Những thí sinh 'đặc biệt' của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 (đợt I) đã khép lại. Nhiều thí sinh có hoàn cảnh đặc biệt đã nỗ lực vượt qua khó khăn, quyết tâm thi đỗ tốt nghiệp, đạt điểm cao để vào đại học...

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 (đợt I) diễn ra trong hai ngày 9-10/8 để lại nhiều ấn tượng trong công tác phòng chống dịch bệnh. Ảnh: Q.Anh

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 (đợt I) diễn ra trong hai ngày 9-10/8 để lại nhiều ấn tượng trong công tác phòng chống dịch bệnh. Ảnh: Q.Anh

Thi xong lại tức tốc vào viện để chạy thận

Hoàn thành xong bài thi cuối của kỳ thi tốt nghiệp THPT, Tô Trí Hiếu (lớp 12 Trường THPT Đồng Hòa, quận Kiến An, Hải Phòng) gọi điện thoại báo cho mẹ đã thi xong rồi được chuyển thẳng tới bệnh viện để tiếp tục việc chạy thận nhân tạo. Hiếu là thí sinh đặc biệt nhất điểm thi vì vừa tuân thủ việc chạy thận ở bệnh viện định kỳ, vừa phải đảm bảo việc học tập trên lớp.

Đến nhà của Hiếu nằm sâu trong con ngõ nhỏ của phố Chợ Hàng (quận Lê Chân), chúng tôi gặp bà Tô Thị Tường Vân - mẹ của Hiếu là người khuyết tật, bị bại liệt cả đôi chân nên việc di chuyển vô cùng gặp khó. Hàng ngày, bà Vân nhận hàng gia công thêu thùa tại nhà, thu nhập không ổn định, càng không đủ sức gánh vác khoản viện phí lớn điều trị cho cậu con trai duy nhất. Bà Vân đượm buồn kể: "Đầu năm 2019, Hiếu có biểu hiện mệt mỏi, tăng cân không kiểm soát. Tôi giục con đi xem sao thì kết quả cho biết con bị suy mạn tính giai đoạn 5, cần phải điều trị tích cực trong thời gian dài. Nghe tin xong, tôi sốc và hoang mang vô cùng. Bản thân mình đã khuyết tật, mọi niềm tin cuộc sống đặt hết vào con. Giờ con mang bệnh trọng, tương lai sẽ ra sao?".

Tô Trí Hiếu (Kiến An, Hải Phòng) là thí sinh nỗ lực trong suốt thời gian diễn ra thi cử. Ảnh: M.L - Đ.H

Bà Vân chia sẻ: "Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, Hiếu có biểu hiện bệnh trở nặng, mỗi sáng ngủ dậy con đều bị hoa mắt, chóng mặt, thậm chí còn không nhìn thấy gì. Đi kiểm tra thì thận đã suy yếu quá nặng dẫn đến mắt kém, co giật toàn thân. Và hành trình chạy thận của con bắt đầu từ đó. Đều đặn mỗi tuần 3 buổi vào các ngày thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu, dù bận đến mấy con cũng phải dành thời gian đến bệnh viện để chạy thận nhân tạo".

Bố của Hiếu là công nhân một nhà máy ở Quảng Ninh, tháng mới về nhà một lần. Từ ngày con bị bệnh, bố Hiếu ít về nhà bởi phải tranh thủ cả ngày phép để làm công việc bốc vác, kiếm thêm thu nhập chữa bệnh cho con.

Còn Hiếu được thầy cô nhận xét là người con ngoan, sống tình cảm, là đôi chân của mẹ, thay mẹ đi lấy hàng và phụ mẹ những việc vặt trong nhà. Chia sẻ về chuyện học tập, thi cử, Hiếu kể: "Lúc biết mình bị bệnh, em cũng suy nghĩ và buồn nhiều, nhưng tự khuyên nhủ không cho phép mình gục ngã vì đằng sau mình là cha, là mẹ. Hai ngày thi tốt nghiệp THPT trùng lịch chạy thận của em nên các bác sĩ cũng tạo điều kiện lùi giờ chạy sang cuối giờ chiều 10/8 cho em. Em rất vui vì bài thi đều làm tốt. Em hy vọng sẽ đỗ vào Khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Hàng hải Việt Nam để vừa đảm bảo việc chữa bệnh, vừa đảm bảo việc học và chăm sóc cho mẹ".

Ni cô sống ở chùa từ nhỏ nỗ lực thi tốt

Thí sinh Phạm Thị Huyền đã có thời gian 14 năm sinh sống, học tập tại chùa. Ảnh: P.Thuận

Tại điểm thi Trường THPT Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), khá nhiều người ấn tượng với một ni cô dự thi tốt nghiệp THPT năm nay. Đó là thí sinh Phạm Thị Huyền - một trong những thí sinh khá đặc biệt ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay tại Hà Nội. Huyền là tiểu ni cô sống và tu tại chùa Lai Xá (huyện Hoài Đức, Hà Nội).

Thí sinh Phạm Thị Huyền tâm sự, do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, 14 năm trước, bố mẹ đã đưa em vào chùa sinh sống. Bố mẹ ở xa và không có điều kiện, em gần như rất ít có cơ hội gặp. Sống ở chùa cùng với Huyền còn có 7 bạn khác hoàn cảnh tương tự. Nhờ sự cưu mang của nhà chùa, Huyền đã có điều kiện sinh hoạt, học tập được tốt hơn. Cùng giống như các bạn, cơ hội học tập của Huyền vẫn luôn rộng mở và được thầy cô, nhà chùa hết sức tạo điều kiện.

"Tham dự kì thi tốt nghiệp THPT năm nay, em tự đi xe đến điểm thi từ sớm. Em làm bài khá tốt, mong rằng sẽ tốt nghiệp THPT và có cơ hội vào đại học", thí sinh Phạm Thị Huyền chia sẻ thêm.

Chàng lính nghĩa vụ quyết tâm vào đại học

Thí sinh Nguyễn Văn Hưng hiện là bộ đội nghĩa vụ tại Học viện Biên phòng. Ảnh: Q.Anh

Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, nhiều thí sinh tự do đăng ký dự thi để lấy kết quả tuyển sinh vào đại học, trong đó có nhiều thí sinh đang thực hiện nghĩa vụ quân sự trong các đơn vị quân đội. Trong các buổi thi tại điểm thi THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, hình ảnh chàng trai trong trang phục áo lính được nhiều người chú ý. Đó là thí sinh Nguyễn Văn Hưng (SN 2000, quê tại xã Bá Hiến, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc), bộ đội nghĩa vụ, nhập ngũ vào tháng 2/2019 và đang thực hiện nghĩa vụ tại Học viện Biên phòng.

Hưng chia sẻ, em được đơn vị tạo điều kiện rất nhiều để có thêm thời gian ôn thi. Ở đơn vị, em được các anh nhiều kinh nghiệm trong ôn tập, luyện thi chỉ bảo, hướng dẫn tận tình để vừa có thêm kiến thức, kinh nghiệm trong việc làm bài.

Nguyễn Văn Hưng chia sẻ: "Theo đánh giá của em, đề thi năm nay Bộ GD&ĐT ra khá cơ bản. Em đăng ký dự thi vào hệ đào tạo quân sự của Học viện Biên phòng để được học tập, làm việc lâu dài trong quân ngũ. Bước vào kỳ thi năm nay, em đăng ký dự thi môn Ngữ văn và tổ hợp môn Khoa học xã hội để lấy kết quả xét tuyển vào đại học".

Bộ GD&ĐT cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT) đã phối hợp với các địa phương tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 từ 8 - 10/8/2020. Trong ngày làm thủ tục dự thi (ngày 8/8) có 866.946 thí sinh đến làm thủ tục dự thi/tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 900.079 thí sinh, đạt tỷ lệ 96,3%. Đã có 32.229 thí sinh không đến làm thủ tục dự thi, chiếm tỷ lệ 3,58%. Số thí sinh bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 không thể dự thi: 26.308 thí sinh tại 23 tỉnh/thành phố, chiếm tỷ lệ 2,92% tổng số thí sinh đăng ký dự thi trên toàn quốc.

Bộ GD&ĐT cho biết, trong các ngày diễn ra thi, lãnh đạo Bộ đã đi kiểm tra một số Hội đồng thi như: Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng, Hà Nam, Thái Bình, Long An, TPHCM, Hà Nội… ghi nhận lãnh đạo các địa phương đã quan tâm chỉ đạo, chuẩn bị chu đáo, nhất là các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như bố trí bộ phận y tế chuyên trách tại điểm thi, khử khuẩn toàn bộ các điểm thi, đo thân nhiệt, cung cấp nước sạch và xà phòng rửa tay, khẩu trang cho các thí sinh dự thi theo đúng hướng dẫn của Bộ.

Các Hội đồng thi đều hỗ trợ tối đa cho thí sinh, đảm bảo không để thí sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn mà không đến dự thi. Các địa phương có các huyện, xã miền núi, hải đảo đã quan tâm sâu sát đến từng thí sinh là người đồng bào dân tộc, có hoàn cảnh gia đình khó khăn, huy động các nguồn lực nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh tham gia kỳ thi (tỉnh Bình Thuận đưa thí sinh từ đảo Phú Quý vào đất liền dự thi, tỉnh Quảng Ninh đã đưa các thí sinh từ đảo Quan Lạn vào đất liền dự thi).

Nhóm phóng viên

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/nhung-thi-sinh-dac-biet-cua-ky-thi-tot-nghiep-thpt-nam-2020-2020081016524506.htm