Những thay đổi trong nét văn hóa Tết

Ngày nay, từ Bắc vào Nam, từ Hà Nội đến Sài Gòn, Tết mang những sắc thái vô cùng mới mẻ…

Dấu xưa còn đó…

Anh Nguyễn Trung Dũng, nhà ở phố Huế, sinh ra và lớn lên tại Hà Nội vẫn còn nhớ như in những ngày Tết xưa khi được nhận phong bao lì xì, được mẹ đưa đi lễ chùa đầu năm, được thăm hỏi, chúc Tết họ hàng gần, xa. “Thường thì gia đình mình chuẩn bị Tết vào ngày 23 âm lịch cho Tết ông Công ông Táo. Chiều ngày 30 thì cùng bố lên chợ Nhật Tân để mua đào và quất. Năm nào cũng thế”, anh Dũng chia sẻ.

Là vùng đất hội tụ những giá trị truyền thống, Hà Nội vẫn còn giữ được nhiều nét đẹp của Tết truyền thống cho dù đời sống xã hội đã hiện đại hơn rất nhiều, ví như gói bánh chưng ngày Tết, tục xin chữ, xin câu đối đỏ đầu năm hay lì xì, mừng tuổi người già, trẻ nhỏ: “Mình thấy nét văn hóa mà chúng ta vẫn còn giữ được đó là nấu bánh chưng, và tục xin câu đối, tặng chữ. Chúng ta vẫn còn thấy được sự nhộn nhịp vào đầu năm mới ở khu vực Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nơi được xem là phố thư pháp. Mọi người tới đây để xin chữ, xin câu đối may mắn, ý nghĩa cho gia đình.

Chị Trần Thị Bích Ngọc ở Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ: “Thực ra, ở Hà Nội, nhiều gia đình vẫn giữ được gói bánh chưng và làm mâm cỗ ngày Tết. Mình vẫn coi trọng các tục lệ như xông nhà, mừng tuổi hay chúc Tết họ hàng”.

Còn đối với người Sài Gòn hiện nhiều gia đình ưa đi du lịch dịp Tết. Song, Tết Sài Gòn vẫn có những nét văn hóa riêng. Tết,… Anh Phạm Quang Hồng, một người gốc Sài Gòn, nói: “Mình thích không khí Tết của Sài Gòn lắm. Hồi mình 10 tuổi, vào thời khắc giao thừa, mẹ phát cho hai anh em, mỗi người một bộ quần áo mới. Rồi sau đó cùng nhau xếp bánh mứt vào khay. Khi đồng hồ điểm 12 giờ đêm, cả nhà cùng nhau đi lễ chùa. Bây giờ, nhà mình vẫn thích không khí rộn ràng cùng nhau chuẩn bị Tết. Cả nhà mang ly, tách, chén đĩa ra rửa, mang giấy đỏ về bọc mấy cây mai vàng, rồi trải khăn đẹp lên bàn thờ,…Mình cùng mẹ vẫn đi chợ mua lương thực, thực phẩm để ngày Tết tiếp đãi khách tới thăm nhà”.

Dù cuộc sống với bộn bề lo toan, nhưng Tết vẫn mang ý nghĩa quan trọng trong đời sống của người Việt, dù là người Nam hay là người Bắc, người Sài Gòn hay Hà Nội.

Có những văn hóa Tết đẹp được lưu giữ trọn vẹn.

Có những giá trị !

Song không thể phủ nhận một điều rằng, một số giá trị văn hóa của Tết đã phần nào bị biến mất hoặc đã bị đổi thay. Trong khi văn hóa gói bánh chưng ngày Tết ở Hà Nội vẫn giữ được thì ở Sài Gòn, dường như việc các thành viên trong gia đình cùng nhau gói bánh tét đã mai một đi rất nhiều. Chị Linh chia sẻ: “Văn hóa gói bánh tét dâng lên tổ tiên ngày càng mất đi, thay thế vào đó là việc trưng bày các loại bánh, mứt có sẵn trong các siêu thị. Ở khu phố của mình hầu như chẳng còn nhà nào gói bánh tét cho ngày Tết nữa. Bởi thế, thế hệ con cháu chúng ta, trong đó có cả bản thân mình cũng không biết cách thức làm bánh tét như thế nào nữa”. Không chỉ vậy, chị nhận thấy rằng Tết ngày càng hiện đại hơn, mọi thứ đều có thể mua được ở siêu thị, ở tiệm bánh,… “Tết hiện đại, nhiều người tiết chế hơn. Hồi xưa, mình nhận phong bao lì xì, còn được ba mẹ chở đi công viên chụp hình Tết. Lòng lúc nào cũng nao nao chờ đợi Tết. Nhưng bây giờ thì mọi người tiết kiệm hơn, vui chơi cũng chừng mực hơn. Sau ngày mùng 2 Tết, phố xá tấp nập trở lại, buôn bán cũng bắt đầu nhộn nhịp”.

Đối với thế hệ trẻ hôm nay thì Tết càng trở nên tối giản hơn. Cô gái trẻ Ngọc Hiệp, sống ở quận 3, cho biết: “Em thấy ngày xưa thì mọi thứ tự làm nên lúc nào cũng rất tất bật. Cả nhà luôn làm cùng nhau. Nhưng bây giờ, cái gì cũng có thể mua được nên mọi người trong nhà cũng rất rảnh. Mọi người dành thời gian để ra ngoài chơi cùng bạn bè nhiều hơn, không ở nhà để chuẩn bị Tết như nhiều năm trước nữa”.

Một số nét văn hóa đã bị tác động làm đổi thay. Anh Nguyễn Trung Dũng cho rằng: “Bây giờ, xã hội phát triển nên mọi thứ có thể mua được bằng tiền. Vậy nên một số giá trị Tết sẽ bị đổi thay. Ngày xưa người ta đến với nhau bằng tấm lòng, đến xông nhà, chúc nhau bằng chén trà, chén rượu. Còn bây giờ thì hầu như đã khác. Ví như phong tục lì xì đầu năm vậy. Nó đã bị thay đổi bởi vật chất rất nhiều. Ngày xưa chỉ lì xì lấy may. Chúc cho con cái được đủ đầy, ấm êm, làm ăn phát đạt, hay chúc người già hưởng thọ, sống lâu vui vầy cùng con cháu. Nhưng bây giờ, họ lợi dụng phong tục ấy để nịnh bợ, hối lộ…”.

Chung quy lại, dù ở Hà Nội hay Sài Gòn, dù là Tết xưa hay Tết nay, đáng vui hay đáng buồn cũng đều do cảm nhận, cách đón Tết riêng của mỗi người. Và len lỏi giữa những đổi thay của cuộc sống hiện đại, Tết vẫn mang một ý nghĩa quan trọng đối với người Việt, một dịp để gia đình sum vầy bên nhau. Người người, nhà nhà đều mong Tết đến để trở về bên gia đình, dành tặng ông bà, cha mẹ những lời chúc từ tận trái tim.

Thế Vinh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nhung-thay-doi-trong-net-van-hoa-tet-135410.html