Những thành tựu, triển vọng của máy bay không người lái Nga

Chúng tôi mới giới thiệu bài: 'Máy bay không người lái Israel: tại sao luôn đi đầu' (DVO, 6/1/2021) của chuyên gia quân sự Nga Ryabov Kirill.

Để tiếp tục chủ đề này, xin được thiệu tiếp bài viết với tiêu đề trên cũng của ông đăng trên “Bình luận quân sự” ngày 10/12/2020

"Orlan-10" là một trong những máy bay không người lái (UAV) chủ lực của Quân đội Nga. Ảnh: Bộ Quốc phòng LB Nga

"Orlan-10" là một trong những máy bay không người lái (UAV) chủ lực của Quân đội Nga. Ảnh: Bộ Quốc phòng LB Nga

Trong 10-15 năm trở lại đây, Quân đội Nga đặc biệt quan tâm đến UAV. Các UAV nhiều chức năng và với nhiều tính năng kỹ- chiến thuật khác nhau đã được nghiên cứu- thiết kế- chế tạo, mua sắm và đưa vào trang bị, cho phép đáp ứng tất cả các nhu cầu của Các Lực lượng Vũ trang Nga.

Nhờ vậy, hiện nay Nga đã xây dựng được một trong những "hạm đội đường không” UAV lớn nhất thế giới và trong tương lai, “hạm đội này” nó sẽ còn lớn hơn và có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ hơn.

Những thành tích đến thời điểm hiện tại

Các tiến trình hình thành và phát triển hướng nghiên cứu chế tạo UAV đã được triển khai vào những năm 2000 - mặc dù khi đó trong trang bị vẫn còn các mẫu cũ hơn được chế tạo từ thời Liên Xô.

Việc khai thác làm chủ các UAV hiện đại bắt đầu từ việc tự thiết kế các mẫu riêng và mua những sản phẩm nước ngoài cần thiết để tích lũy kinh nghiệm.

Tổ điều khiển đang chuẩn bị cho việc phóng UAV "Eleron-3". Ảnh: Bộ Quốc phòng LB Nga

Theo thời gian, số lượng các UAV được chế tạo trong nước ngày càng tăng, và một phần những mẫu này đã được đưa vào trang bị cho các quân binh chủng.

Đến thời điểm hiện tại, UAV một số lớp khác nhau đang có trong biên chế của Lục quân, Không quân, Hải quân, Bộ đội Đổ bộ Đường không (VDV) và một số cơ cấu vũ trang khác.

Nhưng tuy vậy, các UAV chủ yếu đang được khai thác trong Các Lực lượng Vũ trang Nga mới chỉ là các tổ hợp hạng nhẹ và hạng trung. UAV hạng nặng, trong đó có các UAV tấn công vẫn chưa có trang bị, nhưng sẽ được đưa vào trực chiến trong tương lai gần.

Theo những dữ liệu được biết, trong cơ cấu biên chế tổ chức của Quân đội Nga hiện có khoảng 70 đại đội chịu trách nhiệm khai thác sử dụng UAV. Những đại đội này có hàng trăm tổ hợp UAV hai chục kiểu khác nhau, trong đó có ít nhất là 2.000 thiết bị bay.

Nhờ vậy, Nga hiện đang là một trong những "cường quốc không người lái" trên thế giới. Nếu tính về số lượng UAV đang có, Nga chỉ đứng sau Hoa Kỳ và Israel.

“Eleron” trên thiết bị phóng. Ảnh: Bộ Quốc phòng LB Nga

Các tiến trình thiết kế và hiện đại hóa của các phương tiện kỹ thuật không người lái vẫn đang được triển khai. Ngoài ra, tiếp tục sản xuất các thiết bị theo những hợp đồng hiện có và mới có.

Đang làm chủ các hướng đi mới. Tất cả những công việc trên cho phép tin rằng lực lượng UAV của chúng ta (Nga) ít nhất cũng sẽ không giảm về số lượng, còn về chất lượng- sẽ có những bước đột phá thực sự.

Thực trạng lực lượng UAV Nga

Vào thời điểm hiện tại, đại đa số UAV trang bị cho Lục quân là các UAV hạng nhẹ; những thiết bị này chủ yếu thực hiện chức năng giám sát và trinh sát.

Cụ thể, phổ biến nhất là tổ hợp “Orlan-10”- UAV này chỉ nặng 14 kg và có khả năng mang tải trọng hữu ích 5 kg. Có nhiều phương án sử dụng tải trọng hữu ích khác nhau, trong đó có phương án trang bị thiết bị liên lạc và các phương tiện tác chiến điện tử.

Các UAV dòng “Eleron” cũng có tầm quan trọng rất lớn đối với Lục quân Nga. “Eleron” được thiết kế theo sơ đồ "cánh bay" và có trọng lượng từ 3,4 đến 15 kg.

Chúng có thể hoạt động trên không trong một khoảng thời gian dài và tiến hành trinh sát một cách bí mật, khó bị phát hiện. Các mẫu lớn hơn và nặng hơn của dòng ‘Eleron” có thể mang nhiều kiểu tải trọng hữu ích khác nhau.

Các UAV mới hơn dòng “Takhion” có các tính năng và khả năng tương tự. Còn có một số mẫu khác thuộc lớp hạng nhẹ do Nga tự thiết kế sản xuất hoặc sản xuất hàng loạt theo giấy phép.

Phóng UAV “Takhion”. Ảnh: Bộ Quốc phòng LB Nga

UAV hạng trung chủ yếu Nga sản xuất hiện tại là "Forpost" - UAV sản xuất theo cấp phép của Israel- bản sao của UAV IAI “Searcher II”.

Kiểu UAV này có trọng lượng cất cánh hơn 430 kg và mang theo các thiết bị trinh sát. Sau một thời gian sản xuất theo giấy phép, tỷ lệ nội địa hóa đã tăng lên và sự phụ thuộc vào các linh kiện chi tiết nhập khẩu giảm xuống.

Ngoài ra, đang hoàn thành dự án chế tạo UAV “Forpost-R”. UAV “Forpost-R” lớn hơn và nặng hơn so với người “tiền nhiệm” (Forpost’), đồng thời thời gian bay tăng lên. Thêm nữa, dự kiến UAV “Forpost-R” chỉ sử dụng các linh kiện và phần mềm của Nga.

Các đặc điểm khai thác sử dụng

Lực lượng UAV hiện có tại các đơn vị Quân đội Nga chỉ thích hợp để quan sát và trinh sát - và Quân đội tích cực sử dụng ưu thế này.

Đã thành lập các đại đội trinh sát được trang bị máy bay không người lái trong tất cả các binh đoàn (cấp sư đoàn, quân đoàn-ND) của Lục quân, Không quân và các quân binh chủng khác.

Nhiệm vụ của chúng là thu thập dữ liệu về đối phương và tình huống nói chung, chỉ mục tiêu cho các loại phương tiện hỏa lực khác nhau, v.v.

UAV hạng trung “Forpost”. Ảnh: Bộ Quốc phòng LB Nga

Trong khuôn khổ chiến dịch quân sự tại Syria, các tổ hợp hàng không không người lái đã thể hiện được các khả năng của chúng trong hoạt động trinh sát và chỉ mục tiêu.

Nhờ các UAV, đã đảm bảo được hoạt động của Không quân chiến đấu, trong đó có cả Không quân chiến lược và các phân đội bộ binh Quân đội Chính phủ Syria. Các phương án phối hợp hành động khác nhau giữa UAV với các phương tiện kỹ thuật quân sự khác thường xuyên được luyện tập trong các cuộc tập trận khác nhau.

Trong những năm gần đây, Bộ Quốc phòng Nga đã nhiều lần thông báo về việc đã sử dụng UAV trong các lĩnh vực khác.

Cụ thể, các thiết bị không người lái từ nay có thể được phục vụ cho các hệ thống pháo binh các kiểu khác nhau, kể cả hệ thống cực mạnh 2S7M. Dữ liệu từ máy bay không người lái trinh sát được sử dụng cho cả việc chuẩn bị các phần tử bắn và cả hiệu chỉnh hỏa lực sau những phát bắn đầu tiên.

Nga cũng đã bắt đầu đưa UAV trang bị cho Bộ đội Công binh và Bộ đội Đường Sắt. Lính công binh và bộ đội đường sắt sử dụng UAV để đánh giá tình huống và xác định kế hoạch hành động tiếp theo - khi xây dựng hoặc phá hủy các công trình, khi làm đường hoặc sửa chữa đường sắt, v.v.

Tổ hợp “Orion” cùng các ới máy bay không người lái hạng nặng. Ảnh: Công ty "Kronstadt"

Triển vọng “ hạng nặng ”

Trong trang bị của Quân đội Nga hiện chưa có các UAV hạng nặng với các các tính năng bay cao hơn. Do thiếu các UAV như vậy, câu hỏi về máy bay không người lái tấn công vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ.

Tuy nhiên, những công việc theo hướng này đã được triển khai từ vài năm trước và hy vọng sẽ sớm cho kết quả như mong muốn.

Thành công hơn cả trong phân khúc này là tổ hợp không người lái “Orion”. Nó đã hoàn thành thành công tất cả các thử nghiêm và thậm chí đã qua được cả “bài kiểm tra” ở Syria. Vào mùa xuân năm nay (2020), Bộ Quốc phòng Nga đã tiếp nhận tổ hợp đầu tiên với 3 chiếc UAV. Sẽ triển khai sản xuất hàng loạt “Orion”.

Một dự án có chức năng tương tự là "Altius-U" hiện đang gặp phải một số vấn đề. UAV này vẫn đang trong quá trình thử nghiệm, nhưng có khả năng là sẽ được đưa vào trang bị trong tương lai gần.

"Altius-U" hạng nặng đang bay. Ảnh Bộ Quốc phòng LB Nga

Đặc biệt đáng quan tâm là dự án S-70 “Okhotnik” (“Thợ săn”), đã được thử nghiệm nguyên mẫu. Đó là một UAV sơ đồ "cánh bay" với các khả năng trinh sát- tấn công ưu việt phát triển và khả năng hoặc hoạt động độc lập ở chế độ tự động hóa tối đa, hoặc cùng đội hình với máy bay tiêm kích có người lái thế hệ 5.

Hướng nghiên cứu về máy bay không người lái có khả năng tương tác với máy bay có người lái đang được phát triển. Tại diễn đàn "Army-2020", lần đầu tiên Nga cho trưng bày mô hình một UAV triển vọng kiểu này mang tên "Grom".

Dự kiến, một thiết bị như vậy sẽ có thể mang vũ khí để tấn công các mục tiêu trên không và trên mặt đất, đồng thời sẽ đảm nhận những hoạt động tác chiến nguy hiểm nhất.

Máy bay không người lái sử dụng một lần

Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp nước Nga đã quan tâm đến một hướng phát triển UAV mới- đó là hướng chế tạo các UAV được gọi là đạn bay chờ - tức là các UAV hạng nhẹ mang đầu tác chiến và có khả năng tấn công các mục tiêu trên mặt đất (UAV cảm tử).

Một số thiết kế lớp này đã được trưng bày và hiện chúng đang trong thời gian thử nghiệm - nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa được đưa vào trang bị. Rất có thể, một quyết định về vấn đề này sẽ được đưa ra trong tương lai gần.

Đạn bay chờ "Lantset ". Ảnh: Tập đoàn "Kalashnikov"

Cách đây không lâu, thông tin về UAV “tự sát” Kub-UAV" đã được công bố. Đó là một UAV cỡ nhỏ (sải cánh chỉ 1,2 m) với đầu tác chiến nặng 3 kg. UAV này có khả năng bay trong thời gian lên đến nửa giờ.

Trong khoảng thời gian đó, người điều khiển có thể theo dõi tình huống và tìm kiếm mục tiêu để tấn công. Sau đó nữa, Nga cho giới thiệu tiếp UAV “tự sát” “Lantset”.

Điểm khác biệt của “Lantset”. so với “Kub-UAV” là ở chỗ có cấu hình khí động học, được trang bị hệ thống quang-điện tử tiên tiến hơn và tải trọng chiến đấu tăng lên.

Hiện tại và tương lai

UAV một số lớp đã trở thành một thành tố không thể thiếu của Quân đội Nga. Việc sản xuất UAV những kiểu hiện có vẫn đang được tiếp tục, cho phép tiếp tục tái trang bị và thành lập các phân đội trinh sát mới.

Song song với đó, các mẫu khác cũng đang được nghiên cứu thiết kế, kể cả UAV các lớp hoàn toàn mới với những tính năng kỹ- chiến thuật và khả năng tác chiến khác biệt nhau.

Như vậy, đến thời điểm hiện tại, “hạm đội" UAV Nga đã trở thành một lực lượng lớn và hoàn chỉnh, đủ sức giải quyết các nhiệm vụ được giao.

Và ngay tại thời điểm hiện tại, “hạm đội” này đang ở ngưỡng của một giai đoạn phát triển mới. Đã chế tạo các thiết bị các lớp mới với các khả năng nâng cao hơn và trong tương lai gần chúng sẽ được đưa vào khai thác.

Các UAV tấn công hạng nặng sẽ bổ sung cho các UAV trinh sát hạng nhẹ - và nước Nga sẽ đứng trong nhóm những nước dẫn đầu thế giới không chỉ về số lượng UAV mà còn cả về chất lượng và khả năng của chúng.

Lê Hùng – Nguyễn Hoàng (dịch)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/nhung-thanh-tuu-trien-vong-cua-may-bay-khong-nguoi-lai-nga-3425591/