Những thói xấu có thể nguy hiểm chết người của tài xế Việt

Rất nhiều thói xấu được xem là căn bệnh 'nan y' khó bỏ của tài xế Việt đã gián tiếp hoặc trực tiếp gây nên rất nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm.

1.Vừa đi xe vừa... xả rác

Xả rác bừa bãi là một trong những thói xấu khó bỏ nhất của tài xế Việt. Khi sử dụng xong các thức ăn đóng gói, nước đóng chai,... họ luôn tiện tay vứt thẳng ra ngoài qua cửa kính xe. Việc làm này là cực kỳ phổ biến và gây ra hậu quả hết sức tai hại.

Thói quen này khiến một số đoạn đường quốc lộ luôn trong tình trạng rác thải vương vãi khắp nơi gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường và làm mất mỹ quan nhiều khu vực.

Rác thải tràn ngập một đoạn đường quốc lộ gây ôi nhiễm môi trường và làm mất mỹ quan.

Rác thải tràn ngập một đoạn đường quốc lộ gây ôi nhiễm môi trường và làm mất mỹ quan.

Không chỉ vậy, việc vừa đi xe vừa vứt rác có thể là tác nhân gây ra tai nạn khi các phương tiện khác bất ngờ bị rác làm ảnh hưởng tới tầm nhìn.

2. Lái xe không đúng làn đường

Hiện nay, mặc dù có rất nhiều tuyến đường được phân rõ làn đường dành riêng cho các loại xe khác nhau nhưng nhiều người vẫn ngang nhiên vi phạm, gây mất an toàn giao thông và làm ức chế một bộ phận không nhỏ người tham gia lưu thông. Rất nhiều trường hợp tài xế xe gắn máy cố tình chạy sang làn đường xe ôtô để thoát khỏi cảnh ùn tắc hay để kịp tránh cảnh dừng xe quá lâu trước đèn đỏ... Trường hợp ngược lại cũng thường xuyên xảy ra. Việc đi lấn làn đường theo cách như vậy là cực kỳ nguy hiểm cho bạn và những người khác.

Tình trạng xe gắn máy cố tình lần sang làn đường dành riêng cho xe ô tô là cực kỳ phổ biến.

Mức phạt đối dành cho chủ phương tiện tham gia giao thông cố tình vượt làn đường khá cao. Cụ thể, tại Điểm c, Khoản 4, Điều 5 theo quy định của Nghị định 46/2016, quy định phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với người điều khiển xe ôtô và các loại xe tương tự xe ôtô khi thực hiện hành vi vi phạm: “Điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường, làn đường quy định”.

Đối với xe môtô khi đi vào làn xe ôtô sẽ bị xử phạt lỗi “Điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường, làn đường quy định” theo quy định tại điểm g, khoản 4, điều 6, của Nghị đinh 46/2016, chủ phương tiện sẽ bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng.

3. Bóp còi inh ỏi

Bóp còi xe inh ỏi là một trong những thói quen cực kỳ khó bỏ của tài xế Việt khi tham gia giao thông với bất cứ phương tiện nào. Nhiều người do không thể đợi chờ phương tiện lưu thông phía trước nhường đường đã sẵng sàng bóp còi liên thanh hồi lâu, các tai nạn thương tâm cũng đôi lúc từ thói quen này mà xảy ra.

Ở Việt Nam. tình trạng giao thông ùn tắc, chủ phương tiện mất kiên nhẫn ấn còi xe liên tục là chuyện như cơm bữa. Ảnh: LĐO

Lấy ví dụ đơn cử, tháng 4.2014, tại QL51, đoạn ngay ngã tư Vũng Tàu (phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa, Đồng Nai), chị Phan Thị Thanh (44 tuổi, trú xã An Hòa, TP.Biên Hòa chạy xe máy từ QL51 rẽ sang QL1A, bị giật mình bởi tiếng còi rất to của xe ben phía sau khiến chị bị ngã. Lúc này, tài xế Nguyễn Hữu Lợi (31 tuổi, quê Tiền Giang) điều khiển xe ben lao tới cán chị Thanh tử vong tại chỗ.

4. Nghe điện thoại khi đang lái xe

Có rất nhiều tài xế Việt rất hay nghe điện thoại khi đang lái xe. Sử dụng điện thoại khi lái xe được xem là một cách tiết kiệm thời gian để khỏi phải đỗ, dừng. Nhưng việc bị mất một tay cho việc cầm điện thoại sẽ khiến ta bị mất tập trung khi lái xe, đồng thời không thể phản ứng kịp khi gặp những tình huống bất ngờ. Tai nạn sẽ luôn thường trực xảy ra khi mà người lái xe quá mải mê nhìn màn hình điện thoại mà không chú ý đến đường đi.

Ở Việt Nam, cảnh tài xế vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại là cảnh tượng như “cơm bữa” . Ảnh minh họa

Anh T.Q.T, chủ xe khách chạy tuyến cố định Huế - Quảng Bình, cho biết vừa lái xe vừa nghe điện thoại là việc thường thấy của nhiều tài xế. "Tôi thừa nhận việc làm này là rất nguy hiểm khi tham gia lưu thông trên đường, đặc biệt là đường quốc lộ. Chính bản thân tôi trước đây cũng thường xuyên nghe điện thoại nhưng sau một thời gian chứng kiến nhiều vụ tai nạn giao thông nên đã giảm hẳn việc vừa nghe điện thoại vừa lái xe." anh T nói.

5. Uống rượu bia rồi vẫn lái xe

Chắc hẳn nhiều người vẫn chưa quên vụ việc, bà Nguyễn Thị Nga lái xe BMW gây ra vụ tai nạn kinh hoàng dưới chân cầu vượt ngã tư Hàng Xanh, quận Bình Thạnh, TP.HCM hồi tháng 10.2018, khi xe BMW đâm liên tiếp vào 5 xe máy và 1 xe taxi làm 1 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.

Đáng chú ý, kết quả kiểm tra nồng độ cồn của bà Nguyễn Thị Nga lên tới 0,94mg/ lít khí thở, vi phạm nghiêm trọng quy định về nồng độ cồn trong máu khi lái ôtô.

Chiếc ô tô BMW bể nát phần đầu sau khi gây ra vụ tai nạn kinh hoàng dưới chân cầu vượt ngã tư Hàng Xanh, TPHCM. Ảnh: LĐO

Vẫn còn đó vô vàn những vụ tai nạn giao thông xảy ra do tài xế uống rượu bia trước khi tham gia giao thông. Khi uống rượu, bia vượt quá giới hạn cho phép, người điều khiển phương tiện sẽ bị giảm tốc độ phản ứng khi có tình huống trên đường từ 10 đến 30%.

Ngoài ra, rượu, bia còn làm giảm khả năng điều khiển tự chủ, phản xạ và thị lực. Rượu, bia gây ảnh hưởng trực tiếp đến thị giác và quá trình xử lý, truyền tải hình ảnh tới não bộ, gây ước tính sai về khoảng cách. Người say rượu, bia dễ gây ra lỗi nguy hiểm như chạy xe quá tốc độ quy định, vượt ẩu, đi sai phần đường quy định.

Long Du

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xe/nhung-thoi-xau-co-the-nguy-hiem-chet-nguoi-cua-tai-xe-viet-657053.ldo