Những tấm huy chương lịch sử SEA Games 32 của thể thao Việt Nam
Nỗ lực của các vận động viên đã giúp thể thao Việt Nam thể hiện được đẳng cấp và vị thế hàng đầu tại SEA Games 32.
Đinh Phương Thành (Thể dục dụng cụ): Giành vàng 5 kỳ SEA Games liên tiếp
Kết thúc nội dung thi đấu xà đơn chiều 9/5 tại nhà thi đấu thuộc tổ hợp sân vận động Olympic quốc gia ở Thủ đô Phnom Penh (Campuchia), Đinh Phương Thành với tổng điểm 13.500 đã vượt qua Abiyurafi (người Indonesia, 13.000 điểm) và Luqman Zulfa (người Malaysia, 12.250 điểm) để lên ngôi vô địch. Ở kỳ SEA Games 31, Phương Thành và “thần đồng” thể dục dụng cụ Carlos Yulo (Philippines) cùng được trao Huy chương Vàng nội dung này.
Với chức vô địch ở nội dung xà đơn, Đinh Phương Thành đã đi vào lịch sử, trở thành vận động viên vô địch SEA Games 5 kỳ liên tiếp. Trước đó, anh từng giành 11 Huy chương Vàng tại đấu trường này, gồm 4 Huy chương Vàng năm 2015; 2 Huy chương Vàng năm 2017; 2 Huy chương Vàng năm 2019; và 3 Huy chương Vàng năm 2022. Một chút tiếc nuối cho Thành khi anh không thể bảo vệ thành công Huy chương Vàng ở nội dung xà kép.
Tính đến hết ngày 9/5 ở SEA Games 32, Đinh Phương Thành đã giành 1 Huy chương Vàng toàn năng đồng đội nam, 1 Huy chương Vàng nội dung đơn nam xà đơn và 1 Huy chương Bạc nội dung đơn nam xà kép.
Thành cho biết, anh bị chấn thương dai dẳng lâu ngày và khó có thể hoàn toàn dứt được các cơn đau. Nhờ đội ngũ y tế và ban huấn luyện luôn có mặt kịp thời để giúp anh giãn cơ, thả lỏng nên anh mới có thể hoàn thành tốt các nội dung.
Nguyễn Thị Oanh (Điền kinh): Giành 2 Huy chương Vàng trong vòng 30 phút
Vận động viên Nguyễn Thị Oanh đã tạo nên kỷ lục có “1-0-2” tại SEA Games 32 khi là người đầu tiên giành 2 Huy chương Vàng ở hai nội dung khốc liệt trong vòng hơn 30 phút.
17h30 chiều 9/5, Oanh bước vào tranh tài nội dung 1.500m. Ngay sau khi xuất phát khoảng 300m, những bước sải chân mạnh mẽ và tốc độ đã đưa vận động viên số 1 điền kinh Việt Nam bứt lên nhanh chóng, bỏ lại các đối thủ phía sau với khoảng cách rất xa.
Sau 4 phút 16 giây 85, Oanh đã về đích và bảo vệ thành công chức vô địch. Không có thời gian nghỉ, cô gái chỉ cao 1,48m phải nhanh chóng chạy đến địa điểm xuất phát cự ly 3.000m vượt chướng ngại vật để làm thủ tục để tiếp tục thi đấu nội dung thứ hai trong ngày, xuất phát lúc 17 giờ 50. Cô gái Bắc Giang cũng về nhất với thành tích 10 phút 34 giây 39.
“Tôi thực sự rất mệt”, lời đầu tiên của Nguyễn Thị Oanh thốt lên sau khi về đích ở nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật và sau đó cô nói: “Ngay sau khi thi đấu xong nội dung 1.500m, tôi chỉ có 10 phút chuẩn bị để bước vào nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật. Đây là một khó khăn cực kỳ lớn mà tôi phải vượt qua khi thi đấu 2 nội dung tiêu hao rất nhiều thể lực. Việc ban tổ chức thay đổi lịch thi đấu đã gây không ít khó khăn nhưng tôi chấp nhận và xem đó là thử thách để vượt qua”.
Ông Dương Đức Thủy - nguyên Trưởng bộ môn Điền kinh cho biết, ông đã khóc khi xem trực tiếp Oanh chạy. Ông Thủy cho rằng giành 2 Huy chương Vàng chỉ trong hơn 30 phút ở hai nội dung cực khủng như Nguyễn Thị Oanh có lẽ cũng là điều hiếm có với vận động viên chuyên nghiệp trên thế giới. Trong lịch sử điền kinh Việt Nam, chưa từng có vận động viên nào có thể làm được như Nguyễn Thị Oanh.
Hai chức vô địch chiều 9/5 cùng tấm Huy chương Vàng 5.000m ngày 8/5 đã giúp Oanh hoàn thành hat-trick Huy chương Vàng ở SEA Games 32, đồng thời bảo vệ thành công chức vô địch ở cả 3 nội dung của kỳ đại hội 31. Như vậy, Oanh đã giành tổng cộng 11 Huy chương Vàng ở 4 kỳ đại hội khu vực. Trước đó, cô còn giành Huy chương Vàng nội dung 1.500m ở giải vô địch điền kinh châu Á 2023 tổ chức tại Kazakhstan.
Trần Hưng Nguyên (Bơi lội): 3 Huy chương Vàng ở tuổi 20
Trần Hưng Nguyên thi đấu ấn tượng để mang thêm về cho Đoàn Thể thao Việt Nam Huy chương Vàng ở môn Bơi tại SEA Games 32. Ở nội dung 400m bơi hỗn hợp Nam, kình ngư sinh năm 2003 đã xuất sắc cán đích đầu tiên với thành tích 4 phút 19 giây 12.
Với thành tích này, Trần Hưng Nguyên đã hoàn tất “hat-trick” Huy chương Vàng tại SEA Games 32. Trước đó, anh về nhất ở chung kết 200m hỗn hợp Nam với thành tích 2 phút 01 giây 28. Ngoài ra, Hưng Nguyên cùng các đồng đội giành Huy chương Vàng nội dung 4x200m bơi tiếp sức tự do nam.
Tại tại SEA Games 31, Hưng Nguyên là niềm tự hào của bơi lội Việt Nam khi giành Huy chương Vàng nội dung 400m hỗn hợp nam và phá kỉ lục SEA Games với thành tích 4 phút 18 giây 10.
Bên cạnh đó, anh cũng đi vào lịch sử khi là kình ngư đầu tiên của bơi lội Việt Nam có Huy chương Vàng ở nội dung 200m bơi ngửa nam. Đồng thời, kình ngư này còn giành vàng ở nội dung 200m hỗn hợp cá nhân nam và tiếp sức 4x200m tự do nam. Kình ngư 20 tuổi hiện là một trong 8 gương mặt của đội tuyển bơi Việt Nam được đầu tư trọng điểm, thường xuyên tập huấn dài hạn tại Hungary hướng đến những mục tiêu quan trọng tại ASIAD 19 và vòng loại Olympic Paris 2024.
Nguyễn Thị Thanh Phúc (Điền kinh): “Nữ hoàng đi bộ”
Với chiến thuật hợp lý, phân phối sức tốt và có cú nước rút hoàn hảo, Nguyễn Thị Thanh Phúc đã giành Huy chương Vàng 20 km đi bộ với thông số 1 giờ 54 phút 57 giây. Như vậy, nữ vận động viên sinh năm 1990 đã tham dự 6 kỳ SEA Games và 5 lần giành Huy chương Vàng (2011, 2013, 2015, 2022, 2023). Suốt 19 năm gắn bó với điền kinh, Thanh Phúc còn giành 15 chức vô địch quốc gia, được xem là tượng đài của nội dung đi bộ Việt Nam, cả về thành tích lẫn ý chí và nghị lực phi thường.
Trước đó, vào năm 2017, mọi người đều nghĩ Thanh Phúc sẽ chia tay sự nghiệp thể thao để toàn tâm toàn ý cho thiên chức làm mẹ. Thế nhưng chẳng bao lâu sau sinh con, nữ vận động viên bất ngờ trở lại tập luyện và tiếp tục đạt được nhiều thành tích cao.
Chia sẻ trên Facebook cá nhân sau khi giành chức vô địch SEA Games 32, Phúc nhắn nhủ: “Các vận động viên Việt Nam ở lại chiến đấu tốt nhé. Tiếp tục tự tin, thi đấu tỏa sáng đem vinh quang về cho thể thao Việt Nam nhé. Nhiệm vụ của em đã xong, giờ em xếp đồ để chuẩn bị bay về với con gái em đây!”
Kỳ tích bóng rổ nữ nội dung 3x3
Đội tuyển bóng rổ nữ 3x3 Việt Nam, gồm 4 vận động viên Huỳnh Thị Ngoan, Nguyễn Thị Tiểu Duy cùng hai chị em sinh đôi Trương Thảo My - Trương Thảo Vy đã giành chiếc Huy chương Vàng SEA Games 32 sau khi đánh bại đội tuyển Philippines với tỷ số 21-16 ở trận đấu cuối cùng.
Trong chiến thắng này, cặp chị em song sinh Việt kiều góp công rất lớn, với những pha ném xa chính xác để mang về nhiều điểm số cho đội tuyển Việt Nam. Kể từ khi được đưa vào chương trình thi đấu chính thức của SEA Games từ năm 1977, đây là lần đầu tiên bóng rổ Việt Nam giành Huy chương Vàng.
Chiến thắng của đội tuyển bóng rổ nữ 3x3 tại SEA Games 32 là phần thưởng tuyệt vời cho nỗ lực không ngừng nghỉ của cả một tập thể. Ngoài ra, thành tích mang tính lịch sử này có thể giúp Việt Nam tập trung nhiều hơn vào môn thể thao đã được đưa vào chương trình thi đấu Olympic.
Việc tìm kiếm, tuyển chọn và phát triển các tài năng trong nước cần được ưu tiên hàng đầu, nhưng lực lượng “ngoại binh” như chị em Trương Thảo My và Trương Thảo Vy sẽ mang đến luồng sinh khí mới cho đội tuyển.
Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, ông Đặng Hà Việt chia sẻ: Tôi rất xúc động và tự hào. Chúng ta đã biết trình độ bóng rổ nữ khu vực Đông Nam Á đã lên rất cao, đặc biệt các đội đã có những cầu thủ nhập tịch. Như 4 vận động viên của đội tuyển 3x3 nữ Campuchia họ đều là cầu thủ nhập tịch và rất nổi tiếng, đã tham dự nhiều giải đấu quốc tế. Vì vậy, thành tích này trở thành động lực cho tất cả các vận động viên Việt Nam nỗ lực phấn đấu, nỗ lực vươn lên, vượt qua khó khăn để mang về thành tích tốt nhất cho đất nước.