Những thành viên nào trong gia đình được ghi tên vào sổ đỏ?

Không phải có chung hộ khẩu, có quan hệ gia đình... là nghiễm nhiên có tên trong sổ đỏ mới là một trong những nội dung được đại diện Cục trưởng Cục đăng ký đất đai, Sở TNMT Hà Nội và luật sư làm rõ trong tọa đàm do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 25/11.

Hiểu rõ hơn về sổ đỏ ghi tên nhiều người trong gia đình

Hiểu rõ hơn về sổ đỏ ghi tên nhiều người trong gia đình

Quy định mới về việc ghi tên nhiều người trong gia đình vào sổ đỏ theo Thông tư 33 có hiệu lực từ ngày 5/12/2017 đang đặt ra hàng loạt câu hỏi. Tọa đàm "Làm rõ quy định mới về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất" giúp giải đáp hàng loạt thắc mắc của người dân về sổ đỏ mới.

Hiện nay nhiều người dân thắc mắc khi giao đất cho hộ gia đình(có quyền sử dụng đất) thì đương nhiên những người có tên trong Hộ khẩu sẽ được ghi tên vào Sổ đỏ dẫn tới việc mảnh đất bị chưa năm sẻ bảy. Trước vấn đề này, ông Mai Văn Phấn, Phó cục trưởng đăng ký đất đai, giải thích rõ chỉ những thành viên trong sổ hộ khẩu có quyền sử dụng đất mới được ghi tên trong sổ đỏ.

"Chúng ta nên phân định rạch ròi ra, hộ khẩu để quản lý việc thường trú của công dân, giấy chứng nhận ghi quyền sử dụng đất của người sử dụng đất. Sổ hộ khẩu chỉ là một thông tin tham chiếu để ghi tên của người có quyền sử dụng đất trên giấy chứng nhận chứ không phải là tất cả các thành viên trong sổ hộ khẩu mà không có quyền sử dụng đất lại được ghi tên trên giấy chứng nhận (Sổ đỏ - PV)', ông Phấn nói tại tọa đàm.

Để làm rõ hơn, đại diện Cục đăng ký đất đai lấy ví dụ khi nhà nước giao đất cho hộ gia đình, tại thời điểm giao hộ gia đình có 4 người gồm ông bố, bà mẹ và 2 người con. Sau đó phát sinh thêm 2 nhân khẩu mới thì 2 nhân khẩu này không có quyền gì cả, không thể đòi được ghi tên vào sổ đỏ.

Cũng theo ông Phấn, quy định pháp luật hiện hành có 17 trường hợp thể hiện thông tin của người sử dụng đất trên giấy chứng nhận (sổ đỏ) và hộ gia đình chỉ là 1 trong số 17 trường hợp.

Ghi tên cả gia đình vào sổ đỏ là giảm rủi ro cho người dân

Về ý kiến lo ngại như người giúp việc hay người thân quen xin nhập vào hộ khẩu gia đình có quyền ghi tên trong sổ đỏ hay không, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng lo ngại này không có cơ sở. Theo luật sư Đức, khái niệm hộ gia đình đã được đưa vào rất nhiều đạo luật. Hộ gia đình sử dụng đất đã được định nghĩa rõ trong Luật Đất đai năm 2013 ở Điều 3 Khoản 29, hộ gia đình là những người có đặc điểm chung như quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân, quan hệ nuôi dưỡng (bố mẹ nuôi, con nuôi).

Thông báo gần đây của Bộ TNMT cũng giải thích rõ việc ghi tên các thành viên gia đình vào sổ đỏ như sau: "Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất".

Do đó, khi ghi Giấy chứng nhận (sổ đỏ) thì chỉ thể hiện thông tin các thành viên có chung quyền sử dụng đất trong hộ gia đình, các thành viên khác trong hộ gia đình không có chung quyền sử dụng đất (ví dụ như những người không phải là nhân khẩu mà Nhà nước đã xác định để giao đất cho hộ gia đình trước đây, người không có công đóng góp để tạo lập quyền sử dụng đất của hộ,…) thì không ghi trên giấy chứng nhận.

Ghi tên cả gia đình vào sổ đỏ là giảm rủi ro cho người dân

Tọa đàm "Làm rõ quy định mới về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất" có sự tham dự của ông Mai Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục đăng ký đất đai, Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ TNMT; ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở TNMT Hà Nội; luật sư Trương Thanh Đức...

Hồng Thanh

Nguồn Vietnam Finance: http://vietnamfinance.vn/nhung-thanh-vien-nao-trong-gia-dinh-duoc-ghi-ten-vao-so-do-20171125161524692.htm