Những thách thức lớn phải vượt qua

Iraq đã trải qua những thay đổi sâu sắc trong những năm gần đây, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết trong một báo cáo được công bố vào ngày 25-4-2019, đồng thời chia sẻ các khuyến nghị với Chính phủ Iraq về việc giải quyết những thách thức lớn của ngành điện và dầu khí.

Sản lượng dầu sẽ tăng mạnh

Trong thập niên qua, ngành dầu mỏ Iraq đã trải qua “sóng gió dữ dội” nhưng đã thành công, bất chấp cuộc chiến chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng và những biến động mạnh về giá dầu thô thế giới, để tăng gấp đôi sản lượng, IEA cho biết.

Theo ước tính của IEA, đến năm 2030, Iraq có thể đáp ứng khoảng 6% nguồn cung dầu của thế giới

Theo ước tính của IEA, đến năm 2030, Iraq có thể đáp ứng khoảng 6% nguồn cung dầu của thế giới

Iraq hiện nay là nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ 5 thế giới (gần 4,7 triệu thùng/ngày vào năm 2018) và là nhà xuất khẩu dầu thô thứ 3 toàn cầu. Năm 2012, Iraq đã lên kế hoạch tăng sản lượng khai thác dầu lên hơn 12 triệu thùng/ngày vào năm 2017. Nhưng tham vọng này đã bị hủy hoại bởi sự suy giảm giá dầu từ giữa năm 2014 và sự gia tăng mạnh của dầu đá phiến Mỹ.

Sản xuất dầu của Iraq có thể tăng thêm 1,3 triệu thùng/ngày vào năm 2030, theo ước tính của IEA. Đây sẽ là mức tăng mạnh thứ 3 thế giới đối với một quốc gia trong giai đoạn này, sau Mỹ và Brazil. Tuy nhiên, sự gia tăng sản lượng này sẽ phụ thuộc vào thị trường quốc tế và việc thực thi các biện pháp lớn của chính quyền Iraq: Bảo đảm có đủ lượng nước bơm vào giếng để cải thiện việc thu hồi dầu, thu hút vốn nước ngoài và tình hình chính trị ổn định. Gần 80% các mỏ dầu ở Iraq sẽ có tỷ lệ thu hồi ban đầu từ 15-40%. Nước được bơm vào các mỏ để thu hồi thêm dầu.

Theo IEA, nếu đạt được tiến bộ về những vấn đề trên, Iraq có thể là nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ 4 thế giới vào năm 2030, với sản lượng gần 6 triệu thùng/ngày, sau Mỹ, Arập Xêút và Nga, trước Canada. IEA chỉ rõ rằng, các mỏ dầu ở Iraq mặc dù có những khó khăn nhưng chi phí khai thác thấp nhất thế giới.

Một vấn đề khác, Iraq sau khi tăng sản lượng khai thác dầu, đã đốt bỏ gần 16 tỉ m3 khí đồng hành trong năm 2018, gần gấp đôi lượng khí đốt nhập khẩu vào Iraq. IEA kêu gọi Iraq tìm cách thu giữ thêm lượng khí đồng hành này vì nhu cầu khí đốt cho sản xuất điện của Iraq đang tăng mạnh.

Ngành dầu khí chiếm gần 60% GDP và 99% kim ngạch xuất khẩu của Iraq. Nền kinh tế Iraq vẫn phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ, IEA nói.

Điện - thách thức lớn

Iraq không sản xuất đủ điện để đáp ứng nhu cầu trong nước, theo báo cáo của IEA. Nhu cầu điện của Iraq có thể tăng gấp đôi vào năm 2030, đạt gần 150 TWh mỗi năm, trong khi đó, dân số Iraq tăng hơn 1 triệu dân mỗi năm. Hơn 40% dân số Iraq dưới 14 tuổi.

Mạng lưới phân phối và truyền tải điện yếu kém của Iraq gây ra tổn thất cao nhất thế giới (tổn thất từ 50-60%). Để giảm một nửa tổn thất đó cần phải tăng thêm 1/3 công suất điện có sẵn ở Iraq, theo IEA. Do đó, việc duy trì và củng cố mạng lưới điện là ưu tiên hàng đầu, hơn nữa, Iraq có nhu cầu điện rất cao vào mùa hè. Theo IEA, nhu cầu điện ở Iraq tăng 80% vào mùa hè trong giai đoạn 2012-2018. Nhiều cuộc biểu tình lớn nổ ra ở Iraq cũng chỉ vì vấn đề cắt điện.

Năm 2018, hơn 55% sản lượng điện của Iraq từ khí đốt tự nhiên (so với chỉ 20% vào năm 2012), các nhà máy điện cũ kỹ tiêu thụ nhiều khí đốt nhưng hiệu quả thấp. Ngoài lưới điện thông thường, người dân phải sử dụng các máy phát để đáp ứng 20% nhu cầu điện, với mức giá rất cao, từ 600-1.200 USD/MWh, theo IEA.

Trong trung hạn, Iraq nên tận dụng tiềm năng năng lượng tái tạo dồi dào, IEA khuyến nghị. Theo ước tính của IEA, điện mặt trời và năng lượng gió có thể chiếm 30% tổng sản lượng điện của Iraq vào năm 2030. Bằng cách giảm tổn thất trên mạng lưới truyền tải, Iraq có thể tiết kiệm được 9 tỉ m3 khí vào năm 2030, dùng cho các mục đích sử dụng khác và hơn 450.000 thùng dầu/ngày để xuất khẩu, theo ước tính của IEA.

Ngoài các khoản đầu tư vào mạng lưới phân phối, truyền tải điện và nâng cấp các cơ sở sản xuất điện, IEA cũng kêu gọi Iraq áp dụng cách tính giá điện lũy tiến. Điều này sẽ có lợi cho các hộ gia đình có thu nhập thấp và khuyến khích người dân tiết kiệm điện. Theo IEA, số người tiếp cận điện là một chỉ số để đo lường sự tiến bộ của một đất nước về năng lượng.

IEA cảnh báo, nếu không có thay đổi trong cơ cấu cung cấp và xây dựng lưới điện, vào năm 2030, Iraq sẽ phải nhập khẩu điện gấp đôi so với hiện nay.

IEA kêu gọi Iraq áp dụng cách tính giá điện lũy tiến. Điều này sẽ có lợi cho các hộ gia đình có thu nhập thấp và khuyến khích người dân tiết kiệm điện. Theo IEA, số người tiếp cận điện là một chỉ số để đo lường sự tiến bộ của một đất nước về năng lượng.

S.Phương

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhung-thach-thuc-lon-phai-vuot-qua-539019.html