Những thầy thuốc 'ba trong một'

Bên cạnh nhiệm vụ giảng dạy, những cán bộ, giảng viên Học viện Quân y (HVQY) còn là những bác sĩ hết lòng vì người bệnh, những nhà khoa học ngày đêm miệt mài nghiên cứu để cho ra đời những sáng kiến, phương pháp điều trị mới cứu giúp người bệnh.

Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2), phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với Trung tướng, GS, TS Đỗ Quyết, Giám đốc HVQY về mô hình đào tạo gắn bó chặt chẽ với nghiên cứu khoa học và điều trị nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao sẵn sàng phục vụ quân đội, nhân dân trong thời bình cũng như thời chiến.

Trung tướng, GS, TS Đỗ Quyết. Ảnh: ĐÌNH TÙNG

Trung tướng, GS, TS Đỗ Quyết. Ảnh: ĐÌNH TÙNG

Phóng viên (PV): Trải qua 70 năm lịch sử đến nay, HVQY đã trở thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu y học và điều trị hàng đầu của quân đội và cả nước. Giáo sư có thể cho biết, nét đặc thù trong công tác đào tạo của HVQY so với các học viện, nhà trường khác cùng khối ngành như thế nào?

GS, TS Đỗ Quyết: Ngay từ những ngày đầu thành lập (10-3-1949), Trường Quân y sĩ Việt Nam (tiền thân của Học viện Quân y ngày nay) đã xác định 3 nhiệm vụ chính trị trọng tâm là đào tạo, nghiên cứu khoa học và điều trị. Vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, nhà trường đã cung cấp hàng trăm thầy thuốc quân y vững vàng về tư tưởng lập trường, về y nghiệp và y thuật, tích cực nghiên cứu, sáng tạo kết hợp y học cổ truyền, y học hiện đại, tận dụng các cây thuốc trong rừng, các bài thuốc của địa phương để bảo vệ sức khỏe bộ đội, cứu chữa thương binh, bệnh binh trong các chiến dịch: Biên giới, Tây Bắc, Điện Biên Phủ... Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hàng chục đội điều trị của nhà trường đã có mặt trên khắp các chiến trường để cứu chữa thương binh...

Ngày nay, HVQY ngày càng phát huy toàn diện hơn, sâu sắc hơn mô hình gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học và điều trị bệnh. Mỗi một cán bộ của học viện đều có 3 nhiệm vụ: Vừa là giảng viên, vừa là bác sĩ điều trị, lại vừa là nhà nghiên cứu khoa học (3 trong 1). Học qua nghiên cứu khoa học đang là một trong những hướng đi có tính đột phá, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của học viện. Đặc biệt, một nét đặc thù nữa là HVQY luôn thực hiện tốt phương châm: Trên cơ sở của nền y học chung, xây dựng nền y học quân sự toàn diện, cập nhật với các phương thức tác chiến mới và các vũ khí hiện đại của các quân binh chủng trong các môi trường và địa hình hoạt động khác nhau. Nhiệm vụ huấn luyện y học quân sự là nhiệm vụ được chú trọng đặc biệt, thường xuyên của chúng tôi.

Bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y) khám bệnh cho nhân dân tại xã Việt Hòa, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.

PV: Được biết, HVQY có phong trào nghiên cứu khoa học rất phát triển. Việc ứng dụng các đề tài khoa học vào thực tiễn giảng dạy và điều trị ra sao, thưa đồng chí?

GS, TS Đỗ Quyết: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng nhấn mạnh: Đã là học viện, nhà trường thì phải nghiên cứu khoa học. Kế thừa truyền thống nghiên cứu khoa học rất tốt của học viện, chúng tôi xác định phương châm: Bên cạnh nghiên cứu ứng dụng, tập trung đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực y dược, coi đây là một hướng chủ đạo để nâng tầm của học viện, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đưa các sản phẩm nghiên cứu cơ bản vào ứng dụng không những trong học viện, trong nước mà cả trên thế giới. HVQY là một trong những nhà trường chiếm tỷ lệ cao nhất về đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước. Ngay thời điểm hiện tại, HVQY đang chủ trì 15 đề tài cấp nhà nước, gần 20 đề tài cấp bộ, ngành và hơn 100 đề tài cấp cơ sở. Số lượng đề tài được ứng dụng vào điều trị đạt tỷ lệ cao. Nhiều đề tài được giải thưởng khoa học quốc gia và quốc tế, có ý nghĩa quan trọng về chính trị-xã hội, quốc phòng, an ninh.

Hàng chục năm qua, HVQY đã ứng dụng thành công nhiều tinh hoa của y học cổ truyền và kỹ thuật tiên tiến của y học thế giới vào điều trị như: Các sản phẩm chế từ cây thuốc nam; từ động vật; từ tế bào gốc ứng dụng vào điều trị bỏng, điều trị liền vết thương; các kỹ thuật tiến tiến trong thụ tinh, chẩn đoán dị tật bẩm sinh trước chuyển phôi trong hỗ trợ sinh sản; các kỹ thuật ghép tạng, mổ tim mở, bào chế thuốc... Từ các đề tài nghiên cứu, học viện đã tạo ra các chế phẩm quan trọng có giá trị như: Sâm Ngọc Linh sinh khối, khối tế bào thông đỏ Việt Nam, lên men tỏi đen từ nguồn tỏi Việt Nam...

Để phát triển phong trào nghiên cứu khoa học, học viện đã triển khai nhiều chính sách để khuyến khích giảng viên nghiên cứu khoa học trong đó có xây dựng Quỹ Khoa học và Công nghệ Đỗ Xuân Hợp để hỗ trợ cho các giảng viên trẻ và học viên, sinh viên nghiên cứu khoa học; hỗ trợ kinh phí cho các giảng viên có bài báo quốc tế, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đăng ký sở hữu trí tuệ (độc quyền sáng chế, độc quyền giải pháp hữu ích)… Chúng tôi cũng quan tâm đầu tư đồng bộ nhiều labo, trung tâm nghiên cứu giúp cho các giảng viên có thể triển khai các ý tưởng nghiên cứu khoa học: Mỗi bộ môn đều có từ 1 đến 2 labo nghiên cứu với trang bị hiện đại như labo của bộ môn sinh lý, sinh lý bệnh, giải phẫu, sinh học, ký sinh trùng... Viện Nghiên cứu Y dược học quân sự với đầy đủ trang thiết bị, phòng thí nghiệm hiện đại ngang tầm khu vực và thế giới...

Học viên Học viện Quân y diễn tập cứu chữa thương binh tại thực địa diễn tập. Ảnh: VƯƠNG THÚY

PV: Với những thành tựu về nghiên cứu khoa học, HVQY là nơi đầu tiên thực hiện thành công nhiều ca ghép tạng, đánh dấu sự phát triển vượt bậc cho nền y học Việt Nam. Giáo sư có thể làm rõ hơn điều này?

GS, TS Đỗ Quyết: Về lĩnh vực ghép tạng, HVQY có 5 dấu mốc quan trọng như 5 đỉnh núi của thành tựu y học thế giới mà chúng tôi là đơn vị đầu tiên của cả nước đã chinh phục thành công. Đó là ghép thận đầu tiên (năm 1992), ghép gan đầu tiên (năm 2004), ghép tim đầu tiên (năm 2010); ghép đồng thời tụy-thận đầu tiên (năm 2014) và ghép phổi trên người đầu tiên (năm 2017). Thành công của các ca ghép này đã chứng tỏ Việt Nam đã theo kịp với phát triển y học của thế giới, đồng thời có vai trò khích lệ và tiếp tục chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện khác. Ví dụ như về ghép thận hiện nay đã trở thành kỹ thuật thường quy tại HVQY, đã có hơn 430 ca ghép thận được thực hiện thành công tại Bệnh viện Quân y 103 (HVQY), đồng thời chúng tôi đã chuyển giao kỹ thuật ghép thận cho một số bệnh viện như: Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), Bệnh viện 198 (Bộ Công an)... Nhân dịp tổng kết 25 năm thành tựu ghép tạng, tập thể HVQY, Bệnh viện Quân y 103 và 5 cá nhân đã được Hội Ghép tạng Việt Nam trao Bằng xác lập và biểu tượng Kỷ lục Việt Nam. Với phương châm, chinh phục các đỉnh cao trong y học sẽ thúc đẩy sự phát triển của đa chuyên ngành vì vậy trong thời gian tới, chúng tôi sẽ không ngừng nỗ lực chinh phục các đỉnh núi thành tựu khác về y học.

PV: Sức khỏe của các bệnh nhân sau những ca ghép tạng đầu tiên đó hiện nay ra sao, thưa Giáo sư?

GS, TS Đỗ Quyết: Nhìn chung, các bệnh nhân sau khi được ghép tạng đến nay vẫn sống khỏe mạnh và tham gia được các hoạt động bình thường. Ví dụ: Cháu Nguyễn Thị Diệp (10 tuổi)-bệnh nhân trong ca ghép gan đầu tiên năm 2004 và bố đẻ của cháu đã hiến một phần lá gan để thực hiện ca ghép đến nay sức khỏe và chức năng gan của hai bố con đều ổn định. Cháu Diệp đã tốt nghiệp Trường Cao đẳng Quân y 1 của HVQY và hiện công tác tại Khoa Dược, Bệnh viện Quân y 103 (HVQY). Cháu Ly Chương Bình, 8 tuổi (Hà Giang) đã thoát khỏi cái chết sau ca ghép phổi năm 2017 đến nay rất khỏe mạnh và đang học lớp 2 tại Trường Tiểu học Văn Yên (Hà Đông). Sau ca ghép đến nay, cháu vẫn thường xuyên được cán bộ, nhân viên HVQY quan tâm hỗ trợ, theo dõi sát sao sức khỏe và việc học tập. Chúng tôi mong rằng, HVQY dần dần sẽ trở thành nơi tụ hội của câu chuyện nhân ái về những mảnh đời của các bệnh nhân ghép tạng.

PV: Để cung cấp nguồn nhân lực y tế chất lượng cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới cho quân đội và cả nước, chương trình đào tạo và đội ngũ giảng viên của học viện đã, đang và sẽ được đổi mới như thế nào, thưa Giáo sư?

GS, TS Đỗ Quyết: Những năm gần đây, chương trình đào tạo của chúng tôi thường xuyên được điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện, cụ thể hóa mục tiêu-yêu cầu đào tạo sát với thực tế hơn, vừa mang đặc thù quân đội, vừa tiếp cận với xu hướng đổi mới trong nước và thế giới. Cùng với nhiệm vụ đào tạo thầy thuốc cho quân đội, học viện còn được giao nhiệm vụ đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành y tế và cán bộ y tế các tỉnh Tây Nguyên, Tây Bắc, miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long. Tính đến nay, HVQY đã đào tạo được 623 bác sĩ cử tuyển là con em đồng bào dân tộc thiểu số thuộc 5 tỉnh Tây Nguyên; hơn 2.000 bác sĩ cho 9 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; 200 bác sĩ theo địa chỉ cho hai tỉnh Bắc Kạn và Yên Bái...

Các chương trình đào tạo được xây dựng mới, bảo đảm tính cơ bản, hệ thống và cập nhật khoa học kỹ thuật hiện đại, các chương trình được xây dựng không chỉ có kiến thức, kỹ năng thực hành mà cả nội dung y đức, kiến thức về khoa học xã hội và nhân văn ngành quân y. Chúng tôi chú trọng đào tạo và bồi dưỡng nhân tài (bác sĩ nội trú), áp dụng chương trình đào tạo tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế, có nghị quyết chuyên đề về phát triển tiếng Anh trong toàn học viện và xây dựng lực lượng chuyên gia phiên dịch... Hầu hết các bài giảng trong chương trình đào tạo bác sĩ nội trú theo tiêu chuẩn quốc tế tại HVQY đều được giảng bằng tiếng Anh. 100% học viên bác sĩ nội trú phải viết và bảo vệ luận văn tốt nghiệp bằng tiếng Anh.

Bên cạnh đó, học viện cũng chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Hầu hết cán bộ được tuyển chọn tại học viện là bác sĩ nội trú, thạc sĩ, tiến sĩ được đào tạo cơ bản, chính quy. Khi về công tác tại HVQY, số cán bộ này được quan tâm bồi dưỡng về kiến thức, năng lực chuyên môn, đặc biệt đối với kỹ năng lâm sàng đối với các bác sĩ thuộc hai bệnh viện thực hành; khả năng thuyết trình, kỹ năng sư phạm... Đến nay, đã có trên 65% số giảng viên trẻ có trình độ tiếng Anh B2, có khả năng giao tiếp, trao đổi chuyên môn với các chuyên gia nước ngoài. Các buổi làm việc với chuyên gia nước ngoài hoặc hội nghị quốc tế tại HVQY đã không cần phiên dịch. Nhiều năm qua, học viện cũng đã xây dựng các mối quan hệ hợp tác với nhiều trường đại học, viện nghiên cứu tại các nước như: CHLB Đức; Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Pháp, Nga, Hoa Kỳ... Thông qua hoạt động hợp tác quốc tế, học viện đã tổ chức được nhiều hội thảo quốc tế; triển khai đề tài nghiên cứu khoa học, gửi cán bộ, giảng viên đi đào tạo; hợp tác trao đổi giảng viên, trao đổi sinh viên…

Có thể nói, hoạt động hợp tác quốc tế đã thúc đẩy hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và điều trị của HVQY hội nhập với quốc tế để cập nhật nhanh chóng những xu thế mới, tri thức mới.

PV: Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

HÀ THANH MINH (thực hiện)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/nhung-thay-thuoc-ba-trong-mot-566862