Những sự thật kinh ngạc của hiến tạng sau khi qua đời

Thông qua việc hiến xác, mô sống, hiến tạng sau khi qua đời, nhiều bệnh nhân có cơ hội được cứu sống và trở về cuộc sống bình thường.

Theo thông tin từ Thư viện Y học quốc gia Mỹ, nếu một người hiến tặng mô, hiến tạng sau khi qua đời có thể cứu sống hoặc cải thiện cuộc sống của tới 50 người khác. Những cơ quan nội tạng có thể được lưu trữ bao gồm: thận, quả tim, phổi, tuyến tụy, ruột, da, giác mạc...

Theo đó, các cơ quan nội tạng trên sẽ được cấy ghép vào cơ thể những bệnh nhân phù hợp. Tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi, chủng tộc, màu da đều có thể trở thành người hiến tạng.

Để có thể hiến tạng, mô sống, thân xác, người hiến cần điền mẫu đơn đăng ký. Trước đó, họ sẽ được nhân viên tư vấn kỹ lưỡng cũng như thông báo cho gia đình, người thân và bạn thân về ý định của bản thân.

Người hiến tạng và người thân trong gia đình (thường là vợ hoặc chồng, cha mẹ) có thể thay đổi quyết định hiến tạng bất cứ thời điểm nào mà không bị ràng buộc. Người hiến tạng sẽ không được hưởng bất cứ chế độ bồi dưỡng nào về tiền và hiện vật.

Trong trường hợp người chết chưa đăng ký hiến tạng, gia đình và thân nhân của họ có thể quyết định thực hiện điều đó.

Trước khi trở thành người hiến tạng, bạn sẽ được kiểm tra sức khỏe xem có đủ điều kiện để hiến xác, hiến tạng hay không. Những người mắc bệnh truyền nhiễm, HIV, viêm gan... sẽ bị từ chối, không thể trở thành người hiến tạng.

Gia đình người hiến tạng, hiến xác thường được yêu cầu cung cấp hồ sơ y tế của người hiến tạng để căn cứ vào đó xem người đó có tiền sử mắc những bệnh gì.

Quy trình hiến tạng sẽ chỉ được thực hiện ngay sau khi người hiến tạng qua đời vì tai nạn, đột quỵ, chết não, tim, hệ tuần hoàn đã ngừng hoạt động hay không thể cứu chữa được nữa.

Những người chờ được hiến tạng được cơ quan chức năng xếp vào danh sách chờ. Khi có người hiến tạng qua đời, căn cứ vào danh sách chờ ghép tạng, những người đầu tiên trong danh sách sẽ được ưu tiên phẫu thuật cấy ghép nội tạng.

Đối với người hiến xác, sau khi qua đời, thi thể của họ sẽ được được ướp trong forrmaldehyde để không bị phân hủy rồi sau đó chuyển đến các cơ quan nghiên cứu.

Thông qua việc nghiên cứu các thi thể, các bác sĩ, chuyên gia có cơ hội nghiên cứu, tìm ra những phương pháp chữa bệnh hiệu quả, cứu sống hàng triệu bệnh nhân khác.

Thông tin về người hiến tạng, hiến xác sẽ được giữ bí mật theo yêu cầu của người hiến tạng hoặc gia đình. Cơ quan chức năng không được phép tiết lộ thông tin người hiến tạng cho người nhận tạng nếu không được sự đồng ý.

Tâm Anh (theo UNOS, Donate Life)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/giai-ma/nhung-su-that-kinh-ngac-cua-hien-tang-sau-khi-qua-doi-580306.html