Những thành quả từ đam mê

Nghiên cứu khoa học gian nan bao nhiêu thì với nữ giới, sự gian nan đó lại nhân lên nhiều lần. Thế nhưng, hai nhà khoa học nữ của Việt Nam giành được Giải thưởng L'Oreal - UNESCO 'Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học' năm qua lại thành công vì quyết định lựa chọn con đường ấy.

Đó là PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài (Trưởng khoa Dược – Trường Đại học Y dược thuộc Đại học Huế) và TS. Trần Thị Ngọc Dung (Trưởng phòng Công nghệ Thân môi trường - Viện Công nghệ Môi trường thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Có thể nhìn thấy rõ ở họ niềm đam mê dành cho khoa học, vượt qua những trở ngại của bản thân để nhận lấy những trái thơm trong sự nghiệp…

Tin vui đến từ cây thuốc của người Pako

PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài được ghi nhận vì tâm huyết tìm ra những sản phẩm ứng dụng làm thuốc từ nguồn dược liệu Y học dân tộc cổ truyền, nghiên cứu phát triển tìm kiếm thuốc mới trong định hướng phát triển sản phẩm giảm cân, sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư, bệnh suy giảm trí nhớ ở người già.

TS. Trần Thị Ngọc Dung (giữa) tại Lễ trao giải.

Và một trong những nghiên cứu nổi bật của chị là Nghiên cứu các cây thuốc của đồng bào Pako Vân Kiều ở Miền Trung theo hướng tác dụng chống oxy hóa, diệt tế bào ung thư. Nghiên cứu này đã tìm ra được 2 cây dược liệu quý là bù dẻ tía và mán đỉa có tác dụng ức chế tế bào ung thư và chống oxy hóa tốt. Đây là những dược liệu quý của đồng bào dân tộc, được kiên trì thu thập, phân tích và sàng lọc để chứng minh thành phần khoa học cũng như đặc tính sinh học của cây thuốc, tạo tiền đề cho việc nghiên cứu các sản phẩm hỗ trợ trong điều trị ung thư và các bệnh liên quan đến oxy hóa.

Nhớ lại thời điểm năm 2007, sau 2 năm sinh con, chị Hoài bị chấn đoán K tuyến giáp, và đã được một thầy lang người dân tộc Pako chữa bệnh. Sau quá trình này, chị càng có thêm động lực tìm hiểu bài thuốc của người Pako. Vượt qua rào cản ngôn ngữ, nhờ sự giúp sức từ bộ đội biên phòng, cuối cùng chị cũng được tiết lộ về cây thuốc trị bệnh thần kỳ ấy. Tuy việc tìm kiếm cây này không hề dễ dàng, nhưng công sức thực tế đã không phụ lòng người.

Sau khi gửi tới 60 - 70 mẫu thử nghiệm tới Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, chị Hoài không giấu nổi hạnh phúc khi kết quả cho thấy chiết xuất từ cây bù dẻ tía và cây mán đỉa có tác dụng ức chế tế bào ung thư và chống oxy hóa tới 7 chủng ung thư. Mặc dù đây là kết quả bước đầu nhưng là tín hiệu khá tốt để chị có thể tiếp tục thực hiện ước mơ của mình.

Điều PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài hy vọng khác là từ cây thuốc quý có thể giúp bà con có công ăn việc làm và có thêm thu nhập để cải thiện cuộc sống. Chị tâm sự rằng: Tôi có ước mơ và sẽ thực hiện dù điều kiện cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Tôi cũng rất hạnh phúc được chia sẻ cùng những người phụ nữ đang gắn bó với công việc nghiên cứu khoa học. Trong điều kiện ở Việt Nam, phụ nữ làm nghiên cứu khoa học vất vả hơn rất nhiều so với nam giới. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải nắm lấy cơ hội cho cuộc đời mình. Làm khoa học cần sự toàn tâm toàn ý và luôn ở trong vòng tròn đam mê ấy”.

PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài (ở giữa) tại phòng thí nghiệm cùng sinh viên.

Niềm hy vọng từ câu chuyện buồn

Khiêm tốn cho rằng những nghiên cứu khoa học của mình còn nhỏ bé, nhưng những sáng tạo của TS. Trần Thị Ngọc Dung đều hướng đến phục vụ một đối tượng cụ thể. Chị kể rằng, bản thân đã từng bị ám ảnh câu chuyện từ đồng nghiệp kể về trường hợp một bệnh nhi bị mắc bệnh tim. Gia đình đã cố gắng điều trị và phẫu thuật thành công cho em nhưng cuối cùng vẫn không thể cứu sống em vì nhiễm khuẩn vết mổ. Điều này đã khiến chị suy nghĩ rất nhiều và quyết tâm tiến hành nghiên cứu tìm ra dung dịch nano bạc có tính kháng khuẩn trên hàng loạt vi sinh vật gây bệnh trên người để điều trị vết thương.

Sau thời gian dài, kết quả nghiên cứu của chị Dung đã được đánh giá là có tính thương mại cao trong sản xuất sản phẩm ở khá nhiều lĩnh vực như băng gạc điều trị vết thương, vết loét lâu lành, dụng cụ lọc làm sạch nước trong gia đình, băng bỉm vệ sinh trẻ em, người già, dung dịch vệ sinh phụ nữ hay khẩu trang…

Đặc biệt, dung dịch nano bạc do chị và nhóm nghiên cứu chế tạo có chất lượng cao, kích thước đều, ổn định, có thể bảo quản lâu dài, có hoạt tính khử khuẩn rất mạnh, và còn có thể điều khiển được kích thước hạt theo từng nhu cầu nhất định.Nghiên cứu được thực hiện thành công tại Viện Công nghệ môi trường và nhiều cơ sở y tế lớn trong nước như Học viện Quân Y, Bệnh viện Quân đội 108, Viện bỏng Quốc gia, Viện các bệnh nhiệt đới và truyền nhiễm Quốc gia, Bệnh viện da liễu Trung ương.... Từ đó, sản phẩm được sản xuất với số lượng lớn và ứng dụng thành công trong nhiều lĩnh vực và nói nhiều sản phẩm khác nhau.

Hiện công nghệ gắn nano bạc lên vật liệu để sản xuất băng bỉm vệ sinh đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp Bằng độc quyền Giải pháp Hữu ích. Công nghệ chế tạo vật liệu lọc nước ceramic xốp cố định nano bạc được cấp Bằng độc quyền Sáng chế cũng gắn với tên tuổi của chị. Trong thời gian tới, chị Dung sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nano bạc trong lĩnh vực nông nghiệp như công nghệ bảo quản nông sản sau thu hoạch, xử lý bệnh hại trên cây trồng, vật nuôi.

“Tôi cảm nhận được ý nghĩa công việc của mình và rất yêu nghề nghiên cứu khoa học. Tôi cũng đã trải qua nhiều công việc khác nhau nhưng nhận thấy con người mình thích hợp nhất với việc làm khoa học. Khó khăn thì rất là nhiều nhưng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ chọn con đường khác. Tôi đã được truyền cảm hứng từ những người phụ nữ tuyệt vời xung quanh tôi và giúp tôi nỗ lực thực hiện những công trình hoàn toàn bằng niềm đam mê”, TS. Trần Thị Ngọc Dung chia sẻ.

PHƯƠNG LINH

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/nhung-thanh-qua-tu-dam-me-68234.html