Những tác phẩm làm nên tên tuổi của thi sĩ Hoàng Nhuận Cầm

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm để lại nhiều tuyển tập thơ, kịch bản phim nổi tiếng, khắc sâu trong lòng bao thế hệ thanh niên Việt từ năm 1970 đến nay.

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm sinh năm 1952 tại Hà Nội. Ông là con đầu lòng của nhạc sĩ Hoàng Giác. Phần lớn các tuyển tập thơ của ông đều là thơ tình, được bạn đọc trẻ tuổi, đặc biệt là học sinh, sinh viên yêu thích vì gắn với những kỷ niệm của tuổi trẻ, tình yêu và giọng thơ trẻ trung, sôi nổi.

Hoàng Nhuận Cầm bắt đầu làm thơ và được dư luận biết đến từ khá sớm. Năm 1972, khi đang ở mặt trận Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế, chùm thơ của thi sĩ trẻ được trao giải Nhất cuộc thi thơ báo Văn Nghệ.

Là người lính – sinh viên xung phong ra chiến trường, ông luôn mang đến cho thơ ca kháng chiến không khí mơ mộng, lạc quan của tuổi học trò. Chính những âm điệu ngọt ngào và phong cách thơ giàu chất trữ tình đã làm nên thương hiệu Hoàng Nhuận Cầm lúc bấy giờ.

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm.

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm.

Sau khi cho ra đời tập thơ nổi tiếng "Những câu thơ viết đợi mặt trời" (1983), ông tiếp tục có tập "Viên xúc xắc mùa thu" (1992) mang màu sắc sâu lắng nhưng không kém phần hiện đại của giới trẻ đầu thập niên 90. "Viên xúc xắc mùa thu" nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1993, đánh đấu bước phát triển rực rỡ trên con đường sáng tạo của ông.

Thơ Hoàng Nhuận Cầm thời trẻ chủ yếu nói đến tình cảm tuổi học trò với những kỷ niệm đẹp, trong sáng như tác phẩm: "Thơ với tuổi thơ" (2004); "Hẹn hò mãi cuối cùng em cũng đến" (2007). Sau này, thơ ông dần khoác lên mình những âm hưởng nhuốm màu của thời đại, vừa thao thức vừa dằn vặt với số phận của muôn kiếp người trong xã hội.

Không chỉ sáng tác thơ, Hoàng Nhuận Cầm còn là nhà viết kịch bản phim truyện tài ba. Các kịch bản được chuyển thể thành phim nổi tiếng gồm "Đêm hội Long Trì" (1989), "Hà Nội mùa Đông năm 46" (1997), "Áo chàm Bắc Sơn", "Mùi cỏ cháy" (2012), "Ai lên xứ hoa đào", "Đoạn trường chiêm bao"...

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm cũng nổi tiếng với vai diễn "Bác sĩ Hoa Súng" trong các tiểu phẩm của chương trình "Gặp nhau cuối tuần" trên VTV và vai nhà thơ trong phim "Số đỏ".

Nhà báo Trần Hoàng Thiên Kim - người nhiều lần có duyên tiếp xúc với nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, cảm nhận: "Giản dị nhưng tự tin là cảm giác đầu tiên của tôi bất cứ khi nào gặp Hoàng Nhuận Cầm. Anh bao giờ cũng xuất hiện trong bộ quần áo ít khi là lượt, vai đeo túi nải cũ như các bậc sĩ tử ngày xưa, cái mũ lưỡi trai hơi nhầu nhĩ bên cạnh cái dáng người gầy gò và gân guốc.

Tuy vậy nhưng anh khá điển trai, cái điển trai hiếm hoi ở tuổi chớm lục thập là điều không phải ai cũng có. Bởi vậy, Hoàng Nhuận Cầm vẫn luôn tự nhận mình là gã trai Hàng Bạc - Hàng Đào hào hoa, đẹp trai… còn sót lại.

Gần gũi Hoàng Nhuận Cầm, cảm giác gia tài của anh không có gì ngoài những vần thơ. Những vần thơ như lửa đốt và mê hoặc sự yêu tin của bao trái tim thiếu nữ đang vào tuổi yêu thương, mơ mộng, những vần thơ lãng mạn, bay bổng với một tình yêu chưa kịp nói nên lời…"

Viên xúc xắc mùa thu

Hoàng Nhuận Cầm

Tình yêu đến trong đời không báo động

Trái tim anh chưa lỗi hẹn bao giờ

Viên xúc xắc mùa thu ru trong cỏ

Mắt anh nhìn sáu mặt bão mưa giăng

Anh đi qua những thành phố bọc vàng

Những thị trấn mẹ ôm con trên cỏ

Qua ánh nắng bảy màu, qua ngọn đèn hạt đỗ

Qua bao cuộc đời tan vỡ lại hồi sinh

Anh đi qua những đôi mắt lặng thinh

Những đôi mắt nhìn anh như họng súng

Anh đi qua tổ chim non mới dựng

Qua tro tàn thành quách mấy triệu năm

Anh đi qua tất cả mối tình câm

Mối tình nói rồi mối tình bỏ dở

Đôi tay kẻ ăn xin, đôi môi hồng trẻ nhỏ

Đất nước đau buồn chưa hết Mỵ Châu ơi!

Lông ngỗng bay như số phận giữa trời

Trọng Thủy đứng suốt đời không hết lạ

Vệt lông ngỗng con đường tình trắng xóa

Có ai hay thăm thẳm giếng không cùng

Nhưng chính anh không hay số phận lại điệp trùng

Khi mở mắt Mỵ Châu em ngồi đó

Toa thứ ba ôm cặp ai nuc nở

Suốt đời anh mang tội với con tàu

Sẽ tan đi những thành phố bảy màu

Đôi trái cấm trong vườn đời em, anh làm vỡ

Nhưng giọt mực thứ ba em ơi không thể lỡ

Xin trải lòng ta đón chấm xanh rơi

Giọt mực em thong thả đến trong đời

Không giấu được trong lòng tay nhỏ bé

Viên xúc xắc xoay tròn trong gió xé

Sáu mặt đời lắc cắc tiếng thơ anh.

Hà Cường (Tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/nhung-tac-pham-lam-nen-ten-tuoi-cua-co-thi-si-hoang-nhuan-cam-ar607716.html