Những thành quả ấn tượng về văn hóa, thể thao và du lịch của Việt Nam 5 năm qua

Trong 5 năm qua, văn hóa, thể thao và du lịch Việt Nam đã đạt được những thành quả ấn tượng, tạo tâm thế tự tin và tự hào, để văn hóa, thể thao và du lịch nước nhà bước vào một giai đoạn mới nhiều kỳ vọng.

Văn hóa đạt nhiều thành quả nổi bật

Công tác quản lý lễ hội tạo được đột phá: Nghị định 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ ban hành đã thiết lập một hàng lang pháp lý quan trọng nhằm nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về lễ hội, trong đó có nội dung thực hiện nếp sống văn minh. Sau khi Nghị định được triển khai, ngành văn hóa đã phối hợp cùng chính quyền địa phương trên khắp cả nước, đặc biệt tại những nơi có các lễ hội lớn, di tích trọng điểm đã tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng. Từ đó, đã có nhiều chuyển biến rõ nét trong thực hiện nếp sống văn minh lễ hội.

Đến nay, công tác tổ chức và quản lý lễ hội ở các địa phương đang có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, với việc liên tục đẩy mạnh tuyên truyền về hệ thống các văn bản quản lý, tại nhiều di tích, lễ hội lớn, ý thức của người dân đã nâng cao rõ rệt. Hoạt động lễ hội trên địa bàn cả nước đã diễn ra trang trọng, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia, ý thức thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội của nhân dân và du khách khi tham gia lễ hội được nâng lên, những hiện tượng tiêu cực, phản cảm năm sau giảm hơn năm trước.

Các hoạt động văn hóa diễn ra rộng khắp trên toàn quốc, đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân (ảnh minh họa: BT)

Các hoạt động văn hóa diễn ra rộng khắp trên toàn quốc, đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân (ảnh minh họa: BT)

Tiếp tục “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020”: Trong 5 năm qua, ngành văn hóa tiếp tục thu được nhiều kết quả trong việc thực hiện “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020” của Chính phủ. Theo đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được mở rộng và đi vào chiều sâu mang lại hiệu quả thiết thực. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ diễn ra sôi động, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ đa dạng của công chúng. Văn hóa đã trở thành một nội dung quan trọng trong các hoạt động của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp, từng bước gắn bó chặt chẽ với các nhiệm vụ kinh tế, xã hội. Nhận thức rõ hơn trong việc gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quốc phòng - an ninh, đối ngoại với phát triển văn hóa và xây dựng con người. Vì thế, những năm gần đây, vai trò của văn hóa góp phần vào sự phát triển bền vững đã và đang được khẳng định.

Hoạt động văn học nghệ thuật, thông tin báo chí được mở rộng, có nhiều thành tựu đóng góp tích cực cho sự nghiệp đổi mới. Đời sống văn hóa của nhân dân ở vùng dân tộc thiểu số, ở vùng gặp khó khăn như miền núi, hải đảo, biên giới dần được cải thiện. Giao lưu và hợp tác quốc tế về văn hóa được mở rộng và có nhiều khởi sắc, từng bước đi vào chiều sâu, chú trọng tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, bước đầu cố gắng giữ vai trò chủ động trong việc tiếp nhận có chọn lọc, làm giàu văn hóa dân tộc, việc quảng bá hình ảnh dân tộc và văn hóa Việt Nam ra nước ngoài được chú ý.

Phát triển văn hóa đọc một cách mạnh mẽ: Giai đoạn 2016 - 2020, văn hóa đọc từng bước được chấn hưng và có sự phát triển mạnh mẽ. Thông qua triển khai thực hiện các Đề án của Chính phủ, các thư viện công cộng đã có sự đổi mới về phương thức hoạt động, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, chú trọng đến 03 hình thức: phục vụ tại chỗ, phục vụ lưu động và thông qua không gian mạng trong đó nhóm đối tượng thanh, thiếu niên được đặc biệt quan tâm. Từ sự đổi mới trong việc cung cấp dịch vụ thư viện, các thư viện đã có sự bứt phá trong hiệu quả phục vụ người sử dụng: Lượt người sử dụng thư viện tăng từ 15-20%/năm, lượt sách báo phục vụ trung bình tăng từ 35-45%/năm; tổng số lượt người sử dụng thư viện đạt hơn 144 triệu lượt; tổng số lượt sách báo được thư viện phục vụ đạt 328 triệu lượt trong 5 năm qua.

Bên cạnh những thành quả nổi bật, lĩnh vực văn hóa đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong công tác quản lý Lễ hội, Văn hóa cơ sở, Di sản văn hóa, Nghệ thuật biểu diễn. Các hoạt động văn hóa diễn ra rộng khắp trên toàn quốc, đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Đặc biệt, ngày 27/7/2018 tại Hà Nội, Hội nghị “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững” lần đầu tiên được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức với sự tham dự và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thể thao phát triển vượt bậc

Lĩnh vực Thể dục thể thao những năm qua đã có bước phát triển vượt bậc, đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Phong trào thể dục thể thao quần chúng phát triển sâu, rộng; tỷ lệ người tập thể dục thể thao thường xuyên tăng nhanh hàng năm. Tỷ lệ gia đình tập luyện thể dục thể thao thường xuyên cũng tăng 4% so với năm 2015.

Trong 5 năm qua, thể thao thành tích cao có nhiều chuyển biến tích cực, thành tích ở một số môn thể thao Olympic được nâng cao, kết quả thi đấu của các môn thể thao trọng điểm, có thế mạnh tại các kỳ Đại hội thể thao và các giải thể thao cấp khu vực, châu lục và thế giới đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ, Thể thao Việt Nam liên tục xếp vị trí trong 3 quốc gia dẫn đầu tại các kỳ SEA Games. Đặc biệt tại Olympic lần thứ 31 năm 2016, Thể thao Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử giành 1 Huy chương vàng, 1 Huy chương bạc; tại Paralympic giành 1 Huy chương vàng, 1 Huy chương bạc và 2 Huy chương đồng.

Tại ASIAN Games 18 năm 2018, Thể thao Việt Nam thi đấu xuất sắc giành được 38 huy chương các loại, trong đó có 04 Huy chương vàng, 16 Huy chương bạc, 18 Huy chương đồng, xếp thứ 16/45 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á. Đây là lần đầu tiên tại một kỳ ASIAN Games, Đoàn Thể thao Việt Nam giành được Huy chương vàng ở những môn thể thao Olympic là Điền kinh, Rowing.

Phong trào thể dục thể thao quần chúng phát triển sâu, rộng (ảnh minh họa: BT)

Bóng đá Việt Nam trong giai đoạn này đã đạt được nhiều thành tích nổi bật với tấm Huy chương bạc của đội tuyển U23 tại giải vô địch U23 châu Á năm 2018; đội tuyển bóng đá quốc gia giành Huy chương vàng tại giải vô địch Đông Nam Á (AFF Suzuki Cup) năm 2018; đội tuyển bóng đá nam Olympic Việt Nam lần đầu tiên lọt vào top 4 đội mạnh nhất ASIAN Games 18; đội tuyển bóng đá nam bãi biển giành Huy chương vàng Đông Nam Á. Cùng với đó, đội tuyển bóng đá U22 nam giành HCV tại SEA Games 2019 sau 60 năm và đội tuyển bóng đá nữ lần thứ 6 vô địch SEA Games.

Công tác tuyển chọn, đào tạo vận động viên năng khiếu, vận động viên trẻ có nhiều đổi mới. Cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, tập huấn vận động viên và tổ chức thi đấu tiếp tục được nâng cấp. Theo đó, các Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đã được nâng cấp, mở rộng, thường xuyên phục vụ khoảng 2.000 vận động viên đội tuyển quốc gia, vận động viên đội tuyển trẻ quốc gia.

Thể thao Việt Nam lần đầu tiên giành được huy chương vàng tại Thế vận hội Olympic tổ chức tại Brazil năm 2016 (Huy chương Vàng môn bắn súng của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh), đặc biệt là thành tích và số huy chương vàng đạt được trong kỳ SEA Games - 30 vừa qua như: Toàn đoàn xếp vị trí thứ Nhì; đội tuyển Bóng đá Nam và Nữ cùng giành được Huy chương Vàng...

Du lịch xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn

Trong giai đoạn 2015-2020, ngành du lịch trên cả nước đã tập trung triển khai Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Luật Du lịch 2017. Những thành tích nổi bật của ngành du lịch được Đảng, Nhà nước ghi nhận và đánh giá cao.

Cụ thể, từ năm 2015 đến 2019, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng 2,3 lần từ 7,9 triệu lượt lên 18 triệu lượt, tăng bình quân 22,7% mỗi năm. Khách du lịch nội địa tăng gần 1,5 lần từ 57 triệu lượt lên 85 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch du lịch tăng hơn 2 lần từ 355.500 tỷ đồng lên 755.000 tỷ đồng. Đóng góp trực tiếp của du lịch vào GDP tăng từ 6,3% lên 9,2%. Du lịch đã trở thành một ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực cho sự phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực khác.

Cũng trong giai đoạn này, chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam tăng 12 bậc, từ 75/141 lên 63/140 nền kinh tế. Trong đó, các chỉ số về tài nguyên văn hóa và tài nguyên tự nhiên được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới.

Chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam tăng 12 bậc (ảnh minh họa: BT)

Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch ngày càng phát triển với sự ra đời nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí đẳng cấp hàng đầu thế giới. Cộng đồng doanh nghiệp du lịch ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng với sự tham gia của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Tính đến hết năm 2019, cả nước có 2.667 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 27.683 hướng dẫn viên, 30.000 cơ sở lưu trú du lịch với 650.000 buồng.

Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch và đối ngoại đã đi vào chiều sâu, chủ động tận dụng cơ hội, góp phần nâng cao uy tín, hình ảnh của du lịch Việt Nam. Trong nước, hàng năm tổ chức, phối hợp tổ chức các sự kiện du lịch quốc gia, quốc tế, đón nhiều đoàn báo chí, doanh nghiệp đến từ các thị trường trọng điểm và tiềm năng khảo sát về du lịch Việt Nam. Ngoài nước, tham gia các hội chợ du lịch quốc tế; tổ chức chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại các thị trường trọng điểm, nổi bật là tổ chức thành công Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF 2019) với hơn 50 sự kiện và gần 2.000 đại biểu tham dự.

Du lịch Việt Nam đã vinh dự nhận nhiều giải thưởng tầm cỡ thế giới và khu vực như: Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới, Điểm đến Golf tốt nhất thế giới, Điểm đến hàng đầu châu Á, Điểm đến Văn hóa hàng đầu châu Á, Điểm đến Ẩm thực hàng đầu châu Á... Cùng với đó là rất nhiều giải thưởng danh giá dành cho các địa phương, điểm đến, doanh nghiệp du lịch. Điều này khẳng định du lịch Việt Nam đã trở thành một điểm đến an toàn, thân thiện, tin cậy và ngày càng hấp dẫn đối với bạn bè quốc tế.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nhung-thanh-qua-an-tuong-ve-van-hoa-the-thao-va-du-lich-cua-viet-nam-5-nam-qua-117459.html