Những tác dụng phụ có thể gặp khi tiêm vắc -xin COVID-19

Mặc dù không thể biết trước được liệu bạn có bị tác dụng phụ của vắc- xin COVID-19 hay không, nhưng theo các chuyên gia tác dụng phụ thường nhẹ và tồn tại trong thời gian ngắn, 12-48 giờ. Biết được các tác dụng phụ có thể giúp xử trí kịp thời tránh những lo lắng, mệt mỏi không cần thiết.

Tác dụng phụ không hẳn là xấu

Các chuyên gia cho hay, việc tiêm vắc -xin gặp có tác dụng phụ không hẳn là điều xấu. Một số tác dụng phụ chẳng hạn như sốt, sưng hạch bạch huyết và ớn lạnh… là những dấu hiệu cho thấy vắc-xin đã kích hoạt cơ thể đang bảo vệ chống lại COVID-19. Hiện tại, có ba loại vắc-xin: Vắc- xin Pfizer, vắc- xin Moderna (cả hai đều là vắc xin mRNA) và vắc -xin Johnson & Johnson (vắc xin vectơ virus). Trong số đó, vắc -xin Johnson & Johnson dường như gây ra các tác dụng phụ nhẹ hơn. Tuy nhiên, tất cả đều an toàn và hiệu quả.

Các tác dụng phụ của vắc-xin COVID-19 không phải là xấu.

Các tác dụng phụ của vắc-xin COVID-19 không phải là xấu.

Theo các chuyên gia, thông thường mũi tiêm thứ hai có thể tạo ra nhiều tác dụng phụ khó chịu hơn, vì chúng giúp tạo ra phản ứng kháng thể bền vững hơn. Ngoài ra, dựa trên kết quả thử nghiệm lâm sàng của cả ba loại vắc-xin, người lớn tuổi có xu hướng ít có tác dụng phụ dữ dội hơn so với người trẻ. Nguyên nhân có thể là do hệ thống miễn dịch của người lớn tuổi không có phản ứng mạnh, hoặc nhận thức của người lớn tuổi về cơn đau là khác nhau.

Các tác dụng phụ thường gặp

Một số tác dụng phụ của vắc-xin COVID-19 được báo cáo trong các thử nghiệm lâm sàng:

Đau ở chỗ tiêm: Khoảng 70% đến 80% số người cảm thấy đau cánh tay ở vị trí tiêm, mẩn đỏ hoặc sưng tấy. Tuy nhiên, có thể làm dịu chúng bằng một chiếc khăn mát, đắp hoặc chườm.

Sưng hạch bạch huyết: Các hạch bạch huyết sưng lên khi tiêm vắc-xin giống như khi bị bệnh và xảy ra ở khoảng 1/10 số người tiêm vắc-xin Moderna. Tình trạng sưng tấy này xảy ra ở ở vùng dưới cánh tay gần vết tiêm. Nguyên nhân là do các hạch bạch huyết đang hoạt động quá mức tạo ra các kháng thể chống nhiễm trùng, khiến chúng tăng kích thước.

Đau đầu: Sau liều đầu tiên hoặc thứ hai của vắc-xin Pfizer hoặc Moderna, có 30% trường hợp bị đau đầu. Nếu tác dụng phụ này xảy ra, có thể dùng thuốc giảm đau NSAID không kê đơn như ibuprofen hoặc pacetaminophen (tylenol).

Có khoảng 30% số người tiêm vắc-xin COVID-19 bị đau đầu.

Mệt mỏi: Mệt mỏi có thể xảy ra sau một trong hai liều vắc-xin. Có thể giảm mệt mỏi bằng cách thư giãn và nghỉ ngơi sau tiêm.

Sốt và / hoặc ớn lạnh: Tác dụng phụ này là kết quả của việc hệ thống miễn dịch được kích hoạt. Nếu bị sốt và ớn lạnh nên uống nhiều nước, nghỉ ngơi, mặc quần áo thoáng mát. Có thể dùng thuốc hạ sốt không kê đơn như aspirin hoặc acetaminophen theo chỉ định.

Buồn nôn: Khoảng 20% số người trong các thử nghiệm lâm sàng đối với vắc-xin Moderna cho biết bị buồn nôn sau khi tiêm liều thứ hai, gấp đôi tỷ lệ sau khi tiêm liều thứ nhất. 14% người tiêm vắc -xin Johnson & Johnson cũng bị buồn nôn. Tuy nhiên, cảm giác buồn nôn sẽ không kéo dài. Để giảm bớt tình trạng này, hãy cân nhắc nghỉ ngơi, ăn thức ăn nhạt nếu đói và có thể sử dụng thuốc chống buồn nôn không kê đơn theo chỉ định.

Cảm giác buồn nôn sẽ không kéo dài.

Đau cơ: Việc mắc COVID-19 có thể khiến người bệnh bị đau nhức cơ và vắc -xin COVID -19 cũng vậy. Khoảng 20% - 40% số người trong các thử nghiệm lâm sàng vắc-xin Pfizer và 20% - 60% trong các thử nghiệm lâm sàng vắc-xin Moderna bị đau nhức cơ bắp sau khi tiêm. 33% những người đã tiêm vắc-xin Johnson & Johnson bị đau cơ. Đây là phản ứng miễn dịch của cơ thể, tùy thuộc từng trường hợp mà có thể thấy đau hay không.

Sưng mặt: Đây là một phản ứng cực kỳ hiếm. Chỉ có 3 người trong quá trình thử nghiệm vắc-xin Moderna bị sưng mặt hoặc môi tạm thời. Cả ba đều có một điểm chung là đã tiêm chất làm đầy khuôn mặt hoặc tiêm môi từ 2 tuần đến 6 tháng trước khi tiêm vắc-xin. Hiện tượng này có thể là do sự tương tác giữa phản ứng miễn dịch của cơ thể và chất làm đầy. Uống thuốc kháng histamine có thể làm giảm sưng.

Chóng mặt: Khoảng 17% trường hợp cảm thấy chóng mặt sau khi tiêm COVID-19. Đây là tác dụng phụ phổ biến thứ ba mà mọi người gặp phải sau khi tiêm vắc-xin Moderna hoặc Pfizer trong tháng đầu tiên có vắc xin.

'"Sương mù Vax": Có một thuật ngữ được gọi là "sương mù vax", dùng để chỉ tình trạng sương mù não sau khi tiêm vắc-xin COVID. Chưa có dữ liệu chính thức về tác dụng phụ này, nhưng các chuyên gia cho rằng có thể liên quan đến cơn đau kiểu nhức đầu, một tác dụng phụ phổ biến hơn và được biết đến nhiều hơn.

Những giấc mơ kỳ lạ: Nhiều người đã có những giấc mơ kỳ lạ sau khi tiêm nhưng tác dụng phụ này không được báo cáo trong các thử nghiệm lâm sàng.

Liệt Bell: Bệnh liệt Bell là do sự suy giảm của dây thần kinh mặt và dẫn đến tình trạng yếu tạm thời hoặc tê liệt các cơ trên khuôn mặt. Nguyên nhân có thể là do chấn thương, nhưng thường xảy ra do nhiễm vi-rút ở dây thần kinh hơn.

Sốc phản vệ: Đây là một phản ứng dị ứng có thể đe dọa tính mạng, cực kỳ hiếm gặp. Phản ứng nguy hiểm thường xảy ra trong vòng 30 phút sau khi tiêm phòng. Các triệu chứng của sốc phản vệ bao gồm khó thở, nổi mề đay hoặc sưng tấy, khó thở, chóng mặt và ngất xỉu. Bất kỳ ai gặp các triệu chứng này đều cần được chăm sóc y tế khẩn cấp. CDC cảnh báo, những người bị sốc phản vệ sau lần tiêm đầu tiên không nên tiêm liều thứ hai.

Làm gì nếu tác dụng phụ không biến mất hoặc trở nên nghiêm trọng?

Theo các chuyên gia, tác dụng phụ thường xảy ra từ 12 đến 24 giờ sau khi tiêm, có thể lên đến hai ngày ở một số người. Nếu các tác dụng phụ không biến mất sau vài ngày hãy liên hệ với bác sĩ để có hướng giải quyết.

Tác dụng phụ thường xảy ra từ 12 đến 24 giờ sau khi tiêm.

Để tránh bị ảnh hưởng bởi các tác dụng phụ, bạn nên nghỉ ngơi trong ngày tiêm. Tránh làm những việc cần nhiều năng lượng hoặc sự tập trung sau khi tiêm. Tuyệt đối không uống thuốc giảm đau, như advil hoặc tylenol, trước khi tiêm để cố gắng ngăn ngừa tác dụng phụ, bởi chúng không làm giảm phản ứng miễn dịch.

Tuệ Nhi

((Theo health.com 1/4/2021))

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhung-tac-dung-phu-co-the-gap-khi-tiem-vac-xin-covid-19-n189942.html