khi hoàn thành kho, tôi tìm đầu ra để bán muối rồi quay về mua muối của bà con theo giá thị trường. Từ đó đến nay ngót nghét cũng 10 năm trời tôi thu mua muối, có năm tôi thu mua đến 300-400 tấn muối của bà con, phần nào giúp các diêm dân ở đây yên tâm sản xuất.

Có thể nói, chiến công của những người con ưu tú năm xưa và thành tích của những tấm gương tiêu biểu hôm nay thể hiện tinh thần tự lực, tự cường và ý chí khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ ngày nay noi theo.

Bài và ảnh: Trần Hằng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/nhung-thuong-binh-tan-nhung-khong-phe/105071.htm