Những tấm gương cho mỗi cán bộ đảng viên

Chỉ thị 05 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khẳng định: Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa' trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

Ông Đỗ Văn Ân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ. Ảnh: XH

Trao đổi với Báo Lao Động về tầm quan trọng của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, ông Đỗ Văn Ân - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ - cho rằng, qua gần 2 năm triển khai, cùng với phong trào thực hiện Chỉ thị 05 và đưa Nghị quyết 04 vào cuộc sống bước đầu đã thu được những kết quả tích cực, tạo ra sự thay đổi lớn trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Và 27 biểu hiện suy thoái nêu trong Nghị quyết như là “chiếc gương” cho mỗi cán bộ, đảng viên tự soi vào để tránh xa, không vi phạm.

Ông Đỗ Văn Ân cho biết: Tôi rất mừng vì Trung ương đã ban hành một Nghị quyết có thể nói là bước ngoặt trong công tác xây dựng Đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam chúng ta. Sau 2 năm thực hiện, tôi cho rằng Nghị quyết bước đầu đã đi vào cuộc sống và tạo ra sự thay đổi, đặc biệt là trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nhận diện 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” được nêu trong Nghị quyết rất sát với tình hình thực trạng trong Đảng.

Trong thời gian vừa qua, tôi thấy rằng nhiều cơ sở Đảng đã soi vào “chiếc gương có 27 biểu hiện” này để đối chiếu, đánh giá cán bộ, đảng viên, bước đầu có sự chuyển biến, đặc biệt là những biểu hiện thoái hóa về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Những cán bộ, đảng viên vi phạm những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống đều bị xử lý, thậm chí không ít người bị xử lý hình sự, kể cả cán bộ, đảng viên cấp cao, qua đó khẳng định rõ là không có vùng cấm trong xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm.

Điều này đã tạo được niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Qua việc triển khai đưa Nghị quyết Trung ương 4 vào cuộc sống thì những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị trong đảng viên bước đầu đã bị đẩy lùi. Ví dụ như những biểu hiện thông thường nhất từng coi là bình thường thì bây giờ soi chiếu vào là biểu hiện suy thoái. Cụ thể như biểu hiện ngại đấu tranh, ngại va chạm, nể nang, né tránh trong cán bộ, đảng viên.

Để Nghị quyết đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả tốt hơn nữa, theo ông, cần phải có biện pháp như thế nào?

- Tôi cho rằng, các cấp ủy, từ cơ sở đến Trung ương, đặc biệt là cấp cơ sở phải thường xuyên coi việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng là then chốt thì mới có các giải pháp tổ chức thực hiện một cách tích cực. Tức là, các cấp ủy phải thường xuyên tổ chức tự phê bình và phê bình, thường xuyên đấu tranh xây dựng để làm thế nào cho tổ chức chi bộ Đảng vững mạnh thực sự. Từ việc tự phê bình và phê bình, tôi tin rằng những thói hư, tật xấu của cán bộ, đảng viên sẽ được giải quyết.

Tôi nhấn mạnh rằng, những giải pháp như thế phải được làm thường xuyên, các cấp ủy phải coi đây là nhiệm vụ then chốt của then chốt vì công tác cán bộ là quan trọng nhất. Nếu coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của trọng tâm thì cơ sở mới vững mạnh, mà cơ sở Đảng vững mạnh thì tôi tin rằng mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước mới được thực hiện tốt.

Tức là các địa phương phải thực hiện quyết liệt hơn nữa và người đứng đầu cấp ủy Đảng phải làm tốt vai trò của mình, thưa ông?

- Đúng vậy. Theo tôi, thời gian tới Trung ương phải có những đoàn kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết của Đảng về xây dựng chỉnh đốn Đảng tại các địa phương, qua đó đưa ra được những cơ sở Đảng triển khai tốt, có mô hình hay để triển khai nhân rộng và phê bình và những địa phương thực hiện chưa tốt để chấn chỉnh kịp thời.

Tôi cho rằng, để đưa Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII vào cuộc sống thì vai trò của người đứng đầu cấp ủy rất quan trọng. Cho nên, việc chọn lựa người đứng đầu từ cấp cơ sở, tới cấp Trung ương là điều quyết định cho các phong trào, như Bác Hồ từng nói: “Cán bộ nào, phong trào ấy”. Người đứng đầu mà gương mẫu, có phẩm chất tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống tốt, có năng lực thì việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng sẽ có kết quả tốt.

- Xin cảm ơn ông!

Xuân Hải (thực hiện)

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thoi-su/nhung-tam-guong-cho-moi-can-bo-dang-vien-628504.ldo