Những thông tin về bệnh vảy nến có thể bạn chưa biết!

Vảy nến là bệnh mạn tính khá phổ biến. Ước tính, trên thế giới có khoảng 125 triệu người bị vảy nến, trong đó có 2,5 triệu người Việt Nam.

Dấu hiệu bệnh vảy nến

Vảy nến là bệnh tự miễn, xảy ra do sự rối loạn của hệ miễn dịch. Thông thường, tế bào da mất khoảng 28 – 30 ngày để hình thành, sau đó nâng dần lên bề mặt da, chết đi và rơi ra khỏi cơ thể. Nhưng khi bị vảy nến, hệ miễn dịch tấn công các tế bào da và đẩy nhanh quá trình hình thành lên 10 lần, thời gian từ hình thành đến chết đi rồi tiến lên bề mặt da chỉ diễn ra trong 3 – 4 ngày.

Các tế bào da hình thành liên tục, chết đi và xếp chồng lên nhau nhưng không thể rơi ra khỏi cơ thể sẽ tạo thành những mảng bám đỏ, sưng viêm và bong tróc vảy.

Vảy nến có nhiều loại, mỗi loại lại có triệu chứng khác nhau. Dưới đây là các thể bệnh và dấu hiệu nhận biết vảy nến:

- Vảy nến thể mảng (vảy nến mảng bám): Đây là loại phổ biến, khoảng 80% người mắc bệnh bị vảy nến thể mảng. Triệu chứng dễ nhận biết nhất là xuất hiện các mảng tổn thương da màu đỏ, bong tróc vảy, có đường kính từ 2 – 20 cm. Vảy nến thể mảng thường xuất hiện ở khuỷu tay, đầu gối, da đầu,…

Triệu chứng vảy nến thể mảng

Triệu chứng vảy nến thể mảng

- Vảy nến thể giọt: Các chấm tổn thương như giọt nước, có màu đỏ, sưng viêm, đường kính từ 2 – 20 mm. Bệnh thường gặp ở trẻ em hoặc thiếu niên và xuất hiện ở chân, tay, lưng hoặc toàn thân.

- Vảy nến thể mủ thường xuất hiện ở bàn tay, bàn chân hoặc toàn thân. Da sẽ nổi lên các đám mụn có đầu mủ trắng, gây đau đớn.

- Vảy nến đỏ da toàn thân: Da toàn thân sẽ đỏ ửng lên, kèm theo nóng rát và vảy trắng bao phủ toàn thân. Người mắc có thể sốt, ớn lạnh, run rẩy, nhiệt độ cơ thể thay đổi,...

- Vảy nến đảo ngược thường xuất hiện ở các vùng lõm như nách, háng, nếp gấp da, bộ phận sinh dục,… Tổn thương điển hình của thể vảy nến này là da đỏ tươi, mịn màng và không có vảy.

>> Xem thêm: Thông tin về bệnh vảy nến da đầu TẠI ĐÂY.

Nguyên nhân gây bệnh vảy nến

Đến nay, nguyên nhân gây bệnh vảy nến vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, thông qua nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học nhận định, vảy nến có liên quan đến sự suy yếu của hệ miễn dịch và các yếu tố nguy cơ khác, bao gồm:

- Yếu tố lịch sử gia đình, di truyền.

- Thừa cân, béo phì.

- Sử dụng một số loại thuốc như thuốc hạ huyết áp, thuốc điều trị rối loạn lưỡng cực, thuốc chẹn beta,...

- Nhiễm trùng, như bị viêm họng liên cầu khuẩn.

- Tổn thương da do trầy xước, vết tiêm chủng, xăm hình,…

Trầy xước da có thể gây bùng phát vảy nến

- Uống nhiều rượu bia.

- Hút thuốc lá.

- Bị cháy nắng.

- Stress kéo dài.

Vảy nến có lây không?

Vảy nến là bệnh tự miễn, không phải do virus, vi khuẩn nên KHÔNG lây nhiễm thông qua tiếp xúc từ người mắc bệnh. Nếu bạn đã từng ôm, bắt tay, dùng chung đồ dùng với người bị vảy nến thì không cần quá lo lắng nhé!

Vảy nến có di truyền không?

Vảy nến có yếu tố di truyền từ bố mẹ sang con cái. Nếu bố hoặc mẹ bị vảy nến thì con có tỷ lệ bị vảy nến là 8%, còn cả bố mẹ đều mắc vảy nến thì tỷ lệ con bị bệnh là 41%.

Vảy nến có ngứa không?

Khoảng 50% người bị vảy nến thấy ngứa ngáy trên tổn thương da. Mức độ ngứa có thể từ nhẹ đến trầm trọng, gây mất ngủ, ảnh hưởng đến cuộc sống. Người mắc có thể dưỡng da hoặc dùng các loại thuốc kháng histamine để giảm ngứa.

Vảy nến có chữa khỏi được không?

Vảy nến hiện chưa có thuốc chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, đừng quá bi quan, vảy nến có thể được kiểm soát ổn định thông qua việc dùng thuốc, quang hóa trị liệu hoặc các biện pháp thay đổi lối sống.

Biến chứng của vảy nến

Vảy nến là bệnh lành tính, không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nếu không được điều trị, biến chứng của vảy nến là khá nghiêm trọng, cụ thể:

- Gây suy thận: Trên thực tế, vảy nến không gây biến chứng suy thận, nhưng thói quen tự ý dùng thuốc của một số người khiến thận bị tổn thương. Nhiều loại thuốc có tác dụng phụ nguy hiểm đến chức năng lọc máu của thận, gây suy thận.

Thuốc điều trị vảy nến có thể gây suy thận

- Ảnh hưởng đến hệ tim mạch: Nhiều loại thuốc điều trị vảy nến làm tăng nguy cơ đau tim, nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.

- Gây bệnh rối loạn chuyển hóa: Người bị vảy nến có nguy cơ cao bị rối loạn chuyển hóa. Đây là tổ hợp nhiều vấn đề sức khỏe như: Béo phì, tăng huyết áp, tiểu đường, triglycerid tăng cao hoặc HDL-cholesterol thấp hơn ngưỡng an toàn.

- Tiểu đường type 2: Người bị vảy nến trung bình và nặng có nguy cơ bị tiểu đường type 2 cao hơn người bình thường.

- Biến chứng tâm lý: Theo một thống kê, có đến 65% người bị vảy nến xuất hiện tình trạng chán nản, tự ti, mặc cảm, thậm chí trầm cảm.

Phương pháp điều trị vảy nến hiện nay

Hiện nay, chưa có thuốc chữa khỏi vảy nến nên mục tiêu điều trị vẫn là kiểm soát, cải thiện các triệu chứng, kéo dài thời gian ổn định bệnh và ngăn ngừa tái phát. Các phương pháp điều trị vảy nến được áp dụng bao gồm:

Điều trị tại chỗ

Điều trị tại chỗ vảy nến là phương pháp dùng thuốc bôi ngoài da và thường được áp dụng cho người bị vảy nến nhẹ đến trung bình. Đây là các loại thuốc chống viêm, bong sừng bạt vảy, giảm ngứa nên có hiệu quả giảm triệu chứng. Tuy nhiên, hãy cẩn trọng nguy cơ tác dụng phụ.

Quang hóa trị liệu

Quang hóa trị liệu là phương pháp sử dụng ánh sáng mặt trời hoặc tia UV để cải thiện các triệu chứng bệnh vảy nến. Những tia này có tác dụng loại bỏ vảy da, giảm sưng viêm khá hiệu quả.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/doi-song/suc-khoe/nhung-thong-tin-ve-benh-vay-nen-co-the-ban-chua-biet-3381923/