Những thực phẩm có hại cho não bộ trẻ cha mẹ hạn chế cho con ăn hàng ngày

Não bộ là cơ quan quan trọng nhất của cơ thể. Xây dựng cho trẻ một thói quen ăn uống lành mạnh sẽ giúp trẻ tránh được nguy cơ suy giảm nhận thức, lão hóa và ngăn ngừa bệnh mất trí nhớ.

Hãy tránh xa các thực phẩm có hại cho não bộ trẻ sau đây để con phát triển khỏe mạnh toàn diện.

1. Chất tạo ngọt nhân tạo

Một nhóm các nhà khoa học tại Israel đã công bố kết quả nghiên cứu rằng khi tiêu thụ các chất tạo ngọt nhân tạo, hệ vi khuẩn sẽ bị thay đổi và dễ làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường type 2.

Nếu bản thân đứa trẻ hoặc người lớn đã bị mắc bệnh tiểu đường thì nguy cơ dẫn tới bệnh Alzheimer sẽ tăng lên gấp 4 lần. Lý do là bệnh tiểu đường khiến cơ thể giảm nhạy cảm với insulin, làm đường huyết tăng cao và gia tăng đáng kể nguy cơ thoái hóa não bộ.

Người lớn đã bị mắc bệnh tiểu đường thì nguy cơ dẫn tới bệnh Alzheimer sẽ tăng lên gấp 4 lần - Ảnh minh họa: Internet

Người lớn đã bị mắc bệnh tiểu đường thì nguy cơ dẫn tới bệnh Alzheimer sẽ tăng lên gấp 4 lần - Ảnh minh họa: Internet

Điều đáng ngạc nhiên ở kết quả nghiên cứu này đó là những trẻ em sử dụng các chất làm ngọt nhân tạo có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn hẳn những trẻ tiêu thụ đồ uống có đường.

Chúng ta không thể tránh được tác hại của việc ăn quá nhiều đường bằng cách thay thế nó bằng chất làm ngọt nhân tạo - đặc biệt không phải là chất tạo vị ngọt aspartame. Mặc dù các nhà sản xuất khẳng định về sự an toàn của loại đường thay thế này nhưng một số nghiên cứu đã chỉ ra sự liên quan giữa aspartame với các vấn đề về hành vi và nhận thức.

Mặc dù Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Thuốc Hoa Kỳ (FDA) cho biết aspartame là an toàn, nhưng cũng bắt buộc phải dán nhãn cảnh báo trên các sản phẩm có chứa chất này.

2. Cá nhiễm hàm lượng thủy ngân cao

Thủy ngân ảnh hưởng đến não bộ của con người về suy nghĩ, nhận thức nhưng đặc biệt ảnh hưởng lớn nhất đến tiểu não - một phần của não bộ kiểm soát sự thăng bằng, phối hợp vận động và thị giác. Để giảm thiểu nguy cơ trẻ bị phơi nhiễm với thủy ngân trong cá, các bậc phụ huynh tuân thủ những lời khuyên sau đây:

Không nên cho trẻ ăn cá mập, cá kiếm, cá thu hoặc cá kình vì chúng có chứa hàm lượng thủy ngân rất cao.

Cá sống lâu năm và cá săn mồi có xu hướng có nồng độ thủy ngân cao - Ảnh minh họa: Internet

Cá sống lâu năm và cá săn mồi có xu hướng có nồng độ thủy ngân cao nhất trong thịt của chúng.

Nên cung cấp khoảng 340 gram (trung bình 2 bữa) một tuần, cho trẻ ăn đa dạng các loại cá và hải sản có hàm lượng thủy ngân thấp như: Tôm, cá hồi, cá minh thái, cá da trơn…

Giới hạn lượng cá ngừ trắng cho trẻ tiêu thụ xuống còn 170 gram/tuần.

3. Chất béo chuyển hóa - Trans fat

Các loại bánh quy hay bánh pizza đều có chứa thành phần trans fat, do vậy tiêu thụ nhiều những thực phẩm này cũng có thể gây nguy hiểm cho não bộ của trẻ. Trans fat có thể gây teo não, gây viêm và cắt đứt sự dẫn truyền các tín hiệu thần kinh, thậm chí có thể ảnh hưởng đến trí nhớ.

Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc phải loại bỏ toàn bộ những thực phẩm có chứa loại chất béo này ra khỏi chế độ ăn của con vì đây là những món ăn mà trẻ nào cũng thích. Trẻ vẫn có thể ăn những thực phẩm đó miễn là lượng trans fat dưới 0,5 gram/khẩu phần.

4. Thức uống có đường

Đường trong nước ngọt sẽ làm rối loạn nhận biết calo của não - Ảnh minh họa: Internet

Dưới góc nhìn khoa học, đường trong nước ngọt sẽ làm rối loạn nhận biết calo của não, dẫn đến rối loạn nhận biết cơn đói. Có nghĩa là việc uống nước ngọt sẽ không thể giúp trẻ bớt đói như những thực phẩm rắn có chứa cùng giá trị năng lượng, khiến cho trẻ có cảm giác muốn ăn nhiều hơn nhu cầu thực sự.

Thông thường con người thường dựa vào cảm giác no và đói để điều khiển việc ăn uống của mình, thế nên để giúp cơ thể luôn khỏe mạnh nên tập luyện thể dục thường xuyên và tránh những thực phẩm chứa calo rỗng như nước ngọt có ga.

5. Thực phẩm chế biến sẵn

Giữ trẻ tránh xa những thực phẩm chế biến sẵn - Ảnh minh họa: Internet

Theo các chuyên gia, tốt nhất là nên giữ trẻ tránh xa những thực phẩm chế biến sẵn, bao gồm cả đồ ăn nhanh và nước ngọt có ga. Chúng có chứa hàm lượng chất béo chuyển hóa rất cao có thể gây hại cho não bộ và tim mạch, cùng với hàm lượng cao đường và các thành phần nhân tạo khác.

Nếu trẻ thường xuyên dùng chúng, các thực phẩm chế biến sẵn sẽ thay thế thực phẩm cung cấp dinh dưỡng có lợi cho não bộ cũng như sức khỏe nói chung. Ngoài ra, thực phẩm chế biến sẵn còn có thể gây béo phì và thúc đẩy sự hình thành các phản ứng viêm có hại cho não bộ.

Có thể thấy, chất lượng các loại thực phẩm mà trẻ ăn hằng ngày ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe cơ thể và bộ não. Việc tiêu thụ thực phẩm nên được xem xét kỹ và cân nhắc trước để giữ cho bé một cơ thể khỏe mạnh và trí não thông minh.

Thảo Đỗ/phunusuckhoe.vn

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/nhung-thuc-pham-co-hai-cho-nao-bo-tre-cha-me-han-che-cho-con-an-hang-ngay-post331520.info