Những thách thức của Bộ tứ

Kể từ những năm 2000, tình hình an ninh xung quanh Nhật Bản và cả Ấn Độ đã thay đổi, khi Trung Quốc không ngừng tăng cường hoạt động trên toàn khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Cơ chế Đối thoại an ninh 4 bên (Bộ tứ - QUAD) được cho là có vai trò quan trọng trong việc đối phó với thách thức này.

Hai nước Bộ tứ là Nhật Bản và Ấn Độ đều đang phải đối phó với vấn đề Trung Quốc từng bước tăng cường sự hiện diện và hoạt động ở khu vực gần biên giới. Xung quanh quần đảo Senkaku (mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư) Trung Quốc đã triển khai lực lượng bảo vệ bờ biển và tăng cường hoạt động hằng năm. Nếu như năm 2011, chỉ có 12 tàu Trung Quốc được xác định ở khu vực tiếp giáp với vùng biển xung quanh đảo này thì đến năm 2019, số lượng tàu đã lên tới 1.097 chiếc. Khu vực biên giới Ấn - Trung cũng ghi nhận sự gia tăng hoạt động đáng kể của phía Trung Quốc. Năm 2011, Ấn Độ ghi nhận 213 vụ xâm nhập biên giới chung giữa hai nước thì đến năm 2019 đã là 663 vụ.

Trung Quốc được cho là sử dụng các dự án cơ sở hạ tầng ở nước ngoài – trong khuôn khổ Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) - để không ngừng mở rộng ảnh hưởng. Những quốc gia tiếp nhận vốn đầu tư và các khoản cho vay lớn từ Trung Quốc sẽ do dự trong việc chỉ trích nước này ngay cả khi Bắc Kinh bất chấp các quy tắc quốc tế.

Chiến cơ F-35 thuộc lực lượng phòng vệ Nhật Bản.

Chiến cơ F-35 thuộc lực lượng phòng vệ Nhật Bản.

Trung Quốc cũng đang sử dụng “ngoại giao vaccine” để thúc đẩy thiện chí tại các nước tiếp nhận, bất kể kết quả của các hoạt động đầu tư, hỗ trợ đó ra sao. Ngay cả tại các nước phát triển như Nhật Bản và Australia, Trung Quốc cũng sử dụng phương pháp kiểm soát kinh tế này. Ví dụ, khi Australia kiên quyết yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra quốc tế để xác định nguồn gốc của đại dịch COVID-19, Trung Quốc đã lập tức trì hoãn nhập khẩu các mặt hàng của Australia như rượu vang và tôm hùm. Sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc là vũ khí lợi hại để Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng và cuối cùng là mở rộng biên giới mềm.

Các tuyên bố chung của cả hai hội nghị thượng đỉnh Bộ tứ tháng 3 và tháng 9-2021 đều khẳng định rằng, một trật tự tự do, rộng mở, dựa trên luật lệ sẽ đáp ứng những thách thức đối với trật tự hàng hải dựa trên luật lệ, bao gồm cả ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Lập trường này mang ý nghĩa to lớn vì Trung Quốc đã cố gắng thay đổi hiện trạng bằng vũ lực và liên tục thách thức các quy tắc quốc tế. Các nước Bộ tứ cần lấp đầy khoảng trống quyền lực bằng cách duy trì cán cân quân sự. Để làm được điều này, các nước Bộ tứ sẽ phải tăng ngân sách quốc phòng và đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Do đó, việc tổ chức lại hệ thống an ninh là điều quan trọng cần làm hơn lúc này.

Trong một thời gian dài, hệ thống “trục bánh xe và các nan hoa” đã giúp duy trì trật tự ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong hệ thống này, “trục bánh xe” là Mỹ và “nan hoa” là các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Australia, Philippines, Thái Lan và Hàn Quốc. Một đặc điểm của hệ thống hiện tại là sự phụ thuộc đáng kể vào Mỹ. Ví dụ, mặc dù Nhật Bản và Australia đều là đồng minh của Mỹ, nhưng không có liên minh Nhật Bản - Australia. Trong giai đoạn 2011-2020, Trung Quốc tăng chi tiêu quân sự tới 76% trong khi Mỹ giảm chi tiêu 10%.

Ngay cả khi chi tiêu quân sự của Mỹ lớn gấp 3 lần so với Trung Quốc thì hệ thống “trục bánh xe và các nan hoa” hiện tại vẫn sẽ không đủ. Kết quả là, một hệ th ống an ninh dựa trên mạng lưới mới đang hình thành. Các đồng minh và đối tác của Mỹ hợp tác và chia sẻ gánh nặng an ninh với Mỹ. Nhiều thỏa thuận hợp tác song phương, 3 bên, 4 bên hoặc đa phương khác, chẳng hạn như Mỹ - Nhật - Ấn; Nhật - Ấn - Australia; Australia - Anh - Mỹ (AUKUS); Ấn - Australia - Indonesia; Ấn - Australia - Pháp; Mỹ - Ấn - Israel – UAE đang tạo ra một mạng lưới hợp tác an ninh. Trong trường hợp này, Bộ tứ là một ví dụ về hợp tác và chia sẻ gánh nặng an ninh khu vực.

Nếu các nước Bộ tứ phối hợp tốt với nhau thì họ có thể buộc Trung Quốc phải giăng ra cùng lúc nhiều mặt trận để từ đó ngăn cản việc “mở rộng” của nước này. Các kiểu hợp tác này mang lại một biện pháp duy trì cán cân quân sự ngay cả khi chi tiêu quân sự của Trung Quốc đang gia tăng với tốc độ nhanh chóng.

Trong trường hợp này, năng lực tấn công là chìa khóa. Trong một thời gian dài, không có quốc gia nào ngoại trừ Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ sở hữu vũ khí có đủ khả năng tấn công Trung Quốc. Hiện tại, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia đều lên kế hoạch phát triển năng lực tấn công tầm xa từ 1.000-2.000km, chẳng hạn như tên lửa hành trình, máy bay phản lực F-35 với bom định vị và tên lửa hành trình. Nếu Australia sắp tới sở hữu các tàu ngầm hạt nhân có khả năng tấn công tầm xa - theo thỏa thuận an ninh AUKUS, Mỹ và Anh sẽ hỗ trợ Australia mua và duy trì 8 tàu ngầm hạt nhân - thì lực lượng hải quân Australia có thể mở rộng phạm vi hoạt động ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và có khả năng chống lại mối đe dọa từ trong khu vực.

Tuy nhiên, mối đe dọa từ một đối thủ như Trung Quốc gắn liền với sức mạnh kinh tế - tài chính. Do Trung Quốc có nền kinh tế hùng mạnh và ngân sách dồi dào nên quá trình hiện đại hóa quân sự của nước này vượt trội các nước khác. Đó là lý do giải thích vì sao nỗ lực phi quân sự là điều cần thiết để làm giảm lợi thế kinh tế của Trung Quốc. Cách được lựa chọn, đó là các nước Bộ tứ phải tích hợp các nỗ lực kinh tế và giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Việc tách rời và đa dạng hóa chuỗi cung ứng và thị trường là nhiệm vụ cần thiết. Nhật Bản đã bắt đầu làm như vậy. Nước này đã di dời các nhà máy từ Trung Quốc sang Đông Nam Á, Nam Á và số lượng công dân Nhật Bản sinh sống ở Trung Quốc đã giảm từ 150.399 người năm 2012 xuống còn 111.769 người năm 2020. Đồng thời, số lượng người Nhật Bản sinh sống ở Mỹ tăng từ 410.973 người năm 2012 lên 426.354 người năm 2020. Nhật Bản đã dành 2,2 tỷ USD trong gói kích thích kinh tế năm 2020 để giúp các nhà sản xuất trong nước chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Ngọc Lan (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/nhung-thach-thuc-cua-bo-tu-i663880/