Những thói quen xấu cần bỏ ngay để tránh mất trí nhớ

Bỏ ăn sáng, lười suy nghĩ, mất ngủ hay uống nhiều rượu bia… là những thói quen xấu có thể khiến bộ não của bạn bị thoái hóa, ảnh hưởng đến tư duy và tăng nguy cơ mất trí nhớ.

Ăn uống không lành mạnh: Nghiên cứu cho thấy, những người có chế độ ăn chứa nhiều chất béo bão hòa dễ mắc bệnh mất trí nhớ hơn. Bạn nên đa dạng hóa thực đơn với các loại trái cây, rau quả, hạt và ngũ cốc. Thay thế bơ, dầu ăn bằng chất béo lành mạnh như dầu oliu, hạn chế ăn thịt đỏ và bổ sung các nguồn protein lành mạnh từ cá và thực vật.

Ăn uống không lành mạnh: Nghiên cứu cho thấy, những người có chế độ ăn chứa nhiều chất béo bão hòa dễ mắc bệnh mất trí nhớ hơn. Bạn nên đa dạng hóa thực đơn với các loại trái cây, rau quả, hạt và ngũ cốc. Thay thế bơ, dầu ăn bằng chất béo lành mạnh như dầu oliu, hạn chế ăn thịt đỏ và bổ sung các nguồn protein lành mạnh từ cá và thực vật.

Bỏ bữa sáng: Những người có thói quen bỏ bữa sáng sẽ thường xuyên gặp tình trạng đường huyết thấp, làm rối loạn cơ chế trao đổi chất của cơ thể. Khi não không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng vào buổi sáng sẽ có nguy cơ lão hóa sớm hơn.

Ăn quá nhiều đường: Khi mệt mỏi, chỉ cần ít đồ ngọt có thể giúp bạn nhanh chóng lấy lại tinh thần. Tuy nhiên, không lâu sau đó, cảm giác mệt mỏi, uể oải lại xuất hiện. Thực tế, các chất đường bột chỉ cung cấp năng lượng tức thời cho cơ thể và hầu như giá trị dinh dưỡng của chúng rất thấp.

Phớt lờ các bệnh mãn tính: Huyết áp cao và đái tháo đường là hai trong số những yếu tố ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đến chứng mất trí nhớ, bệnh Alzheimer. Đối với cả 2 căn bệnh này, việc điều trị thường xuyên bằng thuốc, thực hiện chế độ ăn uống, tập thể dục có thể cải thiện trí nhớ đáng kể.

Dùng đồ uống có cồn: Theo các nhà khoa học, uống quá nhiều rượu có thể làm cho não bị teo và gây ra chứng mất trí nhớ sớm. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh mối tương quan giữa việc sử dụng rượu kéo dài và các triệu chứng suy giảm nhận thức.

Hút thuốc lá: Trong thuốc lá có chứa hơn 4.700 hợp chất hóa học, trong đó một số chất có độc tính cao. Các nghiên cứu đều chỉ ra, những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc các chứng mất trí và 79% khả năng mắc bệnh Alzheimer.

Lười vận động: Hơn 1 triệu ca bệnh Alzheimer tại Mỹ có nguyên nhân liên quan đến việc lười vận động và rất ít khi tập thể dục. Khoa học đã chứng minh việc tập thể dục đem lại lợi ích cho não và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ.

Lười suy nghĩ: Cũng như việc luyện tập cơ thể, trí não cũng cần được rèn luyện. Bạn cần thường xuyên suy nghĩ, viết và khám phá những thông tin mới để rèn luyện bộ não. Lười suy nghĩ có thể gây ra co rút não, mất đi sự nhạy bén.

Sống cô độc: Những người cô đơn có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao gấp đôi. Vì thế, ngay cả khi là một người thích ở một mình, bạn cũng nên tích cực tham gia các hoạt động xã hội.

Thiếu ngủ: Theo nghiên cứu, những người ngủ ít hơn 6 giờ mỗi đêm có nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ tới 36%. Một nghiên cứu khác ước tính 15% các ca bệnh Alzheimer liên quan đến các vấn đề về giấc ngủ.

Ngủ quá nhiều: Theo nghiên cứu của tạp chí Alzheimer's & Dementia, những người ngủ hơn 8 giờ mỗi đêm có nguy cơ mất trí nhớ cao hơn 35%. Ngủ quá nhiều gây tổn hại cho não vì khiến bạn lười biếng và thiếu suy nghĩ. Ảnh: RD.

Thảo Nguyên (Theo RD)

Nguồn Khỏe Plus: http://khoeplus24h.vn/khoe-a-z/nhung-thoi-quen-xau-can-bo-ngay-de-tranh-mat-tri-nho-804174.html