Những 'thiên đường' không lối thoát!

Đối tượng mua bán người có thể là bất cứ ai, người cùng làng, xã, thị trấn, đồng hương, người Việt Nam hoặc người nước ngoài. Thậm chí, người từng là nạn nhân của vụ mua bán người vẫn có thể trở thành thủ phạm mua bán người sau đó.

Vì vậy, để không rơi vào bẫy lừa "việc nhẹ, lương cao", mỗi người dân cần trang bị các kiến thức cần thiết để kịp thời nhận diện đối tượng mua bán người, nhằm bảo vệ bản thân và gia đình mình.

Những cuộc tháo chạy kinh hoàng

Chỉ trong một tháng qua, hàng trăm lao động đã tháo chạy từ Campuchia qua biên giới về Việt Nam, sau thời gian dài bị các đối tượng mua bán người giam giữ, bóc lộc lao động tại nước bạn. Những người lao động này gồm cả nam lẫn nữ, bị dụ dỗ, lừa gạt sang nước bạn để làm "việc nhẹ, lương cao".

Tuy nhiên, sau khi sang bên kia biên giới thì họ bị khống chế, giam giữ, cưỡng bức lao động. Thậm chí, có người còn bị bóc lột, hành hạ dẫn đến thương tật vĩnh viễn, khiến dư luận xã hội bức xúc. Ngay sau khi trốn chạy được về quê nhà, nhiều người vẫn không thể thoát khỏi ám ảnh tâm lý mỗi khi nghĩ về "thiên đường" bên kia biên giới.

Sáng 21-9-2022, lực lượng chức năng Việt Nam đã hoàn thành thủ tục, hồ sơ tiếp nhận 71 lao động Việt Nam tháo chạy khỏi casino ở Campuchia. Trong đó, có 56 người từng làm việc tại casino ở tỉnh Svay Rieng (Campuchia) đã tự tổ chức trốn chạy về Cửa khẩu quốc tế (CKQT) Mộc Bài (Tây Ninh), do mâu thuẫn với chủ. Sau đó, 56 người này bị cảnh sát Campuchia tạm giữ.

Quá trình điều tra, xác minh, lực lượng chức năng Campuchia đã yêu cầu casino trên giao nộp thêm 15 công dân Việt Nam, nâng tổng số người liên quan là 71 người. Sau 4 ngày tạm giữ để xác minh, làm rõ, đến sáng 21-9, chính quyền Campuchia đã trao trả những công dân này về Việt Nam qua CKQT Mộc Bài.

Tiến hành khai thác nhanh tại Đồn Biên phòng CKQT Mộc Bài, nhiều nạn nhân đã tường thuật lại thủ đoạn của các đối tượng mua bán người. Phần lớn các nạn nhân bị dụ dỗ qua biên giới để làm "việc nhẹ, lương cao". Điều đáng nói, bên cạnh những người bị dụ dỗ nhập cảnh trái phép sang Campuchia, còn có nhiều nạn nhân nhập cảnh chính ngạch vẫn bị lừa vào các công ty "ma" để lao động.

Tại đây, họ bị giam lỏng, cưỡng bức làm việc trong môi trường áp lực cao. Nếu người lao động nào không thực hiện đủ "chỉ tiêu" thì sẽ bị chủ sa thải, luân chuyển để "bán" sang công ty khác, với giá khoảng 2.000 - 3.000 USD. Lúc này, nếu gia đình nạn nhân không có tiền chuộc gửi sang thì người lao động sẽ trở thành "món hàng" của các đối tượng mua bán người.

Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang tiếp nhận các nạn nhân từ Campuchia về nước trong tháng 9-2022

Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang tiếp nhận các nạn nhân từ Campuchia về nước trong tháng 9-2022

Trao đổi với báo chí, Phó Thủ tướng Campuchia Sar Kheng cho biết, trong một tháng (từ ngày 18-8 đến 18-9-2022), Bộ Nội vụ Campuchia đã nhận được 289 đề nghị giải cứu từ nạn nhân của các đối tượng mua bán người. Qua điều tra, xác minh, cơ quan chức năng Campuchia khẳng định có đến 95% đề nghị này là sự thật. Các trường hợp xin giải cứu nằm ở nhiều địa phương, gồm: các tỉnh Sihanoukville, Svay Rieng, Kandal, Oddar Meanchey, Koh Kong, Pursat, Thủ đô Phnom Penh...

Bất chấp pháp luật và đạo đức

Trong thời gian vừa qua, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia và Trung Quốc liên tục nhận được thông tin về việc công dân Việt Nam bị lôi kéo, lừa sang nước bạn để bóc lộc sức lao động. Do không hiểu biết pháp luật và thông thạo ngôn ngữ địa phương, nhiều nạn nhân còn bị các đối tượng mua bán người trao đổi như một "món hàng".

Theo Công an Q8, các đối tượng mua bán người thường nhắm vào những nạn nhân nhẹ dạ, cả tin, đang cần việc làm. Nhóm này thường do người Trung Quốc cầm đầu, có sự giúp sức của cả người Việt Nam. Thủ đoạn của các đối tượng là đăng thông tin quảng cáo về công việc nhẹ nhàng, lương cao ở Campuchia (thu nhập từ 800 - 1.000 USD/tháng) trên các trang mạng xã hội.

Sau khi "con mồi" sập bẫy, các đối tượng sẽ tổ chức cho họ nhập cảnh sang Campuchia. Qua đến nước bạn, nạn nhân được đưa đến các cơ sở lưu trú để chờ việc hoặc đến các sòng bài nhận việc ngay. Trên thực tế, tại đây, người lao động sẽ trở thành nạn nhân của các đối tượng vì "thân cô thế cô”, không có chỗ nương tựa nơi đất khách quê người.

Từ sau khi đại dịch Covid-19 bùng nổ khiến nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng, sự khó khăn về kinh tế khiến hàng trăm triệu người trên thế giới rơi vào cảnh thất nghiệp. Điều này đã tạo điều kiện cho các đối tượng mua bán người "săn mồi". Ngoài ra, lợi nhuận khổng lồ từ hoạt động mua bán người (chỉ đứng sau mua bán trái phép vũ khí và ma túy) đã khiến các đối tượng bất chấp pháp luật và đạo đức, tìm mọi cách lừa gạt, ép buộc, nhằm bán bằng được nạn nhân.

Theo điều tra của phóng viên, thủ phạm mua bán người có thể là bất cứ ai, kể cả đồng hương, thậm chí là người từng là nạn nhân của những vụ mua bán người trước đó. Sau khi bị mua bán, nạn nhân sẽ bị bóc lột lao động, cưỡng ép hoạt động mại dâm... Bất kỳ ai thiếu hiểu biết và mất cảnh giác đều có thể trở thành nạn nhân của các đối tượng mua bán người.

Do đó, mỗi người dân cần tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để tránh rơi vào bẫy của các đối tượng mua bán người. Phải luôn cẩn trọng, đề phòng trước sự giúp đỡ về tiền bạc, lợi ích vật chất bất ngờ của người khác, nhất là những người lạ hoặc không thân thiết. Bởi chính những lời mời chào, hứa hẹn về những "thiên đường" "việc nhẹ, lương cao" hay lợi ích vật chất lớn thường là cái bẫy nguy hiểm mà các đối tượng mua bán người dùng để "săn mồi".

Từ mô hình Ngôi nhà bình yên đầu tiên, đến nay đã có thêm 2 Ngôi nhà bình yên tại Hà Nội (1 dành cho nạn nhân bị bạo lực giới, 1 dành cho nạn nhân bị mua bán), 1 Ngôi nhà bình yên cho phụ nữ bị bạo lực giới ở Đồng bằng sông Cửu Long, 9 phòng tham vấn tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác. Ngoài ra, để hỗ trợ kịp thời, các nạn nhân bị bạo lực gia đình và bị mua bán người có thể gọi điện đến Tổng đài 1900.969.680 sẽ được tư vấn, hướng dẫn.

Ngăn chặn tình trạng xuất nhập cảnh trái phép

Thời gian gần đây, lực lượng Công an ở khu vực biên giới Tây Ninh liên tiếp bắt giữ nhiều vụ xuất cảnh trái phép, đồng thời giải cứu hàng chục nạn nhân bị lừa bán sang Campuchia, do nghe lời dụ dỗ đưa đi làm "việc nhẹ, lương cao".

Qua theo dõi, rạng sáng 15-9-2022, Công an TX.Trảng Bàng kiểm tra hành chính một nhà nghỉ ở xã Phước Bình, phát hiện Nguyễn Văn T. (SN 1982, ngụ Bắc Ninh), Lê Văn H. (SN 1994, ngụ Nghệ An) và Ngô Hoàng A. (SN 2002, ngụ Nam Định) đang chuẩn bị xuất cảnh trái phép qua Campuchia. Cả ba được đưa về trụ sở công an làm việc.

Công an xã Phước Bình Làm việc với đối tượng đưa người xuất cảnh trái phép

Tại cơ quan công an, 3 thanh niên khai do cần tìm việc làm có thu nhập cao hơn ở quê nên lên các trang mạng xã hội, thấy đăng thông tin chào mời qua Campuchia làm việc với thu nhập từ 19 triệu đồng đến vài chục triệu đồng (!). Sau khi liên lạc qua điện thoại, các đối tượng hướng dẫn 3 thanh niên cách thức đến tỉnh Tây Ninh và thuê chỗ nghỉ gần khu vực biên giới để thuận tiện cho việc xuất cảnh trái phép. May mắn cho cả ba là lực lượng Công an kịp thời phát hiện, ngăn chặn.

Trước đó, ngày 08-9-2022, Công an tỉnh Tây Ninh đã nhận bàn giao đối tượng cùng tang vật trong vụ án "tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép", do Đồn Biên phòng Long Phước (H.Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh) chuyển giao. Trong lúc tuần tra tại xã Long Khánh, Tổ công tác công an - biên phòng Long Phước phát hiện một thanh niên lái xe máy, chở một bé gái đến đường tuần tra biên giới, có nhiều biểu hiện nghi vấn nên chặn lại kiểm tra.

Thanh niên khai tên Chu Minh Danh (SN 2003, ngụ địa phương), còn bé gái tên Phạm Thị N. (SN 2009, ngụ Tuyên Quang). Truy xét tiếp, cơ quan công an bắt giữ Phạm Minh Tài (SN 1998, ngụ xã Long Khánh, H.Bến Cầu), là người tổ chức đưa cháu N. xuất cảnh trái phép sang Campuchia.

G.MINH - T.NHUNG

PHÙ SA

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/nhung-thien-duong-khong-loi-thoat_137510.html