Những thanh niên Mỹ gốc Việt hồi hương để khởi nghiệp

Chỉ có thời gian mới chứng minh được ảnh hưởng lâu dài của lực lượng Việt kiều đối với nền kinh tế đang phát triển tại Việt Nam. Nhưng đối với những người trẻ, mảnh đất quê hương của cha mẹ họ đang mở ra những cơ hội lớn.

Theo Ngân hàng Thế giới, lượng kiều hối của Việt Nam năm 2015 đã đạt mức 13,2 triệu USD, tăng gấp 4 lần so với thập kỷ trước. Ảnh: Flickr

Esther Nguyen nhớ lại vẻ mặt kinh ngạc của mẹ khi biết cô quyết định về Việt Nam lập nghiệp.

Gia đình Nguyen sang Mỹ định cư vào năm 1975, kinh doanh cây xăng và siêu thị mini, một “câu chuyện thành công điển hình ở Mỹ”, cô cho biết.

Esther Nguyen chỉ là một trong số hậu duệ của lớp Việt kiều đầu tiên ra nước ngoài sinh sống.

Được trang bị kiến thức và kỹ năng từ môi trường hiện đại, nhiều người trẻ trở thành cầu nối giữa các công ty đa quốc gia và thị trường tại Việt Nam, Nikkei Asian Reviews nhận định.

Nhìn thấy cơ hội

Nguyen quyết định rời Mỹ về Việt Nam năm 2007. Trong khi làm việc cho một công ty công nghệ thông tin tại Thung lũng Silicon, cô thường qua lại một trung tâm phát triển tại Hà Nội và nhận ra cơ hội tiềm năng hấp dẫn tại Việt Nam.

Với tình yêu âm nhạc, Nguyen quyết tâm dùng kiến thức cô tích góp được từ Thung lũng Silicon để thành lập một công ty bảo vệ bản quyền âm nhạc và giải trí tại quê nhà.

Esther Nguyen - nhà sáng lập kiêm CEO của Pops Worldwide.

Nguyen là nhà sáng lập kiêm CEO của Pops Worldwide, một công ty quản lý và phân phối âm nhạc tại TP.HCM. Văn phòng của công ty được trang bị nội thất sáng màu và hiện đại, với nhân viên mặc quần áo thường ngày đi làm.

Ban đầu, không nhiều người đánh giá nghiêm túc ý tưởng của Nguyen. Tuy nhiên sau đợt bùng nổ smartphone và nhu cầu video tại Việt Nam, Pops Worldwide hiện sở hữu khoảng 90% nội dung âm nhạc tại thị trường này, ghi nhận lượt xem hàng tháng lên đến 1,2 tỷ USD.

Khi về nước, Nguyen mất một thời gian để thích nghi với văn hóa ở quê nhà. “Ở Thung lũng Silicon, mọi thứ chuyển động rất nhanh. Việt Nam thì không như vậy, điều gì cũng cần thời gian, rất nhiều thời gian là đằng khác”, Nguyen so sánh.

Tạo nên sự khác biệt

Eddie Thai hiện là chủ đầu tư tại quỹ đầu tư mạo hiểm 500 Startups Vietnam. Anh tốt nghiệp Harvard, sau đó thành lập một công ty tư vấn tại Mỹ. Mặc dù có mức thu nhập cao và có địa vị trong xã hội, Thai vẫn cảm thấy có điều gì đó chưa trọn vẹn.

Nhớ lại chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2001 khi vẫn còn là một đứa trẻ, Thai nhớ lại mọi thứ “rất ấn tượng”, nhưng Việt Nam còn phải nỗ lực nhiều để “cải thiện điều kiện kinh tế và chất lượng cuộc sống”.

Khi đó, Eddie lên kế hoạch sẽ về Việt Nam khi “nghỉ hưu”. Tuy nhiên sự bất mãn với công nghiệp tại Mỹ và khát khao tạo lên sự khác biệt đã hối thúc anh trở về Việt Nam tìm kiếm cơ hội.

Hiện tại, Thai chịu trách nhiệm quản lý một quỹ với 10 triệu USD tài sản, đầu tư vào hơn 100 công ty, chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ, thương mại điện tử, giáo dục trong vòng vài năm tới.

“Việt Nam có rất nhiều kỹ sư thạo việc”, Thai cho biết.

Một trong những lợi thế của Việt kiều Mỹ tại Việt Nam là mối quan hệ với cộng đồng kinh doanh tại Mỹ.

Eddie Thai - chủ đầu tư tại quỹ đầu tư mạo hiểm 500 Startups Vietnam.

“Với kĩ năng làm việc của phương Tây và mối quan hệ với các thương hiệu uy tín của Mỹ như Harvard, tôi có lợi thế trong việc xây dựng niềm tin với đối tác nước ngoài”, anh nói.

“Tôi cho rằng Việt kiều có thể là cầu nối giữa các công ty nước ngoài và Việt Nam. Họ có kinh nghiệm và kĩ năng làm việc khác với Việt Nam. Nó sẽ có tác động tới nền kinh tế”.

Hiện thân của quan hệ Mỹ - Việt

Ngoài Esther Nguyen và Eddie Thai, có rất nhiều Việt Kiều khác đã đóng vai trò đầu tàu trong việc giúp doanh nghiệp Mỹ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam.

Ví dụ, năm 2014, McDonald’s đã chọn Henry Nguyen, người đứng đầu quỹ đầu tư IDG Việt Nam, làm đối tác nhượng quyền địa phương đầu tiên tại đây. Ông cũng là sinh viên tốt nghiệp Harvard, sau đó về Việt Nam làm việc.

Theo Ngân hàng Thế giới, lượng kiều hối của Việt Nam năm 2015 đã đạt mức 13,2 triệu USD, tăng gấp 4 lần so với thập kỷ trước.

Chỉ có thời gian mới chứng minh được ảnh hưởng lâu dài của lực lượng Việt Kiều đối với nền kinh tế đang phát triển tại Việt Nam. Nhưng đối với những người trẻ, mảnh đất quê hương của cha mẹ họ đang mở ra những cơ hội lớn.

Trong chuyến thăm ba ngày tới Việt Nam, Tổng thống Mỹ barack Obama từng nói với nhóm lãnh đạo trẻ rằng “tôi nhìn thấy nhiều người Mỹ gốc Việt trở về quê và khởi nghiệp, nó cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa Mỹ và Việt Nam”.

THẢO MAI

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh/nhung-thanh-nien-my-goc-viet-hoi-huong-de-khoi-nghiep-2046709.html