Những thanh âm nghĩa tình

Sáng 29-1, Đảng ủy xã Hòa Phú (H. Hòa Vang, Đà Nẵng) tổ chức lễ khánh thành Tháp chuông và Đại hồng chung trong khuôn viên nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) xã với nguồn kinh phí đầu tư gần 500 triệu đồng do các Mạnh Thường quân và cán bộ, nhân dân địa phương tri ân, cúng dường. NTLS miền núi Hòa Phú hiện có 130 phần mộ liệt sĩ, trong đó hơn một nửa là mộ khuyết danh...

Tiếng chuông ở NTLS xã Hòa Phú ngân vang, sưởi ấm thêm lòng người.

Với chúng tôi, trong quá trình tác nghiệp từng gặp nhiều cựu chiến binh và thân nhân, gia đình liệt sĩ, họ đều cho rằng, trong sâu thẳm lòng mình, về tâm linh, họ đều có một nguyện vọng thiết tha là ngoài việc có một nơi khang trang để các liệt sĩ an nghỉ thì ở mỗi nghĩa trang cũng nên đặt chuông đồng để khi có đồng đội về thăm, hoặc có thân nhân đến viếng, họ được gióng lên hồi chuông mời các anh sum họp. Tiếng chuông không chỉ là những thanh âm nghĩa tình, mà còn là tiếng vọng từ quá khứ hào hùng, tiếng vọng của tinh thần bất khuất và lòng dũng cảm... Nhìn theo những hàng bia mộ trong mỗi NTLS, chúng tôi biết rằng có rất nhiều người đã hy sinh khi tuổi đời chưa quá đôi mươi, độ tuổi đang hừng hực nhựa sống và nhiệt huyết. Các anh hiến dâng cả đời mình cho đất nước, đã anh dũng chiến đấu và thanh thản trở về với đất Mẹ. Nhiều anh quê tận Hà Giang, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Thanh Hóa xa xôi đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, của miền Nam ruột thịt vào công tác, chiến đấu và nằm lại nơi đây. Nhiều người không kịp để lại cái tên, năm sinh và quê quán của mình...

Có thể nói, việc đặt Đại hồng chung tại các NTLS là sự kiện đặc biệt ở vùng nông thôn Hòa Vang. Là người Việt Nam với văn hóa Việt, không ít người đã quen với tiếng chuông chùa rung động không gian, ngân dài trong tinh không của trời khuya thức tỉnh bao người. Vậy mà nay, không chỉ có tiếng chuông vọng ra từ nhà chùa mà còn ngân vang từ nơi yên nghỉ của các anh hùng liệt sĩ. Trong âm thanh của đại ngàn với làn khói hương nghi ngút bay lên từ những phần mộ, tiếng chuông ngân lên, rồi lạc mất vào không gian bao la của núi rừng hùng vĩ, khiến bất kỳ ai cũng cảm thấy lòng mình như tĩnh lặng lại và dâng trào niềm cảm xúc... "Không chỉ dừng ở tâm linh, tiếng chuông ngân vang, vọng xa từ NTLS là vô cùng ý nghĩa, ngoài việc thể hiện truyền thống và đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của người dân địa phương mà còn giáo dục thế hệ trẻ về sự hy sinh cao cả của bao lớp cha anh đã không tiếc tuổi thanh xuân và xương máu của mình vì độc lập tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân", Bí thư Đảng ủy xã Hòa Phú Nguyễn Ngọc Hải chia sẻ.

Tết này, không chỉ tại NTLS các xã Hòa Tiến, Hòa Khương, Hòa Châu, Hòa Phong, tiếng chuông trầm ấm ở xã Hòa Phú cũng vang vọng và sưởi ấm thêm tấm lòng người đang sống. Không ai tường tận như người Hòa Vang về những hy sinh, mất mát trên từng mảnh đất quê hương và cũng ít ai thấu cảm hơn người Hòa Vang về vị ngọt thời bình. Đất và người Hòa Vang luôn thắm đượm nghĩa tình, vẹn nguyên niềm tin và giàu khát vọng vươn lên. Ngoài việc nâng cấp, tôn tạo cảnh quan thì việc vận động, đóng góp kinh phí đúc Đại hồng chung tại NTLS của các địa phương thời gian qua cũng đã phần nào minh chứng cho những điều đó. Mỗi tiếng chuông vang lên sẽ mang theo hàng triệu tấm lòng với sự kính cẩn, biết ơn vô hạn đối với các anh hùng liệt sĩ không chỉ cho hôm nay mà cho cả mai sau.

VY HẬU

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_201848_nhung-thanh-am-nghia-tinh.aspx