Những thành tựu tạo lòng tin và nền móng cho 2045

Nhiều ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp đều có chung nhận định, trong nhiệm kỳ 5 năm 2016-2020, Chính phủ đã thực hiện tốt nhất có thể những cam kết của mình; tạo môi trường vừa ổn định, vừa thông thoáng để nền kinh tế tăng trưởng, ngay cả trong bối cảnh khó khăn của năm cuối nhiệm kỳ. Đây chính là nền tảng để thực hiện các mục tiêu hướng tới năm 2045.

PGS. TS. Trần Đình Thiên: Nhiệm kỳ nhiều thay đổi, cả nội và ngoại lực

PGS. TS. Trần Đình Thiên

PGS. TS. Trần Đình Thiên

PGS. TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia, cho rằng đánh giá cả một nhiệm kỳ vừa qua, thấy rất rõ những thay đổi cả về nội lực và ngoại lực, qua đó cho thấy vị trí của Việt Nam trên thế giới đã được khẳng định và thay đổi tích cực. Đáng chú ý, có sự đồng nhịp giữa đường lối và chính sách thực thi, đưa đường lối thành chính sách và chính sách được hiện thực hóa vào đời sống. Những thay đổi mang tính nền tảng chính là yếu tố đảm bảo cho sự phát triển bền vững, cụ thể chúng ta đã coi khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng cho phát triển.

Đóng góp ý kiến đối với chính sách chỉ đạo, điều hành trong lĩnh vực phát triển kinh tế, PGS.TS Trần Đình Thiên chỉ rõ, những chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển kinh tế số đưa ra phải có những hành động tương ứng và quyết liệt hơn nữa. Chính phủ số đã làm tốt thì nền kinh tế số hóa cần phải hiện thực hóa cụ thể hơn nữa. Muốn đưa đầu tư nước ngoài lên đẳng cấp mới, FDI thu hút chất lượng hơn, cần phải có chính sách tốt, môi trường tốt, kết nối tốt về hạ tầng và logicstic, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao và đội ngũ doanh nghiệp trong nước thực sự mạnh.

Theo TS. Trần Đình Thiên, từ thực tiễn của năm 2020, thấy rõ nền kinh tế của Việt Nam rất khả quan nhưng sức chống chịu chưa cao. Càng trong thử thách, khó khăn càng là dịp thuận lợi để thay đổi bởi khi đó mới thấy rõ, nền kinh tế bộc lộ ra những điểm yếu, từ đó bắt buộc phải thay đổi. Kỳ vọng của mọi tầng lớp nhân dân rất lớn vào sự thay đổi của cơ chế, chính sách trong điều kiện “bình thường mới”. “Bình thường mới” chính là thay đổi những cách thức cũ để phát triển ổn định, bền vững. Điều đó đòi hỏi chúng ta có tiếp cận các vấn đề cải cách một cách sâu hơn. Nhìn nhận rõ những điểm yếu cũng là điều tích cực để có những chính sách thay đổi phù hợp trong điều kiện “bình thường mới”. Đơn cử, đối với các doanh nghiệp nhà nước, cần coi đây là thời điểm có thể chọn lọc những doanh nghiệp ‘mạnh khỏe’ và giảm đi số lượng doanh nghiệp yếu kém, giảm bớt gánh nặng cho nền kinh tế. Dịch bệnh cũng là thách thức khi không thể duy trì mô hình làm việc trước đây mà phải làm việc trên môi trường mạng nhiều hơn. Đó là sự thay đổi căn bản. Và chúng ta cần nhanh chóng vượt qua thách thức, bám sát cơ hội này để “thay máu” nền kinh tế.

Những vấn đề về nguồn lực, đầu tư công, thủ tục hành chính cũng cần phải lưu ý trong giai đoạn tiếp theo. Phải có quan điểm rõ ràng về thị trường, doanh nghiệp, tự chủ và cạnh tranh bình đẳng. Hiện nay thị trường đất đai, tiền tệ là những khu vực cần nghiên cứu để “cởi trói”, không để tạo ra những rào cản, những nút thắt như bất cập về giá hay lãi suất.

Để đạt được mức tăng trưởng như mong muốn trong điều kiện “bình thường mới”, theo TS. Trần Đình Thiên, cần xây dựng kịch bản cụ thể, tương ứng với từng điều kiện của mỗi giai đoạn. Cần tập trung nguồn lực cho cải cách, tháo gỡ chính sách và sửa đổi những bất cập trong các luật, nghị định…

Bên cạnh đó, tập trung đào tạo nguồn nhân lực; khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo điều kiện, cơ chế phù hợp cho doanh nghiệp phát triển bởi doanh nghiệp chính là xương sống của nền kinh tế, TS. Trần Đình Thiên gợi ý.

TS. Nguyễn Đức Kiên: Mô hình phát triển của Việt Nam đang đi đúng hướng

TS. Nguyễn Đức Kiên

TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn về kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, đánh giá: Nhiệm kỳ qua, Chính phủ đã nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành để đạt được những kết quả tích cực, qua đó khẳng định mô hình tăng trưởng, mô hình kinh tế và mô hình phát triển của Việt Nam theo định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình đúng. Chính phủ đã nhìn nhận một số bất cập cần giải quyết, tìm ra nguyên nhân và có những giải pháp toàn diện để đạt được mục tiêu kinh tế-xã hội.

Những kết quả đó đang được tiếp tục đổi mới để nâng cao hiệu quả. Đổi mới ở đây là phải nói thẳng, phải thay đổi tư duy. Đơn cử không nên phân biệt doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước mà nên nhìn chung các doanh nghiệp là doanh nghiệp Việt Nam. Đây chính là cuộc cách mạng trong tư duy những năm tới. Doanh nghiệp FDI là khu vực đáng quan tâm trong thu hút nguồn lực cho nền kinh tế, nhưng làm thế nào để tự doanh nghiệp FDI chuyển thành doanh nghiệp Việt tức là họ chia sẻ phần giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị với các doanh nghiệp Việt. Điều đó đòi hỏi không chỉ điều chỉnh bằng cơ chế mà các doanh nghiệp Việt cũng phải tự vươn lên, nỗ lực trở thành đối tác của các doanh nghiệp FDI, để họ có thể chia sẻ những kinh nghiệm phát triển của họ. Chính phủ đã lựa chọn đột phá chiến lược, đó cũng là chìa khóa để để thành công. Ưu tiên phát triển doanh nghiệp, xây dựng nền kinh tế số là một trong những đột phá đó để nhanh chóng đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Theo ông Nguyễn Đức Kiên, ở giai đoạn này chúng ta phải huy động nguồn lực đúng theo quan điểm tận dụng tất cả mọi nguồn lực để nâng cao đời sống nhân dân. Cần tập trung quan tâm đến tái cơ cấu bởi hiện nay vấn đề này vẫn chủ yếu được nói đến ở tầm Chính phủ và ở khu vực doanh nghiệp nhà nước, chứ chưa được đặt ra một cách quyết liệt ở khu vực kinh tế tư nhân. Do đó cần đổi mới doanh nghiệp, tái cơ cấu ở cả khu vực doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân thì mới phát triển được.

Đề cập đến những nhiệm vụ cụ thể mà Chính phủ đặt ra cho năm 2021 và những năm tiếp theo, trong đó ưu tiên vẫn là bảo vệ sức khỏe người dân và phục hồi tăng trưởng kinh tế-xã hội, ông Kiên cho rằng, trong thời gian đầu của giai đoạn 2021-2025 khi còn dịch bệnh, cần tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”; coi việc bảo đảm an toàn với dịch bệnh là cơ sở để phát triển kinh tế-xã hội, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, chủ động xây dựng, triển khai các kịch bản phòng, chống tương ứng với các cấp độ của dịch; hoàn chỉnh quy trình phòng, chống dịch; kiểm soát phù hợp người nhập cảnh, ngăn chặn hiệu quả nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài, bảo đảm phòng dịch từ sớm, từ xa. Đồng thời, cần tính toán để hạn chế tác động tiêu cực đến các hoạt động kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân.

Tiếp tục củng cố trạng thái bình thường mới, vừa chống dịch vừa phục hồi và phát triển kinh tế. Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhấn mạnh, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và thực thi nghiêm pháp luật; rà soát các chính sách, quy định, khắc phục cho được những tồn tại, hạn chế, yếu kém hiện nay và tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi; có cơ chế, chính sách đủ mạnh, đồng bộ, khả thi, mang tính đột phá để thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư có chất lượng, huy động và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực; vận hành đồng bộ, hiệu quả các loại thị trường theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế. Điều hành đồng bộ, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa các chính sách để thực hiện nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế…

Chính phủ đã nghiêm túc thực hiện cam kết “kiến tạo phát triển, liêm chính và hành động”

DN. Phạm Phú Ngọc Trai

Theo doanh nhân Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch sáng lập GIBC, trong nhiệm kỳ qua, trong lĩnh vực phát triển kinh tế, Chính phủ đã làm được rất nhiều việc, để lại những dấu ấn nổi bật. Cụ thể, trước hết là việc khắc phục hậu quả của khủng hoảng toàn cầu kéo dài từ năm 2008, giữ vững hệ thống tài chính ổn định, chính sách tiền tệ và tài khóa cân đối.

Tiếp đến là dấu ấn trong thu hút FDI, Chính phủ đã biết tận dụng cuộc chiến địa chính trị và địa chiến lược, thu hút được nguồn ngoại lực đầu tư, nhờ vậy, giữ vững được kim ngạch xuất khẩu. Có thể nói, Việt Nam chưa bao giờ xuất siêu cao như năm 2020.

Kinh tế tư nhân trong nước, nhờ các sửa đổi thể chế và sự thúc đẩy tận tâm của lãnh đạo Chính phủ, đã phát huy tiềm năng để trở thành mũi nhọn thực sự của nền kinh tế.

Chính phủ trong nhiệm kỳ qua đã nghiêm túc thực hiện cam kết “kiến tạo phát triển, liêm chính và hành động”, đi sâu đi sát thực tế. Trong báo cáo của Thủ tướng lần này nêu rõ con số 596 chuyến đi “lên rừng xuống biển” của lãnh đạo Chính phủ, tiếp xúc thực tế, thúc đẩy kinh tế địa phương và gỡ khó cho doanh nghiệp, động viên mọi nguồn lực, truyền cảm hứng hành động vì lợi ích và hạnh phúc của từng người dân, cộng đồng và toàn xã hội. “Có thể nói, ở đâu có khó khăn là ở đó có lãnh đạo Chính phủ. Bài học gần dân và doanh nghiệp, siêng năng đi cơ sở là bài học không bao giờ cũ”, ông Phạm Phú Ngọc Trai nói.

Với đại dịch COVID-19, Chính phủ ngay từ đầu đã nêu ra chủ trương “chống dịch như chống giặc”, không hy sinh an toàn tính mạng nhân dân để lấy tăng trưởng, đã làm nền tảng cho mọi sáng kiến và hành động chống đại dịch thành công. Tên nước Việt Nam, bất luận thế nào, là điểm sáng khi vừa kiểm soát được dịch, vừa giữ tăng trưởng dương gần 3 điểm phần trăm.

Cuối cùng, tất cả những thành tựu trên, trong phạm vi một nhiệm kỳ, đã góp phần củng cố lòng tin và làm nền móng cho chiến lược phát triển quốc gia đến năm 2045 - kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông Phạm Phú Ngọc Trai nhắc lại lời Thủ tướng: Một dân tộc giàu mạnh phải là một dân tộc đoàn kết. “Con tàu Việt Nam không bỏ lại ai ở phía sau, tất cả mọi thành phần, giai cấp, cùng sẻ chia thịnh vượng và hạnh phúc”. Doanh nhân này cho rằng, giờ đây câu hỏi đặt ra là: Chúng ta sẽ làm gì cho mục tiêu “nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc”?

Nhóm PV

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/thoi-su/nhung-thanh-tuu-tao-long-tin-va-nen-mong-cho-2045/426974.vgp