Những thách thức không dễ vượt qua của ông Donald Trump

Chỉ còn hơn 2 tháng nữa, cuộc bỏ phiếu lựa chọn vị tổng thống trong nhiệm kỳ tiếp theo của nước Mỹ sẽ diễn ra, nhưng cho đến lúc này tất cả đang quay lưng lại với ông Donald Trump.

Những "vũ khí" bị tước bỏ

Mới cách đây 6 tháng, lợi thế trong cuộc đua ở lại Nhà Trắng vẫn còn nằm trong tay Tổng thống đương nhiệm Donald Trump. Kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh nhất trong một thập kỷ, tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong vòng 50 năm trở thành điểm sáng chói lọi trong hồ sơ tranh cử của ông Trump.

Cuộc thương chiến Mỹ-Trung do ông Trump phát động đem việc làm trở lại nước Mỹ, đẩy Trung Quốc vào thế khó khăn phải nhún nhường ngồi vào bàn đàm phán. Một thỏa thuận thương mại dự kiến ký vào tháng 4 được cho là sẽ đem về cho nước Mỹ thêm ít nhất 50 tỷ USD nguồn thu từ các sản phẩm nông nghiệp trong 2 năm tới. Đó chẳng khác nào viên ngọc đính lên chiếc vương miện của ông Trump.

Ông Donald Trump đang đơn độc trong cuộc đua của mình.

Ông Donald Trump đang đơn độc trong cuộc đua của mình.

Cùng với thắng lợi kinh tế là những quyết sách cứng rắn của ông Trump với cả kẻ thù lẫn đồng minh. Sau những tranh cãi về chi phí cho các lực lượng đồn trú, Nhật Bản đã đồng ý tăng khoản đóng góp. Các quốc gia NATO cũng lần lượt gia tăng ngân sách quốc phòng trước sức ép của Mỹ. Những quả tên lửa nhằm thẳng vào đoàn xe của tướng Iran Soleimani cho thấy ông Trump không nói đùa….

"Nước Mỹ trên hết" là khẩu hiệu đã được ông Trump dương cao vào thời điểm đó. Ở bất cứ đâu, khẩu hiệu này đã trở thành thứ vũ khí mạnh nhất vừa để ông Trump thể hiện tình yêu nước của mình, vừa để chứng tỏ sức mạnh của nước Mỹ sau một giai đoạn bị cho là "yếu ớt" dưới thời ông Obama.

Nhưng trong một thế giới biến động không ngừng, sự xuất hiện của virus SARS-CoV-2 đã làm đảo lộn tất cả. Khi cả thế giới bị đóng băng trước tốc độ lây lan của con virus thì những thiệt hại kinh tế là không thể tránh được. Chỉ trong 3 tháng, thành quả kinh tế trong 3 năm trước đó của ông Trump đã đổ vỡ hoàn toàn.

Hiệp định thương mại Mỹ-Trung bị đình chỉ lúc này lại như một vết cứa sâu hơn vào nền kinh tế Mỹ. Trong khi đó, việc những chiến hạm Mỹ phải trở về bờ chống dịch đã khiến cho những con tàu của Iran lại tung tăng trên biển. Vòng vây ở Venezuela được giải tỏa.

Khi mà quân đội Mỹ còn phải lo dẹp loạn ở quê nhà thì người ta mới nhận ra rằng, ông Trump đã quên đi nhiệm vụ người lãnh đạo thế giới của mình.

Nước Mỹ đang gánh thiệt hại nặng nề vì COVID-19.

Đồng minh cũng không ủng hộ

Khi thế mạnh bị đánh mất, ông Trump lại đi tìm đối tượng để đổ lỗi. Không có sự lựa chọn nào tốt hơn là Trung Quốc, nơi vẫn được coi là điểm khởi phát của con virus quái ác. Biến Trung Quốc trở thành kẻ thù của nước Mỹ và cả thế giới, ông Trump muốn lôi kéo cử tri về phía mình trong một cuộc chiến mà ông phát động. Đó rõ ràng là một nước đi mạo hiểm, nhưng ông Trump cũng không còn nhiều sự lựa chọn nữa.

Tuy nhiên, thay vì tập trung chống dịch, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã quá mải mê với cuộc tranh cãi ở bên ngoài. Cuối cùng thì sau 6 tháng, nước Mỹ vẫn là tâm dịch lớn nhất thế giới với số người nhiễm và tử vong lớn đến mức mà không có quốc gia nào đuổi kịp.

Thay vì áp dụng những biện pháp giãn cách xã hội mạnh mẽ để dập dịch như khuyến cáo của giới khoa học thì ông Trump lại tỏ ra thờ ơ với những cảnh báo này. Trong khi đó các nước châu Âu, Trung Quốc và Nga đã ngăn chặn được sự lây lan của virus thì ở Mỹ, chưa có một sách lược rõ ràng nào được đưa ra.

Mới nhất, khi Tổng thống Putin công bố việc nước Nga đã hoàn thiện vaccine của mình thì đó chẳng khác nào một cái tát nữa vào thẳng nước Mỹ, nơi vẫn tự hào là có nền y khoa tiên tiến nhất thế giới.

Sự thất bại về việc chống dịch kéo theo đổ vỡ về kinh tế đã đành. Tổng thống Donald Trump còn đang làm xấu thêm hình ảnh của mình bằng những quyết sách ngoại giao gần đây. Khi Thủ tướng Đức Angela Merkel từ chối lời mời dự Hội nghị G7 tại Washington của ông Trump, mối quan hệ giữa hai nước lập tức trở nên căng thẳng.

Sau đó một tuần, ông Trump thông báo về kế hoạch rút 9.500 quân Mỹ khỏi nước Đức một cách đầy bất ngờ, một động thái mà giới quan sát đánh giá là ông Trump đã tìm cách trả đũa người đồng minh của mình.

Cùng với những bất đồng trước đó về các vấn đề kinh tế, thương mại và cả cách ứng xử với Nga, Trung Quốc, quyết định này đã khiến cho quan hệ của Mỹ và Đức, quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn nhất châu Âu, bị kéo xuống mức thấp nhất kể từ khi NATO được thành lập. Như vậy là không chỉ gây sự với kẻ thù, ông Trump còn đang gây chiến với cả những đồng minh của mình.

Thay vì cân nhắc những lợi ích đồng minh lâu năm, ông Trump bằng một phản ứng đầy "hờn dỗi" đã đẩy nước Mỹ vào thế "há miệng mắc quai". Giờ thì người ta lại phải tự hỏi, cuối cùng là "nước Mỹ trước tiên" hay là "Donald Trump trước tiên"?

Cuộc chiến với Trung Quốc mà chính quyền ông Trump phát động vì thế cũng mất đi nhiều sự ủng hộ. Châu Âu thì thờ ơ, các đồng minh khác còn đang mải lo chống dịch. Nước Mỹ ngoài những tuyên bố mạnh mẽ về một liên minh đang được hình thành thì lại trở nên cô độc trong một cuộc chiến mà với nhiều người do chính ông Trump tự vẽ lên.

Ngay cả những hành động mới nhất như dự định cấm Tik Tok hay Wechat - những ứng dụng mạng xã hội của Trung Quốc - cũng phải nhận lấy phản ứng từ chính dư luận bên trong nước Mỹ.

Việc ông Trump quyết định rút 9.500 binh sĩ khỏi Đức đã gây thêm bất đồng trong quan hệ giữa Mỹ và Đức.

Lợi thế rơi vào tay đối thủ

Những sai lầm trong chính sách đối ngoại, điều hành chống COVID-19 hay cách thức ứng phó với những cuộc biểu tình sắc tộc của ông Trump đã tạo cơ hội để cho đối thủ của ông là Joe Biden chiếm ưu thế. Dù trước đó bị đánh giá là mờ nhạt, già cỗi nhưng ông Joe Biden đến lúc này lại đang lấy được điểm nhờ sai lầm của đối thủ.

Trong khi chính quyền của ông Trump thể hiện sự lúng túng trước những cuộc khủng hoảng liên tiếp thì chính sự điềm tĩnh, sự đồng cảm của ông Biden lại đang ghi điểm. Nước Mỹ đang hứng chịu những cơn bão tố từ bên trong, lúc này thay vì một nhà lãnh đạo gây tranh cãi, các cử tri lại muốn tìm đến một người có thể xoa dịu những căng thẳng đó. Thay vì lao vào một cuộc đối đầu căng thẳng với vị tổng thống rất "máu chiến" như Donald Trump, ông Biden đã tỏ ra khôn ngoan khi đứng ngoài mọi tranh cãi.

Lần đầu tiên trong một cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ, chúng ta thấy có một ứng cử viên im ắng đến như vậy. Mặc cho ông Trump vẫn liên tiếp sử dụng những công cụ truyền thông để công kích mình, ông Biden lại chọn cách ứng phó là bỏ ngoài tai.

Trong khi ông Trump quay cuồng giữa những cuộc khủng hoảng bủa vây, thì ông Biden ngồi vạch ra kế hoạch tái thiết nền kinh tế, tuân thủ hướng dẫn y tế bằng cách đeo khẩu trang mỗi khi ra ngoài, an ủi người dân, khuyên họ hãy bình tình, đăng những bài phát biểu thể hiện sự đồng cảm, thừa nhận mất mát to lớn của họ.

Sự nhẹ nhàng đầy tình nhân ái đó dường như đã đánh động vào những con người Mỹ bình thường nhất, những người đang bị tổn hại trực tiếp bởi đại dịch mà không cần quan tâm đến những vấn đề to lớn vĩ mô mà ông Trump vẫn lớn tiếng kêu gọi.

Chính sách lược khôn ngoan này đã đem đến cuộc lội ngược dòng cho ông Biden trong thời gian gần đây khi ông vượt qua ông Trump trong những cuộc thăm dò và ngày càng nới rộng khoảng cách.

Nhận thấy những bất lợi này, mới đây chính ông Trump đã phải viện đến lý do đại dịch bùng phát - điều mà từ trước tới giờ ông liên tục phủ nhận- để hoãn lại cuộc bầu cử dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 3-11 tới. Nhưng đề xuất này đã nhanh chóng bị bác bỏ vì bối cảnh hiện nay cho phép nước Mỹ có thể tiến hành những cuộc bỏ phiếu theo nhiều hình thức khác nhau mà không sợ làm lây lan dịch bệnh.

Và khi mà những diễn biến từ bên ngoài vẫn đang tiếp tục bất lợi cho ông Trump thì khó có gì mà có thể giúp cho vị tổng thống của nước Mỹ có thể lật ngược được thế cờ khi mà thời gian đã gần kề.

Tử Uyên

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/nhung-thach-thuc-khong-de-vuot-qua-cua-ong-donald-trump-608039/