Những sự kiện quốc tế nổi bật trong năm 2019

Cuộc chiến thương mại và liên tiếp những sự cố liên quan đến dầu mỏ đã thúc đẩy lãnh đạo các nước đối đầu tìm kiếm sự thỏa hiệp mới, ông Boris Johnson thay bà Teresa May làm Thủ tướng Anh… là một số sự kiện đáng nhớ của năm 2019 do hãng tin Sputnik bình chọn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Thương chiến Mỹ - Trung vẫn tiếp diễn

Tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trong năm 2019 vẫn tiếp tục. Tuy nhiên, đến cuối năm, hai nước thông báo đã đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Ngày 19/12, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Stephen Mnuchin cho biết, các bên đã sẵn sàng ký kết giai đoạn đầu tiên của hiệp định thương mại vào đầu năm tới. Theo các điều khoản mà đôi bên đạt được, Trung Quốc cam kết tăng cường mua các sản phẩm và dịch vụ của Mỹ, không đánh thuế bổ sung trong giai đoạn này dù các mức thuế được đưa ra trước đó vẫn tiếp tục có hiệu lực. Theo Tổng thống Mỹ Donald Trump, hai bên sẽ sớm bắt đầu đàm phán về giai đoạn thứ 2 của một thỏa thuận thương mại.

Cũng trong năm 2019 này, căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã gia tăng do việc Hàn Quốc phản đối quá khứ quân phiệt của Nhật Bản. Cuối năm 2018, Tòa án Tối cao Hàn Quốc đã ra phán quyết yêu cầu Công ty Nippon Steel & Sumitomo Metal của Nhật Bản phải bồi thường cho lao động cưỡng bức thời chiến tranh.

Khi công ty này từ chối tuân thủ phán quyết, tòa án đã ra lệnh tịch thu tài sản của Nippon Steel & Sumitomo Metal ở Hàn Quốc. Đến lượt mình, Tokyo trong năm 2019 đã thắt chặt các hạn chế xuất khẩu 3 loại vật liệu quan trọng đối với ngành thiết bị điện tử tiêu dùng.

Những căng thẳng dẫn đến việc Hàn Quốc dọa từ chối chia sẻ thông tin tình báo với Nhật. Song, sau nhiều lần thảo luận, Nhật Bản và Hàn Quốc cuối cùng đã đồng ý về việc gia hạn thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo (GSOMIA) giữa hai nước ngay trước khi thỏa thuận hết hạn vào ngày 23/11.

Brexit bị kéo dài

Quá trình Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) do bà Theresa khởi xướng bắt đầu ngày 29/3/2019. Tuy nhiên, Quốc hội Anh đã nhiều lần bác bỏ dự thảo thỏa thuận, kéo theo việc tiến trình Anh rời khỏi EU, hay còn gọi là Brexit, đã bị hoãn lại nhiều lần. Vì không thể tìm được sự thỏa hiệp nên bà May vào tháng 6 vừa qua tuyên bố từ chức. Đến ngày 24/7, ông Boris Johnson được bầu làm người đứng đầu đảng Bảo thủ, đồng nghĩa với việc trở thành người thay thế bà May làm Thủ tướng Anh. Ông Johnson nhậm chức với cam kết sẽ thực hiện Brexit vào ngày 31/10 nhưng không thể thực hiện tuyên bố do một đạo luật do Hạ viện Anh thông qua, theo đó yêu cầu chính phủ phải gia hạn đàm phán với EU về Brexit trong 3 tháng, tới ngày 31/1/2020.

Các nhà lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ tứ Normandy

Với quyết tâm thực hiện Brexit đúng thời hạn 31/10, Thủ tướng Anh sau đó đã quyết định đình chỉ hoạt động của Quốc hội Anh từ ngày 9/9 đến ngày 14/10. Có điều, Quốc hội Anh vào ngày 25/9 đã nối lại hoạt động sau khi Tòa án tối cao nước này ra phán quyết rằng quyết định của ông Johnson là trái luật. Ông Johnson sau đó tiếp tục thúc đẩy tiến hành một cuộc tổng tuyển cử sớm nhưng vẫn không thành. Đến ngày 28/10, Công Đảng đã ủng hộ một dự luật của Chính phủ, theo đó cho phép tiến hành tổng tuyển cử. Quốc hội Anh đã bị giải tán vào ngày 6/11, mở đường cho trận chiến giành quyền kiểm soát tại Số 10 một cách nghiêm túc. Tại cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 12/12 này, đảng Bảo thủ của ông Johnson nhận được sự ủng hộ kỷ lục, giúp Thủ tướng Anh có thể yên tâm lèo lái tiến trình Brexit theo đúng hướng sau nhiều biến động.

Tổng thống Mỹ Donald Trump bị luận tội

Năm 2019, đảng Dân chủ Mỹ đã thực hiện nỗ lực tiếp theo để luận tội ông Trump. Từ người cung cấp thông tin giấu tên trong cộng đồng tình báo Mỹ, theo đó khẳng định ông Trump và luật sư riêng là ông Judy Giuliani đã gây áp lực đối với Tổng thống Ukraine Zelensky để buộc Ukraine tiến hành điều tra cựu Phó Tổng thống Joe Biden - đối thủ chính của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 và con trai của ông ta là Hunter Biden - cựu thành viên hội đồng quản trị Công ty năng lượng Burisma của Ukraina.

Theo tố cáo, ông Trump và ông Giuliani đã cố gắng bắt đầu cuộc điều tra chống tham nhũng chống lại ông Hunter để đổi lấy hỗ trợ tài chính và quân sự cho Ukraine. Ngày 24/9, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã khởi động cuộc điều tra luận tội chống lại ông Trump. Đến ngày 31/10, nghị quyết về bắt đầu chính thức thủ tục luận tội đã được thông qua. Ngày 18/12, ông đã chính thức trở thành Tổng thống thứ 3 trong lịch sử Mỹ bị luận tội, sau khi Hạ viện Mỹ thông qua 2 điều khoản luận tội ông, bao gồm lạm quyền và cản trở Quốc hội. Thượng viện Mỹ sẽ tiến hành phiên xét xử luận tội ông Trump vào đầu năm tới.

Ukraine có tân Tổng thống

Trong năm 2019, Ukraine đã có Tổng thống mới, trong đó diễn viên hài kiêm người dẫn chương trình Vladimir Zelensky đã giành được chiến thắng vang dội trước đương kim Tổng thống Petro Poroshenko trong cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 4/2019. Tân Tổng thống Ukraine nhậm chức trong tháng 5/2019, mang lại hy vọng cho việc nối lại tiến trình hòa bình ở miền Đông Ukraine - nơi các hoạt động quân sự đã diễn ra kể từ năm 2014. Lời hứa giải quyết cuộc xung đột ở Donbass cũng chính là một trong những cam kết chính trong chiến dịch tranh cử của ông Zelensky.

Hơn nửa năm sau khi ông Zelensky nhậm chức, ngày 9/12 vừa qua, hội nghị thượng đỉnh của nhóm Bộ tứ Normandy diễn ra với sự tham gia của Nga, Ukraine, Đức và Pháp sau 3 năm gián đoạn. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định hội nghị đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đánh giá hội nghị thượng đỉnh tại Paris lần này đã giúp các bên vượt qua “giai đoạn ru ngủ” trong giải quyết cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine. Bà Merkel thông báo, các bên đã nhất trí thực thi tổng thể các gói giải pháp trong các thỏa thuận Minsk, trong đó có mục tiêu tiến hành các cuộc bầu cử địa phương. Các bên cũng nhất trí rằng hội nghị thượng đỉnh tiếp theo của nhóm Bộ tứ dự kiến sẽ tổ chức vào tháng 5/2020.

Những sự cố về dầu mỏ

Vào tháng 5/2019, Bộ Ngoại giao Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) thông báo về hành vi phá hoại đối với 4 tàu chở dầu gần vùng lãnh hải của nước này. Ngày 13/6, có thêm 2 tàu chở dầu nữa bị tấn công ở Vịnh Ô-man. Mỹ và Anh cáo buộc Iran đứng sau vụ việc.

Một tuần sau đó, tại khu vực eo biển Hormuz, Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã bắn hạ máy bay trinh sát RQ-4 Global Hawk, khiến Mỹ thông báo áp dụng các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran.

Vòng xoáy xung đột mới xảy ra vào ngày 4/7, khi Hải quân Anh bắt giữ tàu chở dầu Grace 1 ở eo biển Gibraltar. Lần này, Iran bị cáo buộc vi phạm các quy định liên quan đến các biện pháp trừng phạt chống lại Syria. Đáp lại, ngày 19/7, IRGC đã bắt giữ một tàu chở dầu của Anh. Sau phiên tòa diễn ra vào tháng 8, chính quyền khu vực Gibraltar đã thả các thành viên thủy thủ đoàn và dỡ bỏ việc bắt giữ Grace 1.

Về phần mình, ngày 16/9, Bộ Ngoại giao Iran công bố quyết định tương tự với tàu Stena Impero và thủy thủ đoàn.

Những sự cố về dầu mỏ xảy ra trong năm 2019 không chỉ giới hạn ở các vụ tấn công nhằm tàu chở dầu. Ngày 14/9, 2 nhà máy lọc dầu lớn nhất của Ả rập Xê-út đã bị máy bay không người lái tấn công từ trên không. Sự cố này cho thấy tính chất dễ tổn thương của hệ thống cơ sở hạ tầng của Ả rập Xê-út dù nước này đã dành ra khoản ngân sách lớn cho chi tiêu quân sự, trong đó có việc mua các hệ thống phòng không Patriot của Mỹ. Vụ việc đã khiến nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới trong nhiều ngày đã buộc phải cắt giảm hơn một nửa sản lượng sản xuất dầu mỏ. Mỹ tiếp tục cáo buộc Iran dính líu tới vụ tấn công.

Cát Lê / Pháp luật 4 Phương

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/ket-noi/nhung-su-kien-quoc-te-noi-bat-trong-nam-2019-487754.html