Những 'tai nạn' ngớ ngẩn khi dịch ngôn ngữ Việt - Anh do lạm dụng Google

Mới đây, dư luận được phen cười nghiêng ngả với phần dịch tiếng Anh trên tấm biển ở bãi biển Cồn Vành (Thái Bình). Nhưng đó chỉ là một trong số là những 'tai nạn nghề nghiệp' nhớ đời vì dùng Google dịch.

Cư dân mạng được phen xôn xao khi đọc tấm biển được lan truyền trên mạng xã hội với nội dung: "Biển Cồn Vành hẹn gặp lại. Sea Alcohol Rim See You Again". Nhiều người lập tức nhận ra tấm biến song ngữ được dịch theo kiểu word-by-word, sai hoàn toàn về cả ngữ pháp và nghĩa. Cụm từ "Biển Cồn Vành" đúng ra phải được dịch là "Con Vanh Beach" chứ không phải là "Sea Alcohol Rim".

Sau vụ việc tấm biển Cồn Vành, cư dân mạng lại rần rần chia sẻ những bức ảnh được cho là "tai nạn nghề nghiệp" của những người làm công tác in ấn bảng biển:

Tấm biển rất hoành tráng với dòng chữ tiếng Anh mắc lỗi: "Wellcom tu Tay Yen Tu Park"

Tấm biển rất hoành tráng với dòng chữ tiếng Anh mắc lỗi: "Wellcom tu Tay Yen Tu Park"

Đây là tấm bia chứng nhận cây gạo 700 năm tuổi là cây di sản Việt Nam ở Hải Phòng. Theo đó, cụm từ “Cây gạo đại thụ” được dịch thành “Plant rice university acceptance”; “Giáp thân” dịch thành “Body Armor”.

Tấm biển được dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh 'sát nghĩa' từng chữ một.

Phải tới khi du khách người nước ngoài chia sẻ bức ảnh này vào một nhóm du lịch thì mọi người mới phát hiện ra lỗi sai của tấm biển. Từ "sloppy road" lại có nghĩa là đường có nhiều vũng nước, đường lầy lội chứ không dùng để chỉ độ dốc.

Và đây là một hòm tiền từ thiện dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Điều thu hút cư dân mạng là dòng chữ "For Especially Difficult Children". Cụm từ "Difficult children" được hiểu là những đứa trẻ khó tính hoặc khó bảo chứ không phải là dùng chỉ những em nhỏ gặp khó khăn về hoàn cảnh đang cần được giúp đỡ.

Bạn có hiểu "Go to Schooltime" là gì không?

Và cả đây nữa: "Kính thầy - Mến bạn" khi được dịch bởi Google sẽ là: Teacher Glasses like you!

Các tấm biển được kiểm duyệt trước khi triển khai còn sai như vậy thì không thể trách những hàng quán ven đường khi dùng "Pillow" để chỉ món "bánh gối";...

Chè chuối nướng dịch là Grilled banana tea, Nem lụi dịch là Nem is gone...

Có lẽ con cá mực sẽ không ngờ có ngày nó lại được gọi là "Ink" như thế này!

Một tấm biển tên cây hoa sứ: Porcelain Flower - loài hoa làm bằng sứ. Hoa sứ trong tiếng Anh đúng chuẩn phải là frangipani flower hoặc plumeria flower.

Một tấm giấy khen do một trường học ban hành cũng không thoát khỏi lỗi khi dùng Google dịch. Theo cách thông thường, các loại "giấy khen" này sẽ sử dụng từ "Award" hoặc "Certify" chứ không dùng "Donate" như trong ảnh. Hơn nữa, cụm từ “đạt danh hiệu học sinh giỏi” được dịch một cách lạ lùng thành “won the title of Excellent Students”.

Mặc dù rất nhanh chóng các lỗi sai trên đã được khắc phục, sửa lỗi. Thế nhưng với cư dân mạng cho rằng đây là một bài học, một tai nạn "cười ra nước mắt". Bởi nếu không thông thạo tiếng nước ngoài thì các nội dung này cần được trải qua các khâu biên tập, kiểm tra thật cẩn thận. Đôi khi những lỗi sai đó không chỉ đánh giá thể diện của một con người mà còn đánh giá cả trình độ nhận thức và thái độ làm việc.

Một số bình luận của cư dân mạng:

"Bạn đi in poster bao giờ chưa? Mấy chỗ in này khác với nhà xuất bản, họ không có trách nhiệm với nội dung in. Nội dung bạn đưa sao thì họ in ra y như vậy, còn nếu thuê họ thiết kế về! Hình thức và nội dung thì họ sẽ nói bạn xác thực lại, bạn đồng ý thì họ in, đúng sai là do bạn chịu! Trong số này, đáng trách nhất là cái giấy khen của trường THCS nào đó";

"Trời ơi khi đọc thấy mấy du khách bình luận về tấm biển tôi thấy mình không còn chỗ nào để chui xuống nữa. Ngại phải đối diện với họ quá đi. Tự nhục là có thật";

"Không thể trách những người dân buôn bán ở khu du lịch, cũng không thể trách người in ra tấm biển đó bởi họ chỉ là lao động thủ công. Hãy trách người đưa cái nội dung đó đi in ấn"...

Lam Giang

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/gioi-tre/nong-tren-mang/nhung-tai-nan-ngo-ngan-khi-dich-ngon-ngu-viet-anh-do-lam-dung-google-281792.html