Những thành công từ Cuộc thi tìm hiểu 'Lịch sử, truyền thống cách mạng thành phố Quy Nhơn'

Cuộc thi tìm hiểu 'Lịch sử, truyền thống cách mạng thành phố Quy Nhơn' đã thu hút tổ chức cơ sở đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm, theo dõi, tìm hiểu về lịch sử Đảng.

Để tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trên địa bàn thành phố hiểu rõ hơn về lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng, xây dựng và phát triển, khơi dậy niềm tự hào Đảng, về quê hương - nơi mình đang sinh sống, làm việc. Ban Tuyên giáo Thành ủy Quy Nhơn, tỉnh Bình Định đã đầu tư nghiên cứu và mạnh dạn tham mưu tổ chức Cuộc thi; trong nhiều hình thức tuyên truyên, giáo dục lịch sử truyền thống địa phương, Quy Nhơn đã chọn hình thức sân khấu hóa.

Đặc biệt, Cuộc thi tìm hiểu “Lịch sử truyền thống cách mạng thành phố Quy Nhơn” đã được Ban Thường vụ Thành ủy chọn là hoạt động chào mừng kỷ niệm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2019), 50 năm thực hiện Di chúc của Người (1969-2019) và là hoạt động đầu tiên lập thành tích chào mừng đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Cuộc thi được phát động vào đúng dịp kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2019) và kết thúc vào dịp kỷ niệm 129 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2019). Đối tượng Cuộc thi là các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Thành ủy (thời điểm đó 51 chi, đảng bộ, trong đó có 21 đảng bộ phường, xã và 30 chi, đảng bộ cơ quan, đơn vị); mỗi đơn vị thành lập 1 đội thi gồm 3 người. Nội dung Cuộc thi gồm 3 phần: Phần tự giới thiệu về địa phương, đơn vị, ngành mình, ở phần thi này ngoài 3 thành viên chính, còn có thể huy động nhiều người trong đơn vị tham gia; Phần thi kiến thức, nhận diện hình ảnh và trả lời câu hỏi; và phần thi hùng biện theo chủ đề. Hình thức Cuộc thi gồm 2 vòng: Vòng sơ khảo tổ chức ở 6 cụm thi - lựa chọn 8 đội xuất sắc vào vòng chung kết.

Kết quả thu được vượt xa sự mong đợi của Ban Tổ chức Cuộc thi, 51 tổ chức cơ sở đảng đều tham gia với tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết, thể hiện lòng tự hào về truyền thống lịch sử của địa phương, đơn vị mình. Qua phần thi tự giới thiệu đã huy động nhiều người tham gia; các đơn vị đã chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc và hoành tráng qua các hình thức thơ, ca, hò vè… đã lột tả được những nét văn hóa, lịch sử truyền thống cách mạng hào hùng của cuộc đấu tranh, xây dựng địa phương, đơn vị.

Ở phần thi kiến thức, hầu hết các đội đều trả lời đầy đủ nội dung câu hỏi, cho thấy sự tìm hiểu nghiên cứu kỹ lưỡng về những sự kiện quan trọng, các phong trào đấu tranh cách mạng và xây dựng thành phố. Phần thi hùng biện, thành viên được chọn của đội đã mạnh dạn đề xuất những giải pháp, hiến kế cho thành phố nghiên cứu, vận dụng vào thực tiễn trên các lĩnh vực để thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020. Đặc biệt, phần thi trả lời câu hỏi dành cho khán giả được cho là phụ nhưng cũng hết sức sôi nổi, thể hiện sự quan tâm nghiên cứu của các tầng lớp nhân dân. Cuộc thi đã thu hút gần 5.000 lượt khán giả, cổ động viên, riêng đêm chung kết đã có gần 1.800 người đến xem và cổ vũ.

Địa danh Quy Nhơn xuất hiện vào năm 1602, khi chúa Nguyễn Hoàng đổi tên phủ Hoài Nhơn thành phủ Quy Nhơn, với mong muốn quy tụ về đây những con người hiền tài, nhân nghĩa; từ ngày 20/10/1898, Viện Cơ mật Triều đình Huế trình vua Thành Thái ra Chỉ dụ thành lập thị xã Quy Nhơn, đến nay là thành phố Quy Nhơn cũng đã trải qua hơn 120 năm; Đảng bộ thành phố Quy Nhơn cũng đã trải qua gần 90 năm xây dựng và phát triển.

Qua Cuộc thi cũng đã rút ra một số kinh nghiệm:

Một là, về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chuẩn bị tổ chức Cuộc thi: Công tác chuẩn bị tổ chức Cuộc thi được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của các cấp ủy đảng từ thành phố đến cơ sở. Ban Tuyên giáo Thành ủy - cơ quan tham mưu Ban Thường vụ, Ban Tổ chức Cuộc thi chuẩn bị kỹ lưỡng kế hoạch tổ chức. Thành viên Ban Tổ chức và các tổ giúp việc nêu cao tinh thần trách nhiệm với nội dung được phân công, nhất là Tổ Nội dung đã nghiên cứu đưa ra những câu hỏi vừa bao quát và những sự kiện mang tính bước ngoặc của cuộc đấu tranh, xây dựng và phát triển thành phố.

Hai là, về công tác thông tin, tuyên truyền: Công tác thông tin, tuyên truyền phải kịp thời, liên tục, sâu rộng, xuyên suốt Cuộc thi, nhất là những ngày diễn ra thi cụm, thi chung kết đã tập trung tuyên truyền, huy động số lượng lớn cổ động viên của các đơn vị tham gia.

Ba là, về công tác tổ chức: Ban Tổ chức Cuộc thi chỉ đạo chặt chẽ trong công tác chuẩn bị; phân công kiểm tra cụ thể từng khâu trước khi diễn ra thi cụm, thi chung kết; trong Cuộc thi có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các bộ phận với Người dẫn chương trình và các đội thi.

Cuộc thi tìm hiểu “Lịch sử, truyền thống cách mạng thành phố Quy Nhơn” đã thu hút tổ chức cơ sở đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm, theo dõi, tìm hiểu về lịch sử Đảng. Qua đó nâng cao nhận thức, lòng tự hào, niềm tin và ý thức trách nhiệm của người dân trong việc giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống của các thế hệ cha anh đi trước, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân tiếp tục rèn luyện, cống hiến nhiều hơn nữa trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tăng cường niềm tin của nhân dân vào đường lối đổi mới và vai trò lãnh đạo của Đảng, góp phần xây dựng thành phố Quy Nhơn ngày càng giàu đẹp, văn minh như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”./.

Phạm Đôn

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/nhip-cau-tuyen-giao/tuyen-giao-cac-cap/nhung-thanh-cong-tu-cuoc-thi-tim-hieu-lich-su-truyen-thong-cach-mang-thanh-pho-quy-nhon-126198