Những thách thức với kinh tế Mỹ trong năm 2023

Kinh tế Mỹ - đầu tàu kinh tế thế giới sẽ gặp những thách thức nào trong năm 2023 này?

Tình trạng kinh tế Mỹ có tác động mạnh đến kinh tế các nước nên các diễn biến xung quanh nền kinh tế đầu tàu thế giới này rất được quan tâm, theo dõi. Theo dự báo của nhiều nhà kinh tế và nhà đầu tư, sau một năm 2022 đầy biến động thì 2023 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn, thậm chí còn nghiêm trọng hơn với nền kinh tế Mỹ. GS tài chính Brian Blank tại ĐH Mississippi State University (Mỹ) chia sẻ trên tờ The Conversation rằng ông “đồng thuận với quan điểm của hầu hết nhà dự báo là sẽ có một cuộc suy thoái vào một thời điểm nào đó trong năm 2023”.

Chị Wendy Buell chuẩn bị treo biển báo bán giảm giá trong mùa lạm phát tại một khu chợ ở TP North Salt Lake, bang Utah (Mỹ) vào tháng 8-2022. Ảnh: DESERET NEWS

Chị Wendy Buell chuẩn bị treo biển báo bán giảm giá trong mùa lạm phát tại một khu chợ ở TP North Salt Lake, bang Utah (Mỹ) vào tháng 8-2022. Ảnh: DESERET NEWS

Lạm phát chưa dừng, thất nghiệp còn tăng

Năm 2022, Mỹ chứng kiến mức lạm phát cao kỷ lục trong 40 năm qua, bắt đầu ở mức 7,5% vào tháng 1-2022 (so với tháng 1-2021), lên cao nhất 9,1% vào tháng 6. Sau đó dần giảm với mức thấp nhất là 7,1% vào tháng 11-2022.

Tuy nhiên, dấu hiệu tích cực của lạm phát ở những tháng cuối năm 2022 không đủ để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các nhà kinh tế tin lạm phát sẽ ổn định trong năm 2023. Nguyên nhân có lẽ vì cuối năm 2021, các nhà kinh tế đã lạc quan quá mức rằng lạm phát năm 2022 sẽ được kiềm chế nhờ vào sự nối lại chuỗi cung ứng toàn cầu sau đại dịch COVID-19 và việc người dân cắt giảm chi tiêu. Song sự xuất hiện của biến thể Omicron và xung đột Nga - Ukraine làm mọi thứ không như kỳ vọng khiến lạm phát tăng cao kỷ lục trong năm 2022 và Fed phải tăng lãi suất đến bảy lần để kiềm chế, theo tờ The Guardian.

Hiện Fed đã thận trọng hơn và đặt mục tiêu tiếp tục tăng lãi suất cho đến khi biên độ mở rộng ở mức khoảng 5%-5,5%. Điều này cho thấy mối lo ngại của Fed rằng lạm phát sẽ vẫn còn dai dẳng.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều chuyên gia lạc quan về tình hình lạm phát ở Mỹ trong năm 2023. Nhà kinh tế học Claudia Sahm, cựu chuyên gia kinh tế của Fed, nhận định rằng năm 2023 có vẻ tốt hơn năm trước đó và “có nhiều nguyên nhân để chúng ta lạc quan”. Chẳng hạn, theo bà, thời điểm hiện tại tình hình dịch được kiểm soát tốt hơn, chuỗi cung ứng cũng được nới lỏng hơn và Mỹ đã dần thích ứng với cú sốc trong thị trường năng lượng do xung đột Nga - Ukraine đem lại. Vì thế, bà Sahm lạc quan trong thận trọng rằng “trừ khi có điều gì đó tồi tệ khác xảy ra trên thế giới, còn không thì năm 2023 là con đường để mọi thứ trở lại bình thường”.

Về việc làm, tính đến tháng 12-2022, tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã giảm xuống mức 3,5% - bằng tỉ lệ trước đại dịch. Tuy nhiên, phần đông nhà kinh tế cảnh báo rằng thị trường lao động tại Mỹ có thể sẽ lung lay trong năm nay khi Fed tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ. Fed cũng dự đoán tỉ lệ thất nghiệp khả năng sẽ tăng lên 4,6% trong năm 2023 khi cơ quan này tiếp tục tăng lãi suất.

65% người Mỹ tin rằng kinh tế nước này sẽ tệ hơn nữa trong năm 2023, theo một khảo sát do tờ The Wall Street Journal thực hiện hồi tháng 12-2022.

Xung đột, đại dịch và vấn đề nguồn cung

Một phần lớn vấn đề kinh tế Mỹ đến từ việc thiếu nguồn cung, nhiều nhà kinh tế đồng ý điểm này. Năm 2022 thương chiến Mỹ - Trung vẫn căng thẳng, đỉnh điểm là ở lĩnh vực công nghệ cao. Các động thái của phía Mỹ như cấm nhập khẩu thiết bị viễn thông từ Tập đoàn công nghệ Huawei, cấm TikTok, ban hành Đạo luật Khoa học và CHIPS... có thể đẩy căng thẳng lên cao trong năm 2023.

Theo nhiều chuyên gia, Mỹ nên kiểm soát tốt mối quan hệ với Trung Quốc - một đối tác kinh tế quan trọng để tránh những tác động tiêu cực lên nguồn cung. Hồi tháng 6-2022, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva gợi ý rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden nên dỡ bỏ các mức thuế đã áp lên thép, nhôm và một loạt hàng hóa Trung Quốc trong năm năm qua để giảm áp lực lạm phát, theo hãng tin Bloomberg.

Một đe dọa khác với kinh tế Mỹ cũng như kinh tế toàn cầu chính là thực tế đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc. Biến thể XBB.1.5 tiến hóa từ biến thể Omicron đang lan rất nhanh ở Mỹ. Trung Quốc cũng chứng kiến sự gia tăng số ca nhiễm trong cộng đồng, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ tái bùng phát cũng như gián đoạn nguồn cung.

Bùng nổ vào tháng 2-2022 và vẫn đang tiếp diễn, xung đột Nga - Ukraine đã gây ra cuộc khủng hoảng về năng lượng và lương thực toàn cầu. Sự kết hợp giữa các biện pháp trừng phạt từ Mỹ và phương Tây lên Nga với sự trả đũa từ Moscow đã đẩy giá năng lượng và lương thực lên cao, làm trầm trọng thêm tình hình lạm phát.

Nhiệm vụ đặt ra cho chính phủ Mỹ trong năm nay chính là tìm cách bảo vệ thị trường Mỹ khỏi tác động của cuộc xung đột. Mỹ có thể cần các sáng kiến quốc tế mới nhằm tăng cường nguồn cung lương thực, năng lượng và ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tài chính có thể leo thang ở các quốc gia đang phát triển.•

Tranh cãi chuyện tăng lãi suất kiềm lạm phát

Có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc Fed chủ trương tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới. Những người phản đối cho rằng việc Fed quá thận trọng với lạm phát có thể làm tăng tỉ lệ thất nghiệp.

Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren chỉ trích việc Chủ tịch Fed Jerome Powell rằng “việc tăng lãi suất của ông ấy có nguy cơ khiến hàng triệu người mất việc làm”. Giám đốc điều hành Tesla - tỉ phú Elon Musk cho rằng Fed “đang khuếch đại quá mức về khả năng xảy ra một cuộc suy thoái nghiêm trọng” và “cần cắt giảm lãi suất ngay lập tức”. Nhà kinh tế học Claudia Sahm thì cho rằng “Fed đang bù đắp quá mức cho sự lạc quan thái quá vào năm trước của họ” và “nếu Fed thận trọng quá mức cần thiết, tất cả chúng ta đều phải trả giá cho điều đó”.

Tuy nhiên, cũng có nhiều người ủng hộ quan điểm thận trọng của Fed. Chủ tịch Fed Chi nhánh San Francisco Mary Daly nói rằng: “Tôi không hiểu tại sao thị trường lại quá lạc quan về lạm phát”.

THẢO VY

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhung-thach-thuc-voi-kinh-te-my-trong-nam-2023-post715818.html