Những thông điệp yêu thương phụ nữ muốn trao gửi

Những thông điệp được gửi đến tại các cuộc triển lãm nhân Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3 do Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam rất ý nhị, sâu sắc và hơn cả là lời nhắn nhủ không chỉ với chị em mà còn với toàn xã hội về mong muốn có một môi trường sống an toàn cho tất cả …

Đầu tiên phải kể đến là triển lãm lưu động Hành trình bình an (Safe Journey). Triển lãm được tổ chức dưới hình thức thiết kế mở là các xe lưu động và được đưa tới một số không gian công cộng trên địa bàn TP Hà Nội (công viên, trường học, Hội phụ nữ một số phường...) và tập trung vào 3 nội dung chính: An toàn hay không an toàn; Bình an giúp tôi có thể; Hành trình bình an. Mỗi nội dung khác nhau lại có nhiều ý nghĩa, nhiều thông điệp được phát đi.

Cụ thể: An toàn hay không an toàn phản ánh về thực trạng mất an toàn tại không gian công cộng trên địa bàn TP qua những số liệu và câu chuyện của cá nhân tập trung vào những vấn đề chính: Định kiến gia đình và xã hội trong việc hạn chế cơ hội được ra ngoài, làm việc của phái nữ; Phương tiện giao thông và chất lượng cơ sở hạ tầng công cộng; Sự thờ ơ của những người xung quanh; Sự mất an toàn nơi đến (trường học, nơi làm việc, lao động, không gian công cộng với các vấn đề như: quấy rối, bạo lực, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn lao động). Bình an giúp tôi có thể: Là tiếng nói của cá nhân và cộng đồng chia sẻ về những mong muốn “bình an” trong cuộc sống và làm thế nào để được “bình an”, đâu là những giá trị đích thực. Hành trình bình an: Cung cấp thông tin về những can thiệp của các tổ chức trong nước và quốc tế, các ban ngành Chính phủ và cá nhân, của Hội LHPN Việt Nam trong việc nỗ lực xây dựng một TP an toàn cho phụ nữ và trẻ em.

Khách tham quan tại triển lãm “Hành trình bình an”. Ảnh: L.D

Khách tham quan tại triển lãm “Hành trình bình an”. Ảnh: L.D

Trong khuôn khổ triển lãm, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cũng tổ chức nhiều hoạt động tương tác, như: chụp ảnh cầm biển với thông điệp của chiến dịch; chia sẻ câu chuyện của bản thân (viết hoặc vẽ) với mục đích kêu gọi sự tham gia và nâng cao nhận thức cộng đồng cùng chung tay hành động xây dựng một TP an toàn cho phụ nữ và trẻ em.

Một triển lãm thú vị khác với tên gọi “Vì một cuộc sống an toàn” cũng được tổ chức nhân dịp này. Thông điệp của triển lãm là “Hãy bắt đầu hành động ngay từ hôm nay để mang lại sự an toàn cho mọi người, cho mọi nhà, cho phụ nữ và trẻ em”. Để truyền tải thông điệp này, triển lãm tập trung vào những nội dung: Chính sách pháp luật về bảo vệ phụ nữ, trẻ em; Môi trường và biến đổi khí hậu; An toàn thực phẩm; Bạo lực gia đình; Buôn bán phụ nữ, trẻ em là những hình ảnh và câu chuyện khác nhau đem đến cho công chúng cái nhìn hiện thực hơn về những vấn đề ảnh hưởng đến an ninh, an toàn của con người, trong đó có phụ nữ và trẻ em.

Ngoài thực trạng đáng báo động, triển lãm cũng đưa ra một số giải pháp để thay đổi tình hình, đặc biệt là những nỗ lực của Hội LHPN Việt Nam đã và đang thực hiện trong các hoạt động tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, xây dựng những mô hình cụ thể hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em, giám sát và phản biện xã hội góp phần hoàn thiện pháp luật về bảo vệ phụ nữ và trẻ em…

Với mong muốn có một xã hội an toàn cho tất cả mọi người, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà đưa ra lời kêu gọi: “Chúng ta hãy quyết tâm nhiều hơn nữa vì sự bình an của mỗi người dân, của phụ nữ và trẻ em bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Mỗi ngày, mỗi chúng ta hãy hành động vì một xã hội an toàn. Phụ nữ và trẻ em cần biết cách tự bảo vệ mình. Mỗi cấp hội phụ nữ nhất định phải lấy sự an toàn của phụ nữ và trẻ em là một trong những mục tiêu hàng đầu để hành động. An toàn là tiền đề quan trọng cho sự phát triển, tiến bộ của mỗi cá nhân; là hạnh phúc của mỗi gia đình, góp phần phát triển bền vững đất nước. Và chúng ta sẽ cùng hành động vì điều đó ngay từ hôm nay…”.

Linh Anh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nhung-thong-diep-yeu-thuong-phu-nu-muon-trao-gui-139404.html