Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 14 đến 20-01-2019)

Hội nghị thường niên lần thứ 27 Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF-27) tổ chức tại Siem Reap (Campuchia) từ ngày 14 đến 16-01, đã kết thúc tốt đẹp với việc thông qua 14 Nghị quyết và Thông cáo chung Siem Reap 2019.

APPF-27: Hướng tới mục tiêu bảo đảm hòa bình, an ninh và phát triển bền vững

Quang cảnh Hội nghị APPF-27. Ảnh: quochoi.vn

Với chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác nghị viện vì hòa bình, an ninh và phát triển bền vững”, trong ba ngày làm việc, các đại biểu đại diện cho các nghị viện các nước châu Á - Thái Bình Dương tập trung thảo luận các vấn đề mang tính thời sự của khu vực và thế giới.

Phiên họp Nữ nghị sĩ APPF bàn về tăng cường đối tác khu vực châu Á - Thái Bình Dương; bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái vì hòa bình và phát triển bền vững; bảo đảm bình đẳng nam, nữ tiếp cận giáo dục, đào tạo kỹ thuật và công nghệ thông tin vì hòa bình bền vững và đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs); thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trong việc ra quyết định ở tất cả các cấp.

Trong Phiên thảo luận về các vấn đề chính trị và an ninh, các đại biểu tập trung thảo luận về xây dựng lòng tin vì hòa bình, an ninh và phát triển bền vững trong khu vực; chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia trong khu vực; tăng cường hợp tác nghị viện nhằm thúc đẩy việc sử dụng có trách nhiệm không gian mạng vì tiến bộ xã hội.

Đối với các vấn đề kinh tế và thương mại, các đại biểu đưa ra những biện pháp nhằm tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên, xây dựng thể chế vững mạnh, thúc đẩy thương mại và tăng trưởng bao trùm; thúc đẩy tiếp cận tài chính và đào tạo nghề cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vì việc làm và hòa bình; tăng cường kết nối khu vực châu Á - Thái Bình Dương thông qua thương mại điện tử.

Hội nghị kết thúc thành công tốt đẹp, các đoàn đại biểu đã đề ra những ý tưởng thực chất và tầm nhìn dài hạn cho một chiến lược quan trọng nhằm xây dựng một khu vực châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, hài hòa và phát triển bền vững. Chủ tịch APPF-27 Heng Samrin kết luận, hòa bình khu vực và toàn cầu là không thể thiếu đối với việc phát triển của mỗi quốc gia. Chủ đề này là nền tảng cho các cuộc thảo luận và được các trưởng đoàn hiện thực hóa thành các nghị quyết và thông cáo chung để giải quyết các thách thức khu vực và toàn cầu. Chủ tịch Heng Samrin nhấn mạnh, các nghị quyết được thông qua nhằm giải quyết các vấn đề chính của khu vực như duy trì hòa bình, tập trung các nguồn lực hướng vào phụ nữ và trẻ em gái, chống khủng bố và tội phạm mạng, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, tôn trọng nhân quyền, nâng cao giá trị bản sắc văn hóa - du lịch và đặc biệt là mở rộng hợp tác thương mại tự do và đầu tư trong khu vực. Kết thúc Hội nghị, đại diện trưởng đoàn các nước đã ký Thông cáo chung và đồng thuận trao quyền Chủ tịch luân phiên APPF-28 cho Quốc hội Australia.

Nhiều quan ngại xung quanh vấn đề Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung

Hệ thống tên lửa đạn đạo Iskander tại Diễn đàn Kỹ thuật quân sự quốc tế Army 2015 ở Kubinka, ngoại ô Moscow, Nga ngày 17-6-2015. Ảnh: REUTERS/ TTXVN

Kể từ nhiều tháng qua, Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) luôn là chủ đề “nóng” được dư luận thế giới quan tâm sau khi Mỹ tuyên bố ý định rút khỏi hiệp ước này. Trong bối cảnh cuộc tham vấn về INF giữa các quan chức Nga và Mỹ vừa diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ) bị đổ vỡ, Mỹ đi đến quyết định khởi động tiến trình rút khỏi INF vào ngày 02-02-2019 và Hiệp ước INF sẽ hết hiệu lực sau 6 tháng tính từ ngày 02-02. Diễn biến này không chỉ khiến quan hệ Nga - Mỹ tiếp tục trượt dốc mà còn có nguy cơ đẩy thế giới vào bất ổn khó lường về an ninh.

Quyết định trên của Mỹ được đưa trong bối cảnh trước đó một ngày, cuộc đàm phán cấp Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ và Nga về INF thất bại khi hai bên liên tục chỉ trích lẫn nhau. Thứ trưởng Ngoại giao Nga S. Ryabkov cho biết, hai bên đã không thể nhất trí về bất kỳ vấn đề nào và Washington dường như không có ý định tiến hành thêm các cuộc đàm phán. Trong khi đó, phía Mỹ cho rằng, Nga vẫn tiếp tục “vi phạm đáng kể” INF khi trước đó Mỹ cáo buộc Nga phát triển hệ thống tên lửa 9M729, mà phương Tây gọi là SSC-8, được cho là hệ thống cải tiến từ các tên lửa hành trình Kalibr, có thể gắn đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân và có tầm bắn tới 2.600 km.

Phản ứng lại quyết định khởi động tiến trình rút khỏi INF của Mỹ, Ngoại trưởng Nga S. Lavrov tuyên bố, Nga sẵn sàng cứu vãn INF, song Mỹ đã không cân nhắc nghiêm túc những đề xuất của Moscow và ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang mới với châu Âu. Ông S. Lavrov cho rằng, các cuộc tham vấn tại Geneva về INF cho thấy, Mỹ có xu hướng phá hoại các công cụ ổn định chiến lược. Tất cả điều này làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lòng tin lẫn nhau.

Lâu nay thế giới đều biết đến Nga và Mỹ là hai cường quốc hạt nhân, đều chịu trách nhiệm chính trong việc duy trì sự ổn định toàn cầu. Bất kỳ bước đi thiếu cân nhắc nào của hai nước cũng có thể gây ra những hậu quả khó kiểm soát đối với hòa bình thế giới. Việc Mỹ và Nga thất bại trong cuộc đàm phán về INF tại Geneva khiến giới quan sát quan ngại cơ hội để Nga và Mỹ ngồi lại với nhau tiếp tục trao đổi về INF là rất mong manh vì những khác biệt trong quan điểm giữa hai bên quá lớn. Việc phá bỏ một thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân không chỉ gây nguy hiểm cho toàn bộ hệ thống ổn định chiến lược toàn cầu, mà còn có thể đẩy các bên quay trở lại một cuộc chạy đua vũ trang và thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Đặc biệt, bước đi của Mỹ có thể hủy hoại mọi cơ hội gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START-3), vốn sẽ hết hạn vào năm 2021. Đây là “kịch bản” gây nhiều lo ngại bởi nếu không có một quyết định tích cực về việc gia hạn START mới và nếu INF đổ vỡ thì sẽ không có giới hạn pháp lý ràng buộc nào đối với hai siêu cường hạt nhân lớn nhất thế giới này và rủi ro cạnh tranh hạt nhân Mỹ - Nga sẽ tăng lên.

Tiến trình Brexit tiếp tục diễn biến phức tạp

Thủ tướng Anh T. May trong phiên họp của Hạ viện ở London ngày 14-01. Ảnh: AFP/TTXVN

Cho dù thất bại nặng nề trong cuộc bỏ phiếu về thỏa thuận Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit tại Quốc hội Anh, song Chính phủ của Thủ tướng Anh T. May vẫn vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội nước này ngày 16-01. Việc vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm sẽ dọn đường để nhà lãnh đạo Anh nỗ lực thiết lập sự nhất trí của các nghị sĩ về một thỏa thuận Brexit. Tuy nhiên, tiến trình này được đánh giá là không hề dễ dàng với nhiều hệ quả khó lường.

Ngay sau khi vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Hạ viện, Thủ tướng Anh T. May đã khởi động các cuộc gặp gỡ với lãnh đạo các đảng phái chính trị khác nhau của Anh nhằm thúc đẩy việc thỏa thuận Brexit sẽ được các nghị sĩ thông qua trong lần trình tới. Thủ tướng T. May mời lãnh đạo của tất cả các đảng chính trị tham dự các cuộc họp riêng, trao đổi về con đường Brexit sắp tới của nước Anh. Tham dự các cuộc họp tối 16-01 là những nghị sĩ của Công đảng, đảng Dân chủ Tự do, đảng Dân tộc Scotland (SNP), đảng Plaid Cymru của xứ Wales. Tuy nhiên, bà bày tỏ thất vọng khi lãnh đạo Công đảng đối lập J. Corbyn không tham gia đối thoại về cách tiếp cận mới đối với Brexit, đồng thời nêu rõ cánh cửa đối thoại vẫn mở đối với đảng đối lập này.

Brexit, một tiến trình chuyển đổi kinh tế và chính trị lớn nhất tại Anh kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai, đã không ít lần đẩy chính trường Anh vào khủng hoảng sau cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 24-6-2016 với kết quả bất ngờ khi cử tri Anh lựa chọn rời khỏi mái nhà chung EU. Tiếp đó, sau hơn 2 năm đàm phán căng thẳng, ngày 25-11-2018, các nước EU và Anh đã ký thỏa thuận lịch sử dài gần 600 trang để nước Anh rút khỏi EU với các điều kiện chi tiết. Dù đã được chính phủ Anh và các nước EU thông qua, song thỏa thuận sơ bộ này lại phải chật vật tìm kiếm sự ủng hộ trong nước để vượt qua cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Anh.

Thực tế cho thấy, nội bộ nước Anh đang chia rẽ về kế hoạch Brexit, trong khi đa số người dân ủng hộ việc rời liên minh trong cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 6-2016, nhưng đến nay, nhiều người bắt đầu lung lay quan điểm và hoài nghi về tương lai của Anh sau khi rời EU. Trong khi những người ủng hộ Brexit cho rằng, các đảng tại Anh nên tiếp tục thương lượng để có một thỏa thuận rời EU suôn sẻ thì không ít ý kiến ủng hộ việc tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai.

Về phía chính phủ Anh, sau khi Thủ tướng T. May vượt qua được cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội hiện vẫn chưa rõ liệu vấn đề được đề cập nhiều nhất hiện nay là Thủ tướng T. May sẽ yêu cầu EU lùi thời điểm Anh rời EU vào ngày 29-3 sang tháng 7-2019 để có thêm thời gian thuyết phục trong nước có được thực hiện hay không. Mặc dù giới chức EU khẳng định sẵn sàng chuẩn bị cuộc họp khẩn cấp nếu nhận được đề nghị của Thủ tướng T. May và đang xem xét các kế hoạch trì hoãn Brexit cho đến năm 2020. Song với một số quan điểm cho rằng, thời hạn kéo dài không thể vượt quá thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) dự kiến được tổ chức vào tháng 5 tới, với lý do một Brexit “cứng” sẽ trở thành thảm họa đối với tất cả các bên, xem ra đề xuất này cũng khó khả thi.

Vấn đề người Kurd ở Syria: Trở ngại cho quan hệ đồng minh Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ

Quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ thêm căng thẳng trong vấn đề người Kurd ở Syria. Ảnh: vov.vn

Tổng thống Mỹ D. Trump vừa đưa ra cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ về những thiệt hại kinh tế nếu nước này tấn công các lực lượng người Kurd - đồng minh của Mỹ sau khi quân đội Mỹ rút khỏi Syria, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định tiếp tục cuộc chiến chống lực lượng người Kurd ở Syria. Động thái này khiến quan hệ giữa hai đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vốn đã căng thẳng trong vấn đề người Kurd ở Syria càng trở nên khó tháo gỡ.

Kể từ khi cuộc nội chiến Syria nổ ra năm 2011, người Kurd ở Syria thành lập thể chế riêng trong các khu vực do họ kiểm soát. Trên thực tế, người Kurd ở Syria phần lớn đứng ngoài cuộc nội chiến. Họ tự chủ trong một vùng rộng lớn ở phía Bắc và Đông Bắc Syria, trong đó có phần lãnh thổ dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Sau thắng lợi của cuộc chiến chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các phần tử nổi dậy, hiện Damascus đang kiểm soát 2/3 lãnh thổ Syria, đồng thời tuyên bố sẽ đưa vùng Đông Bắc về dưới quyền kiểm soát của chính phủ. Cuộc chiến chống IS cũng cho phép Các Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do lực lượng người Kurd làm nòng cốt, vốn được Mỹ ủng hộ mở rộng lãnh thổ tới Raqqa - thành phố ở thung lũng Euphrates cũng như các mỏ dầu lớn tại tỉnh Deir Ezzor ở phía Đông.

Trong bối cảnh đó, quyết định rút quân đột ngột của đồng minh Mỹ khỏi Syria ngày 19-12 khiến tương lai chính trị của lực lượng người Kurd bị để ngỏ. Các chuyên gia nhận định, việc Mỹ rút quân khỏi Syria khiến lực lượng người Kurd bị đặt giữa hai mặt trận, đó là nguy cơ bị nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ tấn công hoặc thúc đẩy đàm phán với chính phủ Syria của Tổng thống Bashar al-Assad với hy vọng có được sự hợp tác tích cực, tránh khỏi nguy cơ bị Thổ Nhĩ Kỳ tấn công. Thổ Nhĩ Kỳ vốn coi nhóm vũ trang Các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG), lực lượng mà Mỹ hậu thuẫn trong cuộc chiến chống IS tại Syria, là một nhóm khủng bố và là một phần của đảng Công nhân người Kurd (PKK) mà chính quyền Ankara đặt ngoài vòng pháp luật. Do vậy, quan hệ giữa hai đồng minh trong NATO đã trở nên lạnh nhạt. Cho đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố không thỏa hiệp với Mỹ về vấn đề liên quan YPG.

Căng thẳng giữa hai đồng minh NATO bùng lên sau khi ngày 07-01 vừa qua Tổng thống D. Trump rút lại cam kết rút quân nhanh khỏi Syria và tuyên bố cuộc chiến chống IS vẫn chưa kết thúc, tiến trình Mỹ rút quân khỏi Syria sẽ được thực hiện một cách “thận trọng”, đồng thời tìm cách bảo vệ lực lượng YPG. Ngay lập tức, giới chức Ankara đã bác bỏ cam kết với Mỹ về việc bảo vệ lực lượng dân quân người Kurd ở Syria. Thậm chí Thổ Nhĩ Kỳ còn hối thúc Mỹ thu hồi toàn bộ vũ khí mà Washington đã trang bị cho lực lượng người Kurd ở Syria trong cuộc chiến chống IS.

Trước những căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ xung quanh vấn đề người Kurd ở Syria, các chuyên gia phân tích nhận định, hai nước khó có thể tìm được tiếng nói chung khiến tương lai của người Kurd sau khi Mỹ rút quân khỏi Syria vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Đối thoại toàn quốc: Nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng “Áo vàng” của Chính phủ Pháp

Tổng thống Pháp E. Macron trong cuộc gặp hơn 600 Thị trưởng vùng Normandie tại thành phố Grand Bourgtheroulde, tỉnh Eure ngày 15-01. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Pháp E. Macron vừa khởi động cuộc đối thoại quốc gia đầu tiên trong lịch sử nền Cộng hòa Pháp trong bối cảnh nước Pháp đang rơi vào khủng hoảng với những cuộc biểu tình lớn đi liền với bạo lực do phong trào “Áo vàng” tổ chức. Đây được coi là nỗ lực của chính phủ Pháp nhằm chấm dứt khủng hoảng do những rạn nứt lớn đang gây chia rẽ đất nước.

Phát biểu trước hơn 600 thị trưởng vùng Normandie tại thành phố Grand Bourgtheroulde (tỉnh Eure, miền Bắc nước Pháp) chiều 15-01, Tổng thống Pháp E. Macron khẳng định sự cần thiết phải phản đối bạo lực, cũng như phải phản đối sự mị dân. Ông E. Macron đã chỉ rõ 4 “rạn nứt” lớn ông phải đối mặt trong nhiệm kỳ 5 năm của mình, đó là sự rạn nứt liên quan đến các vấn đề xã hội, lãnh thổ, kinh tế và dân chủ.

Trong khuôn khổ cuộc đối thoại toàn quốc, Tổng thống E. Macron đưa ra 35 câu hỏi mà ông cho rằng có câu trả lời chắc chắn. Tổng thống E. Macron đặt nhiều hy vọng vào cuộc đối thoại toàn quốc này, cùng những bài học kinh nghiệm mà ông sẽ rút ra từ đó.

Trước đó, ngày 14-01, Thủ tướng Pháp E. Philippe đã công bố các phương thức thực hiện cuộc đối thoại quốc gia, được tổ chức tại các tòa thị chính địa phương. Bốn chủ đề thảo luận chính bao gồm thuế và chi tiêu công, tổ chức nhà nước và cơ quan công quyền, chuyển đổi sinh thái, nền dân chủ và quyền công dân.

Tối 13-01, Tổng thống E. Macron đã gửi cho toàn thể nhân dân Pháp một bức thư để khởi động một cuộc đối thoại toàn quốc. Trong bức thư, Tổng thống E. Macron khẳng định, cuộc đối thoại toàn quốc sẽ kéo dài đến ngày 15-3 và sẽ “không phải là một cuộc bầu cử hay một cuộc trưng cầu ý dân”. Theo ông, các đề xuất của người dân “sẽ giúp xây dựng một giao ước mới cho đất nước, cấu trúc lại hoạt động của chính phủ và quốc hội, cũng như định hình lại vai trò của nước Pháp tại châu Âu và trên trường quốc tế”. Tổng thống hứa sẽ thông báo kết quả trực tiếp tới người dân ngay sau khi kết thúc cuộc thảo luận.

Cuộc đối thoại toàn quốc mới chỉ bắt đầu và sau đó là chính quyền của Tổng thống Pháp sẽ phải xem xét các đề xuất từ cuộc đối thoại và thực hiện những đề xuất này. Và điều dường như Tổng thống sẽ phải điều chỉnh định hướng chính sách trong ba năm còn lại của nhiệm kỳ. Tuy nhiên, cuộc đối thoại kéo dài 2 tháng thất bại, Tổng thống Pháp sẽ gặp không ít “rắc rối” trong cuộc bầu cử EP tới, khả năng lực lượng dân túy, cực hữu của bà Marine Le Pen, đối thủ đã thất bại trước Tổng thống E. Macron trong cuộc đua tới Điện Élyseé năm 2017 sẽ giành phần thắng.

Chính vì vậy, thành công của cuộc đối thoại quốc gia nằm ở khả năng chấp nhận các đề xuất mà người Pháp trao cho chính quyền. Đến nay, Tổng thống E. Macron vẫn tránh đề cập ý tưởng tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về các vấn đề người dân gửi lên. Trong lịch sử nước Pháp hiện đại, không ít lần lấy ý kiến như vậy đã kéo theo sự sụp đổ của chính quyền. Với Tổng thống E. Macron, đây là một vấn đề nhiều rủi ro, nhưng là cuộc chơi mà ông không thể tránh.

Có thể thấy, cuộc đối thoại toàn quốc dù là nỗ lực của chính quyền Pháp nhằm tìm một lối thoát tạm thời cho khủng hoảng “Áo vàng” hay quyết tâm điều chỉnh định hướng chính trị thì kết quả của cuộc đối thoại này không chỉ quyết định đến sự thành bại đối với nhiệm kỳ của Tổng thống E. Macron, mà còn ảnh hưởng lớn tới tương lai nước Pháp./.

Minh Duy (tổng hợp)

Nguồn Tạp chí cộng sản: http://www.tapchicongsan.org.vn/home/the-gioi-van-de-su-kien/2019/53914/nhung-su-kien-quoc-te-dang-chu-y-trong-tuan-tu-ngay.aspx