Những thách thức bủa vây Nghị viện châu Âu

Cử tri khắp Liên minh châu Âu (EU) đã đi bỏ phiếu bầu 751 nghị sĩ thuộc Nghị viện châu Âu (EP) khóa 2019-2024, trong cuộc bầu cử quan trọng diễn ra từ ngày 23/5 đến ngày 26/5.

Trụ sở Nghị viện châu Âu ở Strasbourg, Pháp ngày 19/5/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Trụ sở Nghị viện châu Âu ở Strasbourg, Pháp ngày 19/5/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Mặc dù quá trình bỏ phiếu mới chỉ bắt đầu, nhưng ngay từ trước khi cuộc bầu cử diễn ra, đã có thể nhận định về những thách thức mà EP khóa mới sẽ phải đối mặt.

Tháng 6/2016, vào giai đoạn giữa nhiệm kỳ 2014-2019 của EP, người dân Anh bỏ phiếu lựa chọn quyết định rời khỏi EU, nhưng đến thời điểm EP bắt đầu nhiệm kỳ mới, quá trình Brexit vẫn còn dang dở. EP khóa mới vì thế vẫn có nước Anh, với 73 nghị sĩ, chiếm 9,7% tổng số ghế - nhiều thứ ba chỉ sau Đức và Pháp, bằng Italy.

Nhưng trớ trêu thay, những nghị sĩ Anh mới được bầu lần này có thể chỉ tham gia EP trong một thời gian rất ngắn, cho đến khi quá trình "ly hôn" nhiều sóng gió kết thúc. Khi đó, cơ cấu của EP sẽ thay đổi, nhưng không phải là vấn đề quá lớn. Điều quan trọng là xử lý mối quan hệ giữa EU và nước Anh, cũng như giải quyết những hậu quả để lại khi "đường ai nấy đi".

Brexit là một bài toán khó, không chỉ đối với nước Anh mà cả phần còn lại của châu Âu. EU, với vai trò dẫn dắt của Đức và Pháp, tỏ ra cứng rắn song vẫn hết sức kiên nhẫn với nước Anh, khi Thủ tướng Theresa May chưa thể thuyết phục được Quốc hội Anh thông qua kết quả đàm phán Brexit vốn kéo dài hơn hai năm qua. Một "Brexit cứng" - nước Anh rời EU mà không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào, là điều mà cả hai bên đều không mong muốn.

Thái độ cứng rắn của EU trong vấn đề Brexit ngoài việc bảo vệ quyền lợi của liên minh trong quan hệ với Anh, còn phát đi một thông điệp mạnh mẽ về những hậu quả có thể xảy ra nếu tiếp tục xuất hiện những cuộc chia tay khác. Theo chân nước Anh, nhiều lực lượng chính trị, đặc biệt những người theo chủ nghĩa dân túy và cực hữu, trên khắp châu Âu đã lên tiếng đòi chia tách, đẩy một châu Âu thống nhất đến nguy cơ tan rã.

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy - tại Đức, Pháp, Italy, Hà Lan, Áo, Thụy Điển... đang thúc đẩy tiến trình chia tách EU. Ở Italy, chính phủ dân túy và cực hữu đã lên nắm quyền, trong khi tại nhiều nước khác, lực lượng này cũng đang tiến gần hơn đến cái đích đó. Tại EP, "liên minh lớn" giữa đảng Nhân dân châu Âu (EPP) và Nhóm Xã hội chủ nghĩa & Dân chủ (S&D) đang đứng trước nguy cơ lần đầu tiên mất thế đa số. Khả năng các đảng chống châu Âu sẽ tạo thành một liên minh lớn thứ hai tại EP là khá rõ ràng. Kịch bản này có thể làm tê liệt EP khi các lực lượng chính trị khó tìm được tiếng nói chung trong các vấn đề lớn.

Sự chênh lệch về tốc độ phát triển cũng là vấn đề đáng quan ngại ở châu Âu, khi các nước "đầu tàu" như Đức hay Pháp tỏ ra vượt trội với phần còn lại, đặc biệt là những quốc gia thuộc khu vực Đông Âu mới gia nhập EU chưa quá lâu, hay thậm chí cả những nước từng là "đầu tàu" nhưng nay bị tụt lại phía sau như Italy, Tây Ban Nha... Mâu thuẫn xảy ra, phần nào khiến nội bộ EU chia rẽ sâu sắc trong những vấn đề đối ngoại, đơn cử như việc tham gia sáng kiến "Vành đai và con đường" của Trung Quốc, dự án hiện đã vươn tới một số nước Đông Âu, và thậm chí cả Italy.

Về mặt kinh tế, châu Âu dường như đã vượt qua cuộc khủng hoảng xảy ra trong giai đoạn 2008-2009. Tuy nhiên, những chỉ số không mấy lạc quan từ các nền kinh tế „đầu tàu“ như Đức hay Pháp thời gian gần đây cho thấy quá trình phục hồi đã chững lại, và châu Âu không khỏi lo ngại về một cuộc suy thoái nữa, khi tình trạng kinh tế bấp bênh ở các quốc gia thành viên là điều mà bất kỳ ai cũng có thể nhận ra.

Trong bối cảnh đó, châu Âu vẫn loay hoay giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư, vốn nổ ra từ năm 2015 khi nước Đức mở cửa đón dòng người tị nạn ồ ạt đổ vào từ khu vực Trung Đông và châu Phi. Mặc dù giai đoạn đỉnh điểm đã qua, cuộc khủng hoảng người di cư vẫn được xem là "bom nổ chậm" đối với EU. Đây vẫn là một mối quan tâm lớn của công dân châu Âu, và các đảng phái chính trị chống nhập cư đang có xu hướng chiếm ưu thế trong cuộc bầu cử EP lần này. Cùng với đó, nguy cơ mất an ninh ngày càng cao hơn, khi các phần tử khủng bố trà trộn vào dòng người di cư - vốn đã gây ra sự xáo trộn đáng kể trong xã hội và tạo ra mâu thuẫn lớn giữa các nước châu Âu về cách thức xử lý.

Một châu Âu đang bị chia rẽ sâu sắc về chính trị và xã hội, bấp bênh về kinh tế từ bên trong lại phải đối mặt với nhiều khó khăn từ bên ngoài. Chưa bao giờ trong quãng thời gian hơn 70 năm qua, kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa châu Âu và Mỹ lại khó khăn như lúc này, khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền ở Nhà Trắng.

Chính sách "Nước Mỹ trước tiên" của ông Trump đã đẩy mối quan hệ về chính trị, quốc phòng và thương mại giữa Mỹ và châu Âu vào tình thế khó khăn. Mặc dù Mỹ đang dồn sức trong cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc, nhưng đã từ lâu, châu Âu luôn lo lắng một ngày nào đó không xa, ngọn lửa chiến tranh theo hình thái mới này sẽ lan đến "lục địa già". Khi ông Trump đã quyết tâm đặt nước Mỹ lên trên hết, thì châu Âu không có lý do gì là một ngoại lệ.

Sớm nhận ra những nguy cơ ấy, EU đã thể hiện việc xoay trục sang châu Á, Nam Mỹ và châu Phi thông qua việc thúc đẩy tiến trình đàm phán, ký kết và thông qua các Hiệp định Tự do thương mại (FTA) với nhiều quốc gia và khu vực. FTA giữa EU và Nhật Bản, Singapoe đã được ký kết và thông qua, trong khi FTA giữa EU và Việt Nam cũng dự kiến được ký kết ngay trong tháng 6 tới, khi EP khóa mới chính thức hoạt động

Trong khi đó, lòng tin của người dân các nước châu Âu đối với liên minh lại ngày càng sụt giảm, phản ánh qua tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu bầu EP liên tục sụt giảm trong những cuộc bầu cử gần đây. Kể từ năm 1999 đến nay, tỷ lệ cử tri đi bầu EP luôn ở mức dưới 50%, và giảm xuống 42,5% trong cuộc bầu cử 5 năm trước, mức thấp nhất từ trước đến nay, trong bối cảnh các đảng có thành kiến với châu Âu giành thế đa số.

Đối mặt với hàng loạt thách thức to lớn như vậy, nhưng có thể thấy rằng, EU đang thiếu những nhà lãnh đạo xuất sắc, có đủ khả năng và uy tín để “cầm lái” con tàu châu Âu. Đây cũng là một bài toán khó đối với EU và khó lòng có thể giải trong "một sớm, một chiều".

Thủ tướng Đức đương nhiệm được cho là nhân vật phù hợp nhất với vai trò đó hiện nay, nhưng bà Angela Merkel đã bác bỏ khả năng chuyển sang giữ một vị trí ở EP, và tuyên bố sẽ nghỉ hưu sau khi hoàn thành xong nhiệm kỳ Thủ tướng Đức thứ tư liên tiếp vào năm 2021. Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, mặc dù thời gian qua đã thể hiện vai trò của một nhà lãnh đạo châu Âu bên cạnh bà Merkel, song dường như vẫn chưa đủ tầm để trở thành một thủ lĩnh thực sự của liên minh, trong khi vẫn phải đối mặt với những vấn đề hóc búa trên chính trường Pháp.

EP, với các quyền lập pháp, phê duyệt ngân sách và giám sát các hoạt động của EU, có vai trò quan trọng, quyết định định hướng phát triển của liên minh. Nhưng EP khóa mới đang bị thách thức bởi hàng loạt vấn đề, mà việc giải quyết khó lòng triệt để trong thời gian ngắn, thậm chí cả suốt chiều dài của nhiệm kỳ.

Phạm Thắng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/nhung-thach-thuc-bua-vay-nghi-vien-chau-au-20190524132830829.htm