Những thói quen cha mẹ cần dạy con khi đi trên xe máy, ô tô...

Xe máy, thậm chí là ô tô là những phương tiện khi di chuyển trong các thành phố lớn, có mật độ giao thông đông đúc.

Để bảo đảm an toàn trong lúc di chuyển, cha mẹ cần chỉ bảo, hướng dẫn cho con mình những thói quen khi đi trên xe máy, ô tô...ngay từ nhỏ là điều cấp thiết.

Khi đi trên xe máy

Cha mẹ cần hướng dẫn cho trẻ cách đội mũ bảo hiểm, cài quai đúng quy định, khi đi trên xe máy. Trẻ từ 6 tuổi trở lên phải đội mũ bảo hiểm (đúng chủng loại và kích cỡ mũ dành cho trẻ em) khi tham gia giao thông cùng cha mẹ trên xe máy. Thông điệp “Đội mũ cho con - Trọn tình cha mẹ” nhắc nhở những bậc làm cha, mẹ hãy đội mũ bảo hiểm cho con khi tham gia giao thông, nhằm phòng tránh thương vong cho trẻ em khi xảy ra tai nạn giao thông (TNGT). Thực tế, hằng ngày người đi đường vẫn bắt gặp cảnh cha mẹ đội mũ bảo hiểm đầy đủ, nhưng chở theo con thì đầu trần, không đội mũ. Cũng như người lớn, khi tham gia giao thông bằng các phương tiện xe hai bánh, trẻ em cũng phải đối mặt với các nguy cơ TNGT. Thực tế khi xảy ra TNGT, trẻ em luôn là đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

Hướng dẫn cho trẻ cách đeo khẩu trang đúng quy cách, tránh khói, bụi, đề phòng dịch bệnh. Bởi đây cũng là một trong những biện pháp an toàn “5K” hiện nay. Đồng thời, dạy trẻ ngồi trên xe máy với tư thế an toàn, để tránh té ngã, gây mất an toàn đối với người đang lái xe. Tuyệt đối không đùa giỡn trên xe khi xe đang chạy với tốc độ cao. Chỉ xuống xe khi xe đã dừng hẳn để tránh té ngã, va đập gây chấn thương nghiêm trọng. Với trẻ lớn đủ điều kiện điều khiển phương tiện khi sử dụng xe máy, cha mẹ cần hướng dẫn trẻ cách đi xe trên đường và xử lý một số tình huống thường gặp phải. Trước khi cho trẻ tự tham gia giao thông, cần đi kèm trẻ một thời gian để trẻ quen xe, quen đường và biết xử lý tình huống bất ngờ mới cho trẻ đi một mình. Đồng thời dạy trẻ cách thức và thói quen kiểm tra các phương tiện giao thông như phanh xe, bàn đạp, đèn xi nhan, bánh xe đủ hơi…, đảm bảo an toàn khi lưu thông trên đường, phòng, tránh nguy cơ tai nạn thương tích nói chung và tai nạn giao thông nói riêng.

Khi ngồi trên ô tô

Cha mẹ cần dạy trẻ luôn ngồi vào ghế dành cho trẻ và thắt dây an toàn. Ghế trên ô tô được thiết kế dành cho người lớn, do đó tầm vóc của trẻ sẽ lọt thỏm trong lòng ghế, khiến trẻ dễ bị dịch chuyển, lắc lư và dây an toàn không thể thắt gọn. Dù trẻ ngồi ghế riêng hay có thể ngồi cùng ghế người lớn thì cha mẹ cũng phải tập cho trẻ thói quen thắt dây an toàn. Đây là hành động cơ bản, bắt buộc đầu tiên để hình thành thói quen cho trẻ khi bước vào ô tô. Vị trí thích hợp nhất cho trẻ em là ở hàng ghế sau, ghế ngồi riêng của trẻ nên đặt so cho mắt trẻ có thể quan sát không gian bên ngoài để tránh mệt mỏi, say xe. Không được chơi đùa, nghịch phá khi ngồi trong ô tô đang chạy. Việc chơi đùa trên ô tô thường dễ khiến cho trẻ bị ngã va chạm vào các bộ phận trên xe dẫn đến chấn thương, đặc biệt khi xe chạy nhanh, đổi hướng.

Trang bị cho trẻ những kiến thức an toàn khi đi xe và cách tự giải thoát cho mình khi bị bỏ quên, mắc kẹt trên ô tô một mình. Cụ thể, hãy dạy trẻ cách mở cửa từ bên trong khi xe bị chốt khóa và tắt máy. Chỉ cho trẻ biết các nút mở cửa và vị trí lẫy khóa. Đồng thời, chỉ cho trẻ biết cách bật tín hiệu cảnh báo khẩn cấp trên ô tô và bấm còi (vì khi tắt máy thì các hệ thồng đèn khẩn cấp và coi xe vẫn hoạt động bình thường). Đối với những trẻ có thể sử dụng các thiết bị công nghệ, nên trang bị cho trẻ một chiếc đồng hồ định vị có thể nghe gọi hoặc một chiếc điện thoại di động. Qua đó hướng dẫn trẻ sử dụng để khi rơi vào các tình huống khẩn cấp có thể liên hệ cho cha mẹ hoặc người thân.

CA DAO

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhung-thoi-quen-cha-me-can-day-con-khi-di-tren-xe-may-o-to-n188308.html