Những suy nghĩ mới về văn học Anh ngữ châu Phi

Khởi nguồn và sự phát triển của văn học Anh ngữ từng trải qua các giai đoạn: Từ văn học Anh ngữ truyền thống đến sự trỗi dậy của văn học Mỹ và nền văn học các nước Ireland, Ấn Độ, Australia, Canada, Singapore, New Zealand, vùng Caribe cho đến tác giả các nước châu Phi như Nam Phi và Nigeria, tiếp theo là sự tỏa sáng của các nhà văn Wole Soyinka, Nadine Gordimer, Derek Walcott, V.S.Naipaul, John Maxwell Coetzee, Alice Munro lần lượt giành Giải Nobel Văn học, tạo nên sự giành giật ngôi vương trên văn đàn thế giới.

Trong một thời gian rất dài, văn học Anh ngữ được xem như là văn học Anh-Mỹ, trong khi văn học châu Phi bị coi là mảnh đất cằn cỗi. Tác giả bài viết này cho rằng, các nước ngoài Anh, Mỹ đều có nền văn học của riêng mình, có nét đặc trưng, văn học Anh ngữ châu Phi cũng không phải ngoại lệ. Chúng ta nên tiếp nhận những gì là tinh túy nhất của nền văn học các nước để hiểu biết về văn hóa các vùng miền, giúp chúng ta mở rộng tầm mắt, giải phóng tư duy, có như vậy mới tạo điều kiện cho sáng tác.

Văn học Anh ngữ châu Phi không còn là văn học Anh-Mỹ

Văn học Anh ngữ châu Phi là chỉ tác phẩm văn học viết bằng Anh ngữ của nhà văn châu Phi. Là một bộ phận cấu thành quan trọng của văn học châu Phi, nền văn học Anh ngữ này đã dần dần chiếm được vị thế trong lòng độc giả trên thế giới. Nhưng cùng với văn học Anh ngữ “phi chủ lưu”, văn học Anh ngữ châu Phi chưa được coi trọng một cách đúng mức. Thực ra, văn học châu Phi có nội hàm văn hóa sâu sắc và những đặc trưng mỹ học riêng, có giá trị nghiên cứu và học tập.

Các tác giả như John Maxwell Coetzee, Nadine Gordimer, Wole Soyinka, Chinua Achebe, Ngugi wa Thiong'o, Ben Okri là đại diện cho nền văn học Anh ngữ châu Phi; tác phẩm của họ không những được nhiều độc giả trên thế giới yêu thích mà còn được giới học thuật quan tâm. Ví dụ như Achebe, người được mệnh danh là “cha đẻ của nền văn học châu Phi hiện đại”, là tác giả có số tác phẩm được phiên dịch nhiều nhất. Tác phẩm đầu tay “Quê hương tan rã” (1958) của ông có lượng phát hành lên đến hơn 1 triệu bản. Và 4 tiểu thuyết sau đó có một lượng độc giả không hề ít. Năm bộ tiểu thuyết trường thiên này giới thiệu về lịch sử gần 75 năm của Nigeria. Achebe là người đề xướng quan niệm cho rằng nhà văn châu Phi phải trở thành người đại diện của văn học châu Phi và các hình thức nghệ thuật khác. Môi trường sinh sống đặc biệt đã tạo cho Achebe một cái nhìn khách quan về hiện thực của châu Phi và ông luôn tìm kiếm lối thoát cho văn học châu Phi, giúp độc giả hiểu biết về châu Phi, cùng chia sẻ về vẻ đẹp của châu Phi.

Một nền văn học Anh ngữ đặc biệt

Thông qua khảo sát có thể thấy, do lịch sử, văn hóa và môi trường địa lý đặc biệt, văn học Anh ngữ châu Phi có 3 đặc trưng lớn là tính bản địa, tính tản mạn và tính hỗn tạp.

Tính bản địa là chỉ văn hóa truyền thống và đặc trưng ngôn ngữ có tính dân tộc được chảy trong huyết quản của nhà văn châu Phi. Ví dụ, Ben Okri được coi là một trong những đại diện của nền văn học hậu hiện đại và hậu thực dân, tác phẩm “Con đường đói khổ” (1991) là hiện thân đời sống tâm linh của người dân châu Phi, tượng trưng cho sự nương tựa của văn minh châu Phi đối với con người châu Phi. Bậc hiền vương châu Phi tượng trưng cho tổ tiên người châu Phi. Linh hồn Azaroo là tượng trưng cho sự khát khao thoát ly khỏi chế độ thống trị của thực dân, hiền vương đã bảo vệ Azaroo một cách thầm lặng, thể hiện văn hóa truyền thống có tác dụng chỉ dẫn đối với nhà nước mới được thành lập. Hiền vương nhiều lần ngầm bảo vệ Azaroo, thể hiện khát khao của giấc mộng châu Phi.

Tản mạn là đặc trưng thứ hai của văn học Anh ngữ châu Phi, chỉ những tác phẩm của các nhà văn châu Phi di tản sang các nước Anh, Mỹ cũng như các quốc gia khác, tác phẩm của họ có đặc trưng riêng biệt. Sự bươn chải trong cuộc sống đã tiếp thêm sức mạnh cho các sáng tác của họ, trở thành bản tham chiếu của đất nước họ, nhưng các nhà văn này thường viết về con người và sự việc của Tổ quốc họ. Đặc trưng sáng tác của nhà văn sơ tán khác biệt hẳn so với nhà văn bản địa.

Trong tác phẩm “Người Mỹ gốc Phi” (2013) của Chimamanda Ngozi Adichie, chỉ vì muốn có được danh tính “hợp pháp” mà hai nhân vật phải kinh qua nhọc nhằn, chỉ có thể giải quyết bài toán về danh tính thì cuộc sống mới có ý nghĩa. Không có danh tính hợp pháp sẽ không nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân bản địa. Trước khi có được danh tính “hợp pháp”, Obinze và Ifemelu đã mượn danh người khác để thâm nhập vào cuộc sống của người bản địa, tìm một việc làm kiếm kế sinh nhai. Lúc này, sự mâu thuẫn giữa danh tính giả và chính mình đã lên đến đỉnh điểm, tạo sự xung đột về tính cách.

Ở thời kỳ thực dân và hậu thực dân, ngoài “thế giới đế quốc” và thế giới các nước thứ ba, văn học Anh ngữ châu Phi còn có đặc điểm đáng chú ý, đó là tính quần thể đặc biệt, quần thể này là người dân bản địa châu Phi. Do các nhà văn châu Phi sinh sống trong môi trường văn hóa thực dân, họ phải trải qua quá trình xung đột giữa văn hóa bản địa và văn hóa thực dân, nhiều tác phẩm văn học là kết quả của sự xung đột này. Đương nhiên, dù cho tản mạn thế nào đi chăng nữa thì gốc gác của các tác phẩm vẫn là châu Phi.

Người dân bản địa châu Phi tuy không có kinh nghiệm xuyên quốc gia, nhưng do ảnh hưởng của chế độ thực dân, đã đem đến cho họ trải nghiệm của sự xung đột giữa các nền văn hóa khác nhau, điều này có ảnh hưởng mạnh mẽ đến thế giới tinh thần người bản địa châu Phi. Trong “Đừng khóc, bé con” (1964), tác giả Ngugi wa Thiong'o đề cập đến nhân vật Howlands là người da trắng, do chán ngán chiến tranh đã di cư từ Anh quốc đến Nigeria, sau đó làm việc trong chính quyền sở tại. Howlands đã dùng chút lương nhỏ nhoi của mình thuê người da đen bản địa cày xới, quản lý những mảnh đất lớn, nhưng Howlands chưa từng coi trọng người châu Phi bản địa, họ bị xua đuổi, bài xích, trở thành những kẻ lưu đãng.

Đặc trưng thứ ba của văn học Anh ngữ châu Phi là tính hỗn tạp. Nhà văn Anh ngữ châu Phi thường dùng tiếng Anh để sáng tác, ban đầu có người muốn thoát khỏi sự ảnh hưởng của văn hóa bản địa, nhưng cuối cùng, nhiều người trong số họ vẫn phải trở về với nguồn gốc của mình, trở về với văn hóa truyền thống. Thậm chí có người xuất ngoại trở về, muốn thoát khỏi cái mác nhà văn sơ tán, nhưng họ càng làm vậy càng thể hiện tính phức tạp trong sáng tác.

Văn học Anh ngữ châu Phi do địa giới trải dài và rộng đã tạo nên một nền văn học với nhiều đặc điểm khác nhau, nhưng tổng thể có 3 đặc trưng nêu trên. Những đặc trưng này có giá trị thẩm mỹ và văn hóa sâu sắc, làm cho văn học Anh ngữ châu Phi trở thành hệ tham chiếu của văn học Anh ngữ khác.

Tiểu luận của CHU CHẤN VŨ PHẠM HUY QUỲNH (dịch)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/nhung-suy-nghi-moi-ve-van-hoc-anh-ngu-chau-phi-562678