Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 13 đến 19-8-2018)

TCCSĐT - Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) đã chiến thắng tuyệt đối trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa VI khi giành trọn 125 ghế. Đây là lần đầu tiên CPP giành được toàn bộ số ghế tại Quốc hội kể từ cuộc bầu cử Quốc hội do Liên hợp quốc bảo trợ năm 1993, mở ra cơ hội mới cho CPP tự quyết định các quyết sách lớn của đất nước trong nhiệm kỳ 5 năm tới.

Đảng Nhân dân Campuchia tự tin vào sự phát triển mới

Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen trong chiến dịch vận động tranh cử tại Phnom Penh. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 15-8, Ủy ban Bầu cử quốc gia Campuchia (NEC) chính thức xác nhận đảng CPP giành chiến thắng tuyệt đối trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa VI được tổ chức vào ngày 29-7 vừa qua. Chiến thắng tuyệt đối của CPP trong cuộc bầu cử Quốc hội Campuchia khóa VI cho thấy đảng này tiếp tục nhận được sự ủng hộ của đại đa số người dân Campuchia. Các cử tri Campuchia lựa chọn đảng đã đem lại hòa bình và phát triển cho đất nước. Sự lựa chọn của cử tri là hoàn toàn đúng đắn bởi CPP đã có những cống hiến to lớn vào hòa bình và phát triển của Campuchia. Đặc biệt, kể từ năm 1998 đến nay, CPC đã có sự ổn định, có sự hòa giải dân tộc với một chính phủ, một quốc gia dưới sự trị vì của Quốc vương. Điều đó đã mở ra một thời kỳ mới, một kỷ nguyên mới đáng tự hào, giúp Campuchia có thể xây dựng đất nước phát triển cho đến ngày nay.

Giai đoạn từ năm 1998 đến 2003, Chính phủ Hoàng gia Campuchia do CPP lãnh đạo đã đề ra và thực hiện “chiến lược tam giác” gồm tìm kiếm hòa bình cho đất nước; phấn đấu trở thành thành viên có đầy đủ tư cách của Liên hợp quốc; tìm kiếm và xây dựng các cơ sở có đầy đủ khả năng xây dựng và phát triển đất nước. Giai đoạn từ năm 2003, Campuchia đề ra và thực hiện “chiến lược tứ giác” (đề ra 4 nhiệm vụ trọng tâm, thể hiện qua khẩu hiệu: Tăng trưởng, Việc làm, Công bằng và Hiệu quả) và đã thực hiện được ba giai đoạn.

Thời gian qua, uy tín của CPP cũng được củng cố nhờ việc Chính phủ Campuchia thực hiện đường lối đối ngoại đúng đắn, tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế đối với công cuộc duy trì hòa bình và phát triển, trong đó có việc thu hút đầu tư nước ngoài, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của đất nước.

Hơn nữa, trong chiến dịch tranh cử CPP đã tiến hành chiến dịch này một cách bài bản và thuyết phục với cương lĩnh 11 điểm, trong đó nhấn mạnh việc củng cố đoàn kết dân tộc, tuân thủ Hiến pháp, bảo vệ chế độ Quân chủ, đồng thời chú trọng đến việc phát triển kinh tế bền vững. CPP cũng ưu tiên quan tâm đến quyền lợi của mọi thành phần trong xã hội như nông dân, công nhân, viên chức, lực lượng vũ trang, cựu chiến binh, tiểu thương; đề cao vai trò của thanh niên, học sinh, sinh viên, nhất là đào tạo giải quyết việc làm cho nguồn nhân lực này cũng như cung cấp dịch vụ công với chất lượng cao, đưa ra các chính sách an sinh xã hội phù hợp… Cùng với chiến lược tranh cử toàn diện, CPP đã có chiến thuật năng động với những mục tiêu hợp lý.

CPP đã giành chiến thắng tuyệt đối trong cuộc bầu cử Quốc hội Campuchia khóa VI nhờ đường lối lãnh đạo vì hòa bình và phát triển ở Campuchia, đem lại sự phát triển kinh tế ấn tượng và phúc lợi cho người dân và có chiến lược, chiến thuật tranh cử hợp lý. Tuy nhiên, con đường lãnh đạo đất nước Campuchia ở phía trước vẫn còn nhiều thách thức. Những mặt trái vẫn tồn tại trong xã hội Campuchia hiện nay như chênh lệch giàu nghèo, môi trường bị tàn phá, thất nghiệp tăng và tham nhũng,… Do vậy, việc biến cương lĩnh tranh cử thành hiện thực là một nhiệm vụ cấp bách của CPP trong nhiệm kỳ 5 năm tới. Các cử tri Campuchia hy vọng Chính phủ Hoàng gia mới do đảng CPP lãnh đạo sẽ có những biện pháp cụ thể để duy trì và phát huy những thành tựu đã đạt được, đáp ứng sự kỳ vọng của người dân đất nước Chùa Tháp.

Căng thẳng ngoại giao giữa Qatar và Saudi Arabia chưa có dấu hiệu hạ nhiệt

Thánh địa Mecca. Ảnh: indianexpress.com

Ngày 18-8, Qatar vừa cáo buộc Saudi Arabia ngăn cản công dân nước này hành hương tới Thánh địa Mecca trong khi Saudi Arabia đã lên tiếng bác bỏ. Diễn biến mới này khiến căng thẳng ngoại giao giữa hai nước tiếp tục leo thang và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Theo cáo buộc, phía Qatar cho biết, mặc dù 1.200 công dân Qatar có đủ tư cách tham gia lễ hành hương theo một phương thức hạn ngạch, song chính quyền Doha đã không thể nhận được các giấy phép và đổ lỗi do việc Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập đã cắt đứt quan hệ ngoại giao và thương mại với nước này.

Trước cáo buộc trên của Qatar, Saudi Arabia đã lên tiếng bác bỏ, đồng thời khẳng định căng thẳng ngoại giao giữa Qatar và 4 nước vùng Vịnh sẽ không ngăn cản các công dân Qatar tham gia lễ hành hương tới Thánh địa Mecca. Dù vẫn áp đặt các biện pháp trừng phạt với Qatar, Saudi Arabia cũng đã ra thông báo tạo ngoại lệ cho người tham gia lễ hành hương Haji theo một hệ thống hạn ngạch cho phép khoảng 1.200 công dân Qatar tham dự lễ hành hương Haji.

Hành hương về Thánh địa Mecca là một nghĩa vụ tôn giáo mà mỗi tín đồ Hồi giáo phải thực hiện ít nhất 1 lần trong đời. Đây là một trong những nghi lễ tôn giáo lớn nhất thế giới, thu hút hàng triệu tín đồ Hồi giáo từ khắp nơi trên thế giới. Lễ hành hương năm nay bắt đầu từ ngày 19 đến 24-8. Saudi Arabia, vương quốc đang trải qua những cải cách kinh tế và xã hội sâu rộng, đã huy động những nguồn lực lớn để phục vụ đợt hành hương kéo dài 6 ngày này.

Kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Qatar và các quốc gia láng giềng vùng Vịnh, nhiều nỗ lực ngoại giao con thoi được thực hiện nhằm tháo ngòi căng thẳng. Các nước Arab gồm Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập đã ra tuyên bố không công nhận những tiến bộ đạt được trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh. Đến tháng 6-2018, căng thẳng ngoại giao vùng Vịnh giữa Qatar và UAE, Saudi Arabia, Bahrain và Ai Cập đã được đưa ra trước ICJ. Tại ICJ, phía UAE nêu rõ việc nước này cắt đứt quan hệ với Qatar là do Doha “ủng hộ chủ nghĩa khủng bố, can thiệp vào công việc nội bộ của các nước láng giềng và tuyên truyền các thông điệp thù địch”. Trong khi đó, Qatar chỉ trích UAE đã có “các hành động phân biệt đối xử đối với công dân Qatar”.

Với việc Qatar cáo buộc Saudi Arabia lần này trong khi Saudi Arabia lên tiếng bác bỏ, căng thẳng ngoại giao vùng Vịnh kéo dài suốt 14 tháng qua vẫn chưa hề có lối thoát. Theo các nhà phân tích, để có thể thu hẹp bất đồng, các quốc gia Arab và Qatar cần tìm hướng giải quyết thông qua đối thoại, xây dựng lòng tin vững chắc về chính trị và tiến tới nhận thức chung trong các vấn đề khu vực.

Tổng thống Mali I.Keita đối mặt nhiều thách thức sau bầu cử

Tổng thống Mali Ibrahim Boubacar Keita. Ảnh: primanews.org

Tổng thống đương nhiệm Ibrahim Boubacar Keita đã giành chiến thắng trước lãnh đạo phe đối lập là cựu Bộ trưởng Tài chính Soumaila Cisse trong cuộc bầu cử tổng thống vòng hai tại Mali. Với chiến thắng này, ông Keita sẽ tiếp tục nắm quyền lãnh đạo nhiệm kỳ thứ hai tại quốc gia Tây Phi này, song cũng tiếp tục phải đối mặt với không ít thách thức.

Cuộc bầu cử tổng thống lần này tại Mali diễn ra trong bối cảnh tình trạng bạo lực do phần tử thánh chiến và các vụ xung đột sắc tộc đang ngày càng leo thang tại Sahel trong những năm gần đây.

Khu vực sa mạc ở miền Bắc Mali rơi vào kiểm soát của lực lượng Hồi giáo cực đoan có liên kết với mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda từ đầu năm 2012. Các nhóm vũ trang có quan hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda và Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cũng đã lợi dụng miền Trung và miền Bắc Mali như một bàn đạp để tiến hành các cuộc tấn công trên khắp khu vực này. Tuy nhiên, các nhóm này đã bị lực lượng quân đội do Pháp chỉ huy đánh bật kể từ khi quân đội Pháp và Phái bộ gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc (MINUSMA) triển khai nhiệm vụ tháng 01-2013. Mặc dù vậy, hiện vẫn còn nhiều vùng ở Mali trong tình trạng bất ổn, nằm ngoài tầm kiểm soát của lực lượng quân đội Mali, Pháp và Liên hợp quốc. Trong khi đó, các vụ xung đột sắc tộc tại Mali cũng rất phức tạp. Cuộc chiến chống khủng bố và lập lại trật tự an ninh tại Mali đòi hỏi việc gia tăng sức mạnh và hiệu quả của lực lượng vũ trang và an ninh, do đó, chính phủ cần tăng cường việc thực hiện Đạo luật Định hướng và Lập trình quân sự, Luật Hướng dẫn và Lập trình An toàn.

Bên cạnh cuộc chiến chống khủng bố, tình trạng mất an ninh, Mali cũng phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế. Mặc dù triển vọng kinh tế vĩ mô về trung hạn của Mali khá tốt và theo báo cáo của Tổ chức OECD, tăng trưởng kinh tế Mali đạt 5,4%, tỷ lệ lạm phát là 0,9% trong năm 2017, nhưng các chuyên gia kinh tế cũng dự báo thâm hụt ngân sách của Mali sẽ trầm trọng thêm do giảm sản xuất vàng và trao đổi thương mại. Về các mặt hàng nhập khẩu, Mali cũng phải nhập khẩu hoàn toàn các mặt hàng như dầu lửa, vật liệu xây dựng, máy móc thiết bị, thực phẩm, dệt may… chủ yếu từ các nước Pháp, Senegal, Bờ Biển Ngà, Trung Quốc… Nhìn chung, nền kinh tế Mali vẫn chủ yếu dựa vào nông nghiệp và chăn nuôi, tới 80% dân số trong lĩnh vực này. Trong khi đó, triển vọng phát triển kinh tế có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các nguy cơ dai dẳng như tình hình bất ổn chính trị, bất ổn an ninh, khủng bố và bạo lực sắc tộc. Ngoài ra hệ thống y tế của Mali còn lạc hậu, thiếu các trang thiết bị cơ bản. Tình trạng khan hiếm nước sạch, khô hạn cũng thường xuyên diễn ra.

Hàng loạt các vấn đề trên sẽ là những thách thức mà chính phủ của Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita phải đối mặt trong nhiệm kỳ tới cũng như phải đưa ra những biện pháp để giải quyết những thách thức này nhằm mang đến hòa bình, ổn định cho đất nước Mali.

Lợi ích thiết thực khi Nga - Thổ Nhĩ Kỳ thúc đẩy hợp tác

Ngoại trưởng Nga S. Lavrov và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ M. Cavusoglu. Ảnh: Getty Images

Nhằm thúc đẩy hợp tác, trong hai ngày 13 và 14-8, Ngoại trưởng Nga S. Lavrov đã thực hiện chuyến thăm tới Thổ Nhĩ Kỳ. Trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao giữa Mỹ với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ leo thang liên quan đến các biện pháp trừng phạt của Mỹ với cả hai nước, chuyến thăm càng cho thấy sự xích lại gần nhau giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tại cuộc hội đàm ở thủ đô Ankara, Ngoại trưởng Nga S. Lavrov và người đồng cấp nước chủ nhà M. Cavusoglu đã thảo luận về các vấn đề hợp tác song phương, các dự án hợp tác kinh tế, các biện pháp trừng phạt của Mỹ, trong đó có các lệnh trừng phạt mới nhất nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ và lệnh trừng phạt mới đối với Nga liên quan đến vụ Skripal, vấn đề Syria và cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Ngoại trưởng S. Lavrov cho rằng, tất cả đang ở vào thời điểm bước ngoặt khi chuyển giao từ trật tự thế giới lưỡng cực sang đa cực, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng một cách tiếp cận hợp lý sẽ phổ biến trong quan hệ quốc tế và các nước sẽ quay lại đối thoại. Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga nhấn mạnh Moscow đánh giá cao việc Ankara từ chối tham gia các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga. Về phần mình, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ M. Cavusoglu tuyên bố Ankara không bao giờ ủng hộ các biện pháp trừng phạt của Mỹ chống Nga và cũng không có ý định ủng hộ hành động tương tự của Washington đối với Iran.

Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo Washington “cần phải từ bỏ lập trường sai lầm về những biện pháp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ”, nếu không mối quan hệ giữa Ankara và Washington sẽ không thể tiến lên phía trước.

Chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Ngoại trưởng Nga S. Lavrov diễn ra trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao giữa Mỹ với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ leo thang liên quan đến các biện pháp trừng phạt của Mỹ với cả hai nước. Thực tế cho thấy, Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu vị trí nối liền hai châu lục Á - Âu. Thổ Nhĩ Kỳ còn là nơi đặt một căn cứ không quân quan trọng của Mỹ ở Incirlik và là cửa ngõ ra Biển Đen cho các tàu chiến Mỹ. Trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đến các lệnh trừng phạt của Washington gây tác động đến nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, thì ngoài việc cảnh báo rằng mối quan hệ liên minh Mỹ - Thổ hàng thập niên đang bị đe dọa, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan còn cho biết, nước này “có thể bắt đầu tìm kiếm bạn bè và đồng minh mới” và Nga là sự lựa chọn đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vốn rơi vào khủng hoảng sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một chiếc máy bay chiến đấu phản lực của Nga năm 2015 ở gần biên giới Syria đã được cải thiện. Năm 2017, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý dỡ bỏ gần như hoàn toàn các trừng phạt thương mại được áp đặt sau căng thẳng này. Hai bên cũng đã tập trung vào vấn đề hợp tác kinh tế và thương mại.

Như vậy, có thể thấy, mối quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ là tương đối đặc biệt, chỉ trong khoảng thời gian không dài nhưng đã trải qua nhiều thăng trầm, thậm chí có lúc tưởng như “đứng trước bờ vực”. Nhưng đến thời điểm này, hai nước không những bình thường hóa quan hệ, mà còn đưa mối quan hệ đó lên tầm cao mới, nhất là trong phối hợp lập trường trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Ngoại trưởng S. Lavrov được xem như một cú hích quan trọng giúp Moscow và Ankara siết chặt quan hệ hơn nữa. Việc Nga và Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần nhau không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai nước, mà còn góp phần quan trọng vào việc đảm bảo hòa bình, an ninh và thịnh vượng cho khu vực.

Mỹ tăng cường sức mạnh quân sự

Tổng thống Mỹ D. Trump đã ký ban hành Đạo luật Chi tiêu Quốc phòng (NDAA) tài khóa 2019. Ảnh: Military.com

Sau khi Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Chi tiêu Quốc phòng (NDAA) tài khóa 2019, Tổng thống Mỹ D. Trump đã ký ban hành dự luật này ngày 13-8. Đây là mức chi tiêu quốc phòng kỷ lục của Mỹ, đồng thời được xem là nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự cho nước này.

Theo các nguồn tin, NDAA sẽ tăng quyền hạn của Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS), nơi xem xét các khoản đầu tư nước ngoài được đề xuất và đánh giá các khoản đầu tư đó có đặt ra các lo ngại về an ninh quốc gia hay không. Luật mới cũng quy định sự kiểm soát của quốc hội đối với các hợp đồng mà Chính phủ Mỹ ký với các tập đoàn công nghệ ZTE và Huawei của Trung Quốc. Ngoài ra, NDAA cũng cho phép chi tiêu 7,6 tỷ USD cho 77 máy bay chiến đấu tấn công hỗn hợp F-35 do Công ty Lockheed Martin sản xuất, đồng thời cấm chuyển giao máy bay chiến đấu tiên tiến cho Thổ Nhĩ Kỳ nếu Ankara mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.

Một nội dung khác trong luật NDAA là các biện pháp hạn chế khả năng giảm lực lượng binh sĩ Mỹ đang đồn trú tại Hàn Quốc. Theo đó nêu rõ, khoảng 28.500 binh sĩ Mỹ đang đồn trú tại Hàn Quốc là biểu hiện cam kết của Mỹ đối với quan hệ đồng minh song phương này.

Đạo luật Chi tiêu Quốc phòng là một tài liệu được đưa ra hằng năm đã từ hơn 50 năm qua. Đạo luật này luôn được coi là một phương tiện phản ánh chính sách quốc phòng của Mỹ. Qua bản dự luật chi tiêu quốc phòng tài khóa 2019 có thể thấy, ưu tiên chi tiêu quốc phòng của Mỹ cho năm tới là tái thiết năng lực quân sự, củng cố đồng minh đối tác và cải tổ lề lối hoạt động. Đây có thể coi là những nét chính, những ưu tiên trong gói chi tiêu quốc phòng của Mỹ trong năm tới.

Theo nhận định của các chuyên gia, những ưu tiên này có hàm ý đối với chính sách khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ. Dự luật này cho thấy những ưu tiên chiến lược của Mỹ đối với khu vực thể hiện ở những điểm: Thứ nhất, củng cố sự hiện diện của Mỹ ở khu vực. Dự luật này cho phép nâng cấp hạ tầng, năng lực vận chuyển, xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa. Thứ hai, củng cố mạng lưới đồng minh đối tác bằng những hậu thuẫn quân sự cụ thể, trong đó có tăng cường diễn tập quân sự song phương và đa phương, gia hạn sáng kiến an ninh hàng hải tại Biển Đông, tái khẳng định về vấn đề hạt nhân đối với các đồng minh trong khu vực. Cuối cùng là phát huy sức mạnh quân sự Mỹ nhằm khẳng định vai trò của Washington ở khu vực. Theo đó, Đạo luật Chi tiêu Quốc phòng năm 2019 cũng buộc chính quyền Mỹ phải xây dựng và tích hợp toàn bộ hệ thống chiến lược nhằm đối phó với thách thức từ đối thủ cũng như những điểm nóng an ninh. Rõ ràng, việc Tổng thống D. Trump ký ban hành Đạo luật Chi tiêu Quốc phòng tài khóa 2019 đã cho thấy cách tiếp cận của Mỹ trong việc giải quyết các thách thức an ninh hiện nay./.

Minh Châu (tổng hợp)

Nguồn Tạp chí cộng sản: http://www.tapchicongsan.org.vn/home/the-gioi-van-de-su-kien/2018/51961/nhung-su-kien-quoc-te-dang-chu-y-trong-tuan-tu-ngay.aspx