Những tháng đầu năm, kinh tế đạt được thành quả nhất định

Sáng 15-6, tiếp tục phiên họp thứ 57, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021.

GDP 6 tháng đầu năm dự báo đạt khoảng 5,8%

Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết một số kết quả đạt được trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đã và đang ảnh hưởng khá nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội.

Theo đó, dự báo tình hình thực hiện một số chỉ tiêu 6 tháng đầu năm 2021 đáng chú ý: Kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tích cực.

 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo trước UBTVQH. Ảnh: VPQH

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo trước UBTVQH. Ảnh: VPQH

Cùng với đó, quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng dự báo đạt gần 4 triệu tỷ đồng; tốc độ tăng GDP dự báo đạt khoảng 5,8%, thấp hơn 0,42 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và thấp hơn 0,12 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản Chính phủ cập nhật lại tại thời điểm quý I năm 2021.

Ngoài ra, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản dự báo tăng trưởng khoảng 3%. Sản xuất công nghiệp - xây dựng dự báo tăng trưởng khoảng 7,85%. Khu vực dịch vụ dự báo tăng trưởng khoảng 5%. Dự báo tiêu dùng tiếp tục xu hướng phục hồi, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội dự báo tăng khoảng 7,1%...

Đánh giá cụ thể hơn về thị trường lao động chịu tác động khắc nghiệt từ Covid-19

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, thời gian qua, về tổng thể chúng ta đã thực hiện khá thành công cùng lúc các mục tiêu: Hạn chế, kiểm soát được sự lây lan đại dịch Covid-19 trong cộng đồng, bảo vệ sức khỏe nhân dân; thể hiện được tình cảm, trách nhiệm, tinh thần tương thân tương ái, hỗ trợ nhau trong lúc khó khăn; đạt được thành quả nhất định về tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, bảo đảm cơ bản các cân đối lớn; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, bảo đảm an sinh xã hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh tán thành với nhận định trong Báo cáo của Chính phủ. Theo đó, GDP 6 tháng đầu năm dự báo đạt khoảng 5,8%, thấp hơn kỳ vọng, tuy nhiên đây là mức tăng tích cực trong bối cảnh khó khăn. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tạo dư địa trong điều hành giá. Thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt 55,5% dự toán; chi NSNN ước đạt 43% dự toán, ưu tiên kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và thực hiện các nhiệm vụ chính trị quan trọng. Sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản diễn ra trong điều kiện thời tiết thuận lợi, có mức tăng khá. Sản xuất công nghiệp tiếp tục hồi phục và đạt kết quả tích cực...

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh báo cáo tại phiên họp. Ảnh: VPQH

Bên cạnh kết quả đạt được, trong bối cảnh nhiều khó khăn, để nhìn nhận đầy đủ, toàn diện hơn tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề.

Trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu một số mặt hàng sang thị trường Hoa Kỳ gia tăng bất thường (tăng 49,8%) và nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc tiếp tục có tốc độ tăng trưởng cao nhất (tăng 52,8%). Từ đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị đánh giá rõ cơ cấu hàng hóa xuất khẩu sang Hoa Kỳ và nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc; kết quả công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, đầu cơ găm hàng, thao túng thị trường....

Đáng chú ý, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tiếp tục tăng, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ, đồng thời đã bắt đầu xuất hiện doanh nghiệp có quy mô lớn rời bỏ thị trường, phản ánh sức chống chịu của các doanh nghiệp ngày càng suy giảm. "Đề nghị thống kê, cập nhật số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường theo ngành, lĩnh vực bảo đảm chính xác, phản ánh đúng thực trạng hoạt động để từ đó hoạch định chính sách, có giải pháp cụ thể cho từng nhóm đối tượng...", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh kiến nghị.

Toàn cảnh phiên họp sáng 15-6.

Cùng với đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng đề nghị báo cáo đánh giá cụ thể hơn về thị trường lao động đã và đang chịu tác động tiêu cực, khắc nghiệt từ bối cảnh kinh tế do chịu tác động của dịch Covid-19. Tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần tăng, số lao động thất nghiệp tăng cao sẽ phát sinh tranh chấp về lợi ích giữa người lao động và doanh nghiệp, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Một số ý kiến cho rằng báo cáo chưa cân đối giữa các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường... Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị phân tích đầy đủ hơn về các vấn đề gây bức xúc trong xã hội trong những tháng đầu năm 2021 liên quan đến thiếu sót trong công tác quản lý xuất nhập cảnh, quản lý người nước ngoài; vấn đề bạo lực gia đình, an ninh trật tự, an toàn giao thông; các vụ việc bạo lực, bóc lột, xâm hại trẻ em phức tạp, gây bức xúc trong xã hội; nhiều trẻ em bị tai nạn, thương tích, nhất là đuối nước...

PHƯƠNG HẰNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/nhung-thang-dau-nam-kinh-te-dat-duoc-thanh-qua-nhat-dinh-662576