Những thước phim 'thầy cô trong mắt em' giàu xúc cảm trong dịp 20/11

Chỉ với chiếc điện thoại hay chiếc máy quay phim mini đã cũ đi mượn được từ anh chị khóa trên, các bạn học trò xứ Nghệ tự mình quay, dựng phim tặng thầy cô.

Nhóm học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu quay phim "Chiếc lá" về cô Trần Thị Minh Nguyệt - giáo viên tiếng Nga của trường.

Nhóm học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu quay phim "Chiếc lá" về cô Trần Thị Minh Nguyệt - giáo viên tiếng Nga của trường.

Đoạn phim ngắn chỉ 5 – 7 phút, nhưng chứa đựng trong đó là hành trình thanh xuân tươi đẹp gắn bó cùng thầy cô với bao yêu thương, trân trọng.

“Thầy giáo Đô-rê-mon” của học trò vùng cao

Năm học cuối cấp, tập thể lớp 12 A2 - Trường THPT Quỳ Hợp 2 (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) đã quyết định làm một bộ phim về chính thầy giáo chủ nhiệm của mình – thầy Nguyễn Tuần Anh. Người thầy đã gắn bó với các em ngay từ khi bước chân vào trường cấp 3 và cùng đồng hành, trải qua năm tháng tuổi học trò đẹp đẽ.

Hơn 40 cô cậu học sinh của ngôi trường vùng cao lần đầu tiên tự viết kịch bản, tự quay clip bằng điện thoại, và tự mày mò học dựng phim.

Thầy Nguyễn Tuấn Anh "Đô-rê-mon" và các bạn học sinh lớp 12A2 Trường THPT Quỳ Hợp 2 (Nghệ An).

Thầy Nguyễn Tuấn Anh trong mắt em được ví là thầy giáo “Đô–rê–mon”, vì “có một cái bụng to”. Nhưng lý do quan trọng hơn, thầy vừa như người cha thứ 2 rất hiền lành, nhưng cũng như “một người bạn năng động, vui vẻ, có thể nhảy, có thể hát với học sinh trong giờ ngoại khóa”.

Và thầy cũng có một túi thần kỳ, với vô số bảo bối chính là những lời khuyên, sự quan tâm, tình yêu thương khiến cho “tuổi thanh xuân của chúng tôi đẹp đẽ biết bao”.

Trích đoạn phim của HS lớp 12A2 Trường THPT Quỳ Hợp 2 (Nghệ An) về thầy giáo chủ nhiệm

Bộ phim ngắn, tái hiện lại những kỷ niệm trong suốt 3 năm học của thầy và trò, được quay một cách mộc mạc, dựng hiệu ứng màu đen trắng. Đó là lần thầy bí mật tổ chức Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 cho lớp – trong lớp có tới 38 bạn nữ và chỉ có 3 bạn nam. Đó là khi một học sinh nam của lớp bị ngã trong buổi giao lưu bóng đá, thầy đã lo lắng mất ăn mất ngủ.

Bộ phim ngắn hoàn thành, đã gây bất ngờ cho chính thầy giáo chủ nhiệm. “Với các em học sinh, đặc biệt là ở vùng cao này, tôi luôn dành hết mọi trách nhiệm và tận tâm. Những gì tôi làm cho học trò xuất phát từ trái tim, không ngờ lại được các em trân trọng và ghi nhớ. Xem đoạn phim, tôi thực sự xúc động trước tình cảm các em dành cho mình. Khóa học sinh 12A2 là một tập thể đoàn kết, biết yêu thương và luôn nỗ lực để không phụ lòng trông đợi của thầy, cô và cha mẹ. Có những thế hệ học sinh như vậy, chính là may mắn cuộc đời làm giáo viên của tôi”.

Với học sinh lớp 12A2, các em đã có một thanh xuân tuyệt vời bên thầy chủ nhiệm vừa như một người cha, vừa như người bạn.

Thước phim là món quà của tập thể học sinh lớp 12A2 đến thầy chủ nhiệm trong ngày Nhà giáo Việt Nam 20 – 11. Nhưng đó cũng là nơi lưu giữ thanh xuân, kỷ niệm thầy trò đẹp nhất của lớp học vùng cao Quỳ Hợp này.

Thầy Phan Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường THPT Quỳ Hợp 2 chia sẻ: "Bộ phim lớp 12A2 dành cho thầy chủ nhiệm, nhưng BGH và tập thể giáo viên nhà trường xem cũng cảm thấy hạnh phúc. Chúng tôi cảm nhận được tình cảm mà các em dành cho người thầy của mình. Đặc biệt, các em đến từ huyện miền núi, vùng cao, điều kiện còn khó khăn nhưng vẫn sáng tạo, nỗ lực để thực hiện truyền thống tri ân thầy cô bằng cách hiện đại, ý nghĩa nhất".

Chiếc lá thời gian vẹn mãi tình cô trò

“Chiếc lá” là bộ phim chưa đầy 5 phút, được nhóm học sinh câu lạc bộ The CP The News, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) quay trong thời gian nghỉ học do dịch Covid. Đây là món quà đặc biệt mà các em muốn dành cho cô Trần Thị Minh Nguyệt – giáo viên tiếng Nga của trường – trong năm học cuối trước khi cô nghỉ hưu.

Một đoạn clip trong phim "Chiếc lá" của HS Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (TP Vinh, Nghệ An).

Cô giáo là một giáo viên lâu năm, chứng kiến những thăng trầm của môn tiếng Nga trong trường phổ thông, và nỗ lực góp phần giữ lại lớp chuyên này. Đến nay, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu là một trong số rất ít đơn vị trong hệ thống trường chuyên giữ lại lớp chuyên tiếng Nga.

Cô không chỉ dạy tiếng Nga cho học sinh như một giáo viên bộ môn, mà còn truyền cả tình yêu đối với văn hóa Nga. Vì thế, học trò yêu cô Nguyệt và yêu cả tiếng Nga, để ngôn ngữ này “đi vào lòng chúng con êm ru như những điệu nhạc trong vở kịch của Tchaikovski mà cô vẫn kể”.

Đoạn phim "Chiếc lá" được các bạn học sinh miệt mài thực hiện trong thời gian nghỉ dịch Covid

Chỉ trong 5 phút, nhưng đoạn phim đã tái hiện lại những kỷ niệm đáng nhớ của cả cô lẫn trò. Đó là hành trình của một giáo viên đã có 30 năm gắn bó với mái trường, 30 năm miệt mài chở con chữ không phút nào ngơi nghỉ, bền bỉ, kiên trì...”. Đó là dạ hội Nga, những bức thư học trò thời 4.0 gửi cho cô, những buổi đi thực tế trải nghiệm đến các di tích lịch sử, văn hóa và hoạt động xã hội khác.

Vì vậy, cô không chỉ là người mẹ của các em chuyên Nga, mà còn là người gắn bó thân thiết với học sinh lớp chuyên khác.

Cô Trần Thị Minh Nguyệt là một trong những ký ức đẹp đẽ của học sinh "trường Phan" vì sự tận tụy, tâm huyết, hết lòng với nghề, với trò.

Em Đường Anh Nhật - lớp 12A3 cho biết, là học sinh chuyên Vật lý, không được học cô Nguyệt nhiều, nhưng em lại gắn bó với cô trong các phong trào, hoạt động của nhà trường. Vì vậy, trong sâu thẳm, tất cả chúng em đều yêu quý và ghi nhớ những dấu ấn tốt đẹp mà cô đã làm cho nhà trường, cho học sinh trong suốt 30 năm qua.

“Chúng em chỉ có 1 chiếc điện thoại, 1 máy quay mini mượn của anh chị khóa trên, nhưng ai cũng hào hứng, đầy ý tưởng. Tiêu đề của bộ phim là “chiếc lá” cũng mang ý nghĩa là màu thời gian. Thời gian có qua đi, tình cảm cô trò vẫn còn mãi, và thầy cô là chốn trở về của chúng em dù sau này có trưởng thành và đi muôn phương”, Anh Nhật chia sẻ.

Cô giáo Nguyễn Thị Kiều Hoa - Phó Chủ tịch Công đoàn Trường THPT chuyên Phan Bội Châu cũng chia sẻ: “Dù là bộ phim của học sinh, nhưng đó cũng là những lời muốn nói của chính giáo viên chúng tôi đối với đồng nghiệp. Trong trường, cô Nguyệt là người giỏi chuyên môn, nhiệt huyết, tận tụy trong công việc, luôn hết mình vì học trò. Nhưng đối với chúng tôi cô còn là một người chị, một tấm gương sáng trong cuộc sống”.

Những đoạn phim đặc biệt này của học sinh Nghệ An cũng vừa được Công đoàn Giáo dục Việt Nam trao 2 giải Ba tại cuộc thi “Thầy, cô trong mắt em”. Giải thưởng này cũng là sự ghi nhận cho các đạo diễn, biên kịch kiêm dựng phim tuổi học trò.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tre/nhung-thuoc-phim-thay-co-trong-mat-em-giau-xuc-cam-trong-dip-2011-kHBjJxTMg.html