Những tên 'đạo chích' trộm 8 pho tượng quý

Để có tiền tiêu xài, nhóm của Tuấn Anh nảy ý định trộm cắp tượng phật cổ. Ngôi chùa Bảo Lâm ở huyện Mê Linh là địa điểm mà những kẻ 'hai ngón' nhắm đến...

Các cơ quan tố tụng làm rõ, Vũ Tuấn Anh, SN 1971, quê Vĩnh Phúc, quen biết Hoàng Tiến Sinh, SN 1967, quê Hưng Yên; Phạm Văn Thùy, SN 1973, quê Hải Dương và Nguyễn Văn Cừ, SN 1967, quê Bắc Ninh. Khoảng tháng 2-2018, Tuấn Anh biết chùa Bảo Lâm ở xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh, Hà Nội, là một trong nhiều ngôi chùa được xếp di tích lịch sử cấp Quốc gia và trong chùa có nhiều pho tượng cổ quý có giá trị.

Nảy ý định trộm cắp tượng phật để bán lấy tiền ăn tiêu, Tuấn Anh đã đến chùa Bảo Lâm để thăm dò, quan sát tìm nơi để các pho tượng cổ. Sau đó, Tuấn Anh gọi điện thoại cho Sinh hẹn đến gặp để bàn bạc và thống nhất trộm tượng phật trong chùa Bảo Lâm. Khi gặp nhau, cả hai bàn bạc: Tuấn Anh chỉ nơi để tượng phật quý để Sinh đến chùa Bảo Lâm trộm cắp tượng phật rồi đem bán cho Tuấn Anh; Sinh đồng ý. Sau đó, Tuấn Anh đã dẫn Sinh đến chùa Bảo Lâm và chỉ cho Sinh vị trí nơi để các pho tượng.

Một phần kiến trúc cổ chùa Bảo Lâm hiện nay.

Một phần kiến trúc cổ chùa Bảo Lâm hiện nay.

Tối 18-3-2018, Sinh gọi điện thoại cho Thùy và Cừ hẹn tối cùng ngày đến nhà Sinh uống rượu. Thùy và Cừ hiểu là Sinh hẹn đến để rủ đi trộm cắp tài sản nên đồng ý. Đúng giờ hẹn, Thùy lái xe ôtô BKS 29B-124.91 chở Cừ và Sinh đi đến gần chùa Bảo Lâm thì dừng lại. Sinh và Cừ xuống xe, cầm theo túi đựng bao tải, mũ trùm đầu, găng tay, kìm cộng lực đi bộ đến chùa. Cả hai đã trèo tường phía bên trái cổng vào bên trong chùa. Cừ đứng giữ cửa để Sinh dùng kìm cộng lực cắt đai khóa nhà chính, rồi cả hai đi vào bên trong gian Tam Bảo lấy được 3 pho tượng Tam Thế, 1 pho tượng phật Quan âm tọa sơn, 2 pho tượng A Di Đà ngồi, 1 pho tượng phật A di đà tiếp dẫn và 1 pho tượng Quan âm.

Sau đó, Sinh, Cừ bê 8 pho tượng này đi theo đường cửa ngách bên phải ra để ở trong cổng chùa. Sinh gọi điện thoại cho Thùy đi ô tô vào chở tượng trộm cắp được đồng thời dặn Thùy dán biển số xe vào để tránh bị phát hiện. Nghe điện thoại xong, Thùy lấy băng dính sửa BKS thành 29B-164.81 và đi xe ô tô vào đỗ trước cổng chùa Bảo Lâm.

Tại đây, Sinh và Cừ bê tượng lên còn Thùy đứng trong xe đỡ 8 pho tượng xếp vào trong ô tô rồi Thùy lái xe chở Sinh và Cừ đi về. Trên đường đi, Sinh nói cho Cừ và Thùy biết điểm vào lấy trộm tượng phật này là do Tuấn Anh chỉ. Do muốn giấu Tuấn Anh để bán bớt một số pho tượng nên Sinh đã bàn bạc với Cừ và Thùy mang 2 pho tượng về bán cho Nguyễn Văn Lân, SN 1962, quê Hải Dương, để được giá cao hơn so với bán cho Tuấn Anh. Cừ và Thùy đồng ý.

Sinh đã gọi điện thoại cho Lân nói có ít hàng mang đến bán. Do trước đây cả hai đã mua bán với nhau nhiều lần nên Lân hiểu đây là đồ do trộm cắp mà có. Sinh hướng dẫn để Thùy lái xe ô tô về nhà Lân. Đến nơi, Sinh và Cừ bán cho Lân 40 triệu đồng/2 pho. Sinh nhận tiền và chia đều cho mỗi người 13 triệu đồng, riêng Thùy được thêm 1 triệu đồng tiền xăng xe.

Sớm 20-3-2018, Thùy chở Sinh và Cừ cùng 6 pho tượng đi gặp Tuấn bán với giá 52 triệu đồng. Trên đường về, Sinh chia đều mỗi người được 17 triệu đồng, Thùy lại được thêm 1 triệu đồng xăng xe. Trong khi đó, Tuấn Anh thuê xe taxi chở đến nhà người quen là Nguyễn Văn Học, SN 1968; trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội, thuê sơn sửa lại để bán cho khách. Sáng 19-3-2018, anh Ngô Gia Định, SN 1993; trú tại huyện Mê Linh, Hà Nội, người trông chùa Bảo Lâm phát hiện chùa bị mất trộm nên đã báo cho sư trụ trì biết và làm đơn trình báo CA huyện Mê Linh.

Tại CQĐT, Tuấn Anh khai, sau khi sửa chữa thì để tượng lại ở cửa hàng của Học và đã bán cho khách nhưng chưa nhận được tiền. Nguyễn Văn Lân thì nói, mua 2 pho tượng xong đã bán cho một người phụ nữ tên là Xuân (không rõ lai lịch) với giá 45 triệu đồng nên CQCA không thu hồi được tang vật. Căn cứ vào Hồ sơ khoa học của di tích lịch sử quốc gia của chùa Bảo Lâm xác định, Chùa Bảo Lâm được xây dựng từ rất sớm, tu sửa lớn vào thời Lê (năm 1762). Chùa có 50 pho tượng phật là 50 tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gỗ rất công phu… thời kỳ thế kỷ 17, 18 và 19. Tiến sĩ Phạm Quốc Quân - Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia, nguyên GĐ Bảo tàng lịch sử Việt Nam và Tiến sĩ Nguyễn Đình Chiến - Ủy viên Hội đồng giám định cổ vật, Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch, nguyên PGĐ Bảo tàng lịch sử Quốc gia, xác định: 8 pho tượng mà các bị can trộm cắp tại chùa Bảo Lâm là cổ vật quốc gia.

Cơ quan giám định kết luận, giá trị của pho tượng Quan âm tọa sơn là 135 triệu đồng (pho tượng đã được 1 người mua nộp lại); 3 pho tượng phật Tam thế trị giá 150 triệu đồng/1 pho tượng. 4 pho tượng còn lại có giá trị 135 triệu đồng/1 pho tượng. Tổng giá trị của 7 pho tượng là 990 triệu đồng. Như vậy, tổng giá trị của 8 pho tượng do Vũ Tuấn Anh, Hoàng Tiến Sinh, Nguyễn Văn Cừ và Phạm Văn Thủy chiếm đoạt của chùa Bảo Lâm là 1,125 tỷ đồng.

Nguyễn Văn Học là anh em ruột của Lân. Hành vi của Học có dấu hiệu của tội "Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có". Tuy nhiên hiện Học không có mặt tại nơi cư trú nên CQCA chưa triệu tập được để lấy lời khai. CQĐT đã quyết định tách tài liệu liên quan đến vụ tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có của Học để tiếp tục điều tra, làm rõ xử lý sau.

Do đó, vừa qua HĐXX sơ thẩm của TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt Sinh và Cừ 12 năm, Thùy 11 năm, Tuấn Anh 9 năm, Lân 42 tháng tù về tội "Trộm cắp tài sản", "Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có".

Hoa Đỗ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nhung-ten-dao-chich-trom-8-pho-tuong-quy-181420.html