Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 17 đến 23-9-2018)

Trong cuộc bỏ phiếu ngày 20-9, Thủ tướng Nhật Bản S. Abe đã được bầu làm Chủ tịch đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp. Chiến thắng mở ra cơ hội giúp ông S. Abe trở thành thủ tướng có thời gian cầm quyền lâu nhất ở Nhật Bản và tiếp thêm cơ hội theo đuổi mục tiêu về việc hiện thực hóa sửa đổi Hiến pháp hòa bình lần đầu tiên kể từ khi bộ luật cao nhất này có hiệu lực năm 1947.

Chiến thắng khẳng định uy tín

Thủ tướng Nhật Bản S. Abe được bầu làm Chủ tịch đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp. Ảnh: TTXVN

Theo giới phân tích, việc ông S. Abe giành chiến thắng trong cuộc bầu cử người lãnh đạo LDP là điều không hề bất ngờ. Theo kết quả khảo sát của hãng thông tấn Kyodo công bố, tỷ lệ ủng hộ Thủ tướng S. Abe là 61%, trong khi đối thủ của ông là cựu Bộ trưởng Quốc phòng S. Ishiba chỉ nhận được 28,6% ý kiến ủng hộ. Và việc giành chiến thắng trong cuộc đua giành ghế Chủ tịch LDP chính là đánh giá của đảng LDP cầm quyền và người dân Nhật Bản đối với năng lực của đương kim Thủ tướng S. Abe trong thời gian cầm quyền.

Về chính trị, Thủ tướng S. Abe đã tiến hành nhiều đợt cải tổ chính phủ, trong đó cuộc cải tổ chính phủ hồi tháng 8-2017 với trọng tâm nhấn mạnh tính ổn định và chuyên nghiệp của chính quyền được dư luận hoan nghênh. Thành công trong lĩnh vực chính trị đã tạo cơ sở vững chắc để Thủ tướng S. Abe theo đuổi chủ trương sửa đổi Hiến pháp năm 1947 và nâng cao vị thế của Nhật Bản trong cấu trúc an ninh toàn cầu mới.

Trong lĩnh vực ngoại giao, Thủ tướng S. Abe đã phát huy được thế mạnh của mình. Bất đồng giữa Nhật Bản và Nga về khu vực mà Moscow gọi là Quần đảo Nam Kuril còn Tokyo gọi là Lãnh thổ phương Bắc vốn là mối quan tâm lớn của người dân Nhật Bản. Với cách tiếp cận khôn khéo, ông S. Abe luôn nỗ lực, tìm các biện pháp hiệu quả nhằm hướng tới một hiệp định hòa bình để hóa giải bất đồng giữa Nga và Nhật Bản trong vấn đề lãnh thổ. Chính vì vậy, tuyên bố công khai của Tổng thống Nga V. Putin, thể hiện mong muốn sớm ký hiệp định hòa bình với Nhật Bản đã giúp Thủ tướng S. Abe “ghi điểm” ngay trước thềm bầu cử LDP.

Lĩnh vực kinh tế cũng là một điểm sáng mang lại lợi thế cho nhà lãnh đạo Nhật Bản. Chính sách kinh tế Abenomics được Thủ tướng S. Abe khởi xướng từ năm 2012 đã được thực hiện hiệu quả, với các kết quả ấn tượng, đó là nền kinh tế Nhật Bản phục hồi sau 20 năm chìm trong giảm phát, đồng yên giảm giá tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của Nhật Bản, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong nhiều thập niên qua, doanh thu của doanh nghiệp tăng. Các số liệu mới nhất của Chính phủ Nhật Bản cho thấy, kinh tế Nhật Bản quý III-2018 vốn đã được nhiều chuyên gia dự đoán sẽ tiếp tục khởi sắc sau khi đạt mức tăng trưởng ấn tượng trong quý II-2018 với mức tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chiến thắng trong cuộc bầu cử LDP tiếp tục đặt Thủ tướng S. Abe vào trọng trách là người chịu trách nhiệm cao nhất đối với đất nước trước hàng loạt vấn đề gồm phục hồi kinh tế, cải cách an sinh xã hội, cải thiện việc làm, sửa đổi điều 9 Hiến pháp liên quan đến vai trò của lực lượng phòng vệ, vấn đề Triều Tiên, trao đổi thương mại với Mỹ, quan hệ với Trung Quốc… Trong bài diễn thuyết tại thủ đô Tokyo, Thủ tướng S. Abe đã bày tỏ quyết tâm cùng người dân, khẳng định nhấn mạnh cam kết đem lại cho thế hệ trẻ “một đất nước Nhật Bản tự hào và đầy hy vọng”.

Diễn biến tích cực mở ra cơ hội hòa bình cho Syria

Tổng thống Nga V. Putin đã có cuộc thảo luận với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: TTXVN

Sau những bất đồng, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được thỏa thuận trong vấn đề Idlib. Thỏa thuận này được xem là bước đột phá giúp giải quyết vấn đề Syria, cũng như tránh nguy cơ xảy ra một thảm kịch nhân đạo mà cộng đồng quốc tế cảnh báo trong thời gian qua.

Ngày 17-9, tại thành phố Sochi (Nga), Tổng thống Nga V. Putin đã có cuộc thảo luận với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan về các vấn đề của Syria. Phát biểu sau cuộc gặp, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cho biết hai nước sẽ phối hợp tuần tra khu vực phi quân sự ở Idlib, Tây Bắc Syria “nhằm ngăn chặn sự khiêu khích từ bên thứ ba”, theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tăng cường các trạm quan sát trong khu vực phi quân sự. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi tổng thống hai nước nhất trí thiết lập một khu vực phi quân sự tại tỉnh Idlib, dọc theo đường ranh giới giữa quân đội chính phủ Syria và các nhóm vũ trang đối lập ở nước này.

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ Moscow và Ankara đã nhất trí cần loại bỏ hoàn toàn các nhóm cực đoan ra khỏi Idlib, đồng thời cam kết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nỗ lực phối hợp với Nga để hoàn thành mục tiêu này. Về phần mình, Tổng thống Nga V. Putin tuyên bố, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm chống khủng bố ở Syria dưới mọi hình thức. Theo ông V. Putin, việc hiện thực hóa các bước đã dự tính sẽ tạo thêm động lực cho quá trình giải quyết cuộc xung đột ở Syria bằng chính trị, cho phép thúc đẩy vòng đàm phán Geneva về Syria và tạo điều kiện thuận lợi để thiết lập lại hòa bình ở Syria.

Ngày 18-9, Đài truyền hình al-Mayadeen TV của Liban dẫn tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran cho biết, Tehran hoan nghênh thỏa thuận đạt được giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga về tỉnh Idlib. Trong khi đó, người phát ngôn của Ủy ban đàm phán Syria đối lập, ông Yahya al-Aridi cho rằng, thỏa thuận giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới tỉnh Idlib “đã gần như ngăn chặn” cuộc tấn công của quân đội Syria vào khu vực này. Tổng Thư ký Liên hợp quốc A. Guterres cũng đã hoan nghênh thỏa thuận của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ về việc thiết lập một khu vực phi quân sự tại tỉnh Idlib, qua đó giúp tránh thiệt hại cho hàng triệu dân thường nếu Chính phủ Syria tiến hành một cuộc tấn công tổng lực nhằm giải phóng tỉnh Tây Bắc nước này.

Tỉnh Idlib ở miền Tây Bắc Syria là thành trì lớn cuối cùng của quân nổi dậy Syria và các nhóm khủng bố đang hoạt động ở quốc gia Trung Đông này, trong đó có nhóm Mặt trận Nusra có quan hệ với al-Qaeda. Mặt trận Nusra đã cùng với 4 nhóm thánh chiến khác ở Idlib thành lập một liên minh khủng bố có tên gọi Hayat Tahrir al-Sham (HTS), vốn được coi là lực lượng có ảnh hưởng lớn trên thực địa ở tỉnh. Tại tỉnh này hiện có khoảng 3 triệu dân thường sinh sống.

Các nhà phân tích cho rằng, trong bối cảnh quân đội Chính phủ Syria đang chuẩn bị mở cuộc tấn công tổng lực nhằm giải phóng tỉnh Idlib khỏi các phần tử nổi dậy và khủng bố, thỏa thuận giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề Idlib được cho là sẽ tạo ra một động lực mới cho tiến trình giải quyết cuộc xung đột tại Syria thông qua giải pháp chính trị. Điều này giúp tránh được thiệt hại cho tất cả các bên liên quan, đồng thời mở ra cơ hội thiết lập hòa bình tại Syria.

Trang sử mới trong quan hệ liên Triều

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: TTXVN

Trong hai ngày 18 và 19-9, tại thủ đô Bình Nhưỡng (Triều Tiên) đã diễn ra Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba, với 3 nội dung lớn là cải thiện và phát triển quan hệ liên Triều, thúc đẩy đối thoại Mỹ - Triều nhằm phi hạt nhân hóa và giảm nhẹ căng thẳng quân sự giữa hai miền Triều Tiên.

Cuộc gặp lần này giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un được xem là “thời khắc lịch sử” khi sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên lãnh đạo Triều Tiên tiếp đón một nhà lãnh đạo nước ngoài tại Trụ sở Ban chấp hành Trung ương đảng Lao động Triều Tiên. Và với việc ra Tuyên bố chung tháng 9, Hàn Quốc và Triều Tiên đã tạo ra một trang sử mới trong quan hệ liên Triều.

Tuy toàn văn Tuyên bố chung tháng 9 chưa được công bố, nhưng tại cuộc họp thông báo kết quả Hội nghị, nhà lãnh đạo Kim Jong-un tái khẳng định “Tuyên bố Panmunjom” đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều tháng 4-2018, đã đặt nền tảng cho một kỷ nguyên mới hòa bình và thịnh vượng trên Bán đảo Triều Tiên. Ông nhấn mạnh Tuyên bố chung tháng 9 sẽ góp phần cải thiện hơn nữa quan hệ liên Triều, đề ra mục tiêu cụ thể về phi hạt nhân hóa, đưa hai miền tiến gần hơn tới hòa bình và thịnh vượng.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí biến vùng biên giới liên Triều thành khu vực hòa bình, theo đó, Bình Nhưỡng và Seoul sẽ rút 11 trạm biên phòng của mỗi bên trước cuối năm nay, nhằm giảm các hành động thù địch. Hai bên sẽ thiết lập một vùng đệm gần đường ranh giới quân sự chia cắt hai miền trên Hoàng Hải cũng như trên bộ để ngừng các cuộc diễn tập pháo binh, hải quân. Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ lập vùng cấm bay tại khu vực biên giới nhằm tránh các vụ tai nạn, va chạm đáng tiếc. Các cuộc tập trận gần đường ranh giới quân sự liên Triều sẽ chấm dứt từ ngày 01-11 tới, đồng thời triển khai việc dỡ bỏ các bãi mìn.

Triều Tiên và Hàn Quốc cũng lần đầu tiên xúc tiến nỗ lực chung nhằm tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ trong Chiến tranh Triều Tiên tại Khu phi quân sự liên Triều (DMZ) và lập một khu vực thử nghiệm đánh bắt cá chung trên khu vực biên giới biển phía Tây.

Hai bên cam kết chấm dứt các mối đe dọa có thể leo thang thành chiến tranh, nhất trí về cách thức cụ thể để đạt được phi hạt nhân hóa toàn diện trên Bán đảo Triều Tiên. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đặc biệt nhấn mạnh nhà lãnh đạo Triều Tiên đã lần đầu tiên nhất trí về phương thức phi hạt nhân hóa và đồng ý để các thanh sát viên quốc tế tới các bãi thử tên lửa của nước này. Bình Nhưỡng đồng ý đóng cửa cơ sở hạt nhân chủ chốt Yongbyon và bãi phóng thử tên lửa tầm xa Dongchang-ri tại Triều Tiên dưới sự giám sát của cộng đồng quốc tế, nếu Mỹ có bước đi phù hợp. Hai nhà lãnh đạo nhất trí loại trừ mọi mối đe dọa chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên và tuyên bố đồng vận động đăng cai Thế vận hội mùa Hè năm 2032.

Về phương diện kinh tế, hai miền Triều Tiên có thể nối lại các tour du lịch tới khu nghỉ dưỡng núi Kumgang và mở lại khu công nghiệp chung Kaesong một khi các điều kiện cho phép. Hai bên cũng sẽ sớm mở cơ sở chung phục vụ các hoạt động đoàn tụ những gia đình ly tán bởi chiến tranh. Hàn Quốc và Triều Tiên đồng ý triển khai sớm chương trình thúc đẩy giao thông đường sắt và đường bộ qua biên giới.

Những cam kết đạt được tại cuộc gặp thượng đỉnh lần này cho thấy sự tin tưởng giữa hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên cũng như là cơ hội quan trọng để tăng cường hơn nữa sự phát triển, tạo nên trang sử mới trong quan hệ liên Triều.

Đàm phán Brexit giữa Anh và EU: Cần sự nhượng bộ

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: TTXVN

Sau hai ngày nhóm họp (ngày 19 và 20-9), các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) đã kết thúc Hội nghị thượng đỉnh không chính thức tại thành phố Salzburg (Áo). Một trong những mục tiêu của Hội nghị này là nhằm thiết lập các cuộc đàm phán sau cùng cho một thỏa thuận về việc Anh rời khỏi EU (Brexit). Tuy nhiên, Hội nghị cho thấy những bất đồng giữa Anh và EU. Vì vậy, khả năng Anh và EU đạt được thỏa thuận Brexit cũng trở nên không rõ ràng.

Diễn ra vào thời điểm quyết định, Hội nghị không chính thức của EU lần này chính là dịp để Thủ tướng Anh T. May đối thoại trực tiếp với các nhà lãnh đạo của 27 nước thành viên EU liên quan đến vấn đề Brexit, thay vì phải đàm phán thông qua trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU là M. Barnier. Chính vì vậy, Thủ tướng T. May đã hy vọng điều này sẽ mang lại tiến triển cho cuộc đàm phán giữa hai bên.

Ngay trước khi cuộc họp diễn ra, Thủ tướng T. May cho rằng, Anh và EU đang tiến gần đến việc nhất trí một thỏa thuận về Brexit, nền tảng cần thiết xây dựng một mối quan hệ đối tác gần gũi. Các quan chức Anh cũng cho rằng, hội nghị tại Áo lần này sẽ là thời điểm, dấu ngoặt quyết định với tiến trình Brexit. Song trên thực tế, các nhà lãnh đạo EU dường như “dội gáo nước lạnh” với tuyên bố của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker rằng, thỏa thuận Brexit vẫn còn “xa vời”. Các nhà lãnh đạo EU đã đồng loạt gây sức ép, yêu cầu Anh phải điều chỉnh kế hoạch Brexit. Một số vấn đề EU không sẵn sàng thỏa hiệp, như 4 nguyên tắc tự do căn bản của thị trường chung châu Âu hay vấn đề biên giới Ireland. Do đó, EU cần những bảo đảm chính xác, rõ ràng và mạnh mẽ từ London và bày tỏ hy vọng hai bên có thể gặp nhau trong tư thế sẵn sàng hơn tại cuộc gặp thượng đỉnh EU vào ngày 18-10 tới.

Do chưa nhất trí với kế hoạch của Anh nên kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí tổ chức một hội nghị đặc biệt vào tháng 11-2018 tới để hoàn tất thỏa thuận về Brexit. Trong bối cảnh thời điểm Anh rời EU vào tháng 3-2019, các nhà phân tích cho rằng, nếu không thể đạt được thỏa thuận Brexit cuối cùng thì cả Anh lẫn EU đều sẽ phải chịu những tác động tiêu cực.

Đơn cử, việc không đạt được thỏa thuận Brexit sẽ khiến cả Anh và EU bị mất rất nhiều việc làm. Một nghiên cứu mới đây cho biết, hơn một triệu việc làm tại châu Âu sẽ bị mất và quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất trong EU là Cộng hòa Ireland do nước này có những mối liên quan địa lý và lịch sử đặc biệt với Anh. Ước tính Cộng hòa Ireland có thể mất tới 4% GDP khi Anh và EU không đạt được thỏa thuận Brexit.

Hơn nữa, Anh còn là một thành viên của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) và là Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, do vậy, Anh cũng là một đối tác quan trọng của EU trên cả phương diện kinh tế và chiến lược. Trong bối cảnh địa chính trị hiện nay, EU quan tâm không chỉ việc đẩy mạnh vị thế của khối trên thế giới mà cả việc hợp tác với Anh như là một “đối tác gần gũi”. Hơn nữa, Anh vẫn luôn là một đối tác quan trọng của EU trong các hoạt động chia sẻ thông tin tình báo và an ninh. Trước tình hình thế giới và châu Âu hiện nay, EU rất cần hợp tác với Anh trên lĩnh vực an ninh quân sự để đối phó những mối đe dọa như khủng bố, khủng hoảng nhập cư từ châu Phi và Trung Đông. Trước thực tế đó, các chuyên gia phân tích cho rằng, Anh và EU cần sự nhượng bộ để hướng tới giải pháp thỏa hiệp nhằm đạt được một thỏa thuận Brexit.

Đàm phán sửa đổi NAFTA giữa Mỹ và Canada: Còn nhiều chông gai

Ngoại trưởng Canada C. Freeland. Ảnh: AFP

Mỹ và Canada kết thúc cuộc đàm phán cấp cao lần thứ 4 về thỏa thuận sửa đổi Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) tại thủ đô Washington (Mỹ) trong hai ngày 19 và 20-9. Tuy nhiên, hai bên vẫn chưa thể thu hẹp được bất đồng trong nhiều lĩnh vực.

Những cuộc đàm phán giữa Mỹ và Canada diễn ra trong bối cảnh Mỹ đã đạt được một thỏa thuận sơ bộ với Mexico hồi tháng 8-2018 vừa qua. Do đó, sức ép đối với Canada về việc phải đạt được thỏa thuận với Mỹ ngày càng gia tăng. Hiện nay, chính quyền của Tổng thống D. Trump chủ trương đạt thỏa thuận sửa đổi NAFTA với Canada vào cuối tháng 9 tới, một phần là để kịp trình văn kiện này thông qua tại Quốc hội Mỹ trước khi chính quyền mới tại Mexico nhậm chức vào đầu tháng 12-2018. Tuy nhiên, Ngoại trưởng C. Freeland vẫn nhấn mạnh mục tiêu của Canada là đạt được một thỏa thuận tốt cho người dân Canada và Canada không cảm thấy áp lực trong vấn đề thời gian.

Kết thúc vòng đàm phán, Đại diện Thương mại Mỹ R. Lighthizer và Ngoại trưởng Canada C. Freeland đều đánh giá cuộc đối thoại giữa hai bên đã diễn ra “không ngừng nghỉ” và mang tính “xây dựng”, xoay quanh nhiều vấn đề gai góc. Tuy nhiên hai nước vẫn bất đồng trong nhiều vấn đề then chốt và một số điều khoản của NAFTA đặc biệt liên quan đến ngành chế biến sữa, văn hóa - giải trí. Ngoại trưởng Canada C. Freeland bày tỏ mong muốn phía Mỹ thể hiện lập trường linh hoạt để các nước sớm đạt thỏa thuận sửa đổi NAFTA vào trước thời điểm cuối tháng 9 tới. Bà C. Freeland khẳng định, chính quyền Canada quan tâm đến một thỏa thuận tốt đẹp cho Canada và hy vọng thấy được một số thay đổi nhất định từ phía Mỹ để đạt được thỏa thuận. Tuy nhiên, phía Canada vẫn tin tưởng khả năng cuộc thương lượng sửa đổi NAFTA sẽ đạt được kết quả với sự nỗ lực nhiều hơn từ các bên.

Trước những khó khăn trong đàm phán, trước đó, Thủ tướng Canada J. Trudeau nhiều lần khẳng định một “NAFTA xấu còn tệ hơn không có NAFTA”, bởi vậy Ottawa sẽ theo đuổi một “NAFTA sửa đổi cùng thắng” cho tất cả các bên. Đại diện Bộ Ngoại giao Canada cũng đã khẳng định nước này sẽ chỉ ký một thỏa thuận NAFTA mới nếu có lợi cho quốc gia và cho tầng lớp trung lưu. Về phía Mỹ, Tổng thống D. Trump vẫn khẳng định ưu tiên trước mắt là để Canada có cơ hội “trở lại”. Tổng thống D. Trump cho biết sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán sau khi đánh giá liệu thỏa thuận với Mexico hồi tháng 8-2018 có khả thi hay không, Mỹ có thể tiến hành một thỏa thuận riêng với Canada hoặc đưa vào cùng thỏa thuận với Mexico. Nhưng để gây áp lực trên bàn đàm phán với phía Canada, Tổng thống D. Trump thời gian qua vẫn liên tục đe dọa sẽ áp thuế nhập khẩu ô tô đối với Canada.

Các nhà phân tích cho rằng, Canada đang đứng trước áp lực rất lớn bởi nếu không đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ, nền kinh tế Canada sẽ bị thiệt hại nặng nề. Hiện khoảng 20% thu nhập quốc gia của Canada đến từ việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ sang thị trường Mỹ, và Mỹ là điểm đến của gần 76% tổng kim ngạch xuất khẩu hằng năm của Canada. Trong khi đó, nếu so với Canada hay Mexico, nền kinh tế Mỹ lại ít bị phụ thuộc trực tiếp hơn vào hoạt động ngoại thương.

Việc Mỹ và Canada vẫn bất đồng trong nhiều vấn đề then chốt tại cuộc đàm phán cấp cao lần thứ 4 về NAFTA sửa đổi lần này cho thấy, tiến trình đàm phán song phương này còn nhiều chông gai. Đến nay vẫn chưa có dấu hiệu rõ ràng hai nước sẽ đạt dược thỏa thuận trước ngày 30-11 tới, thời điểm mà chính quyền Washington thông báo lên Quốc hội nước này rằng sẽ ký hiệp định mới với Mexico, thay thế cho NAFTA./.

Minh Châu (tổng hợp)

Nguồn Tạp chí cộng sản: http://www.tapchicongsan.org.vn/home/the-gioi-van-de-su-kien/2018/52438/nhung-su-kien-quoc-te-dang-chu-y-trong-tuan-tu-ngay.aspx