Những tập đoàn kiếm lợi từ đại dịch

Các tập đoàn dược phẩm coi đại dịch Corona là cơ hội làm ăn có một không hai. Cả thế giới đang cần đến thuốc men và vật tư y tế mà họ sản xuất… Các tập đoàn dược phẩm đang chạy đua với nhau để chiếm được miếng bánh béo bở nhất

Đại dịch COVID-19 là một thảm họa với tất cả mọi người trên thế giới, ngoại trừ các tập đoàn dược phẩm. Theo như nhận xét của ông Gerald Posner, một trong những chuyên gia lớn về ngành dược phẩm và đồng thời là tác giả cuốn sách mang tên “Các công ty dược phẩm: Kẻ đang đầu độc nước Mỹ!”, thì: “Các tập đoàn dược phẩm coi đại dịch Corona là cơ hội làm ăn có một không hai. Cả thế giới đang cần đến thuốc men và vật tư y tế mà họ sản xuất… Các tập đoàn dược phẩm đang chạy đua với nhau để chiếm được miếng bánh béo bở nhất!”.

Theo cách nhìn thông thường thì đây là một hành vi hoàn toàn chấp nhận được, miễn là các doanh nghiệp có thể đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Và có vẻ như điều đó đang là hiện thực. Các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia như Johnson & Johnson, GlaxoSmithKline và Sanofi đều đã đẩy mạnh sản xuất, đồng thời tham gia cuộc đua đi tìm vaccinne cho COVID-19. Một công ty sinh học mang tên Moderna là chủ thể đầu tiên tìm ra một vaccine có tác dụng chống virus tại Mỹ

Nhiều bệnh nhân đang bị đặt vào vòng nguy hiểm vì mức giá trên trời của EpiPen..

Nhiều bệnh nhân đang bị đặt vào vòng nguy hiểm vì mức giá trên trời của EpiPen..

Tuy vậy, sẽ thật là thiếu khôn ngoan nếu cho rằng các tập đoàn dược phẩm làm như thế vì một mục tiêu nào khác ngoài lợi nhuận. Và hoàn toàn có khả năng mục tiêu lợi nhuận của họ đi ngược lại với lợi ích chung xã hội. Nói riêng về đại dịch hiện nay, các công ty dược phẩm tại Mỹ cũng có một phần trách nhiệm trong việc chậm tìm ra vaccine COVID-19.

Cách đây khoảng 3 năm, các nhà khoa học tại trường Đại học Texas đang đứng trước hy vọng khám phá ra vaccine chống virus SARS, họ hàng của COVID-19 và “kẻ chủ mưu” của đại dịch kinh hoàng cùng tên xảy ra cách đây hơn mười năm. Tuy vậy, cuộc nghiên cứu bất ngờ bị cắt ngắn vì chính phủ mới của ông Donald Trump cắt giảm ngân sách trợ cấp khoa học cho một loạt trường đại học.

Chính vì lý do nói trên mà các nhà khoa học đã phải chạy đôn chạy đáo đến các công ty dược phẩm để xin tài trợ, nhưng không ai đồng ý cả vì lý do chi phí quá cao mà lợi nhuận lại thấp. Nếu như người ta đã sản xuất thành công vaccine SARS từ năm 2016 thì không những một bệnh dịch nguy hiểm bị loại trừ, mà các nhà khoa học còn có cơ sở kiến thức để chống lại những virus tương tự, trong đó có COVID-19 hiện nay.

Nghiên cứu sản xuất vaccine là cả một quá trình tốn thời gian và tiền bạc, ấy thế nhưng các công ty dược phẩm lại không nhận được nhiều lợi nhuận vì bệnh nhân thường chỉ cần một, hai liều dùng trong cả đời mình. Trường hợp duy nhất mà vaccine có thể đem lại doanh thu lớn cho doanh nghiệp là khi đại dịch đã và đang diễn ra như trong thời điểm hiện tại. Đại dịch càng kéo dài, công ty dược phẩm lại càng thu được nhiều lợi nhuận.

Hồi cuối năm 2004, khi mà dịch cúm H5N1 vừa mới chỉ được đẩy lùi, Tập đoàn Dược phẩm Chiron bất ngờ thông báo ngừng sản xuất vaccine vì lý do nhà máy nhiễm khuẩn. Công ty ở Anh này sau đó có thể thoải mái nâng giá sản phẩm vaccine của mình lên 150%. Phải một thời gian sau các nhà chức trách mới phát hiện ra nhà máy của Chiron không hề có vấn đề gì, và công ty này cho dừng sản xuất chỉ đơn giản vì muốn nâng giá vaccine lên.

Ngay cả những loại thuốc bình thường khác cũng được nhà sản xuất đội giá một cách rất vô giá. Lấy EpiPen, một loại kim tiêm chuyên dùng để trị sốc phản vệ làm ví dụ. Bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể rơi vào trạng thái sốc phản vệ vì một yếu tố ngoại lai nào đó, nhưng có một số người đặc biệt mẫn cảm.

Chỉ cần phấn hoa hay muỗi đốt thôi cũng có thể khiến họ bị sốc phản vệ, từ đó có thể dẫn đến trụy tim và tử vong. Cách duy nhất để phòng cơn sốc là tiêm cho họ một liều epiperine ngay khi có dấu hiệu dị ứng. Nhưng nếu sử dụng quá liều epiperine thì tính mạng bệnh nhân sẽ bị đặt vào vòng nguy hiểm.

Đáng lẽ phải thực hiện dãn cách xã hội, người dân Anh vẫn phải chen nhau đứng chờ để được test thử COVID-19.

Vì thế mà vào năm 1987, các nhà khoa học Mỹ đã sáng chế ra EpiPen. Bên trong mỗi xi lanh EpiPen là một liều epiperine đã được đo lường sẵn để y tá chỉ cần tiêm vào người bệnh nhân. Đã có nhiều người được cứu khỏi cơn trụy tim nhờ vào EpiPen. Tuy vậy, cũng không thiếu những bệnh nhân khác chết vì không có đủ tiền mà mua EpiPen.

Chi phí để sản xuất epiperine và kim tiêm rất rẻ, nhưng vì tập đoàn dược phẩm Mylan độc quyền sản xuất EpiPen cho nên họ tự cho mình cái quyền có thể đội giá lên đến 400% mà không ai làm gì được.

Với giá bán khoảng 200USD một liều EpiPen, Mylan mỗi năm thu được con số lợi nhuận khổng lồ là 1,2 tỷ USD. Hầu hết số tiền này rơi vào tay các cổ đông Mylan và những quan chức Mỹ để họ làm ngơ cho hành vi kinh doanh bất chính của doanh nghiệp này.

Đây cũng là cách mà nhiều công ty dược phẩm khác đang bóc lột người bệnh của mình. Ấy là việc họ mua đứt bản quyền sở hữu trí tuệ một loại thuốc mới rồi độc quyền sản xuất nó với mức giá trên trời. Lợi nhuận thu được sẽ được dùng để biến các chính trị gia thành “quân cờ” giúp bao che tiếp tay cho sự độc quyền của doanh nghiệp.

Tiện nói thêm về việc hối lộ, các bác sỹ cũng là đối tượng để các công ty dược phẩm mua chuộc. Bằng cách này hay cách khác, bộ phận marketing của các công ty dược sẵn sàng chi rất nhiều tiền cho những con người khoác trên mình chiếc áo blouse trắng để họ quên đi lời thề Hypocrat cao cả của mình.

Mục tiêu là khiến cho các bác sỹ khi kê đơn thuốc thì chỉ ghi những loại thuốc đắt tiền của các công ty đã hối lộ cho họ chứ không chỉ định những loại thuốc tương tự mà rẻ tiền lên. Người bệnh không có kiến thức y khoa cho nên chỉ còn có cách vét hết ví tiền của mình mà làm theo lời bác sỹ.

Theo một báo cáo xuất bản hồi năm ngoái của tờ Atlantic (Mỹ) thì các công ty dược phẩm lớn ở Mỹ đã chi ra đến 24 nghìn tỷ USD để mua chuộc các bác sỹ chỉ trong năm 2017. Ngoài những khoản tiền trao trực tiếp, thì bộ phận marketing của các công ty dược phẩm còn sử dụng những biện pháp hối lộ khác như: mời tiệc, mời phát biểu tại hội nghị, tặng bảo hiểm, tặng tour du lịch gia đình,... Với những lợi ích to lớn đầy hấp dẫn như thế, khó có bác sỹ nào có thể giữ vững được đạo đức nghề nghiệp của mình.

*

Chính phủ các nước phương Tây đã nhận ra những vấn đề nói trên và có biện pháp để giải quyết chúng. Dẫu vậy, Mỹ và Anh, hai quốc gia sở hữu những tập đoàn dược phẩm lớn nhất thế giới, hầu như không có động thái tiến bộ nào cả.

Thậm chí các chính trị gia bị công ty dược phẩm mua chuộc còn đưa ra những bộ luật để bảo vệ họ khỏi tòa án và công luận, tiêu biểu là đạo luật do nguyên Tổng thống Mỹ George W. Bush ký vào năm 2004 cấm việc kiện các công ty dược phẩm ra tòa vì tội lơ là trong bào chế thuốc gây hậu quả chết người.

Hậu quả của việc đội giá thuốc men có thể nhìn thấy rõ. Người hứng chịu mọi thiệt hại là bệnh nhân, đặc biệt là các bệnh nhân nghèo mắc bệnh mãn tính. Giá thành của các loại thuốc ở Mỹ bị đẩy lên đến mức nhiều người mắc bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát được như tiểu đường lại tự động chấm dứt việc điều trị, vì họ lo rằng chi phí thuốc men sẽ khiến gia đình mình sạt nghiệp.

Cho tới khi đại dịch xảy ra thì người bệnh không mua được thuốc điều trị lại càng khiến cho virus có cơ hội lan truyền ra rộng hơn nữa. Chính điều này là một trong những lý do khiến cho Mỹ trở thành ổ dịch COVID-19 lớn nhất thế giới, vì hầu hết mọi người không có đủ tiền để mua được các bộ test thử, còn chính quyền thì phải chờ giải ngân những khoản hàng trăm triệu USD mới có đủ ngân sách để kiểm soát bệnh dịch tại địa phương mình.

Ngược lại, ở các nước mà chính quyền đóng một vai trò lớn hơn trong quá trình nghiên cứu, sản xuất và phân phối thuốc men thì bệnh tật được đẩy lùi rất tốt như Trung Quốc và Hàn Quốc, hai ổ dịch COVID -19 xuất hiện đầu tiên trên thế giới.

Chính phủ hai nước này đã nhanh chóng lấy ngân sách để tài trợ cho các phòng nghiên cứu trong việc nghiên cứu bộ test thử và vaccine chống virus, rồi sau đó buộc các công ty dược phẩm phải sản xuất và bán hai sản phẩm này với mức giá được chính quyền cố định từ trước. Kết quả là đại dịch sớm được kiểm soát và dần dần đẩy lùi, còn mạng sống của hàng trăm nghìn người bệnh được cứu nhờ thuốc sớm đến tay họ.

Thực tế cho thấy, chính quyền các nước không thể chỉ trông chờ vào đạo đức của cá nhân những người lãnh đạo những tập đoàn dược phẩm này được. Trái lại, phải có những quy định thật chặt chẽ để bịt chặt mọi lỗ hổng luật pháp, tránh trường hợp bị doanh nghiệp lợi dụng.

Thế giới con người sẽ còn phải đối mặt với một loạt thiên tai, nhân tai nặng nề hơn nữa trong tương lai. Ngăn chặn những cá nhân, tổ chức chuyên sản xuất dược phẩm nhưng vì lợi nhuận mà sẵn sàng lách luật nhằm mục đích kinh doanh ngay trên sức khỏe và sự yếu thế của đồng loại mình vì thế là một trong những biện pháp phòng bị trước thảm họa cần được đặt lên hàng đầu.

VŨ HỘI (tổng hợp)

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/nhung-tap-doan-kiem-loi-tu-596354/