Những thủ lĩnh công đoàn sinh năm 1975

Họ sinh ra vào thời khắc lịch sử trọng đại, đất nước sạch bóng ngoại xâm, non sông liền một mối. Họ, những đứa trẻ vùng nông thôn nghèo miền Tây, đã lớn lên dưới mái trường cách mạng. Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng họ có điểm chung là không ngừng phấn đấu vươn lên và hết lòng với tổ chức Công đoàn (CĐ).

Chị Phạm Thị Quyên (đứng) trong một phiên tư vấn pháp luật cho CNLĐ.

Người của những sáng kiến

Tại Đại hội lần X Công đoàn tỉnh Long An (từ 18 - 20.4.2018), trong phiên bế mạc, nhiều đại biểu thú vị khi thấy trong số 4 thủ lĩnh CĐ khóa mới của tỉnh (chủ tịch và 3 phó chủ tịch) có 2 phụ nữ duyên dáng trong tà áo dài truyền thống. Trong đó có một khuôn mặt mới, một “tân phó chủ tịch” tuổi đời còn khá trẻ, sinh năm 1975. Đó là chị Phạm Thị Quyên - Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật (TVPL) CĐ tỉnh Long An.

Chị Quyên sinh ra và lớn lên ở huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, cái nôi của phong trào Đồng Khởi, cũng là vùng đất chịu nhiều hy sinh, mất mát trong chiến tranh. Những năm sau ngày miền Nam giải phóng, huyện Giồng Trôm rất nghèo và khó khăn, trong cái nghèo khó chung của đất nước. Việc học của chị Quyên bị dang dở, chị đi làm công nhân (CN) để phụ giúp gia đình.

Nhưng đó đã là cơ duyên để cuộc đời chị gắn bó với CN và CĐ về sau. Ở nhà máy là CN sản xuất giỏi, tối về nhà trọ chị Quyên ôn thi đại học và chị đã thi đậu vào ngành luật. Tốt nghiệp đại học, chị xin về công tác ở LĐLĐ tỉnh Long An, Ban Nữ công. Với năng lực và sự phấn đấu không ngừng, chị đã được đề bạt là phó ban, rồi Trưởng ban Nữ công (6.2009).

Tại Ban Nữ công, chị Quyên đã thực hiện nhiều đề tài có giá trị, góp phần giảm chi ngân sách, chăm lo tốt hơn cho chị em phụ nữ, như: Đề tài “Đẩy mạnh việc lồng ghép phối hợp tuyên truyền với các ngành liên quan để giảm chi từ ngân sách CĐ” (2011); đề tài “Đẩy mạnh công tác vận động nữ CNLĐ trong tuyên truyền chăm sóc sức khỏe sinh sản” (2012), đề tài “Đẩy mạnh công tác vận động nữ CNVCLĐ qua việc thực hiện 2 Đề án của Chính Phủ” (2013).

Kết quả thực hiện 3 sáng kiến nêu trên đã có tác động mạnh đến nhận thức và hành động của nữ CNLĐ trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản cho chính bản thân họ, trong rèn luyện phẩm chất đạo đức cho nữ CNVCLĐ. Các doanh nghiệp (DN) cũng nhìn nhận đầy đủ hơn về trách nhiệm của họ trong việc chăm lo bảo vệ sức khỏe của NLĐ, đặc biệt là sức khỏe sinh sản đối với lao động nữ; tạo được sự phối hợp giữa các ngành trong việc chăm lo cho nữ CNVCLĐ.

Từ tháng 5.2013, chị Quyên được giao làm Giám đốc Trung tâm TVPL CĐ. Ở vị trí mới, các sáng kiến mới tiếp tục ra đời, như: Đề tài “Đẩy mạnh củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động TVPL” (2014), Đề tài “Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả TVPL bảo vệ NLĐ”. Việc thực hiện 2 đề tài trên đã có tác động mạnh đến các cấp CĐ trong việc củng cố và nâng cao hiệu quả TVPL bảo vệ NLĐ, tạo sự chuyển biến tích cực trong tổ chức và hoạt động TVPL ở các cấp CĐ; thiết thực bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định.

Phó chủ tịch “đa năng”

Giống như ở Long An, Đại hội X CĐ tỉnh Tiền Giang cũng trình làng một khuôn mặt phó chủ tịch mới, sinh năm 1975. Đó là anh Hoàng Khắc Tinh, chàng trai lớn lên ở TP.Mỹ Tho bên dòng sông Tiền hiền hòa. Anh Tinh tốt nghiệp kỹ sư cơ khí, nhưng vào đời với công tác thanh niên. Năm 25 tuổi anh đã là ủy viên Ban Thường vụ Thành đoàn TP.Mỹ Tho. Năm 2010, khi đang là Phó Chủ tịch Hội LHTNVN, anh chuyển sang công tác CĐ, làm phó chủ tịch, rồi chủ tịch CĐ Viên chức tỉnh, trước khi làm Chánh Văn phòng LĐLĐ tỉnh.

Ở LĐLĐ tỉnh Tiền Giang, anh Tinh được xem là người “đa năng”, vì anh khá tinh thông nhiều lĩnh vực. Là kỹ sư cơ khí được đào tạo bài bản, anh am tường nhiều lĩnh vực kỹ thuật có liên quan tới cơ khí. Khi về công tác ở LĐLĐ tỉnh, anh theo học hàm thụ và tốt nghiệp Đại học luật, anh trở thành “chuyên viên luật” không chính thức cho cơ quan. Thời gian dài là sinh viên, rồi công tác thanh niên, anh đã trang bị cho mình nhiều kỹ năng như: Ngoại ngữ, tin học, nhiếp ảnh. Với những hành trang ấy, đặc biệt là với ước mơ, hoài bão của lớp thanh niên sinh ra sau năm 1975, anh xứng đáng là thế hệ kế thừa của lớp cán bộ CĐ đi trước ở tỉnh Tiền Giang.

Nhắc về anh, nhiều người nhớ ngay các đề tài thiết thực, hiệu quả của anh: Đề tài “Đổi mới nội dung, phương thức các cuộc họp định kỳ của BCH CĐ Viên chức” (2011) và đề tài “Nâng cao hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của CĐ” (2012). Anh đã nghiên cứu và thiết lập một trang web nội bộ của CĐ Viên chức tỉnh dưới dạng hộp thư điện tử dùng chung.

Ngoài việc dùng để gửi các văn bản như trên, thì CĐ Viên chức tỉnh còn đưa lên đây tất cả các thông tin chỉ đạo, chủ trương mới của Đảng ủy khối, của CĐ cấp trên, những văn bản chính sách, pháp luật mới, các biểu mẫu, hướng dẫn của CĐ, qua đó các CĐCS chỉ cần tải xuống sử dụng, đỡ thời gian đánh máy. Với những thành tích đạt được, anh Tinh đã vinh dự được nhận phần thưởng cao quý Huân chương Lao Động Hạng III.

VĐV bóng chuyền thành thủ lĩnh CĐ

Năm 1990, Trường Năng khiếu TDTT Long An tiếp nhận lứa VĐV tài năng, sau đó nhiều người trở thành trụ cột Đội tuyển Bóng chuyền nữ tỉnh Long An và Đội tuyển Bóng chuyền nữ Quốc gia. Trong số họ có một cô gái sinh năm 1975 ở huyện Thủ Thừa, tuy mới 15 tuổi đã cao 1,64m. Đó là VĐV Nguyễn Thị Thu Tâm, người sau này trở thành Chủ tịch LĐLĐ huyện Thủ Thừa. “Cuộc đời VĐV bóng chuyền nữ không dài, theo bóng chuyền đỉnh cao lại rất khắc nghiệt, nên sau gần 5 năm thi đấu, em xin nghỉ” - Tâm giải thích về lối rẽ cuộc đời.

Chị Thu Tâm (bên phải) chụp ảnh lưu niệm với Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Long An trong kỳ Đại hội VII LĐLĐ huyện.

Quãng đời VĐV chuyên nghiệp tuy ngắn nhưng cũng đã để lại cho chị Tâm hai tố chất rất quý: Thể lực và ý chí. Chị quyết tâm đi học lại và thi đậu vào Trường Trung cấp Y tế Long An. Ra trường, chị về công tác ở Ủy ban Dân số gia đình và trẻ em huyện Thủ Thừa, sau qua Phòng LĐTBXH huyện, trở thành Phó phòng, rồi Trưởng phòng (2010) trước khi chuyển sang công tác CĐ năm 2016.

Nhắc về thời khắc lịch sử 1975, chị nói: “Tự đáy lòng mình, tôi và những bạn bè cùng trang lứa luôn tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc, về sự nghiệp cách mạng vĩ đại của cha anh. Với chúng tôi, ngày 30.4.1975 là ngày tri ân. Càng trân trọng và tự hào, chúng tôi càng ý thức trách nhiệm bảo vệ những thành quả cách mạng cha anh đã để lại, nguyện ra sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thân yêu”.

Không muốn thấy đình công

Tiền Giang là tỉnh có số vụ đình công thuộc loại cao ở Tây Nam Bộ, do công nghiệp phát triển “nóng”, nhiều DN ra đời, lực lượng CNLĐ tăng nhanh. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2018, Tiền Giang đã ghi nhận 8 vụ đình công. Trong khi đó, huyện Châu Thành là địa bàn phát triển công nghiệp của tỉnh với khu công nghiệp Tân Hương và các cụm công nghiệp.

Vậy nhưng, trong mấy năm qua ở Châu Thành hầu như không ghi nhận vụ đình công nào. Điều tốt đẹp đó có được là nhờ tạo dựng được mối quan hệ lao động hài hòa trong các DN, mà công lớn thuộc về LĐLĐ huyện Châu Thành do anh Phạm Văn Út làm chủ tịch.

Anh Út sinh năm 1975 ở vùng quê nghèo xã Bình Trưng, huyện Châu Thành. Anh trưởng thành từ công tác ở xã, trở thành Chủ tịch UBND xã, trước khi chuyển sang CĐ năm 2012. Anh Út tâm sự: “Thấy huyện nhà thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, tôi rất mừng, vì đó là con đường đi lên khá giả.

Anh Phạm Văn Út (bên trái) nhận bức trướng từ lãnh đạo huyện Châu Thành tại Đại hội XI LĐLĐ huyện.

Mỗi khi thấy xảy ra đình công, DN đình trệ sản xuất, CN không có việc làm, tôi rất đau xót, vì ảnh hưởng lớn cho xã hội, địa phương, CN và DN”. Vì vậy, khi về đảm nhận vai trò Chủ tịch LĐLĐ huyện Châu Thành, anh cùng tập thể Ban Thường vụ bàn cách để hạn chế đình công. Các anh nhận ra, cách hay nhất là tạo mối quan hệ lao động hài hòa trong các DN.

LĐLĐ huyện chủ động tổ chức đoàn đến giám sát các DN, đồng thời đề xuất UBND huyện thành lập, kiện toàn Đoàn liên ngành kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động ở các DN, đề xuất bổ nhiệm hòa giải lao động, lập phương án phối hợp giải quyết tranh chấp lao động tập thể.

Hằng năm, LĐLĐ huyện tham gia kiểm tra bình quân trên 24 lượt DN, qua đó CĐ nhắc nhở các DN quan tâm cải thiện điều kiện lao động cho CNLĐ, vệ sinh môi trường, công tác BHLĐ, thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với NLĐ. LĐLĐ huyện thường xuyên chỉ đạo và hướng dẫn các CĐCS tổ chức thương lượng và ký kết TƯLĐTT với nhiều điều khoản có lợi hơn cho NLĐ so với quy định của pháp luật. Hiện có 100% CĐCS trong các DN ở huyện Châu Thành ký TƯLĐTT theo hướng đó.

PHẤN ĐẤU

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cong-doan/nhung-thu-linh-cong-doan-sinh-nam-1975-604014.ldo